Trong hành lang với ánh đèn vàng mờ như thuộc về một thế giới khác, một thế giới mờ ảo hơn. Căn hộ ấy trong tòa chung cư này, là một phần trong nó nhưng lại là một thế giới tách biệt, 202- nơi đây là giấc mơ, giấc mơ về hiện thực hay là ác mộng. Tiếng gào thét của người đàn bà trong ánh đèn huỳnh quang quá chói và sắc như lòa đi con ngươi của cô, châm chích vào nhãn cầu núp sau đôi hàng mi. Nó xé nát cái khoảng trống này, xé nát hai tâm hồn bé thơ trốn trong phía góc phòng, lấp đầy nó bằng bài hát như đâm vào màng nhĩ cả hai nhưng vẫn đỡ hơn ở ngoài kia.
“Tao biết mày đã cặp kè với con khác từ lâu rồi mà tao nhắm mắt làm ngơ thôi.” Bà Tâm vươn tay chỉ cái ngón trỏ như một con dao phán xét về phía người đàn ông. “Tao vì cái gì? Vì cái hạnh phúc gia đình này chứ sao. Lúc mày ăn ở với nó rồi nó có bầu, mày có nghĩ đến cái nhà này không? Có nghĩ đến tao với hai đứa con không? Hả, thằng chó.”
“Bà đừng có giở cái giọng mày tao đó với tôi, tôi đã nói rồi. Đó chỉ là ngoài ý muốn mà thôi, lâu lâu cũng phải đổi gió chứ. Chẳng phải xong chuyện rồi tôi cũng quay về với bà sao. Vẫn nai lưng đi làm để nuôi cái gia đình này mà.”
Ông Vũ trước cái nhìn sòng sọc của bà Tâm, đôi tay ông đút vào túi quần âu, chiếc áo sơ mi phẳng phiu nhưng chiếc cà vạt và cổ áo đã bị dùng dằng như một đống hỗn hợp mà ông muốn nôn ra. Ông muốn giấu đi bản thân, giấu đi cái sự thật hoặc chỉ đơn giản là muốn bọc bản thân lại và biến khỏi đây, khỏi cái chuyện này.
Nhã ngồi ôm gối trong góc, vùi người vào chiếc sô pha như muốn chui tọt hẳn vào bên trong và đi đến
thế giới kì diệu của Gumball vẫn luôn phát trên màn hình ti vi, nay trong góc mắt cô chỉ là những màu sắc đang chuyển động không ngừng. Cô nhìn hai người trong bếp mà thẩn người, như nhìn vào màng sương đặc, giống một giấc mơ và cô đinh ninh là như vậy.
Chén dĩa khi qua đôi bàn tay mẹ đều trở thành những mảnh vụn, nó vỡ ra và tung tóe trên sàn. Nhã nhìn vào cái dây gân hằn lên trên trán bố mình và nghĩ rằng nó sắp vỡ ra, bắn phụt ra thứ chất lỏng màu đỏ. Đó là máu của chén dĩa đã vỡ, cũng là máu của ngôn từ được bố bắn ra từ chiếc cổ đỏ tím chứa đầy máu đã đông của ông.
Mày Nhã nhăn lại, ngón tay vô thức chỉnh âm thanh tai nghe lớn hơn, qua vạch đỏ và hơn nữa hơn nữa, cho đến khi em cô khóc òa lên, đánh vỡ cô, đánh vỡ giấc mơ cô đang mơ.
Em gái cô- Linh đang túm chặt lấy áo cô, mặt nó cũng đỏ nhưng không như chiếc cổ của bố, nó là một quả đào hồng đầy bụ bẫm mà cô đã từng nhìn thấy từ thuở nào đó, nhăn nheo bầm dập vì máu của ngôn từ.
Lỗ tai bên trái cô nhưng nhức vì tiếng nhạc quá lớn, cô chia cho em mình một bên tai nghe với mong muốn ngăn cách nó khỏi cái hiện thực kia. Nhưng cô đã lầm. Không ai dỗ lấy đứa nhỏ cả, mẹ chỉ ngần ngại ngoảnh mặt đi, còn bố kéo hẳn cái áo khoác lộn xộn trên giá và mở cửa ra khỏi nhà. Tiếng sầm cắt đứt mọi thứ, mọi liên hệ với nơi này- nhà của ông, với thế giới này, có lẽ bố đã đi vào thế giới Gumball của bố rồi. Ông cắt đứt với mọi thứ tồn tại nơi đây nhưng không phải với cô, là vì cô không tồn tại chăng hay vì cô không thuộc về phạm trù “nhà”.
Đã là cuối tháng Tám rồi, thời tiết miền Nam vẫn còn khá oi bức nhưng ve đã không còn kêu như hồi đầu hè và cơn mưa như trút xuống buổi trời chiều, dập tắt ngọn lửa đang cháy, ngọn lửa của bố. Đối với bố đây không phải là tháng Tám mà là tháng thứ sáu mang thai của người phụ nữ đó, người mà mẹ cô gọi là con quỷ cái, sau này cô biết bà tên Cử, vào ngày sinh nhật cô.
Cô không biết cách lựa chọn, cô chỉ biết bản thân phải chọn đáp án đúng. Nhưng lỡ như chẳng có đáp án đúng thì sao. Không sao cả, vì một đứa trẻ như cô không cần phải lựa chọn hay nói đúng hơn cô không có quyền lựa chọn.
Căn phòng không có nhiều người nhưng đủ để khiến không gian đầy lên rồi đặc lại, đặc đến nỗi âm thanh của cơn mưa không thể lọt vào được, giống như âm thanh của cô vậy. Ở đó, Nhã hướng mắt về bố mẹ mình dường như đang đứng đối lập nhau. Cô nhìn họ chằm chằm, mong muốn họ nghe được âm thanh của cô, cái âm thanh của sự im lặng, của tín hiệu ti vi. Thất bại rồi, họ không nhìn cô, họ không biết. Họ không bắt được sóng của cô. Cô là một cái tín hiệu bị hỏng và tức giận. Cô tức giận với cơn mưa, cơn mưa đã làm cô nhiễu sóng.
Ngồi dưới hàng ghế trong phiên tòa ly hôn của bố mẹ, kế bên là em gái cô cứ thút thít không ngừng, nuốt vào không khí lạnh băng nơi này, nuốt vào câu hỏi “tại sao?” Nhã không chú ý quàng tay qua em mình, níu em vào bên hông để em vùi mặt vào và trốn thoát đi, trốn khỏi căn phòng phán xét này. Nhã mường tượng căn phòng này là dành cho cô, hoang mang, đặc quánh và khó thở.
Cô nhớ đến con chuột lang với bộ lông vàng như hột xoài. Nó mềm mịn cuộn trong bàn tay cô, rung lên khi nó lấy đôi tay nhỏ bé chưa đến năm ngón vuốt lấy mắt nó như mẹ cô thường làm. Nó buồn phiền sao. Nó lấy ra những thứ làm buồn phiền đôi mắt nó và nó lại thoải mái. Mẹ cũng thế, bà cũng lấy những thứ chán ghét khỏi mắt bà và cô biết đó là cô. Bà đã chọn Linh- em cô. Mẹ có thấy thoải mái hơn không?
Cô hiểu điều đó và an ủi em mình. “Không sao đâu, em sẽ sống với mẹ, mẹ cần em. Chúng ta sẽ vẫn ở bên nhau mà.” Kỳ thực, cô không biết ly hôn là như thế nào. Ai sống với ai chẳng phải như nhau sao. Như trước giờ ta vẫn làm, gặp nhau, nói chuyện với nhau, ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau như một gia đình.
Cô được đi theo bố, theo đến đâu đó cô không biết. Ông cần cô. Ông không nói thế, nhưng ông bảo cô sẽ theo ông, ông vừa quỳ một chân vừa nắm lấy hai vai cô và nói, giọng nghẹn và trầm. “Con sẽ đi theo bố, bố sẽ vẫn yêu thương và chu cấp đầy đủ cho con. Đừng để bố thất vọng, con hiểu không?” Cô gật đầu và tự hiểu là ông cần cô.
Tay trong tay với bố ra ô tô, trời đã tạnh và không khí đã lưu thông trở lại, một ống nước trơn tru mang mùi đất cỏ ẩm ướt. Mây là một đám kẹo bông gòn, cô đoán nó có vị ngọt nhưng hôm nay thì không, hôm nay nó là sợi bông gòn bị tẩm qua nước lau sàn, màu đen xám. Nhã nhăn mũi, nghĩ rằng ngày mai mây sẽ lại ngọt, rồi lại nghĩ đến ngày sinh nhật sắp đến vào đầu tháng Chín của mình. Cô mong chờ nó, vì hôm đó bố sẽ mua quà cho cô, mẹ sẽ không tăng ca và về nhà sớm. Chúng ta sẽ cùng nhau ăn tối, cắt bánh kem và hát chúc mừng sinh nhật. Lần này cô sẽ cho em gái phần bánh sinh nhật có kẹo socola trang trí phía trên. Chúng ta sẽ lại bên nhau, lại là một gia đình.
Nhã không nhìn thấy mẹ và Linh, họ đi bằng xe máy và có nơi đỗ riêng. Tự nhiên cô lại thấy chạnh lòng đến lạ. Cô cảm thấy niềm tin của cô đang lung lay nhưng cô không thể xác thực nó hay xác thực chính mình, không có gì có thể chứng minh cô là cô hơn chiếc thẻ chứng minh nhân dân. Nhưng cô chỉ là một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi sao có thể có thứ mà người lớn có, thứ của người trưởng thành dùng để chứng minh bản thân mình.
Bước lên xe trong sự hoang mang, Nhã liền hỏi bố. “Khi nào thì mình được cấp chứng minh vậy bố?” Cửa xe đóng sầm khiến cô cắt đứt cái thắc mắc sao em và mẹ không đi cùng mình. Lần này thì không chỉ ông cắt đứt liên hệ với mọi thứ nữa, cô giờ cũng đã giống ông, cũng cắt đứt đi cái sợi liên kết ấy, khỏi mẹ và Linh. Nhưng cô cho rằng cô và họ vẫn là người cùng một thế giới, vì cô vẫn dùng chung một bầu trời và mặt đất với họ.
“Con hỏi làm gì?” Ông không biết được cái suy nghĩ đó của cô, tay ông khởi động xe mà không nhìn. Chiếc xe rồ lên phát ra âm thanh của một con sư tử đang gầm, như thay cho câu trả lời im lặng của cô. Ông không đợi cô trả lời, có vẻ ông đã đủ hài lòng với câu trả lời của con sư tử, tiếp lời. “15 là được rồi. Lúc đó con hẳn là đã học lớp 10, vì sinh nhật con tháng Chín mà.”
Nghe đến đây, Nhã bỗng quên mất cái tâm trạng vừa rồi của chính mình. Cô hớn hở nhưng vẫn khá rụt rè hỏi như thăm dò ông. “Vậy sinh nhật con vẫn sẽ tổ chức chứ ạ?” Thấp thỏm chưa lâu thì ông đã gật đầu, còn “ừ” thêm một cái cho chắc.
Nhã đã xác thực rồi, bố không chỉ còn là bố nữa, ông chính là chứng minh nhân dân của cô. Cô nghĩ hẳn mình là đứa con nít đầu tiên được công nhận đã trưởng thành trên thế giới này, vì đất nước này đối với cô chính là thế giới. Cô mím môi cười hài lòng với suy nghĩ của mình và ngồi im không loay hoay làm vặn vẹo cái đai an toàn nữa. Nhã để cho cái đai yên, cũng để cho tâm trí cô yên.