Đại Ca

8.89/10 trên tổng số 9 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Gã thiếu niên Ngụy Khiêm, mười ba mười bốn tuổi không cha không mẹ, đèo bòng thêm con em cùng mẹ khác cha, cuộc sống khó khăn, đã thế lại còn nhặt được một thằng nhãi lang thang mặt dày bám dính lấy m …
Xem Thêm

Chương 3
Ngụy Khiêm sợ “cẩu quỷ hùng” chưa chết hẳn phải sống mà chịu tội, thế là có lòng tốt dùng gạch nện thêm vài phát nữa, cho đến khi đập nát đầu nó, mới thở hổn hển ném gạch đi, rồi lau máu chó đầy lên tường.

Lúc này gã mới có cơ hội ngẩng đầu quan sát tên nhóc con hại mình bị vướng chân, nhưng thằng ranh vong ơn này lại nhân lúc gã đánh nhau với chó giành lấy cái hộp ôm vào lòng mà ăn ngấu nghiến.

Chắc là ánh mắt Ngụy Khiêm quá hung ác, tên nhóc đó rõ ràng hơi run rẩy, trợn tròn đôi mắt vừa to vừa đen mà nhìn gã, bất cẩn để nước trong hộp chảy xuống khóe miệng, nó lập tức hoảng hốt đón lấy rồi liếʍ sạch tay mình.

Ngọn lửa không tên trong lòng Ngụy Khiêm càng bùng lên, chỉ hận không thể giẫm đầu thằng ranh này xuống bắt liếʍ giày mình cho đủ.

Thằng nhóc đó thấy ánh mắt gã đáng sợ, còn tưởng gã muốn cướp cái hộp, tức khắc cảnh giác hẳn, ôm chặt lấy hộp mà đứng dựa vào góc tường, trưng ra tư thái anh dũng thề chết bảo vệ lãnh thổ.

Ngụy Khiêm tức khắc lại nguôi bớt, thầm nghĩ mình so đo với tên nhãi như vậy làm gì?

Thế là gã mất hứng nhổ một bãi rồi quay lưng đi luôn.

Trong mấy ngày chờ kết quả, Ngụy Khiêm không hề lãng phí kỳ nghỉ quý giá, ban ngày cùng tụi Mặt Rỗ và Ba Béo ra sạp hàng rong bán phim đen, ban đêm tìm việc ở tiệm bi-a, mỗi bữa kiếm mười đồng phí bảo vệ.

Gã phát hiện thằng nhãi hôm bữa đυ.ng phải dường như sống ngay trong cái ngõ nhỏ đầy rác, mỗi lần Ngụy Khiêm ra ngoài đều trông thấy nó đang tìm bữa tối trong đống rác.

Lúc Ngụy Khiêm đi ngang qua, nếu tâm tình tốt thì thỉnh thoảng sẽ ném cho thằng quỷ đó một cái màn thầu.

Ngụy Khiêm vẫn luôn thù hằn cha mẹ ruột, trẻ em ban đầu đều trải nghiệm tiếp xúc với những người khác trên thế giới từ việc sống chung với cha mẹ, do đó rất khó để gã không nhìn xã hội bằng đôi mắt căm thù, tình yêu của gã còn có hạn hơn cả mưa xuân miền bắc, sở dĩ thi thoảng nhìn tên nhóc đó bằng ánh mắt khác, cũng là vì gã từng quan sát nó.

Thằng bé đó tay chân đầy đủ hết, thân thể không có bất cứ khuyết tật nào, trí lực chẳng những không thành vấn đề, khả năng còn cao hơn lũ trẻ bình thường, tướng mạo thì không thấy rõ, nhưng đôi mắt vừa đen vừa sáng, hẳn là không tệ, nếu thật sự là cha mẹ mất hết không ai trông nom thì nên được đưa vào Viện phúc lợi xã hội, với tuổi tác và điều kiện như vậy, nhất định sẽ được người ta tranh nhau nhận nuôi.

Một tên nhóc lang thang ngoài đường, Ngụy Khiêm đoán, hoặc là có người giám hộ, nhưng người giám hộ ngược đãi nó, cho nên nó tự mình trốn đi, hoặc là bị lừa bán từ nhỏ, vất vả lắm mới trốn thoát được.

Bất kể khả năng nào đều là bỏ trốn, đều là người khác đối xử tệ bạc, thật sự hết sống nổi nữa mới trốn đi, Ngụy Khiêm hiểu rõ cảm giác ấy, gã thậm chí khá cảm thông.

Đương nhiên, cho dù cảm thông, thỉnh thoảng tâm tình tốt Ngụy Khiêm mới thấy thằng nhóc đó đáng thương, phần lớn thời gian gã đều duy trì trái tim lạnh lùng mà khắc nghiệt rất tốt.

Mà chính vài lần có lòng tốt hiếm hoi ấy lại rước lấy phiền phức cho gã.

Hôm ấy, Ngụy Khiêm đã có kết quả thi, gã thi không tệ, còn cao hơn điểm trúng tuyển của trường tốt nhất trong toàn thành phố tới hai mươi điểm, có thể chen chân vào top 10 toàn khu vực, nếu là người khác chỉ sợ cha mẹ phải mở tiệc ăn mừng, Ngụy Khiêm thì chẳng biết mời ai, vì thế bữa tối mua một bịch bánh bao nhân thịt thay cho màn thầu, cũng coi như ăn mừng.

Ngụy Khiêm cho rằng mình nên vui mừng, nhưng gã không hề, giống như có hai tảng đá trĩu nặng trong lòng, một là khoản chi phí cấp ba khổng lồ, một là dù cho gã giỏi giang xuất sắc hơn thì cũng chẳng có ai để trút bầu tâm sự.

Gã cố gắng để mình nhãng đi những chuyện đó, vì thế cả người nằm trong một trạng thái vô cùng kỳ dị – đầu nóng tim lạnh.

Khi đi ngang qua, gã thuận tay ném một cái bánh bao cho tên nhóc bên cạnh đống rác kia, tự tìm vui mà thầm nghĩ: Đây là bánh bao đánh chó, một đi không về.

Ai ngờ thằng nhãi kia lại không để bánh bao của gã một đi không về, nó nhét nguyên cái bánh bao vào bụng, sau đó cả người lẫn bánh cùng nhau bám đuôi không bỏ.

Hệt như một con mèo hoang, ai cho miếng lạp xưởng là theo người đó.

Ngụy Khiêm vừa ngoảnh đầu thì lập tức kinh ngạc, bụng nghĩ không tốt rồi, lần này còn phải mua một tặng một!

Trong lòng gã vốn đã khó chịu, càng thêm bực bội vì bị bám đuôi, năm lần bảy lượt quay đầu lại chửi rủa xối xả, còn đẩy thằng bé một phát, làm nó ngã phịch mông xuống, thậm chí làm bộ muốn đánh, nhưng đối phương vẫn bám riết không bỏ tới tận nhà họ.

Nhà Ngụy Khiêm vốn thuộc về ông ngoại gã, cũng chính là cha của bà già đã thành ma, ông ngoại bị con gái làm cho tức chết tươi, thế là căn nhà thuộc về mẹ Ngụy Khiêm, bây giờ bà ta chết luôn rồi, mới rơi vào tay gã, cũng đã có số tuổi nhất định rồi.

Chung cư cũ, khu ổ chuột điển hình của thành phố, dưới lầu là bãi rác ngổn ngang, trình độ và khả năng kinh tế của hàng xóm hầu hết đều nằm dưới mức trung bình, rất nhiều người ở đây đều không thân thiện lắm.

Trọng nghĩa và ích kỷ, nhiệt tình và thiếu thân thiện, chúng cùng tồn tại với sự nghèo khó và lạc hậu của khu dân cư này mà chẳng mảy may mâu thuẫn, hài hòa đến lạ lùng.

Thí dụ như bà lão neo đơn ở đối diện kia, dường như không thân thiện lắm, mỗi lần vừa nhác thấy Ngụy Khiêm, từ đằng xa đã bắt đầu trợn mắt, sau đó đóng sầm cửa như bắt gặp cái gì dơ bẩn lắm vậy, đôi lúc còn cố ý vứt rác ngay cửa nhà gã.

Ban đầu Ngụy Khiêm chẳng thèm chấp nhặt, một đứa trẻ phải đèo bòng thêm đứa nhỏ hơn, mỗi ngày lo lắng còn chưa xong nữa là, cho nên gã chẳng buồn để ý đến mấy việc lắt nhắt này.

Hơn nữa, cùng là người nghèo thì hà cớ gì lại kiếm chuyện với nhau?

Sau đó Ngụy Khiêm đã hiểu, người nghèo chỉ có thể kiếm chuyện với người nghèo, cũng sẽ chỉ kiếm chuyện với người nghèo, nếu không thì họ phải làm thế nào đây?

Mẹ gã là gái điếm, gã chính là đứa được gái điếm nuôi, dựa trên đạo lý thì bà già đó mắng thực ra cũng chẳng sai.

Nhưng hôm nay thì khác.

Gã chẳng làm gì sai, cho dù theo quan điểm truyền thống thì gã cũng xuất sắc hơn bất cứ ai, vì sao chỉ có gã là phải sống khốn khổ như vậy?

Kết quả cuộc thi vào cấp ba quá xuất sắc đã kéo nửa người gã lên một thế giới khác, nửa dưới còn nằm trong cái ao nước tù vô bờ, đã cho gã nhìn thấy thế giới bao la, lại để gã không thể giãy khỏi thân phận và giai cấp cố hữu.

Cho dù gã giống với tụi Ba Béo và Mặt Rỗ, là hạng lưu manh cặn bã dưới đáy xã hội, gã cũng sẽ không đau đớn như vậy.

Đầu óc quá nóng và trái tim quá lạnh của Ngụy Khiêm rốt cuộc đã bức gã đến giới hạn, gã cúi xuống nhìn chằm chằm đống rác bốc mùi ngay cửa nhà mình, gân xanh lồi lên tay, khuôn mặt cực kỳ giống mẹ, cho dù không xinh đẹp bằng, sự thù hận và u ám bao phủ quanh năm gần như trở thành khí chất trời ban, tuấn tú đến chói mắt, cũng tối tăm đến đáng sợ.

Gã thiếu niên Ngụy Khiêm lặng lẽ ngồi xổm xuống, chậm rãi nhặt hết vỏ trái cây và lá rau thối trên cửa.

Thằng nhóc theo đuôi về đây không biết chuyện gì xảy ra, chỉ đứng bên nhìn chằm chằm.

Ngụy Khiêm im lặng xách mớ rác đi hai bước, đột nhiên không muốn làm như vậy nữa, gã ném phắt rác trong tay lên cánh cửa đối diện, quay đầu lớn tiếng chửi thằng nhóc kia: “Mẹ kiếp mày nhìn cái gì?!”

Thằng bé hoảng sợ, rụt lại một bước theo bản năng.

Ngụy Khiêm hung tợn quát: “Thằng con hoang!”

Thằng con hoang kia dựa lưng vào góc tường, trợn tròn mắt dè dặt nhìn gã.

Ngụy Khiêm hít sâu một hơi, gã muốn cố gắng dằn cơn giận xuống, làm một “người lớn”, không muốn thất thố trước mặt một thằng oắt.

Nhưng giờ đây, gã phát hiện mình không khắc chế được, mí mắt giật liên hồi… Dù sao thì gã cũng chưa thật sự là người lớn.

Ngụy Khiêm thình lình quay người, nhặt một tảng đá dưới đất, ném cái “cạch” lên cửa sổ nhà bà già đối diện, thủy tinh vỡ rơi rào rào khắp nơi, trong nhà vang lên một tiếng thét chói tai.

Ngụy Khiêm: “Con mụ già nghe rõ cho bố, trước kia bố không so đo với mụ, là bởi vì thấy mụ bảy tám mươi tuổi sắp xuống lỗ rồi, không thèm chấp nhặt, về sau mụ mà còn kiếm chuyện, bố gϊếŧ cả họ nhà mụ!”

Có tiếng chửi bới hung hãn của bà già từ trong nhà truyền ra, đối phương hiển nhiên chẳng coi tên oắt con choai choai này ra gì.

Ngụy Khiêm không nói hai lời, quay người vào nhà xách ra một con dao phay, đá cửa cái rầm, trực tiếp đạp hỏng khóa, chỉ còn lại một sợi xích bằng kim loại lắc lư chực rơi, thiếu niên cầm dao phay ra sức chém cửa, sắc mặt trắng bệch, hai mắt đỏ lừ, hệt như một tên cuồng sát bị thần kinh, hùng hùng hổ hổ làm bà già sợ phát khóc.

Từ đó về sau, bà già bắt đầu trốn tránh Ngụy Khiêm, đi khắp nơi rải lời đồn rằng gã là một tên tội phạm gϊếŧ người, nhưng bà ta không còn dám chửi rủa trước mặt Ngụy Khiêm nữa, cũng không còn ném rác trước cửa nhà họ.

Xem ra bắt nạt kẻ yếu là bản tính rồi.

Nhưng dáng vẻ như ác quỷ lấy mạng của cậu Ngụy dọa bà già sợ phát khóc lại không thể dọa một thằng nhóc, nó vẫn bám dính ngay cửa nhà.

Ngụy Khiêm đe dọa xong đóng cửa cái “rầm” ngay trước mặt thằng nhóc, nhốt nó ở ngoài cửa, thằng bé lẻ loi quanh quẩn bên ngoài một lúc, cuối cùng nó khom lưng nhặt mớ rác còn sót lại ngay cửa nhà Ngụy Khiêm đem ném đi.

Nó thậm chí còn nhặt mấy cành cây nhỏ, buộc lại quét dọn.

Sau đó nó cuộn mình ngay cửa, cứ thế ngủ hết một đêm hệt như một con chó nhỏ bị bỏ rơi.

Thêm Bình Luận