Chương 9: Nói dối tai sẽ đỏ

Dịch: Phi Phi

“Cảm ơn, không cần”.

Trong xe còn có tài xế, Hàn Cẩm Thư sợ lời nói của bạo quân sẽ còn khiến người ta kinh hoàng nên vội vàng ngăn cản.

Nhưng mà… Trái ngọt của tôi.

Đặt cái tên phong hoa tuyết nguyệt như vậy bên cạnh bản mặt ngàn năm lạnh nhạt của Ngôn Độ, đúng là hết hồn.

Hàn Cẩm Thư chợt liên tưởng đến nhà thơ lãng mạn Byron, càng nghĩ càng không kìm được liên tưởng đến câu danh ngôn kinh điển của Byron… Người tựa một giấc mộng đẹp trên thiên đường, tình yêu trần thế không tài nào chạm đến.

Sự lãng mạn và từ bi ngẫu nhiên của bạo quân đều giống nhau, tựa như phù dung sớm nở tối tàn. Mà hiện tại, làm thế nào để giải thích cô đi mua quà cho anh nhưng lại ra về tay không là chuyện vô cùng quan trọng.

Hàn Cẩm Thư nói: “Thật xin lỗi, em vẫn chưa mua quà đã hứa với anh”.

Hàn Cẩm Thư lập đức đổi sang ngữ điệu thành khẩn, lại nói: “Bởi vì mấy món quà có sẵn ở cửa hàng đó rất tầm thường, không xứng với khí chất của anh”.

Ngôn Độ thong thả vắt chéo chân, tư thế ưu nhã. Anh nhìn cô, ánh mắt bình tĩnh, ngón trỏ tự nhiên đưa lên day giữa lông mày.

Hàn Cẩm Thư có một thói quen rất nhỏ.

Khi cô nói dối, mặt sẽ không đổi sắc chỉ là vành tai sẽ ửng đỏ, đặc điểm này trái ngược với đa số người bình thường. Ngày đầu tiên kết hôn với cô, Ngôn Độ đã nhận ra điều này.

Khi đó vừa mới hoàn thành nghi thức của hôn lễ, có lẽ là quá mệt mỏi hay sợ ồn ào nên Hàn Cẩm Thư một mình quay về phòng trang điểm. Cô cởi chiếc váy cưới nặng trĩu và đôi giày cao gót, mở cửa sổ, chỉ mặc một chiếc váy mỏng liền ngoài người trên cửa sổ hóng gió lạnh, đôi chân không chạm đất, thỉnh thoảng đung đưa qua lại.

Gió biển nhè nhẹ trên biển Thái Bình Dương.

Lúc Ngôn Độ thấy Hàn Cẩm Thư trong phòng trang điểm thì cô dâu của anh đang quay lưng về phía anh, ngồi bên cửa sổ nghe điện thoại, bắt đầu kể khổ với một người bạn nào đó. Cô không ngừng phàn nàn liệu anh có phải mắc chứng tê liệt dây thần kinh hay không mà suốt hôn lễ cứ bày ra bộ mặt lạnh, cứ như có ai nợ tiền mình không bằng.

Ngôn Độ vẫn duy trì phẩm cách của một con người lịch thiệp.

Anh ung dung dựa vào cửa, nghe cô mắng mình suốt một hồi, sau đó mới gõ nhẹ hai tiếng lên cửa. Cô dâu của anh suýt chút nữa thì ngã khỏi cửa sổ.

“Làm phiền một chút, Hàn tiểu thư”.

Khi ấy, biểu cảm của Ngôn Độ rất lãnh đạm, “Chị họ của em đang tìm em”.

“Món quà của anh cũng vậy, em sẽ không quỵt đâu”.

“Ừm”.

Nhận thấy đối phương không có nhã hứng nói chuyện phiếm với mình, Hàn Cẩm Thư cũng rất thức thời, nói với tài xế: “Phiền anh đưa tôi đến bệnh viện Thịnh Thế, rẽ ở ngã trên là đến rồi. Cảm ơn”.

Tài xế im lặng, khuôn mặt lộ vẻ khó xử.

Hàn Cẩm Thư nhìn thấy biểu cảm của tài xế qua kính chiếu hậu, nảy sinh nghi hoặc bèn quay sang Ngôn Độ, hỏi: “Ngôn tổng, không phải đưa em về chỗ làm sao?”.

Khuôn mặt Ngôn Độ chẳng biểu hiện cảm xúc: “Dì Nam muốn gặp em”.

Hàn Cẩm Thư ngơ ngẩn, chần chừ một lúc lâu mới nói: “Dì Nam?”.

“Ừ”.

“Đi về sẽ mất bao lâu?”

“Nhiều nhất là một tiếng”.

“…”.

Hàn Cẩm Thư mấp máy môi còn muốn hỏi gì đó, nhưng Ngôn Độ đã nhắm mắt dưỡng thần, cắt đứt cuộc đối thoại.

Thôi vậy, một tiếng thì một tiếng. Nhà tư bản lớn quả nhiên tính toán kỹ càng, vừa vặn chiếm dụng toàn bộ thời gian nghỉ trưa của cô, không chừa chút nào.

Hàn Cẩm Thư hết cách, đành phải lấy di động gửi tin nhắn Wechat cho trợ lý Diêu Oái Oái: Tôi nhớ chiều nay không có lịch phẫu thuật. Kiểm tra lại rồi nhắn cho tôi, cảm ơn.

Diêu Oái Oái trả lời ngay lập tức: Viện trưởng Hàn, chiều nay không có lịch phẫu thuật nhưng cô có hẹn với khách đến khám lúc 4 rưỡi chiều.

Hàn Cẩm Thư gõ chữ: Đã biết.

Trả lời Diêu Oái Oái xong, Hàn Cẩm Thư tắt giao diện nhắn tin Wechat. Đột nhiên, cô liếc nhìn Ngôn Độ bên cạnh, thấy anh vẫn nhắm mắt không đoái hoài đến mình, ngón tay khẽ cử động, lặng lẽ đăng nhập vào trò chơi của cô.

Tìm được hốc cây quen thuộc, soạn tin nhắn: [Trước đây không phát hiện].

Cô dừng lại một chút, dùng hết sức gõ chữ:

[Chồng tôi trong ngoài bất nhất!]

Gửi đi!!!



Chiếc Aston Martin màu đen chạy trên đường vành đai bốn của thành phố Ngân Hà. Quan điểm xây dựng phía Nam của chính phủ luôn là “Công trình sinh thái, nơi an hưởng cho người già”. Cảnh vật bên ngoài cửa sổ bỗng chốc thay đổi, cây xanh nhiều hơn, cảnh tượng trước mắt trở thành một vùng mênh mông bát ngát, tầm nhìn thoáng chốc cũng trở nên trống trải.

Đi thêm chừng mười phút, một viện điều dưỡng kiểu trang viên chiếm diện tích rất lớn lọt vào tầm mắt của Hàn Cẩm Thư.

Bên cạnh viện điều dưỡng có một tiệm nhỏ bán hoa tươi và trái cây. Hàn Cẩm Thư bảo tài xế dừng xe, đi xuống mua chút trái cây và một bó hoa cẩm chướng.

“Ngôn tiên sinh, Ngôn phu nhân, dì Nam từ sáng đã nhắc mãi muốn gặp hai người”.

Thấy Ngôn Độ và Hàn Cẩm Thư, người viện trưởng già mập mạp dường như thở phào một hơi, giọng nói mang điệu bộ kể khổ, “Hai người cũng biết, tính tình bà ấy rất cổ quái, mọi chuyện đều phải thuận theo tâm ý của bà. Mới sáng sớm bà đã la lớn, hộ sĩ đã nhận được mấy cuộc điện thoại đều là khiếu nại giọng của dì Nam quá lớn”.

Hàn Cẩm Thư: “Ngại quá, đã thêm phiền phức cho mọi người. Dì Nam hiện đang ở đâu?”.

“Đang chơi xích đu ngoài vườn hoa”. Viện trưởng vừa nói vừa xoay người, nhiệt tình giơ tay làm tư thế mời, “Đi thôi, tôi đưa hai người qua đó”.

Viện điều dưỡng này là một trong những sản nghiệp dưới trướng Ngôn thị, kết hợp chữa bệnh và dưỡng lão, cung cấp cho người già ở đây chất lượng cuộc sống tốt nhất khi về già. Dì Nam mà Ngôn Độ nhắc đến cũng ở đây.

Hiểu biết của Hàn Cẩm Thư về Ngôn Độ ít ỏi đến mức đáng thương.

Cô chỉ biết dì Nam này không hề có quan hệ gì với nhà họ Ngôn, nhưng kết hôn với Ngôn Độ mấy năm, theo quan sát của Hàn Cẩm Thư, mỗi tháng anh đều bớt thời gian đến viện điều dưỡng thăm dì Nam, thỉnh thoảng sẽ đưa cô cùng đi.

Dì Nam đã ngoài sáu mươi tuổi, mắc chứng Alzheimer, hơn nữa tính tình lại nóng nảy, thường xuyên nổi giận, phàn nàn này nọ. Ví dụ như hôm nay đồ ăn nhiều dầu mỡ quá, nước ở vòi sen yếu quá, cứ thấy ai là phàn nàn với người đó.

Mỗi lần gặp hai người họ là dì lại bắt đầu càm ràm. Ngôn Độ ngồi bên cạnh, mặt mày đạm mạc, không lên tiếng cũng không phản bác, để mặc cho dì lảm nhảm.

Phần lớn thời gian, dì Nam đều không nhận ra bọn họ là ai, có lúc tên cũng là gọi bừa một cái, dì thích nhất là gọi Hàn Cẩm Thư là “Triệu Phương Phương”.

Hàn Cẩm Thư rất tò mò, có lần cô lên mạng tra mới biết Triệu Phương Phương sinh ra vào những năm 40, là siêu sao điện ảnh thời đó. Triệu Phương Phương là thần tượng thời thiếu nữ của dì Nam, đã qua đời nhiều năm.

Còn dì Nam và Ngôn Độ rốt cuộc có quan hệ gì sâu xa, cô quả thật không thể hiểu được.

Nghĩ đến đây, Hàn Cẩm Thư không khỏi cảm thấy thổn thức. Cô và Ngôn Độ là vợ chồng, cùng chung chăn gối, nhưng sự hiểu biết của cô đối với anh lại không bằng mấy tài khoản marketing chuyên hóng chuyện thiên hạ trên mạng.

Trong lúc suy nghĩ miên man, viện trưởng đã đưa Ngôn Độ và Hàn Cẩm Thư đến vườn hoa.

Đã qua trưa, trời không còn sương, hơi nước đều bị ánh nắng mặt trời bốc hơi bằng sạch. Những khóm hoa tươi tốt xen mình giữa đám cỏ xanh khô ráo. Chiếc xích đu đung đưa qua lại, biên độ không lớn, ngồi trên đó là một bà lão với mái tóc hoa râm.

Một người phụ nữ trung niên mặc đồng phục đứng bên cạnh, một tay đẩy xích đu cho bà lão, một tay giữ tránh cho bà lão ngã xuống, trên trán vã đầy mồ hôi.

Hình ảnh vừa tươi đẹp vừa hài hước.

Hàn Cẩm Thư cong môi cười, đi tới chào hỏi, không quên trêu ghẹo bà lão: “Dì Nam! Nghe viện trưởng nói hôm nay dì không ngoan, làm ồn đến mức mọi người đều khiếu nại dì đó”.

Dì Nam nghe tiếng, ánh mắt dừng trên người Hàn Cẩm Thư. Im lặng giây lát, bà lại lướt qua Hàn Cẩm Thư, nhìn tới người đàn ông lạnh lùng cao lớn sau lưng cô.

Ánh nắng mặt trời sau trưa nhẹ nhàng, không hề chói mắt, nhưng dì Nam lại nheo mắt như đang suy tư điều gì.

Chừng mười giây sau.

Tinh thần của dì Nam dường như đã tỉnh táo, lại giống như không hề tỉnh táo. Dì bỗng nhiên cười nhìn về phía Ngôn Độ, trêu chọc: “A Độ, cuối cùng cũng chịu đưa bạn học nữ của con về rồi đấy ư?”.