Vinese với vô số những chiếc cầu nhỏ xinh bắc ngang những con kênh phủ rêu xanh êm đềm đang làm tôi choáng ngợp. Những chậu hoa đỏ thắm mọc trên bậu cửa sổ cổ kính soi bóng xuống sóng nước dập dềnh. Những chiếc ghe gondola thong dong len lỏi quanh thành phố đang bắt đầu lên đèn. Hoàng hôn đến thật đẹp khi ánh đỏ của mặt trời tháng tư đang dần trườn xuống mặt biển.
_ Được đi vòng quanh những nước châu Âu là một trong những mục tiêu khi em quyết định đi du học – Tôi xúc động thì thầm – Venise đẹp và lãng mạn quá!
_ So với Bruges của Bỉ thì sao? – Jean mỉm cười hỏi – Em thích nơi nào hơn?
_ Một câu hỏi khó! – Tôi bật cười – Bruges tĩnh lặng hơn, thiên nhiên hơn, khiến người ta bình an hơn.
_ Anh cũng thấy thích Bruges hơn – Jean nói – Venise đẹp sắc sảo, hào nhoáng, khiến người ta dễ choáng ngợp. Anh sợ những gì choáng ngợp, làm mình mất bình tĩnh, dễ đánh mất bản thân. Người Bỉ vốn hay bị dân châu Âu chê là nhà quê mà!
Đàn ông ở Paris khá tươm tất, rất lịch thiệp dù có phần lạnh lùng. Những chàng Venise mắt đen láy, ăn mặc có phần diêm dúa và nhìn chung đều rất bảnh trai. Jean quả là đại diện cho người Bỉ, mộc mạc, giản dị và chân phương. Tôi mỉm cười siết chặt tay anh, thú nhận "Em thích vẻ nhà quê của người Bỉ!".
Từ Paris, tôi đã đi tàu tốc hành TGV đến Venise. Jean đứng chờ tôi trên sân ga với đôi mắt ấm áp, mái tóc rối màu vàng rực, khăn choàng cổ dài bay lất phất. Vẻ ngây thơ và thân hình gầy nhom của Jean khiến anh trông giống hệt Hoàng Tử Bé. Chúng tôi lao vào vòng tay nhau, xúc động như thể đã không gặp từ cả thế kỷ. Jean biết tôi sang Paris thăm gia đình chị Linh, nhưng cũng sẽ gặp lại Quang. Anh không muốn đi theo dù đang đợt nghỉ lễ Phục Sinh. Anh nghĩ tôi cần không gian riêng để tâm sự với chị họ và cần thoải mái để trò chuyện với Quang. Vì thế, Jean họ sẽ đón tôi ở Venise, nơi chúng tôi hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi thái độ soi mói và những ánh mắt tò mò.
Chúng tôi tản bộ ra place Saint Marc, quảng trường trung tâm của Venise khi màn đêm đã dần chiếm thế thượng phong. Những nhà hàng lãng mạn treo đầy hoa đung đưa trong gió, bàn ăn đặt sát mặt nước biển sóng vỗ dập dềnh, những anh bồi bàn đẹp trai như tài tử Hollywood duyên dáng mời khách du lịch hãy tận hưởng buổi ăn tối hứa hẹn thật hấp dẫn.
Mùi hương phô mai nóng chảy của các loại pizza hòa vào hương vị ngọt ngào của bánh tiramisu và mùi cà phê cappuccino trong nhà hàng tỏa ra ngào ngạt. Nền ẩm thực Ý xứng đáng được hoan nghênh ở khắp thế giới, nên tôi chuẩn bị tinh thần sẽ khám phá mọi món ăn đặc trưng nhất ở Venise trong một tuần nghỉ ngơi tại đây.
Chúng tôi chọn một bàn ăn sát cửa sổ nhỏ treo đầy hoa, nhìn ra con kênh hẹp, hai bên là dãy tường gạch đỏ bám rêu xanh, chếch một tí là chiếc cầu sắt cong cong điệu đà, những chiếc ghe gondola đang neo đậu dập dềnh chờ khách.
_ Em đã đến những thành phố đẹp của các nước châu Âu: Bruxelles, Paris, Vienne và giờ là Venise – Jean mỉm cười nhìn tôi hỏi – Em thích nơi nào nhất?
_ Em thích Liège nhất – Tôi đáp ngay không do dự - "Nhà" em ở đó mà!
_ Liège? – Jean thốt lên – Thành phố công nghiệp quê mùa đó sao? Anh tưởng em ghét đồi gió hú Sart-Tilman, ghét khu trung tâm Liège mất an ninh, ghét phố xá xám xịt trông buồn thảm?
_ Anh vẫn còn nhớ những lời rêи ɾỉ của em khi mới sang Liège? – Tôi bật cười – Hồi đó quả thật em làm phiền anh nhiều quá. Em biết, mình nên cảm ơn anh đã khuyên em mạnh dạn du học...
_ Anh tưởng đến giờ em vẫn còn phân vân về quyết định này? – Jean nghiêm túc – Đôi lúc em làm anh thấy có lỗi vì "bứng" em ra khỏi gia đình, ra khỏi nước Việt Nam, ra khỏi những phong tục tập quán của dân tộc em...
Tôi không phân vân nữa về quyết định du học mình đã chọn vì trong suốt thời gian bảy tháng ngắn ngủi vừa qua, tôi đã học được rất nhiều điều mà nếu còn ở lại Việt Nam, tôi không tài nào tưởng tượng nổi. Tôi học từ giảng đường đại học, những người bạn đồng môn ngoại quốc, những anh chị đồng hương chung nhà, những người Bỉ xa lạ ngoài phố. Tôi cũng đã học rất nhiều khi được đến những thành phố châu Âu khác nhau. Bao nhiêu là kiến thức, những điều thú vị, những cảm xúc bất ngờ...
_ Chỉ là vì – Tôi tư lự nhìn ra cửa sổ - Đôi khi nhớ về gia đình, em thấy mình ích kỷ. Em chẳng báo hiếu gì cho ba mẹ, chưa lo được cho em trai, nó cũng muốn du học.
_ Người Việt Nam lạ quá – Jean thở ra – Xin lỗi vì nói thẳng điều này, nhưng anh đã luôn cố hiểu mà không được. Tại sao ba mẹ Việt Nam muốn con thành đạt để báo hiếu lại cho mình, lại còn quàng trách nhiệm cho đứa con thành công hơn phải chăm sóc cho đứa kém năng động hơn? Nếu xem con cái là cây gậy tuổi già cho mình, vậy việc sinh con quả là ích kỷ. Đứa con đâu muốn ra đời, chính cha mẹ quyết định sinh nó ra. Khái niệm báo hiếu nghe... bất mãn quá!
_ Ồ không! – Tôi cố đính chính – Ba mẹ em không đòi em phải báo hiếu, chỉ là vì em thấy mình có bổn phận phải đền đáp công ơn của họ...
_ Không phải em đang đền đáp bằng cách cố gắng học hành sao? Em năng động và tự chịu trách nhiệm đời mình. Sau này em thành tài, dĩ nhiên là em có điều kiện để báo hiếu. Sao em cứ áy náy? Anh nghĩ em đang bị sức ép vô hình từ ba mẹ mình. Chính họ cũng đề nghị em phải lo cho em trai! Cha mẹ bên đây không ai đề nghị kỳ cục như vậy, mỗi đứa con có cuộc đời riêng của nó. Đứa nào chịu khó thì sẽ thành đạt, đứa nào mê chơi thì về sau hối tiếc. Nếu đứa giỏi giang phải gánh đứa không nổ lực, thật bất công. Đó là chưa nói do định sẵn mình sẽ được bảo bọc, đứa kia càng không chịu cố gắng mà bình chân như vại ngồi chờ "bảo mẫu". Anh biết ở Việt Nam, phụ nữ giỏi giang hơn đàn ông. Chắc cũng là vì cách giáo dục trọng nam khinh nữ, khiến mọi thứ đều đổ lên vai phụ nữ. Anh bất bình thay cho em...
_ Anh chả hiểu gì cả! – Tôi bối rối lẫn bực bội – Cần phải hiểu nguồn gốc xã hội Việt Nam, lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam trong hàng thế kỷ trước khi lên án!
_ Nhưng Việt Nam đang hội nhập, những tập đoàn đa quốc gia như Van Lattel đã sang đó đầu tư. Những người trẻ như em đang ra nước ngoài du học, phải đem về Việt Nam những tư tưởng mới giúp mình sống hạnh phúc hơn. Sao cứ khăng khăng ôm lấy những định kiến, những lề thói không còn phù hợp với cuộc sống mới? Trẻ như em mà còn ù lì, nói gì đến những người lớn tuổi như ba mẹ em?
Mỗi lần nói chuyện liên quan đến Việt Nam, chúng tôi thường rơi vào những tranh luận bất phân thắng bại, khiến không khí dù đang lãng mạn đến đâu cũng đều trở nên khô cứng. Venise xing đẹp lần này cũng không cứu vãn được.
Đồ ăn thơm lừng được đem ra nhưng chẳng ai còn hứng thú nữa. Jean đưa ly rượu chát khai vị ra có ý muốn cụng rồi cuối cùng thở dài tự đưa lên miệng uống một hơi cạn sạch. Tôi cắm cúi ăn món
lasagna của mình trong im lặng. Jean ăn rất ít nhưng rót rượu Bordeaux uống liên tục.
_ Thật ra – Tôi cố gắng tạo bầu không khí ấm áp hơn – Những điều anh nói về mặt lý thuyết hoàn toàn đúng. Nhưng để thay đổi đâu phải một sớm một chiều. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống, dù ba em từng học chương trình Pháp, nhưng đó là thời thuộc địa, khác xa với thời hiện đại này.
_ Anh không ác cảm với những suy nghĩ truyền thống của gia đình em, nhưng cách em áy náy vì những khái niệm "báo hiếu", "trách nhiệm", "nghĩa vụ", "bảo bọc"... làm anh khó chịu – Jean nhún vai – Anh có cảm giác em chưa tự tin vì những gì mình đang thực hiện. Dường như em vẫn đang sẵn sàng đổ lỗi cho anh nếu không thành công khi du học.
_ Ồ không! – Tôi bất ngờ với lời thú nhận này – Em không hề đổ lỗi cho anh. Anh chỉ là người gợi ý em nên du học, còn quyết định là ở em. Và những ngày tháng qua em hoàn toàn hài lòng vì sự chọn lựa này. Nếu có những áy náy, suy tư và buồn bực thì cũng là bình thường. Anh thừa biết em còn ngây ngô và thiếu kinh nghiệm xa nhà. Anh thừa biết em ngốc nghếch thế nào mà...
_ Thật sao? – Jean cười xòa – Vậy mà anh luôn nghĩ em cho anh mới là ngốc!
Tôi không trả lời, chụp ly rượu uống ừng ực. Tôi không biết uống rượu, dù chỉ là một loại khai vị rất nhẹ. Jean nhìn tôi nhăn nhó mà vẫn đòi rót thêm, uống theo kiểu "phá hoại" chứ không hề thưởng thức. Anh chặn lại khi tôi đòi uống ly thứ ba. Hồi ở bên nhau vào cuối năm ở Vienne, tôi cũng mượn rượu để có thêm can đảm. Tôi nghĩ Jean sẽ tấn công tôi khi hai người ngủ chung một phòng khách sạn. Thế mà cao trào của chúng tôi cũng chỉ là những nụ hôn rồi ai về giường nấy. Mấy anh chị ở chung nhà nghĩ tôi coi như "tiêu" rồi khi đi Vienne về. Lần này ở Venise, Jean chắc cũng chẳng thèm làm gì tôi nếu tôi không chủ động. Có lần anh nói "Em yêu anh bằng
amour platonique (tình yêu không tìиɧ ɖu͙©). Nên anh cũng đáp lại em bằng tình yêu trong sáng không có sεメ xen vào, ít ra cho tới bây giờ là vậy".
_ Em làm gì uống rượu dữ vậy? – Jean nhướng mắt hỏi – Uống rượu Bordeaux xịn kiểu này uổng quá!
_ Anh có thấy hai đứa mình khác nhau nhiều không? – Tôi lè nhè – Khác nhau như vậy, liệu yêu nhau có bền vững không?
_ Đừng bao giờ có những câu hỏi ngốc nghếch nữa! – Jean phì cười – Người Việt Nam lúc nào cũng muốn bền vững. Cuộc đời vốn bấp bênh mà. Hãy tận hưởng những gì đang diễn ra. Biết đâu ngày mai Venise chìm xuống biển, Van Lattel phá sản vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, anh và em sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa?
_ Đừng bao giờ có những giả định ngốc nghếch nữa! – Tôi bật cười – Tuy nhiên em thích ý tưởng Van Lattel bị phá sản, anh không còn là cháu trai của sáng lập viên Tập đoàn, em được xóa cục nợ mười lăm ngàn euro.
Chúng tôi đã tận hưởng Venise xinh đẹp trong tiết đầu Xuân ấm áp như thế. Có những lúc lãng mạn, lại có khi giận hờn, thậm chí là tranh luận gay gắt vì những khác biệt văn hóa. Nhưng cả hai đã biết khôn ngoan hơn, luôn tránh mọi "xung đột" trước các bữa ăn, không làm ảnh hưởng đến nền ẩm thực Ý thật tuyệt vời.
Cũng có khi chúng tôi chỉ nằm yên, tập "cấm khẩu" trong nhiều giờ, để con tim được lên tiếng, để được sống bằng tình cảm thuần túy mà không cho lý trí xem ngang vào.
Và chủ nghĩa
amour platonique đã được chúng tôi xét lại. Đúng lúc, đúng nơi, ngập tràn hạnh phúc.