Chương 1: Cá dẻ lau

Chào mọi người, tôi tên Lam, sinh ra và lớn lên ở Vụ Bản, Nam Định. Hồi tôi còn bé, quê tôi nghèo lắm. Ông nội vượt đất ruộng, xây cho gia đình tôi một cái nhà ra ở riêng.

Nhà xây còn chưa xong, còn chưa có cửa, chưa trát xi măng, tường rào và cái cổng còn chưa làm thì ông nội đã ốm đến không dậy nổi.

Cầm cự được đâu mấy tháng thì ông mất. Lúc đó tôi mới có 5 tuổi, em trai cũng mới sinh được nửa năm. Tôi vẫn chưa hiểu cái gì là tử vong.

Khi ông mất, tôi ngơ ngác nhìn người ta thổi kèn đánh trống, mẹ tôi cùng các bác các thím khóc đến ngất đi bên cái hộp gỗ. Ông tôi hiền lành nên mọi người yêu mến lắm.

Tôi đi theo xe đò đi ra nghĩa địa, ở quê tôi người ta gọi là Đồng Hống.

Tôi thấy bố tôi, bác tôi, chú tôi vừa đào hố vừa khóc. Rồi mọi người khiêng cái hộp gỗ có ông tôi thả xuống. Tôi ngờ ngác nhìn ông tôi đứng bên bờ ruộng, cúi đầu nhìn chằm chằm cái hố, rồi ông ngẩng đầu lên nhìn mọi người.

Gương mặt ông tôi xám trắng, lúc nhìn đến tôi ông cười thật tươi. Tôi cảm thấy có gì đó bận bận trong mắt mình, đưa tay dụi một cái, ngẩng lên không thấy ông đâu nữa. Tôi nhìn thấy mọi người bắt đầu bốc đất ném xuống dưới hố, bà cô trong họ bảo tôi:

“Nào, đi tiễn ông con một đoạn đi.”

Bà cầm tay tôi, hướng dẫn tôi bốc một nắm đất nhỏ.

Tôi đột nhiên khóc thét lên, gào lớn:

“KHÔNG NÉM KHÔNG NÉM CHÁU MUỐN ÔNG CƠ. ÔNG ƠI!!!”

Bà cô vội vàng bế tôi lên, tôi giãy dụa đến lợi hại. Mọi người thúc giục:

“Mau mau bế con bé về.”

Bà vội vàng bế tôi chạy về. Vừa đi tôi vừa giãy dụa gào đến tắt cả tiếng. Có người nhìn thấy bảo: nó biết ông nó chết rồi.

Đó là lần đầu tiên tôi biết cái gì gọi là chết, là không bao giờ trở lại nữa. Đó là kí ức rõ nét nhất khi ở tuổi ấy của tôi.

Trẻ con khóc nhanh quên cũng nhanh.

Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ làm việc cật lực mới đủ nuôi chị em tôi.

Đêm nào bố mẹ cũng đi kéo lưới đến hai ba giờ sáng mới về. Chị em chúng tôi được bà nội trông.

Nhà tôi vẫn chưa có cổng. Phải nói là ngoại trừ nhà tôi thì xung quanh chẳng có ngôi nhà nào cả.

Tôi nghe bà nội hay kể với mấy bà trong làng:

“Đêm qua nó lại đứng ở ngoài đường gọi tôi, tôi đến thở cũng không dám thở.”

“Ấy, bà đừng có mà ra ngoài cũng đừng có mà trả lời nghe chưa. Không là nó bắt đi đấy.”

Tôi nghe mà vẫn chưa hình dung ra được "nó" là cái gì.

Tôi lên tám tuổi, biết nấu cơm biết hái rau giặt quần áo rồi. Bây giờ tụi nhỏ bằng tuổi tôi thời ấy khéo vẫn còn không biết lọ mắm lọ muối như thế nào đâu nhỉ *cười nhe răng*

Nhà tôi cuối cùng cũng có cổng. Bố mẹ tôi ban ngày đi chở gạch thuê, buổi tối lại đi kéo lưới. Kéo dọc con sông ven làng, nếu kéo ngược dòng thì càng được nhiều cá. Nhưng mà cái lưới nó nặng lắm luôn.

Tôi ngủ đến tầm hai giờ sáng liền dụi mắt nhập nhèm ngồi ở bờ hiên, thắp đèn dầu chờ bố mẹ về để mở cửa.

Ông Bảy đi đơm đó về ngang qua, thấy tôi thì bảo:

“Này, chờ bố mẹ hả cháu? Bố mẹ mày đang thu lưới sắp về rồi đấy!”

“Vâng. Ông Bảy bắt được nhiều cá không?”

“Có. Haha. Mai bảo mẹ có ăn cá chuối thì ra nhà ông nhá. Ông bắt được bảy tám con, con nào con nấy to tướng, chắc phải hơn 1 cân đấy.”

“Oa, to thế!”

Tôi thốt lên thán phục. Ngày ấy, cá sông mà được hơn cân một con là to lắm. Ít người bắt được cá to như thế chứ đừng nói bắt được bảy tám con.

Ông Bảy vừa cười vừa đi về. Xung quanh nhà tôi đã có thêm hai ba căn nhà nữa, không đến nỗi mình nhà tôi trơ trọi như mấy năm trước.

Bố mẹ tôi chở lưới trên cái xe thồ về, tôi chạy vội ra mở cửa. Bà nội đang cho em ngủ cũng đặt em đấy rồi đi ra chong thêm hai ngọn đèn nữa cho sáng.

Nhà tôi vẫn chưa lắp được điện. Bố bảo mấy hôm nữa công ty điện lực làm cột điện ở chỗ chúng tôi rồi, không cần phải dùng đèn dầu nữa.

Bố mẹ tôi trông không được vui. Tôi nhìn cái rổ to có vài con cá rô lít nhít liền biết hôm nay nhà tôi không thu hoạch được nhiều lắm.

Kéo lưới ấy à, may mắn thì được mớ cá mớ tôm ngon, còn không thì chỉ toàn rong rêu.

Mẹ đổ túi rêu chưa nhặt ra, tôi và bà nội cầm rá ra bới. Được một ít tép, chắc bán được 500 đồng.

Tôi chẹp miệng bảo:

“Nhà ông Bảy sướиɠ cực, ông ý bắt được bảy tám con cá chuối to, hơn cân một con ấy bố.”

“Thế á. Chắc ông ý gặp may. Mai mẹ mày mang mớ tép với quả mít sang, đổi lấy con cá nhỏ nhỏ về kho cho bọn trẻ con nó ăn.”

Tôi nghe mà tứa nước miếng. Bà nội lại bảo:

“Mấy hôm nay nước to ngập bờ lấy đâu ra nhiều cá chuối thế. Có mà cá ma.”

“Thì mai cứ thử sang xem sao.”

Tôi chấm hỏi đầy đầu. Giờ ngẫm lại chắc ngày đó ý bà tôi nói là ông ấy bốc phét.

Nhặt rong rêu xong bà cháu tôi rửa tay đi ngủ. Mẹ thì đem mớ cá rô với ít cá vụn mang ra chợ bán. Ngày đó họp chợ sớm mà.

Tôi ngủ đến hơn 5 giờ thì dậy, vừa ngáp vừa quét sân. Quét ra đến cổng thì gặp mấy bà trong làng. Tôi chào mà mấy bà ý mải buôn, chả thèm trả lời tôi luôn.

“Mấy bà không biết đâu, toàn dẻ là dẻ, làm mẹ gì có con cá chuối nào.”

“Tôi thấy là bị thằng nào ăn trộm cá xong nó nhét dẻ vào cho tức chết rồi.”

“Này này tôi thấy có khi bị ma trêu rồi.”

Tôi nắm cây chổi chống lên cằm nghĩ nghĩ. Cá chuối à? Chắc mấy bà ý đang nói về nhà ông Bảy nhỉ.

Mẹ tôi cũng về rồi, vừa đi vừa châu đầu ghé tai với bác Hoan hàng xóm.

Tôi hoan hô mẹ đã về, rướn cổ dòm vào trong rổ. Trống không.

“Mẹ, cá chuối đâu?”

“Chuối cái gì mà chuối, toàn dẻ lau.”

Ồ, xem ra tôi đoán đúng rồi. Mấy bà lúc nãy nói về nhà ông Bảy đây mà. Bác Hoan nói với mẹ tôi:

“Ôi thím thấy không, mặt lão Bảy xanh như tàu lá chuối ấy.”

“Chứ còn gì nữa. Đi đánh đó cả đêm được mấy con cá. Chả biết người làm hay ma làm.”

...

Chuyện buôn dưa lê thì nhiều lắm, chuyện nhà ông Bảy chỉ hot có một hôm rồi mấy hôm sau chẳng ai nhắc đến nữa.

Hôm ấy, anh Phương con nhà bác cả rủ tôi ra ruộng bắt cua. Tôi ngu khoản này dã man. Người ta cho tay hay cho cái móc vào, khều khều vài cái ra con cua, tôi thì chọc vào là xé con cua ra làm hai nửa.

Chúng tôi đi đến bờ cánh Đồng Sâm thì gặp ông Bảy đang ngồi bên bờ ruộng. Đi qua chào thì ổng chả thèm ừ hứ gì, cũng chả buồn ngoái lại nhìn chúng tôi.

Tôi còn định hỏi sao mấy nay không thấy ông đi bắt cá thì thằng anh họ tôi kéo tay tôi chạy thục mạng. Chả hiểu nó bị làm sao luôn.

“Này...hộc.... anh sao thế....”

“Đờ mờ... mày không thấy à.... Ông ý có bóng đếch đâu.”

“Anh điên à? Ma chỉ có buổi tối thôi chứ ban ngày ban mặt lấy đâu ra.”

“Đờ mờ bố nói điêu bố làm con mày.”

Tôi không tin quay lại thử nhìn xem. Nào còn bóng dáng ông Bảy nữa. Tôi bỗng nhiên rùng mình, cảm thấy hơi buồn đi vệ sinh.

Tôi với lão Phương hét ầm lên co giò chạy té khói. Về đến đầu làng thấy người lớn chạy xi xao về một hướng, vừa chạy vừa bảo nhau:

“Chết bao giờ thế?”

“Ai mà biết được.”

Tôi với lão Phương nhìn nhau.

“Đi theo xem sao đi.”

Hai đứa lon ton chạy theo, ra đến bờ sông thấy mọi người đang túm tụm lại chỉ trỏ.

Tôi loáng thoáng thấy mấy cái nơm của ông Bảy nổi lềnh phềnh trên mặt nước.

Toàn người là người không xem được gì cả, hai đứa bèn chui qua chân bọn họ.

Vừa với ngó được có người nổi trên mặt nước, chưa nhìn kĩ gáy đã bị túm lấy.

Bố tôi hùng hổ xách cổ hai đứa tụi tôi lôi về nhà, chửi cho một trận rồi khoá cổng không cho ra. Tức ói máu.

Hôm sau tụi tôi đang chơi gần gốc đa nghe thấy mấy bà trong làng đang thì thầm chuyện hôm qua, bèn giả vờ chơi tìm tổ tò vò, len lén sát lại gần nghe ngóng.

“Ui giời ơi, ghê lắm. Mắt lão ý trợn to như thế này này, lười thè ra, tôi nhìn một cái mà đêm qua mơ thấy ác mộng luôn.”

“Chả thế thì không à. Này nhớ, tôi đã bảo là hôm nọ lão Bảy bị ma trêu mà. Bà có thấy không, tay chân lão bị cột dẻ, cổ cũng bị dẻ buộc chặt, lúc tháo ra tôi đếm được đúng 7 cái luôn.”

“Chắc lão ý chết từ đêm hôm kia rồi. Chết đúng cái chỗ hôm nọ lão bắt được cá luôn.”

“("&(-…”

Tôi với lão Phương nhìn nhau, tóc gáy dựng đứng. Ông Bảy chết từ đêm hôm kia rồi, thế thì buổi sáng hôm qua chúng tôi nhìn thấy ma thật rồi.

Tụi tôi vội về nhà vặt trụi cả cây bưởi nhà bác cả, hai đứa đun nước lên xong đổ ra thau ngồi thu lu trong ấy. Bác cả về thấy cái cây bưởi mới trồng tan hoang thì chửi ầm lên. Bố tôi kéo tai tôi lôi xềnh xệch ra nằm úp sấp trên giường đánh cho một trận nhừ tử. Tôi yếu ớt thều thào.

“Bố ơi, sáng hôm qua bọn con gặp ông Bảy....”

Bố tôi vội vàng bịt chặt mồm tôi lại.

“Câm mồm, không được nói.”

Chập tối hôm đó bố tôi rải gạo với muối quanh nhà, đặt con dao với bó tỏi ở đầu giường, dặn dò tôi có ai gọi cũng không được thưa.

Đêm hôm đó tôi ngủ mà cứ chập chờn, lúc tỉnh lúc mê. Nghe loáng thoáng có người gọi tên mình, định há mồm ra đáp thì nhớ lời bố dặn vội vàng câm họng lại.

Tiếng người cứ ở bên tai tôi thì thào, lặp đi lặp lại.

“Cá...dẻ...lau....Cá....dẻ....lau......”