Nhà ở sạch đẹp, có dấu ấn riêng, đồ ăn ngon, cuộc sống thoải mái, phục vụ tận tình, giá cả lại ổn áp nên chẳng bao lâu sau, homestay nhà họ Bảo đã nổi tiếng, khách tới đón không kịp.
Nhà tổ họ Bảo có 31 gian phòng cho khách, tỉ lệ vào ở thường xuyên đạt tới 80-90%. Mỗi tới thứ bảy chủ nhật còn chật ních, nếu không đặt phòng trước thì chắc chắn là không có phòng để ở.
Lượng người tăng vọt nhanh chóng giúp việc làm ăn của homestay ổn định. Thím Văn tới cũng gia nhập đội ngũ dọn dẹp vệ sinh, phòng bếp cũng nhiều thêm một người phụ bếp, như vậy thì cho dù có người đến phiên nghỉ thì homestay vẫn có thể hoạt động như thường.
Hiện tại Chu Toàn đã bắt đầu lùi về phía sau, chuyên tâm làm quản gia - tài vụ - kế toán, việc phục vụ giao cho hai người em họ cùng thế hệ của nhà họ Bảo và nhà họ Trần.
Giấc mộng một tuần nghỉ hai ngày của Bảo Nhị Long khó có khả năng trở thành hiện thực. Vì lượng khách muốn tham dự hoạt động quá nhiều nên cậu ta chẳng những không có thời gian nghỉ ngơi mà còn phải tăng ca nữa.
Còn việc hái hoa tươi, trong thôn đã có mười mấy nhà kính tham gia. Hàng ngày không cần làm gì cả, chỉ cần tiếp đón khách du lịch thật tốt là đã có 400-500 đồng lãi ròng. Họ vui đến nỗi hứa hẹn với toàn thôn là nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ, làm khách tới chơi vui vẻ, chỉ sợ có chỗ nào sơ sẩy bị khách khiếu nại rồi bị đá ra thì toi.
Thấy homestay ăn nên làm ra như thế, có không ít người trong thôn đều động tâm. Tuy họ không có điều kiện tốt như nhà tổ họ Bảo nhưng nhà họ đang sống cũng không tồi, vừa rộng rãi vừa có đặc sắc của làng quê bản thổ. Hơn nữa nhà kính họ cũng có, nấu nướng cũng từng học chỗ ông nội Bảo, homestay cao cấp không làm được nhưng bình dân thì chắc chắn không thành vấn đề.
Nghe nói homestay nhà họ Bảo đã kết thúc giai đoạn thử hoạt động, hiện tại chẳng những ăn ở không có chiết khấu mà ngay cả giá nhà đều tính theo mùa đắt khách, có lúc còn cao hơn tới hơn 30%. Hiện tại tới đó, không làm gì cả, chỉ ở thôi thì mỗi ngày cũng đã mất tới 700-800 đồng, giá này thì đúng là người thường phải suy xét kĩ càng.
Nếu họ cũng làm thành homestay thì tiền phòng chỉ bằng một nửa nhà họ Bảo, đồ ăn không ngon bằng A Cánh làm nên giá cả cũng có thể hạ thấp, còn các hoạt động khác thì giá cả đều tính ngang với nhà họ Bảo. Ta không dám cướp khách bên đó, nhưng giá cả và chất lượng dịch vụ có các phân khúc khác nhau thì khách cũng có nhiều lựa chọn hơn đúng không?
Trong thôn có suy nghĩ này không phải chỉ một, hai nhà, nhưng mọi người đều đang chờ đợi, không ai dám làm chim đầu đàn. Hiện tại làm homestay chính là Bảo Cánh và Chu Toàn, người trong thôn đều từng được ông cha họ giúp đỡ, hiện giờ không nói tiếng nào đã bắt chước việc làm ăn của họ thì còn mặt mũi nào nữa?
Lại nói, thôn trưởng và ông cụ Bảo đều nhìn cả, nếu dám làm bậy thì chỉ sợ sau này không sống yên nổi trong thôn!
Cũng may, không bao lâu thôn trưởng đã báo tin, nói là muốn cử hành đại hội thôn để thăm dò và thảo luận về việc người trong thôn mở homestay. Người có ý định nghe vậy đều mừng thầm, từ sớm đã tới chỗ cây liễu già bên bờ sông chờ mở họp.
Chu Toàn và Bảo Cánh không đi, vì chuyện này không liên quan gì mấy đến họ.
Trần Hữu Đức làm thôn trưởng, công tác hành chính từ trước đến nay lại rất tốt nên đối với việc người trong thôn muốn mở homestay, ông đã có tính toán từ sớm.
Trong đại hội thôn, việc cho phép mọi người mở homestay đương nhiên là 100% phiếu thuận. Về quy trình, Trần thôn trưởng đại biểu ủy ban thôn phát biểu ý kiến.
“Ờm, tuy mở homestay là việc riêng của mọi người, nhưng nhiều người làm thì lại thành chuyện của thôn. Ủy ban luôn ủng hộ các hạng mục có thể giúp bà con gia tăng thu nhập, nhưng chuyện gì cũng phải có luật lệ. Hiện giờ Bảo Cánh và Chu Toàn tốn nhiều công sức giúp thôn có danh tiếng là môi trường tốt, không khí tốt, ăn ở tốt, chúng ta phải nghĩ cách giữ được cái tiếng này, không thể phá nó đi được.”
Nghe thôn trưởng nói xong, mấy trăm thôn dân dưới tán cây liễu nhìn nhau, sau một lúc lâu, một người tương đối thân với ông mở miệng hỏi: “Anh Hữu Đức, anh có gì yêu cầu cứ việc nói thẳng, chúng em nghe là được.”
“Tôi thì có yêu cầu gì được, có thôn dân rồi mới có ủy ban thôn, chúng tôi không yêu cầu, có yêu cầu là chính sách. Những ai muốn mở homestay trong thôn thì các thủ tục và thiết bị về công thương, vệ sinh, thuế vụ, phòng cháy đều phải đầy đủ hết, thôn chúng ta không được xuất hiện trường hợp kinh doanh không giấy phép.”
Các thôn dân nhìn nhau, sau đó có người nói: “Thôn trưởng yên tâm đi, mở cửa làm buôn bán phải có đầy đủ giấy phép, chuyện này chúng tôi đều hiểu mà.”
“Thế là tốt rồi, bây giờ là chuyện thứ hai. Hiện tại thôn chúng ta có cơ hội này là vì hoàn cảnh trong thôn tốt, tài nguyên trên núi nhiều, đây là ưu thế của chúng ta, muốn làm ăn tốt thì nhất định phải giữ được ưu thế này. Cho nên nhà nào muốn mở homestay thì đều phải xây bể khí mêtan, rác cũng phải đổ đúng nơi quy định. Tiền vệ sinh mỗi tháng sẽ tăng lên, chỗ tiền đó sẽ dùng để thuê người quét tước đường xá, bảo đảm vệ sinh trong thôn.”
Chuyện này rất quan trọng với thôn, vì khi du khách đến nhiều thì rác rưởi trong thôn cũng sẽ tăng lên, có khi bị vứt bậy trên phố hoặc bị gió thổi đến trên trên ngọn cây bụi cỏ, không ai làm sạch trông sẽ rất khó chịu.
Đây cũng là chuyện liên quan đến chính mình nên các thôn dân nhỏ giọng bàn luận vài câu rồi cũng đồng ý.
Thấy vậy, thôn trưởng mới nói ra việc cuối cùng trong đại hội thôn hôm nay: “Vậy tất cả mọi người đều đồng ý mở homestay, ủy ban đề nghị thôn chúng ta xây dựng homestay tinh cấp, hy vọng bà con báo danh tham gia.”
“Thôn trưởng, homestay tinh cấp là gì thế?”
“À, chính là treo ngôi sao cho các homestay mở trong thôn chúng ta ấy mà. Ví dụ như thủ tục đầy đủ được 1 ngôi sao đỏ, đồ ăn ngon miệng có đặc sắc được 1 ngôi sao vàng, phục vụ tốt làm khách vừa lòng được 1 ngôi sao tím… Cổng nhà ai treo nhiều ngôi sao thì có nghĩa là homestay nhà đó làm tốt.”
“Nghe rắc rối quá, có cần thiết không?”
“Thôn trưởng, nhất định phải tham gia hoạt động này sao?”
“Thôn chúng ta là thôn dân chủ, tham gia hoạt động hay không đều là tự nguyện. Nhưng hoạt động ngôi sao và tiêu chuẩn đạt sao đều sẽ được ủy ban thôn công khai, nhà nào không có sao rồi chịu thiệt thì cũng đừng trách tôi không nói sớm nhé.”
Các thôn dân nhìn nhau, tuy thôn trưởng nói tham gia hay không tùy ý nhưng rõ ràng những nhà không tham gia sau này sẽ có hại.
“Thôn trưởng, tốn nhiều công sức như vậy làm gì, thân ai nấy lo không phải tốt hơn à?”
“Thân ai nấy lo? Há, thành phố này chỉ có thôn Hai Họ chúng ta là môi trường tốt, tài nguyên nhiều à? Chỉ có người trong thôn chúng ta biết làm đồ ăn ngon à? Chỉ mấy người biết mở homestay kiếm tiền còn người khác không biết đúng không? Chẳng có ai ngu hết, mấy người có tin chỉ cần thôn chúng ta mở homestay thì không đến 1-2 năm, các thôn khác chung quanh cũng có homestay hết không? Đến lúc đó chúng ta lấy cái gì cạnh tranh với thôn khác? Không phải là danh tiếng với chất lượng phục vụ sao? Một khi đã như vậy thì phải chuẩn bị từ sớm đi chứ.”
“Thế homestay nhà họ Bảo có tham dự hoạt động ngôi sao không?”
“Đương nhiên họ có tham dự, hơn nữa đã nhận được sao đỏ vì đầy đủ giấy tờ, sao vàng cho đồ ăn ngon và sao tím vì làm khách hài lòng rồi.”
“Thảo nào, buổi sáng lúc tôi đi qua cũng nhìn thấy nhà họ dán ngôi sao ngoài cửa. Chuyện này không phải do họ nghĩ ra đấy chứ?”
“Nói cái gì đấy? Bảo Cánh nói ai muốn mở homestay đều có thể đến chỗ thằng bé nhận huấn luyện miễn phí, một nhà ít nhất có thể có 2-3 món tủ để giữ chân khách. Mấy người mở homestay tranh bớt khách của Bảo Cánh mà người ta còn đồng ý giúp đỡ như vậy, học theo đi! Còn ý kiến gì nữa không? Không thì tan họp, ai đồng ý tham gia hoạt động ngôi sao thì mai đến chỗ tôi lấy tiêu chuẩn đạt sao đi nhé.”
Thôn trưởng vừa nói xong thì các thôn dân liền lập tức giải tán, về nhà thương lượng với người thân.
Khi mọi người đã đi gần hết, ông cụ Bảo ngồi dưới cây liễu già hút thuốc mở miệng: “Hữu Đức, vừa rồi bây đưa mắt ra hiệu bảo lão lưu lại làm gì?”
Trần Hữu Đức đến gần rồi nhỏ giọng nói: “Chú, ngày hôm qua cha mẹ Nhị Long nói với cháu, mấy ngày hôm nay đều nhìn thấy Triệu Nhị Côn thậm thụt trước cửa thôn, hình như là muốn vào thôn nhưng đều bị cha mẹ Nhị Long cản lại.”
Nhà Bảo Nhị Long mở tiệm tạp hóa ở cửa thôn, ai ra vào họ đều có thể thấy được cả.
“Nó dám! Thằng họ Triệu ấy mà dám bước vào thôn một bước là lão đánh gãy chân nó ngay! Bây bảo mấy nhà sống ở cửa thôn cảnh giác một ít, cả những con đường nhỏ dẫn vào thôn nữa, đừng để thằng kia vào thôn làm phiền thằng bé.”
“Chú cứ yên tâm, Bảo Cánh ở trong thôn thì không bị thiệt đâu, mọi người đều nhìn cả. Nhưng dạo gần đây, anh Vi Quốc nhà chú cứ gọi điện thoại cho cháu mãi, bóng gió hỏi thăm chuyện nhà tổ, chú xem này…”
“Đệch con mẹ nó, còn chưa buông tay, tức chết tao rồi, tao bảo mày vào thành phố hỏi thăm chuyện sang tên nhà đã làm chưa?”
“Cháu làm rồi, người ta nói nói nếu không có di chúc thì dựa theo quyền kế thừa, đúng là chú có phần thật đấy. Nếu thực sự có người dùng danh nghĩa của chú kiếm chuyện thì cũng xem như có lí có lẽ.”
“Sao lại không có di chúc! Lúc anh tao đi đã gọi tất cả nam đinh trong thôn tới, chính miệng nói tài sản đều để lại cho thằng bé Cánh cả, tụi bây cũng nghe được mà.”
“Chú đừng kích động, phòng công chứng nói di chúc giấy mới là hữu hiệu nhất, không thì ghi hình ghi âm cũng được. Di chúc miệng… nếu thật là nói lúc bệnh tình nguy kịch thì nhân chứng bên người cũng coi như là hữu hiệu.”
“Có nhân chứng, người nhà họ Bảo lúc nào cũng có thể làm chứng cho Bảo Cánh!”
“Vấn đề chính là ở chỗ ấy. Người ta nói nhân chứng của di chúc miệng phải là người không có quan hệ huyết thống hay ích lợi với người thừa kế. Người nhà họ Baor là thân thích của A Cánh, nhà họ Trần chúng cháu lại có quan hệ lợi ích, chỗ công chứng có nghi ngờ nên vẫn do dự lắm.”
Ông cụ Bảo rít mạnh tẩu thuốc: “Có nghi ngờ cái gì chứ, không phải là sợ tương lai có người gây sự khiến công chứng viên gánh trách nhiệm sao? Một đám giảo hoạt. Bọn họ không ra, tao ra! Ngày mai tao với mày cùng đi thành phố làm thủ tục từ bỏ quyền kế thừa nhà tổ. Muốn ghi hình ghi âm hay giấy trắng mực đen đều làm cho rõ, tao không tin như vậy còn không làm được thủ tục sang tên.”
“Ai da, tốt quá, ngày mai cháu tới chỗ công chứng, xong việc cầm chứng minh của chú với tài liệu trong thôn đi thì mọi việc sẽ dễ làm hơn nhiều.”
Bảo Cánh và Chu Toàn cũng không biết chuyện xảy ra sau đại hội thôn. Chiều nay hai người đã chuẩn bị xong đồ cho bữa tối từ sớm, hầm thái đủ cả, Bảo đầu bếp nói với trợ thủ: “Chú Văn, bọn con đi trước đây, tối nay nhờ cả vào chú.”
“Yên tâm đi, còn lại đều là mấy món cơm nhà cả, bọn chú làm được.”
Sau khi Chu Toàn và Bảo Cánh đi, thím Văn vào bếp uống nước, không thấy hai đứa nhỏ thì hỏi: “Lão Văn, A Cánh với A Toàn đâu? Nửa ngày không thấy tụi nhỏ rồi.”
“Hôm nay là sinh nhật hai đứa nó nên về trước chúc mừng rồi.”
“Gì? Cả hai sinh cùng một ngày hả?”
“Ờm, nếu tính theo lịch dương thì là khác năm, khác tháng cũng khác ngày, nhưng tính theo lịch âm thì năm Bảo Cánh sinh nhuận tháng sáu nên hai đứa nhỏ cùng ngày sinh nhật.”
“Trùng hợp thật, đúng là duyên phận.”
“Đúng rồi, nên nếu hai đứa nhỏ ở cùng nhau thì đều tự tổ chức sinh nhật với nhau hết, không ăn mừng với người khác đâu.”