Chương 6: Mơ Xưa

Tối đó Chu Toàn uống hơi quá chén. Tuy mỗi lần cậu cả đều chỉ cho uống nửa ly, nhưng mấy lần nửa ly gộp vào với nhau cũng không ít chút nào.

Bát gà mái già hầm nấm đỏ do bà dì tỉ mỉ nấu nướng kia, Chu Toàn ăn một nửa là ít, hương vị gia đình đã lâu không gặp khiến Chu Toàn không nhịn được mà ăn đến no căng.

Ăn no uống say, Chu Toàn xin phép về nhà.

Bà dì, cậu cả, mợ cả và anh họ nhiệt tình mời cậu ở lại qua đêm. Họ lo nhà cậu bỏ không quá lâu, ẩm ướt không thể ở luôn được.

Chu Toàn từ chối ý tốt của gia đình, Đông Bắc chúng ta có lúc nào là ẩm ướt đâu? Không tin thì xem ngày nóng, cũng chỉ là oi bức muốn chết mà thôi. Hơn nữa cậu vừa về nhà đã mở cửa sổ thông gió luôn, bây giờ chắc giường sưởi cũng đã ấm nóng rồi.

Thấy Chu Toàn nói vậy, tuy bà dì vẫn còn chút luyến tiếc nhưng vẫn đồng ý để cậu về nhà mình ngủ. Có điều bà cụ bắt Chu Toàn phải hứa sáng ngày mai lại đây ăn cơm sáng, nói là không tin tưởng tay nghề của “một đứa trẻ con” như cậu.

Chu Toàn hơi ngà ngà say dùng đèn pin trên di động đi về nhà. Lúc dừng lại trước cổng nhà mình, không biết vì sao cậu lại nhìn về phía nhà tổ họ Bảo cách đó không xa.

Trong bóng đêm đặc sánh, căn nhà tổ có tới ba bốn sân, hai mươi mấy gian phòng lẳng lặng đứng đó. Trong cả thôn Hai Họ, đây là tòa nhà khí phái nhất, cho dù là biệt thự hai tầng hiện tại cũng không sánh bằng nhà tổ của họ Bảo.

Tổ tiên của họ có lẽ thật sự từng rất hiển hách, trên mái hiên, nóc nhà, mặt tường đá đều có hình trang trí vừa uy nghiêm vừa tinh xảo, xinh đẹp. Tuy đã nhiều lần trải qua tang thương nhưng những kiến trúc cơ bản của nơi này vẫn không bị thay đổi. Từ những nét chạm khắc tuyệt đẹp đó, Chu Toàn vẫn có thể hình dung ra được một chút dáng vẻ của tòa nhà này vào lúc nó chưa suy tàn.

Nhưng thời gian dài không có người ở lại và chăm sóc vẫn khiến tòa nhà có vẻ lụi bại, giống như người già đã trải qua quá nhiều nỗi đau vậy. Toàn bộ nhà tổ của nhà họ Bảo đều bị bao phủ trong sự già nua.

Chu Toàn đứng ở cổng nhà mình nhìn chăm chú tòa nhà cách đó không xa, tay phải theo bản năng sờ lên cổ. Dưới cổ áo sơ mi của Chu Toàn có một nơi nhô lên cao, có vẻ dưới quần áo có thứ gì đó.

Chu Toàn chậm rãi kéo sợi dây tơ hồng trên cổ mình ra. Trên tơ hồng buộc một miếng bạch ngọc trắng tinh, trơn mịn, khắc tường vân và hoa văn bình an. Đó là một miếng bạch ngọc thoạt nhìn có vẻ là đồ cổ, miếng Hòa Điền bạch ngọc ấm áp nhẵn nhụi đã bóng loáng lên vì được chủ nhân đeo thời gian dài.

Chu Toàn nhẹ nhàng vuốt ve miếng ngọc, ánh mắt ngơ ngẩn như đang suy nghĩ gì đó.

Sau một lúc lâu, Chu Toàn lắc lắc cái đầu đã hơi buồn ngủ rồi lảo đảo vào sân.

Cậu đỡ tường đi về phòng, tay vô ý đυ.ng phải công tắc đèn trên tường. ‘Cách!’ một cái, trong phòng sáng rực lên, Chu Toàn kinh ngạc nhìn đèn điện trên đỉnh đầu: “Vẫn dùng được cơ à? Ấy, không phải, phải là vẫn có điện cơ à?”

Căn nhà này đã ba năm không ai ở mà điện vẫn cứ dùng được bình thường, chứng tỏ ngày thường vẫn có người chú ý chăm sóc, không cần phải nói - nhất định là bên bà dì rồi.

Chu Toàn dùng nước ấm trong nồi giường đất lau người qua loa, rút chăn đệm từ trong sân vào. Cậu cảm thấy nhà mình cũng nên sửa lại một chút, cái khác không nói nhưng ít nhất là sân và nhà vệ sinh đều phải sửa lại một lần nữa. Trong phòng cũng phải lắp một cái máy nước nóng, tốt nhất là xây phòng tắm riêng.

Cậu vừa nghĩa vừa vùi người vào lớp chăn bông dày, ngửi mùi nắng thơm trên chăn, chẳng mấy chốc đã ngủ.

Trong lúc mơ màng, Chu Toàn cảm giác hình như mình lại trở về mười năm trước, trở về cái đêm gió tuyết đan xen đó.

Ban đêm mùa đông ở Đông Bắc từ trước tới nay đều không dịu dàng gì, gió Tây Bắc trộn vụn băng quét lên mặt người như muốn làm da thịt đông đá lại, buốt đến tận xương.

Giữa gió bắc gào thét điên cuồng, thiếu niên Chu Toàn che hai tai chạy ra khỏi căn nhà hai tầng treo đầy câu đối, ngập trong hương vị của Tết lao về phía nhà tổ của nhà họ Bảo cách đó không xa. Trong tiếng pháo ầm ầm, Chu Toàn thấy thiếu niên đang đứng chờ mình trước cổng nhà tổ họ Bảo.

Anh vừa cao vừa gầy, dáng đứng thẳng tắp như cột cờ. Áo bông cũ quá dài rộng mặc trên người anh cứ như một cái bao tải to tròng lên cây cột, mỗi khi có gió tuyết thổi qua, áo bông căng gió sẽ dán chặt trên người chủ nhân, cố gắng ngăn cản một ít giá lạnh.

Biến cố xảy ra liên tục trong nhà khiến thiếu niên này mệt mỏi đến gầy rộc đi, chỉ có đôi mắt phượng kia vẫn sáng ngời như cũ.

Nhìn thấy người đang chạy tới, khuôn mặt vốn căng chặt của thiếu niên rốt cuộc cũng thả lỏng lại một chút. Anh che trước người cậu bé Chu Toàn vốn thấp hơn mình một cái đầu, ngăn trở gió lạnh thổi từ giao lộ tới cho cậu.

“Anh A Cánh, hôm nay là mùng năm Tết, ông nội em nói mùng năm phải ăn sủi cảo. Nhà em làm nhân thịt bò đấy, em còn gói giúp ông nữa, anh đến nhà em ăn được không?”

“Chu Chu, anh phải đi.”

Câu nói này khiến tất cả những lời Tiểu Chu Toàn muốn nói sau đó đều nghẹn lại trong cổ.

“Vì.... Vì sao? Ông nội em sẽ chăm sóc anh mà, ông chú của anh cũng đồng ý sẽ chăm sóc anh, giúp anh đi học... Còn....”

“Chu Chu, anh không thể dựa vào người khác cả đời được, trước khi đi ông ngoại đã liên hệ với sư đệ của ông rồi, bên kia đồng ý dạy anh học bếp. Chỉ là bây giờ người ta đang ở Tuệ Châu, anh phải đến đó.”

“Vậy anh không đi học tiếp sao, cấp ba và đại học đều không học sao? Hay là đi muộn mấy tháng được không, ít nhất cũng phải học xong cấp hai đã.”

Anh nghe vậy, vươn tay xoa đầu Tiểu Chu Toàn đỉnh đầu, cảm nhận mái tóc mềm mạinhẹ nhàng cọ vào lòng bàn tay mình, khóe miệng chậm rãi cong lên.

“Anh không biết có cơ hội học cấp ba và đại học không nữa, nhưng cấp hai sẽ học ở bên kia. Ông ngoại nói sư đệ của ông đã từng là đầu bếp quốc yến, sau lại làm hiệu trưởng của một trường nấu ăn, rất biết cách dạy dỗ đồ đệ, anh ở bên kia hẳn là có thể học được không ít thứ.”

Tiểu Chu Toàn nghe vậy thì cuống lên, tuổi cậu không lớn, muốn giúp bạn rồi lại không biết nên giúp như thế nào.

Tiểu Chu Toàn yên lặng vài giây rồi đột nhiên bắt đầu lục lọi trong túi của mình. Cậu nhét toàn bộ tiền mừng tuổi mà người lớn cho lúc ăn Tết vào tay anh.

Lúc này ông nội Chu Toàn có thể nói là ‘đào lý khắp thôn trấn’, trong toàn bộ thị trấn và thôn Hai Họ, chỉ cần là người trồng hoa thì đều là đồ tử đồ tôn của ông cả. Tết năm nào người đến nhà họ Chu chúc Tết đều có thể ngồi đầy căn nhà hai tầng của hai ông cháu, tiền mừng tuổi cho đứa cháu nội duy nhất của nhà họ Chu cũng cực kì hào phóng.

Từ lúc cháu nội lên cấp hai thì ông nội Chu đã không thu tiền mừng tuổi của cậu nữa, cho cậu tự do quản lý toàn bộ.

Chu Toàn có chút thuộc tính tham tiền đã quen mang toàn bộ tiền mừng tuổi trên người, như vậy cậu mới cảm thấy yên tâm, không nghĩ tới lúc này đúng là có tác dụng.

Thiếu niên cao gầy không muốn nhận tiền của Tiểu Chu Toàn, liên tục nhét số tiền đó vào trong túi của cậu lần nữa. Tiểu Chu Toàn yếu hơn nên không tranh lại anh được, cuối cùng cậu nóng nảy, dậm chân nói: “Ông nội em nói đi xa nhà thì trên người nhất định phải mang theo tiền. Đừng nói với em bây giờ anh vẫn còn tiền, em nghe trộm được hết rồi. Lúc ông nội Bảo ở bệnh viện, tiền đều dùng hết cả, còn nợ nữa, tóm lại tiền này anh không không cầm thì không được đi!”

Cuối cùng, lúc kì nghỉ đông kết thúc, thiếu niên cao gầy kia mang theo hành lý và tiền mừng tuổi của bạn tốt - trong tiếng khóc lóc thảm thiết của Tiểu Chu Toàn - lên ô tô đi tỉnh thành, ở đó anh còn phải ngồi xe lửa đi tới Tuệ Châu cách quê nhà mấy ngàn km.

Trước khi đi, thiếu niên tháo miếng ngọc bình an luôn đeo trên người, đeo lên cổ Chu Toàn. Trong mơ hồ Chu Toàn nghe thấy nói: “Chu Chu, anh nhất định sẽ trở về.”