Con Đường Âm Phủ


Một giọng nói the thé vang vẳng trong gió:

– Trả nợ cho tao…

Mạnh toát mồ hôi, xoay người trở lại thì không thấy ai. Anh bỗng nhớ lại cái hình dáng ấy, chính xác là hình dáng của bà già mà hai mươi năm trước anh đã gặp, trên con đường mòn kinh hoàng. Con đường mà cho dù sau khi đã thoát ra khỏi đó một thời gian dài rồi mà Mạnh vẫn phải mất một thời gian rất lâu nữa mới có thể quên được hết.

Kể từ sau hôm đó, cứ tối đến, Mạnh lại hãi hùng bắt gặp phải đôi mắt ấy, cái vóc người ấy. Thi thoảng người ấy cứ vắt vẻo trên ngọn cây, thi thoảng thì thấp thoáng ở nhà tắm. Lúc thì mập mờ ở cái cây mít vườn sau. Lúc lại có tiếng rầm rầm ở gần cái cửa sổ buồng ngủ…

Những chuyện ấy ám ảnh khiến Mạnh cảm thấy muốn phát rồ. Câu nói “Trả nợ lại cho tao” cứ vang vang mãi trong đầu anh mà không dứt.

Cuối cùng Mạnh đã nhớ lại hết, và đã biết rằng, giờ đây là lúc anh phải thực hiện trả lại món nợ cho mụ già yêu tinh trên con đường Hoàng tuyền lộ năm xưa.



Buổi sáng hôm sau.

Con gái anh là Thu Quyên đã tíu tít khoe với anh một chuyện rất vui vẻ:

– Bố ơi, hè này trường đại học cho bọn con nghỉ rất dài, con muốn đi du lịch một chuyến. Bố cho con đi nhé!

Mạnh nhìn đứa con gái đầu lòng là Thu Quyên, rồi nghĩ đến bản khế ước với mụ yêu tinh mà ruột đau như cắt. Nhưng anh khẽ vuốt mái tóc của Thu Quyên nhẹ nhàng, rồi trầm ấm dịu giọng hỏi con:

– Vậy chứ con muốn đi du lịch ở đâu?

Thu Quyên thật thà trả lời:

– Dạ! Con muốn đi một chuyến đi phượt từ Nam ra Bắc!

Mạnh chợt nhíu mày nói:

– Đi qua đường Trường sơn à?

Thu Quyên ngạc nhiên, thích chí reo lên:

– Ơ sao bố biết hay vậy! Là vì giờ người ta hay đi đường quốc lộ một. Nhưng tụi con nghe nói đường Trường sơn đi thì sẽ có thể ngắm được nhiều cảnh đẹp hoang sơ hơn. Hơn nữa đó còn là tuyến đường có nhiều tích truyện oanh liệt kháng chiến, rất đáng để khám phá.

Mạnh thở dài trách số phận Thu Quyên sao mà hẩm hiu, chuyện này xảy ra giống như là ông trời cố ý sắp đặt để Thu Quyên đi thế mạng, trả nợ số kiếp năm ấy vậy.

Mạnh biết chuyến đi này của Thu Quyên cuối cùng sẽ xảy ra hậu quả gì, cho nên chỉ cố nén đau thương nói:

– Bố cũng muốn thăm lại đường Trường sơn một lần, hay là con cho bố đi cùng với bọn con đi. Bố quen đường ở chỗ đấy nên cũng biết nhiều di tích hay lắm…

Thu Quyên reo lên:

– Thật vậy hả bố? Ôi thích quá! Vậy là bố đồng ý cho con đi du lịch…

Mạnh gằn lòng kìm nén cố không phát ra những lời buồn bã nói:

– Ừ, với điều kiện là có bố đi cùng!

Thu Quyên thích trí liền nói:

– Bố muôn năm, bố là nhất!

Rồi Thu Quyền tung tăng chạy lên phòng mình ở lầu hai, con bé hối hả gọi cho khắp lượt những người bạn thân sẽ tham gia chuyến đi này để thông báo rằng nó đã được bố nó đồng ý cho đi. Không những vậy, nó còn mời được một người dẫn đường cự phách là bố nó đi cùng, để cả đoàn không cảm thấy lãng phí thời gian mà vẫn có được đến những điểm lý thú trong chuỗi hành trình vậy.

Còn Mạnh thì nhìn Thu Quyên vui vẻ như một đứa trẻ, nghĩ đến kết quả của chuyến đi lần này. Anh chỉ muốn đâm đầu vào chỗ nào đó chết quách đi cho xong. Vì sao một đứa bé dễ thương đến như thế, mà năm xưa đầu óc của anh bị trời đánh thánh vật thế nào, lại buột miệng nói ra là đánh đổi đứa con này. Nếu bây giờ cho thời gian quay trở lại, Mạnh thà đánh đổi tính mạng của mình thay cho con bé, còn hơn là để một người trong sáng thiện lương như Thu Quyên phải chết vì một sai lầm của mình.

Năm hôm sau, những người bạn của Thu Quyên đều đã góp mặt đầu đủ ở kho công ty của Mạnh. Mạnh cử hẳn một chuyến xe hành khách của công ty để bảo trợ cho chuyến đi lần này của đám trẻ. Đồng thời, anh còn là người đích thân lái chiếc xe ấy để đưa chúng đi trên chuyến hành trình lần này.

Chuyến xe bắt đầu khởi hành, con đường Trường sơn xưa cũ năm nào dần dần hiện ra trước mắt đoàn người.

Mạnh rất quen thuộc tuyến đường này nên lái xe rất bắt đường. Không những vậy anh lại còn có thể tìm được những điểm đến lý thú dành cho lũ trẻ trên khắp chuyến đi, khiến chúng trên khắp chuyến đi cứ luôn khen ngợi anh không ngớt.

– Chú Mạnh, không ngờ đường Trường sơn này toàn cây với cối, mà lại có lắm chuyện hay li kì thật đấy!

Tuấn, một người bạn của Thu Quyên từ đầu đến cuối chuyến đi liên tục nịnh nọt Mạnh khiến Mạnh vui vẻ. Nghe đứa trẻ thích thú khen ngợi, Mạnh khách sao gật đầu nói:

– Thì chú cũng biết ít thôi, quan trọng là hồi trẻ có đi nhiều qua chỗ này, nên nghe dân ven đường kể mãi thành ra cũng quen đi ấy mà!

Mạnh nói xong, lại chăm chú tiếp tục vào việc lái xe. Tuấn hứng thú dạt dào hỏi:

– Ngoài mấy chuyện các chiến sĩ hy sinh, rồi tục lệ của người bản xứ. Chú còn biết chỗ nào hay hay li kì nữa không chú?

Mạnh trả lời:

– Hay hay thì không, nhưng mà li kỳ thì có nhiều đấy! Đoạn nữa sắp đến một chỗ, chú dừng lại sẽ kể cho các cháu nghe…

Tuấn hưng phấn hỏi:

– Dạ, chỗ đó có lớn không chú?

Mạnh lắc đầu nói:

– Lớn thì không lớn, mà cũng rộng vừa đủ!

Mạnh tiếp tục lái xe, đồng thời nhấn ga, dồn tốc độ cho xe lao nhanh để có thể leo lên dốc con đèo một cách dễ dàng.

Chiếc xe lao vùn vụt lên tới tận đỉnh đèo, từng khu bia mộ năm xưa Mạnh từng nhìn thấy khi sạt núi dần hiện ra.

Chiếc xe đi tới chỗ này liền giảm dần vận tốc, đi chầm chậm ngược trở lại. Chiếc xe dừng hẳn bánh, đoàn người gồm mười ba người đều bước xuống xe.

Mạnh cầm trong tay bó nhang, chậm rãi đi đến gần một ngôi mộ, thắp lên cây nến rồi đốt hết nhang trong bó nhang cho cháy đều. Sau đó, anh tỉ mỉ đi đến từng ngôi miếu cắm nhang không sót một ngôi miếu nào.

So với hai mươi năm trước đây, số miếu ở đây có vẻ chỉ tăng lên chứ không hề ít đi. Một số ngôi miếu chắc là do thời gian quá lâu không có người trùng tu, nên chỉ còn là những lớp gạch vụn, thậm chí bát nhang cũng chẳng còn, khiến Mạnh buộc chỉ có thể cắm cây nhang lên nền đất.

Cắm xong hết lượt bó nhang không còn bó nào, Mạnh lẩm rẩm khấn bái trong miệng. Đám người Tuấn, Thu Quyên không hiểu tại sao Mạnh lại là như vậy, nhưng cũng chắp tay vờ khấn theo.

Chờ cho Mạnh ngừng hẳn khấn vái, Tuấn bắt đầu chạy đến bên cạnh Mạnh hỏi dồn:

– Chỗ này vì sao lại có nhiều ngôi miếu thờ thế hả chú?

– Đúng vậy, tại sao lại có nhiều miếu thờ thế chú?

Cả đám trẻ nhao nhao lên đồng thanh hỏi:

– Mạnh gật gù, ngồi xuống bên thềm một hòn đá nghĩ chân cạnh một ngôi miếu rồi thở dài nói:

– Họ đều là những người lái xe, trong số này còn có cả những người bạn của chú năm xưa cũng chết tại đây. Là vì con đèo này quá mức nguy hiểm, nên đã xảy ra không ít vụ tai nạn ở chỗ này. Số người chết tại đây cứ ngày một tăng lên, nếu chú đoán không nhầm, thì so với hai mươi năm trước, số lượng miếu thờ ở đây đã tăng lên gấp ba lần rồi!

Cả đám trẻ nghe xong liền trầm trồ, chúng vừa tiếc thương cho những người đã chết ở đây vì tai nạn, nhưng cũng rất hiếu kỳ muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trong chuyện này.

Mạnh kể một vài vụ đổ đèo mà anh từng biết cho đám trẻ, thậm chí còn kể cả cái vụ mà anh đã suýt chết, may mắn thoát chết và người đồng bạn của anh thì không qua khỏi.

Mạnh châm một điếu thuốc lá, bắt đầu chậm rãi kể:

– Chú với cậu Thân ấy là bạn đồng hao, sau khi học hết trường làng là cả hai anh em bỏ dở không theo học nữa, mà bỏ đi làm lái xe thuê trên thành phố. Mấy năm thì cậu Thân tậu được xe riêng, mời chú về đi chung. Rồi cái đợt tháng bảy năm ấy, xui rủi thế nào mà gặp đúng cơn bão, nếu là mưa bình thường thì không sao. Chú Thân đi lên đến đoạn đèo này thì xe bị gió thổi bật tung nắp cabin, chú ấy hoảng quá không cứng tay, nên quẹo lái khiến cả chiếc xe lao hẳn xuống vực…

Thêm Bình Luận