Mụ Diễm đi đâu vào buổi tối hôm đó, đến nửa khuya thì mới hớn hở quay về. Thấy Duẩn đang ngồi soi mặt trước thau nước lau vết rách trên mặt, mụ hòa hoãn nói:
- Lấy muối mà sát vào, kẻo nhiễm trùng rồi toét ra lại tốn tiền đi chạy chữa.
Duẩn thấy lạ vì mụ Diễm tự dưng lại thay đổi thái độ quan tâm anh như vậy, nhưng câu nói tiếp theo của mụ khiến thâm tâm anh chết lặng:
- Tao với ông Lực sắp làm đám cưới, thằng Bá cũng sẽ dọn về nhà ở chung. Nay mai nó về đây thì bay đừng làm phiền nó học hành nghe chưa.
Nói xong mụ tủm tỉm quay đầu bước vào trong buồng. Hình như mụ sung sướиɠ lắm, vì cái ước nguyện bấy lâu nay của mụ cuối cùng đã được thành sự thật.
Chiều nay đi qua đình làng, Duẩn có nghe phong phanh tin ông Lực bán nhà vì thua số đề. Chắc vì vậy nên ông Lực không còn cách nào nên mới đành phải lấy mụ Diễm. Hơn nữa từ trước tới nay mụ Diễm qua lại bên ấy lo ăn ở, ông Lực sớm đã ỷ lại nên chẳng thèm lo làm ăn gì cả chỉ suốt ngày rượu chè. Dịp này ông Lực sa cơ lỡ vận, mụ Diễm hẳn đã bơm thêm để ông ta về quách bên này.
Duẩn tức giận khiến vết máu trên má đã dịn chảy thế mà lại trào ra. Lông mày anh giật giật, nắm đấm tì xuống đất nổi cả gân xanh. Mụ Diễm ngày càng quá quắt. Ông Lực về đây, gánh nặng năm miệng ăn sẽ đè lên đầu anh. Cả cơ nghiệp ông Cố để lại từ lúc sinh thời, cũng chẳng biết sẽ tồn tại được bao lâu.
Mụ Diễm cứ quẩn quanh trong buồng, trả biết mò mẫm cái gì mà ồn cả khắp nhà. Được một lúc mụ lại chạy ra cố tình làu bàu để cho Duẩn nghe thấy:
- Sắp làm đám cưới tới nơi rồi mà chẳng có gì để mặc trong đêm tân hôn cả.
Sắc mặt mụ đỏ lựng tỏ vẻ thẹn thùng khi nghĩ tới ông Lực. Mụ năm nay đã ngoài bốn mươi, đúng tuổi hồi xuân mơn mởn. Ông Lực lại vóc người cường tráng đẫy đà càng khiến lòng mụ nóng như lửa đốt.
Vẻ mặt mụ bỗng như sực nhớ ra điều gì đó, mụ chạy vào buồng cụ Cầm bắt đầu hạnh họe cụ:
- Cái áo đỏ của bà đâu rồi? Đưa đây để cho tôi lấy mặc nay mai chuẩn bị lễ cưới.
Duẩn tức đến tím mặt xông vào buồng cụ Cẩm định ngăn cản mụ Diễm. Thế nhưng cũng không kịp. Cái áo đỏ mấy hôm nay cụ Cẩm mặc trên người đã bị mụ Diễm lột ra, để cụ trần như nhộng. Duẩn quát toáng lên:
- Mẹ làm cái gì thế? Sao mẹ lại lột áo của bà?
Mụ Diễm trừng mắt tát Duẩn một cái rồi nói:
- Câm mồm! Hay mày có tiền mua áo cho tao? Thứ nghèo kiết xác ngu dốt như mày mà cũng đòi lo cho người khác à? Lo cho ấm cái thân mày đi…
Mụ lột được xong cái áo đỏ của cụ Cẩm thì hơi nhăn mặt vì chiếc áo có mùi hôi khó ngửi. Nhưng mụ cũng nhanh chóng cười toe toét rồi cầm chiếc áo ra ngoài vại nước giặt lại cho sạch.
Duẩn nhìn thấy cụ Cẩm trần như nhộng, cụ chẳng khóc cũng chẳng buồn mà còn cười toe toét móm mém nhai trầu, tự dưng chảy nước mắt, chắc cụ già quá rồi nên lẫn chăng. Hay cụ đã bị mụ Diễm hành hạ tới phát điên rồi. Anh bùi ngùi lục tủ lấy một tấm áo cũ khoác lên người cụ rồi dặn dò:
- Bà mặc áo vào đi kẻo lạnh lại cảm. Nay mai có tiền cháu sẽ mua cho bà một cái áo khác.
Mụ Diễm nghe thấy thế liền từ bên ngoài quát the thé vọng vào:
- Cụ thiếu gì áo mặc mà mày phải mua. Tiền ấy để lo cho thằng Bá ăn học. Tao cấm mày được động vào.
Duẩn giận quá đấm rầm vào vách tường, bụi đất từ trên tường rơi xuống lả tả. Duẩn khó chịu đến độ cảm thấy thở cũng ngột ngạt. Bèn ra ngoài lấy xe đạp chạy ra đình.
Mụ Diễm thấy Duẩn phóng xe đi liền gọi với theo:
- Ngày mai nhà làm cỗ mày phải về sớm mà phụ giúp. Đừng có la cà linh tinh đi đâu…
Duẩn bỏ ngoài tai lời mụ Diễm. Mụ có thể đánh đập, chửi mắng hành hạ anh. Nhưng rước ông Lực về nhà này là một trong những điều cấm kị. Duẩn sẽ tuyệt đối không dung thứ cho hành động của mụ. Nếu ngày mai ông Lực có mặt ở đây và quả như làm lễ cưới với mụ Diễm, anh sẽ lôi thằng Bá ra đánh một trận cho bõ tức.
Hôm nay ở ngoài đình có buổi tập văn nghệ của đội văn nghệ trong thôn. Đội văn nghệ có một cô gái Duẩn rất thích và để ý từ lâu. Đó là Trang. Trang tuy không xinh đẹp, nhưng lại rất có duyên. Cái duyên của Trang là ở cặp mi, cặp mi lá liễu rủ xuống cạnh khóe mắt. Cặp mi nhìn qua tuy u buồn nhưng lại khiến người ta xao lòng thầm thương.
Ở đội văn nghệ cũng có mấy tay để ý đến Trang. Nhưng mấy tay đó toàn là phường sở khanh lắm điều tiếng. Trong đó có Công là người Duẩn ghét nhất. Trước đây Công có tiếng xấu trong đội văn nghệ huyện về chuyện trai gái, sau cũng vì chính chuyện ấy vô độ nên bị người trên huyện đuổi cổ về làng. Làng lại thiếu người lắm mới mời Công ra để tập văn nghệ chỉ bảo đàn em. Từ ngày vào đội văn nghệ làng, Công bao lần ve vãn Trang nhưng không thành. Duẩn thường ngày cứ hay quanh quẩn bắt chuyện với Trang nên lần nào thấy Duẩn xuất hiện Công cũng hò mấy gã trong đội văn nghệ lao ra đánh.
Trang biết Công không phải hạng tốt lành gì nên thường ngày cũng có ý muốn tránh xa. Công thấy vậy càng cho là vì Duẩn nên Trang mới phớt lờ mình. Gã tức điên lên và lần nào đánh Duẩn cũng rất thậm tệ.
Vừa đạp xe đến đầu đình, Duẩn đã thấy tiếng trống mõ inh ỏi. Đám nam thanh niên trong đội văn nghệ đang diễn vở Quan Âm Thị Kính. Thấy Duẩn đến liền ném cả mũ áo lao ra cổng đình chặn xe đạp của Duẩn. Công bô bô cái miệng quát:
- Mày quanh quẩn ở đây làm gì? Định trêu ghẹo con gái nhà lành à? Đánh nó…
Công vừa dứt lời đã xông tới đấm túi bụi vào mặt Duẩn. Đám thanh niên được thể ăn hôi, thi nhau bồi thêm tới tấp. Nay cú cùi trỏ mai cú đấm, chẳng mấy mà Duẩn đã phải xây xẩm mặt mày. Ông trưởng thôn vội vã chạy lại quát:
- Chúng mày làm cái gì thế! Tập văn nghệ thì thằng nào cũng kêu mệt, mà giờ có sức đánh nhau hăng hái quá nhỉ?
Thấy ông Trưởng thôn đã ra mặt, đám Công mới dừng tay cười toe toét nói:
- Dạ chúng cháu tưởng mấy thằng làng bên nên ra tẩn cho một trận. Ai ngờ…
Công đỡ Duẩn dậy rồi giả giọng tỉnh bơ nói:
- Cậu Duẩn đấy à? Chết! Đến sao không ới lên một câu để cho bọn anh biết. Ai lại để thế bao giờ…
Ông trưởng thôn mắt mũi kèm nhèm, lại nghĩ lũ thanh niên nói có lý. Xung quanh đây mấy làng đấu đá nhau. Thi thoảng cũng có chuyện thanh niên làng bên sang chọc phá nên bị trai làng này đánh cho bõ ghét. Việc bọn Công viện cớ ấy đánh Duẩn, ông trưởng thôn thấy cũng không có gì là lạ. Ông chạy tới vỗ vai Duẩn rồi cười hề hề nói:
- Thanh niên trai tráng, ngày xưa đi đánh trận bom đạn rơi lả tả còn chẳng sao. Không việc gì chứ hả?
Duẩn gượng cười, phủi bụi đất trên quần áo vì khi nãy bị đám Công quần đả một trận ngã xuống đất nên đã nhuốm bẩn. Duẩn liếc vào bên trong thấy Trang vẫn đang luyện tập vài lời thoại, bèn hỏi ông trưởng thôn:
- Đội văn nghệ mình tập đến đâu rồi hả chú? Sắp nghỉ giải lao chưa ạ?
Ông trưởng thôn bỗng ưỡn ngực nghiệm mặt nói:
- Nghỉ là nghỉ thế nào, mấy hôm nữa là đến hội làng rồi mà còn chưa tập xong được nửa vở đây này.
Rồi ông trì triết đám thanh niên:
- Cũng tại lũ chúng mày cứ chây lười chứ không thì xong lâu rồi!
Duẩn tiếc rẻ lại lững thững dắt xe đạp đi. Anh ngoái đầu lại định nhìn Trang một cái rồi về. Đúng lúc Trang quay đầu nhìn ra thấy Duẩn liền mừng rỡ chạy tới:
- Anh Duẩn! Anh đến lâu chưa?
Công sợ Trang quấn lấy Duẩn nên liền tối mặt nói:
- Thôi muộn lắm rồi, tập nhanh nhanh lên còn về! Trang vào đây theo anh nào…
Trang ngần ngừ như chưa muốn đi, cô nói nhỏ với Duẩn một câu:
- Lát nữa tập xong em có đi qua miếu thành hoàng. Anh gặp em ở đó nhé!
Trang dúi vào tay Duẩn một mảnh giấy nhỏ. Duẩn vội vã cất vào trong túi áo rồi đỏ mặt lên xe đạp phóng về nhà. Trang thấy Duẩn đi đã khuất mới cúi đầu e lệ bước vào trong đình.