Chương 32: Sart-tilman vào xuân

Hết kỳ nghỉ Phục Sinh, từ Ý quay về Bỉ, tôi vui mừng gặp lại Liège đen nhẻm của mình, ngạc nhiên thấy cô nàng Lọ Lem đã thay bộ áo dạ hội lộng lẫy trong nắng Xuân huy hoàng. Hoa nở nộ khắp các cung đường, Place Saint Lambert ngựa xe sầm uất, đại lộ Boulevard d"Avroy vô cùng nhộn nhịp, chợ trời La Batte ngập tràn hàng hóa, sông La Meuse xanh biếc dập dìu những cánh buồm trắng. Liège tươi đẹp biết bao.

Trên đồi Sart-Tilman, gió đã không còn hú ghê rợn như dạo Thu-Đông, các tài xế xe bus mở hé cửa sổ cho hương hoa cỏ tha hồ tràn vào khiến bọn sinh viên khoan khoái hít căng l*иg ngực. Cây cối hồi sinh phủ xanh rợp nẻo, hoa rừng khoe sắc thu hút ong bướm lượn bay. Thỉnh thoảng trên những nẻo đường đèo chúng tôi còn mục kích cảnh gia đình thỏ rừng dắt díu nhau chạy băng ngang. Những chú sóc thì chuyền cành dạn dĩ sà xuống sân trường vòi ăn bọn sinh viên. Thiên nhiên tươi đẹp trên đồi khiến ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng thư thái.

Chị Linh từ Paris lần đầu sang Liège thăm tôi. Chị ngạc nhiên thấy thành phố công nghiệp mà tôi luôn tả rất buồn thảm lại xinh tươi với vô vàn những công viên nhỏ xinh mọc đầy hoa. Chị thích những quảng trường bé tí với các tòa thánh đường quanh khu nhà tôi ở. Nhà thờ tên gì thì cũng tọa lạc tại quảng trường tên đó, nào là nhà thờ Saint Jacques ở Place Saint Jacques, nhà thờ Saint Paul ở Place Saint Paul, nhà thờ Saint Denis ở Place Saint Denis... Mỗi nơi chỉ cách nhau vài bước chân nên chị Linh tha hồ sà vào nhà thờ cầu nguyện. Chị cho biết những lời cầu nguyện trong nhà thờ lần đầu ghé vào luôn được "ơn trên" đáp lại. Mỗi khi đi xa, chị luôn tranh thủ vào nhà thờ xin "tí lộc". Chị Linh làm tôi thấy buồn cười, chị là người không theo đạo Công giáo, nhưng nơi nào cho chị hy vọng được lộc rơi lộc vãi thì chị đều tin cả.

_ Em cũng tranh thủ cầu nguyện đi - Chị Linh khuyên - Em xin được học hành suôn sẻ, được lấy chồng giàu, có điều kiện lo cho thằng Hải đi du học, trả hết nợ ngân hàng tiền nhà bên Việt Nam.

_ Thôi đi chị! - Tôi bực bực - Cho em xin hai chữ bình an. Thân em lo chưa xong, đừng lôi gia đình vô nữa.

_ Bởi vậy mới nói phải lấy chồng giàu, để chồng lo phụ!

_ Chị nghĩ tướng em có phúc lấy chồng giàu sao? - Tôi cố pha trò - Chân em đâu có dài, mông ngực đều cỡ nhỏ...

_ Ai biểu em không chịu Quang! – Chị Linh nói thẳng – Lại còn muốn chị sang Liège lần này phải gặp Jean. Em muốn chị nói tốt về Jean với ba mẹ em chứ gì!

Chúng tôi ngồi trên ghế đá trước nhà thờ Saint Paul, xung quanh là những cửa hiệu thời trang phổ biến, người ta đang đông đúc ra vào tấp nập mua sắm. Tôi cũng từng vào ra những cửa hiệu này khi muốn xả stress lúc học hành căng thẳng, nhưng thường tôi chẳng dám mua gì dù có những nhãn hàng bán giảm giá chỉ còn trên dưới mười euro một món.

_ Sao người ta luôn bị đồng tiền chi phối cuộc sống? - Tôi chống cằm thở dài - Dân châu Âu này tiêu xài cũng tiết kiệm tối đa, nói chi là em từ Việt Nam sang. Thật tình lấy được chồng giàu cũng ham, nhưng thôi...

_ Thật ra Jean cũng giàu quá đi chứ! - Chị Linh thẳng thừng - Nếu muốn, Jean có thể trả nợ giùm em mười lăm ngàn euro, có thể giúp luôn cả gia đình em. Nhưng chị biết, Jean không bao giờ làm vậy. Tây mà!

_ Jean đâu có giàu, anh ấy cũng đang trả nợ tiền học MBA hồi ở Mỹ - Tôi phản ứng - Jean làm việc rất vất vả, lương chắc cũng không cao...

_ EM ngây thơ quá! - Chị Linh cười nhạt - Đúng là Jean đang mắc nợ tiền học thật, nhưng đó là món nợ dài hạn, hầu như không lãi suất, trả trong hai ba chục năm cũng không sao. Jean có tiền để trả, nhưng không thèm trả đó thôi. Là cháu trai của sáng lập viên tập đoàn Van Lattel, chắc chắn Jean được thừa kế một khoản tiền không hề nhỏ. Và mức lương hiện tại của Jean cũng thuộc loại rất ưu đãi vì anh ta có những điều kiện tuyệt vời nhất: thành phần đặc biệt có độ tín nhiệm cao do là cháu nội của sáng lập viên, là manager trẻ tuổi có bằng cấp quốc tế vì đã tốt nghiệp MBA ở Standford về, là một trong những người nắm giữ công nghệ sản xuất thuộc loại cha truyền con nối, là một trong những ứng cử viên để trở thành CEO của Van Lattel trong tương lai xa.

_ Sao chị biết? - Tôi ú ớ - Em thấy Jean lúc nào cũng giản dị và làm việc như điên, có tiêu xài gì ra dáng giàu có đâu?

_ Tụi Tây thuộc gia đình giàu có đi lên từ lao động chân chính bên đây đều vậy cả. Nhìn giản dị vậy chứ trong tài khoản có cả triệu euro - Chị Linh nhún vai - Nhưng dù giàu đến đâu, Jean không bao giờ trả nợ cho em. Tư tưởng của tụi Tây là mọi người phải tự thân vận động, phải tự có trách nhiệm với bản thân mình. Em học cho em, thì em phải tự trả nợ. Có biết xót tiền, thì mới học hành đàng hoàng được. Vả lại, Jean không muốn em cảm thấy mắc nợ với Jean nếu anh ta đứng ra bao bọc em về mặt tài chính. Như thế, tình yêu sẽ nhuốm màu vụ lợi.

_ Nếu vậy, em càng cảm kích Jean hơn - Tôi hào hứng - Em đâu muốn yêu ai vì túi tiền của người đó!

_ Nhưng với Quang, với tư tưởng của người Việt Nam thì khác - Chị Linh chậc lưỡi tiếc - Người Việt mình xem ra hào phóng hơn, người đàn ông sẽ bao hết mọi chi phí cho người yêu, cho gia đình vợ. Họ xem đó là trách nhiệm của mình, thấy hãnh diện vì được vợ và gia đình nàng cảm kích.

Chị Linh xem ra vẫn nghiêng về Quang, nhất là chị đã gặp anh vài lần ở Paris. Chị có ấn tượng quá mạnh trước vẻ điển trai đầy nam tính và cách nói chuyện khôi hài của anh. Tôi phải báo trước với chị Jean rất chân phương, anh không đẹp trai và cũng rất ngờ nghệch trong ăn nói. Jean không thể sánh với Quang nếu xét về ngoại hình và phong thái. Chị Linh ậm ừ, trông chán nản trước viễn cảnh phải gặp một người buồn tẻ như Jean mà lại bắt chị có "sứ mệnh" nói tốt với gia đình tôi.

Chúng tôi hẹn Jean ở nhà hàng La pagode d"Or bán thức ăn Việt Nam trên phố Rue de la Cathédrale với lý do chị Linh mời để làm quen. Jean phải xin nghỉ phép nửa ngày, từ Bruxelles lái xe đến Liège "ra mắt" chị họ tôi. Tôi hy vọng anh ăn mặc tử tế, ít ra là quần áo đang đi làm trong công sở chứ không xuề xòa giống tài xế. Khi hai chị em đi tản bộ tà tà đến nhà hàng, Jean đã ngồi chờ sẵn. Anh làm tôi thất vọng với phục sức quá giản dị, dường như Jean không cảm thấy cuộc gặp gỡ này là quan trọng và chị Linh cũng chẳng là "cái đinh" gì trong mối quan hệ của anh và tôi.

Chị Linh lúc đầu có vẻ lúng túng, trò chuyện bằng tiếng Pháp với lối xưng hô trân trọng. Tuy nhiên khi thấy Jean gần gũi, chân phương và thật tình, chị trở nên thân mật hơn. Chị Linh trò chuyện hăng say, pha trò và dông dài đủ thứ về lịch sử - xã hội Việt Nam. Chị cũng kể lể thêm về cộng đồng Việt kiều đang sống ở khắp châu Âu rồi nhân tiện mời Jean có sang Paris hãy đến nhà chị ở. Nếu Jean không phải quay về Bruxelles dự cuộc họp quan trọng vào buổi xế chiều, chị Linh còn muốn trò chuyện thêm nữa.

_ Trời ơi, con nhỏ này - Chị kêu lên phấn khích ngay khi còn lại hai chị em - Em đã tả Jean thậm tệ làm chị quá bất ngờ khi thấy hắn! Nhìn xem, một gentleman chính hiệu!

_ Sao? - Tôi ngơ ngác - Em thấy Jean xuề xòa quá, mặc áo len bên ngoài áo chemise nhìn ốm nhách...

_ Ngu quá! Ngay từ cái nhìn đầu tiên chị đã nhận ra Jean đến từ một gia đình gốc gác lớn, có giáo dục đàng hoàng, có phong cách sang trọng và vô cùng lịch thiệp. Em không nghe hắn phát âm tiếng Pháp hả? Không hề quê mùa như tụi Bỉ thông thường mà là thứ tiếng Pháp chuẩn của những ai được học ở trường tư nổi tiếng.

_ Em đâu có rành tiếng Pháp - Tôi nhún vai - Tụi em thường trò chuyện bằng tiếng Anh, lâu lâu mới xen tiếng Pháp vô.

_ Em chê Jean ốm nhách? Ốm vậy mới sang, đúng phong thái con nhà giàu. Bên đây ai giàu mới được ăn thịt cá tươi, ăn rau tươi, tiêu thụ những thức ăn bio không có thuốc trừ sâu. Còn tụi nghèo mới phải ăn hàng đông lạnh, hàng công nghiệp, tiêu thụ các loại fast food khiến béo phì. Còn áo quần của Jean toàn mua trong boutique không đó. Nhìn không có nhãn mác gì nhưng thuộc loại hàng may đo riêng, là hàng độc, rất sang. Chỉ có nhà nghèo hoặc nhà giàu hợm hĩnh mới mua hàng công nghiệp may sẵn.

_ Vậy hả? - Tôi chưng hửng - Ai biết đâu...

Chị Linh xoay tôi đủ chiều với những nhận xét của mình từ lúc tôi tâm sự về Quang và Jean. Những lời chị nói không phải là không có lý, nhưng tôi cũng tập không bị ảnh hưởng gì từ những lời khuyên tùy hứng của chị. Tôi nhớ ngày trước mình rất dễ xao động vì những lời "nói ra nói vô" của người khác. Từ ngày đi du học, sống độc lập, dần dần tôi nhận ra cuộc đời mình là của mình, không ai có thể quyết định thay. Lẽ ra tôi nên có những suy nghĩ độc lập ngay khi tròn mười tám tuổi như dân châu Âu bên này. Nhưng người Việt Nam quen sống dựa dẫm vào gia đình, cách giáo dục đó khiến tôi có tinh thần ỷ lại, sướиɠ hay khổ thì cũng có gia đình bên cạnh. Vì thế tôi cũng trưởng thành chậm, sợ sệt nhiều, không bao giờ có chính kiến riêng.

Sau những lời nhận xét của chị Linh, giờ đây có thể tôi nhìn Jean bằng con mắt hơi khác, có thể tôi không còn cho anh là "cù lần" hay buồn bực vì anh sống quá lí trí. Nhưng điều này không quan trọng, chúng tôi là hai cá thể độc lập, hai con người khác nhau, đến từ hai nền văn hóa xa lạ. Chúng tôi vẫn đang cố kết nối nhau bằng tình yêu chân thành và giản dị.

Tôi tiếp tục học tập hăng say trên giảng đường Đại học và trong cuộc sống thường nhật. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi vào khu Le Carré uống bia với tụi bạn da trắng hay đi hát karaoke với mấy anh chị Việt Nam chung nhà. Cũng có khi tôi đi lễ ngày chủ nhật ở nhà thờ Saint Jacques với mấy anh bạn da đen của Pascale rồi cả đám kéo nhau ra chợ trời La Batte.

Những ngày cuối tuần ở Liège thật nhiều hoạt động, bạn bè quốc tế tổ chức hội họp, ăn uống, nhảy salsa, đi picnic, chơi thể thao...

Nhưng thông thường, tôi dành những ngày cuối tuần cho Bruxelles. Tôi thích không khí ở sân ga Bruxelles khi tàu từ Liège vào bến, hành khách vô cùng háo hức mong nhanh gặp lại người thân. Ai đó đứng chờ với nụ cười trấn tĩnh nhưng ánh mắt tràn đầy niềm vui. Mọi người xúc động sà vào lòng nhau, những nụ hôn hối hả không bị ai làm phiền.

Và tôi yêu cảm giác được ôm siết vào lòng.