Tôi mặc áo khoác, đeo ba-lô lên vai,ngước nhìn ngôi nhà nhỏ một lần rồi quay lưng, đóng cửa lại. Ngoài phố gió thốc thật mạnh, tóc tôi đột ngột bay phần phật che kín mặt. Do bất ngờ vì không nhìn thấy gì, tôi loạng choạng hụt chân rơi từ vỉa hè xuống lề đường, một tiếng phanh gấp của xe hơi vang lên nghe rợn người. Một người đàn ông thật dữ tướng bước xuống xe, tiến lại gần rồi nâng tôi dậy.
_ Cô không sao chứ? Tôi rất xin lỗi...
_ Ồ - Tôi ngạc nhiên – Tôi đột ngột ngã xuống đường, ông đâu có lỗi gì.
_ Tôi lái có hơi nhanh trên con phố nằm trong phạm vi trung tâm thành phố - Người đàn ông thú nhận – May mà tôi phanh kịp. Cô có sao không?
_ Chân tôi hơi đau một tí – Tôi cười – Không sao.
_ Cô bị trợt vì vỉa hè trơn quá? – Người đàn ông quan tâm – Có thể bong gân hoặc nứt xương bên trong. Cô phải chụp hình kiểm tra.
Ông quay trở lại xe lấy giấy tờ rồi đưa tôi xem. Tôi được nhận một tờ giấy ghi lại họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số xe giống như trên giấy tờ của ông. Đáng lý ra cả hai chúng tôi phải đến bệnh viện xem tình trạng chân tôi ra sao nhưng hiện cả hai đều bận, tôi đồng ý nếu có gì cần, tôi sẽ tìm ông. Chúng tôi thân thiện chào nhau. Ông chúc tôi có những ngày nghỉ lễ có ý nghĩa rồi lái xe đi.
Người đàn ông đó nhìn có vẻ ngang tàng với áo quần bằng vải jean bạc phết, xe ông đang chạy cùng thuộc loại cà tàng. Chắc ông cũng không thuộc tầng lớp trí thức. Ông thừa biết tôi là người nước ngoài, ù ù cạc cạc, không thể làm khó gì được ông. Vậy mà ông đã cư xử thật văn minh và có tinh thần trách nhiệm.
Càng ngày tôi càng thấy mến những người Bỉ, họ thật thà quá và không bao giờ phủi tay những gì có liên quan đến mình. Chắc vì lẽ đó mà dân châu Âu cho người Bỉ là khờ. Chị Linh nói dân Pháp lém lỉnh, người Đức thì thận trọng, dân Bắc Âu khôn ngoan, người Ý thì không được chân thành.
Bản thân tôi có lần đi thang máy ở trường chung với một nhóm sinh viên, chợt nghe mùi khó chịu bốc lên, một anh chàng ngượng đỏ mặt thốt ra thú nhận "Xin tha lỗi, tôi vừa mới... xì hơi!". Lần đó tôi ngạc nhiên tột cùng, đâu ai bắt chàng khờ đó ra mặt "lạy ông tôi ở bụi này".
Về sao càng tiếp xúc nhiều với người Bỉ, tôi nhận ra họ luôn tự nguyện thú nhận mọi "lỗi lầm" dù xác suất để bị phát hiện là vô cùng thấp. Tiếng xin lỗi luôn được thốt ra mọi lúc mọi nơi với một vẻ mặt áy náy, từ tiếng ợ hơi, nhảy mũi hay ho khúc khắc chốn công cộng, cho đến cái va chạm không cố ý hay người đi trước vô tình không giữ cửa tiếp tục mở cho người đi sau.
_ Ê! Vy! – Anh Hưng đột ngột chạm mặt tôi ở bến xe bus – Em ra ga có gì đó hả? May qua kịp gặp em. Anh thiếu tiền mà cái thẻ rút tiền bị giới hạn số tiền trong một ngày.
Anh phải quay về nhà tìm em, may kịp gặp, em cho anh vay năm trăm euro nhé.
_ Em cũng trễ rồi, anh ra ga Guillemin với em rồi rút tiền ở máy ngoài đó luôn.
_ Ok! – Anh Hưng chợt nhìn tôi chăm chú – Sao hôm nay em đẹp thế? Đi gặp trai có khác!
_ Gặp trai nào? – Tôi chột dạ - Em sang Paris thăm chị Linh, chị họ em mà.
_ Thật không? Sao bà Nhàn tiết lộ em tâm sự có hẹn hò thằng Việt kiều nào bên đó. – Anh Hưng đổi giọng chân thành – Tình tay ba là khốn khổ lắm đấy em ạ. Những người đàn ông chân chính không bao giờ muốn day vào những cô gái lửng lơ con cá vàng đâu. Lắng nghe con tim mình mà đi cho đúng hướng...
_ Anh màu mè quá! – Tôi quạu – Em cũng đang rối như canh hẹ đây.
Chỉ đi bus có ba trạm là chúng tôi tới ga. Anh Hưng không muốn chọc tôi thêm cáu nhưng cứ nhìn tôi với ánh mắt khuyên răn. Tôi rút tiền trong máy đưa cho anh, nhờ anh xách cái ba-lô nặng nề lên toa tàu rồi xua tay "Anh về đi. Ý em là anh ra siêu thị săn hàng giảm giá tiếp đi. Ở Paris về em sẽ mua quà cho cả nhà". Anh Hưng nhảy xuống sân ga nhưng chưa chịu đi vội, chờ tàu chuyển bánh, anh vẫy tay dặn dò "Cố giữ thân nhé! Đừng có làm gì phải ân hận..."
Đã quá trễ để tôi có thể nhảy xuống, tàu tốc hành đã ra khỏi sân ga. Lòng tôi rộn lên một nỗi buồn tê tái, chân tay tôi bải hoải, tiếng thở dài của tôi nghe não nùng đến mức một bà sồn sồn ngồi kế bên phải quay lại kín đáo nhìn. Thật sự anh Hưng đã sai khi nghĩ rằng tôi sang Paris để hẹn hò với Quang. Tôi không báo với anh mình sẽ đến mà dối rằng ở lại Liège suốt kỳ nghỉ Giáng Sinh để làm bài tập quan trọng. Tôi chỉ sang Paris thăm chị Linh và không muốn gặp lại Quang. Thật không phải nếu để anh hy vọng. Tôi không có nhu cầu tìm hiểu sâu xa hơn ở Quang, một người mà ngay từ những ngày đầu tôi đã mơ hồ nhận ra là quá phức tạp so với mình.
Dù không làm chuyện "lửng lơ con cá vàng: như anh Hưng nhằm trách kh lên đường sang Paris, tôi thật sự không muốn đi chuyến này. Tôi ước gì mình có thể ở lại Bỉ, bên cạnh người tôi nhớ đến quay quắt. Giá mà tôi có một Giáng Sinh thật ấm áp bên người tôi không sao quên được.
Ba ngày trước, khi tôi làm liều gọi điện cho Jean, anh ngơ ngác hỏi Có chuyện gì vậy?". Tôi ngập ngừng hỏi anh có kế hoạch gì cho Giáng Sinh chưa.
_ Sao, hôm nay đã là ngày hai mươi rồi hả? – Jean thảng thốt – Anh bận quá, họp hành liên tục. Công ty sẽ tung ra nhiều chiến dịch sau kỳ nghỉ lễ, mọi người đang chạy nước rút đây. Anh được giao làm trưởng dự án nên... Anh không còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện lễ lộc.
_ Em được chị họ mời sang Paris ăn Giáng Sinh và sẽ đi trong vài ngày tới.
_ Vậy thì đi đi, lời mời dễ thương quá! – Jean hào hứng khuyên tôi nên nhận lời – Paris rất đẹp với vô số những tiểu cảnh trang trí khắp đường phố.
_ Vậy hả?" – Tôi ậm ừ.
_ Mấy ngày lễ cuối năm em có chốn đi chơi và có chị họ chăm sóc vậy là anh yên tâm – Jean thật thà – Anh sẽ tập trung làm việc, khỏi phải bận tâm lo em buồn.
Tôi cố vớt vát hỏi anh định làm việc đến khi nào mới nghỉ, không lẽ anh cũng không ăn tiệc nửa đêm vào ngày Chúa chào đời, và cũng không ăn Giao thừa để đón năm mới. Giọng Jean mệt mỏi, anh cho biết chưa có kế hoạch gì, gia đình anh không quan trọng những ngày sum họp này, bởi ai cũng quan tâm đến kinh doanh và tương lai Van Lattel nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế đe dọa toàn cầu hiện nay. Vẫn với cái giọng thật thà đến đau lòng, anh nói thêm "Gia đình anh là doanh nghiệp mà, không có tình cảm gì đâu..."
Tôi nghĩ chắc anh muốn nói gia đình anh chỉ lo làm ăn, không có tâm trí cho tiệc tùng những ngày lễ. Nhưng cái câu "không có tình cảm gì đâu" làm tôi hụt hẫng quá. Không lẽ Jean chỉ biết cuốn mình theo công việc, quan tâm đến lợi nhuận đến mức tự nhận mình vô cảm? Anh vô cảm với những ngày lễ sum họp, vô cảm với không khí quan tâm lẫn nhau thời khắc cuối năm, và dĩ nhiên là vô cảm luôn với tôi?
Thôi được, tôi cay đắng viết trên Facebook của mình " Nếu có người vô cảm với ta, thì ta cũng đành... lãnh cảm với người: Vô số friends nhảy vào comments nhí nhố càng làm tôi chán nản. Tôi nhận ra mình không còn tí hứng thú nào với Facebook, tôi không cần những lời nói ảo không giá trị. Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận sự cô đơn đang nhấn chìm mình, tôi cần một bờ vai thật, một ánh mắt thật, một cái siết chặt tay.
Tôi quyết định đi Paris. Có ai tha thiết, mong muốn tôi ở lại Bỉ đâu.
Vậy mà giờ đây, ngồi trên tàu tốc hành đi Paris, tôi lại thấy lòng bồn chồn. Thật lạ, tôi chưa từng đến Paris, nơi bao nhiêu người trên đời này mơ có một lần đặt chân đến. Ở đó tôi có nhà chị họ ở miễn phí, được biết bao lời hứa hẹn sẽ tha hồ rong chơi. Ở đó còn có một người đàn ông trông chờ được gặp tôi với lời đề nghị muốn "tìm hiểu" nhau nhiều hơn. Mà người đó cũng đâu phải tệ hại gì, vừa đẹp trai, vừa là giám đốc một công ty công nghệ thông tin.
Loa báo tin con tàu còn vài phút nữa tàu sẽ vào ga ở Bruxelles, dừng năm phút đón khách rồi sẽ tiếp tục hành trình sang Paris. Đột nhiên, tôi quyết định sẽ xuống ở đây. Tôi thở dài nhận ra, mình không "lãnh cảm" được rồi.
It"s now or Never!Bruxelles trời còn lạnh hơn cả Liège, tôi nhảy xuống sân ga đầy gió, nghe từng tế bào của cơ thể mình đông cứng lại. Cái ba-lô trên lưng nặng trĩu, nhấn tôi xuống đất không cất nổi chân. Sân ga những ngày cuối năm vô cùng đông đúc và rộn rã. Tiếng trẻ con ồn ào phấn khích với những chuyến đi chơi. Tiếng chân chạy thình thịch đầy sốt ruột của những người cả năm làm việc xa đang nóng lòng về sum họp với gia đình. Tiếng những chiếc va-li có bánh xe kéo miết trên mặt đất róng riết. Vậy mà tôi có cảm giác chỉ mình tôi trơ trọi ở sân ga thuộc loại đông đúc bậc nhất châu Âu này.
Tôi tự hỏi việc mình làm là đúng đắn? Sao tôi không ngồi lại trên tàu, chỉ chừng một tiếng là đến với kinh thành Paris hoa lệ rồi?
Tôi không biết phép màu nào đã dẫn dắt, cuối cùng tôi cũng lết được đến trước công ty Van Lattel sua khi trải qua mấy trạm xe điện ngầm. Quầy tiếp tân trước kia có đến năm sáu nhân viên nay trơ trọi chỉ còn một cô gái trẻ đeo bảng "Thực tập viên: Chắc ngày cuối năm mọi người đi nghỉ hết, cô bé thực tập bị đì phải ở lại trực thay.
_ Tôi muốn gặp Jean Van Brel – Tôi lí nhí ngượng ngùng – Anh ta có đang họp?
_ Tôi thấy ông Van Brel ra ngoài rồi, chắc đi họp ở nhà máy – Cô thực tập viên cười tươi tỏ ra hữu ích – Cô có hẹn trước không?
_ Không! – Tôi đột ngột mệt mỏi muốn té lăn ra – Tôi như một con ngốc vậy!
_ Sao? – Cô thực tập áy náy trước vẻ thất vọng não nề của tôi – À! Ông Van Brel đây rồi, may quá!
Tôi quay lại chậm chậm, Jean quả thật đang đứng nơi cửa dù tôi khó lòng nhận ra anh. Jean không đội nón để lộ món tóc nâu dựng đứng lên kỳ quái, mặt anh hóp lại, mắt cũng sâu, cằm đầy râu tua tủa, áo khoác đen vẫn còn trắng những bông tuyết nhỏ li ti, khăn choàng cổ rơi ra bên cao bên thấp, giày còn dính đầy sình lầy. Dường như Jean trở về từ một nơi chiến sự nào đó.
_ Em tiện đường đi ngang Bruxelles! – Tôi mỉm cười – Em dự hội nghị gần đây, kết thúc sớm hơn dự kiến nên tranh thủ ghé thăm anh...
_ Chào em...
Jean cười nhẹ rồi đột ngột khuỵu xuống. Trước khi tôi kịp hiểu chuyện gì, cô tiếp tân la lên bai bãi "Ông Van Brel xỉu rồi, chúa ơi!".
Tôi ước mình có đủ sức mạnh để... bồng Jean trên tay, như lần anh đã làm với tôi trong Ibis hotel.