Chương 19: Vị ân nhân họ Lý
Thấy Nghệ Thường đứng yên không nói, cô gái áo trắng cười hăng hắc :
- A... Bát sư muội, nếu biết thế thì tôi đã không nói chuyện Bạch Liên giáo, mà cái con người đó thật cũng quá tuyệt tình, tại sao lại trở mặt quá mau như thế?
Bạch Liên giáo đâu có gì không tốt đâu, chính mình mới là tự do tự tại, muốn làm gì thì làm, khoái nhất là chuyện... nam nữ với nhau thì càng tự do hơn nữa, đâu phải ai muốn vào cũng được.
Nghệ Thường quay lại lạnh lùng :
- Chớ không phải thất sư thư cố ý như thế sao?
Cô gái áo trắng lại cười :
- Ai cũng bảo bát sư muội thông minh, quả thật bát sư muội thông minh quá. Tự nhiên, cá trong ao mình, ai lại để cho người khác đến câu? Bát sư muội đã trưởng thành trong Bạch Liên giáo, ân đó không thể không nghĩ tới, nếu muốn “kiếm chác” cho vui thì cũng phải kiếm trong Bạch Liên giáo chúng ta chớ.
Nghệ Thường lắc đầu :
- Thất sư thư đã hiểu lầm rồi, hắn là người cùng đi một con đường này với tiểu muội thế thôi.
Cô gái áo trắng à một tiếng dài :
- Nếu thế thì có gì đâu mà bát sư muội lại dàu dàu như thế? Thôi, trở lại chuyện mình đi, bát sư muội, kể thì sư muội quả lớn gan, đã định trốn thì cũng nên chạy cho xa xa, chớ sao lại cứ lân quẩn tại Trường An này làm chi vậy? Sư muội có biết phản giáo là tội như thế nào không? Lại thêm chạy ra ngoài “kiếm trai” như thế là tội gì không?
Bạch Liên giáo nuôi dưỡng cho bát sư muội trưởng thành, như vậy Bạch Liên giáo cũng như cha mẹ, tại sao bát sư muội lại nhẫn tâm phản lại cha mẹ như thế?
Nghệ Thường nói :
- Thất sư thư không cần phải nói nhiều, nhị vị theo kiếm tôi đó phải không?
Cô gái áo trắng gật đầu :
- Chớ sao, đi đã gần muốn rã giò. Thật tôi và nhị sư ca tìm sư muội mệt muốn chết luôn.
Nghệ Thường hỏi :
- Nhị sư ca và thất sư thư định bắt tôi trở về phải không?
Cô gái áo trắng cười :
- Bát sư muội hỏi một câu thật quá thừa. Có ai mà lại không cần đến cái nhà mình sao? Chẳng lẽ anh chị đi tìm được đứa em đi hoang rồi lại bỏ mặc em mình đi hoang luôn à?
Nghệ Thường nói :
- Tôi không có nhà, từ bé đã đi hoang và đi hoang như thế đã quen rồi.
Cô gái áo trắng hơi đổi sắc, nhưng rồi cô ta lại cười hăn hắc :
- Bát sư muội, sư muội cần nên biết rằng lòng người giang hồ hiểm ác lắm, một cô gái hơ hớ như sư muội đi như vậy là nguy hiểm vô cùng, chẳng thà “một xích một” thì có tối ngày sáng đêm cũng chẳng ngán gì, chớ cả bọn như trâu xúm lại cày thì sức mạnh như voi cũng không chịu nổi đâu nhé, đừng có dại.
Nghệ Thường phải nôn ngang, câu nói quá ghê tởm, nàng cố nén để cười :
- Tôi thấy không có nơi nào hiểm ác hơn Bạch Liên giáo đâu.
Cô gái áo trắng nói :
- Bát sư muội không nên nói như thế, Bạch Liên giáo đối với chúng ta là ân, chúng ta phải báo đáp, phải phục tòng. Huống chi người trong Bạch Liên giáo cũng như một gia đình, cho dầu có để cho ai “xài” mình chút đỉnh thì cũng là người nhà với nhau chớ mất đi đâu...
Nghệ Thường chận ngang :
- Thất sư thư không cần nói nữa, tôi hỏi, đại sư ca đâu?
Cô gái áo trắng nhướng mắt :
- Sao? Bát sư muội lại nhớ đại sư ca lắm à?
Nghệ Thường nói :
- Muốn tôi về cũng không khó, cứ để đại sư ca đến đón tôi, nếu không, chết tại đây cũng được chớ tôi nhứt định không về.
Cô gái áo trắng nhướng mắt :
- Nhị sư ca không phải là sư ca, thất sư thư không phải là sư thư sao?
Nghệ Thường đáp :
- Tôi không dám nói là không phải, nhưng đại sư ca vẫn là đại sư ca.
Cô gái áo trắng gặn lại :
- Nói thế thì cái mặt của tôi và nhị sư ca chẳng ra cái quái gì cả sao?
Nghệ Thường đáp :
- Tôi cũng chẳng dám nói thế, nhưng tôi cần gặp đại sư ca trước.
Cô gái áo trắng nói :
- Bát sư muội theo chúng tôi thì lo gì chẳng gặp được đại sư ca?
Nghệ Thường lắc đầu :
- Không, tôi gặp đại sư ca rồi mới trở về.
Cô gái áo trắng trầm mặt :
- Bát sư muội, đại sư ca của sư muội hiện tại bận lắm, không trông gặp được đâu.
Nghệ Thường biến sắc vì câu nói “đại sư ca của cô”, nhưng nàng cố dằn xuống, nàng nói :
- Tôi có thể đợi, bao giờ đại sư ca rảnh đến đây thì tôi sẽ theo về, nếu không, tôi chỉ bằng lòng chết tại nơi đây.
Cô gái áo trắng, cái cười của cô ta trông phát lạnh :
- Đừng có nói chuyện chết có được không cô? Dọa người ta đấy à? Cô có thể đợi nhưng chúng tôi không thể đợi, Lão Thần Tiên sai chúng tôi đi kiếm, đã gặp mà đi về không thì tội này ai chịu đây? Tôi thấy cô nên biết điều đi theo chúng tôi về là tốt hơn hết.
Vừa nói cô ta vừa nhích tới.
Nghệ Thường thối lui một bước :
- Thất sư thư đừng có bức tôi, tôi xin nói trước không gặp đại sư ca, tôi nhứt định không về, không ai bức tôi được cả. Về cũng chết, tốt hơn hết thì chết một cách thanh bạch tại chỗ này.
Cô gái áo trắng nhếch môi khinh khỉnh :
- Bát sư muội nè, bây giờ thì sợ rằng muốn chết cũng không còn được nữa đó chớ.
Cô ta lại nhích tới thêm bước nữa...
Nghệ Thường thối lui một bước, tay nàng ấn ngay tim.
- Nếu Thất sư thư lại bức tôi bước nữa, tôi sẽ đoạn ngay tâm mạch...
Cô gái áo trắng cười nhạt :
- Đúng là bát sư muội vừa nói, về cũng chết không về cũng chết, vì thế cho nên lịnh của Lão Thần Tiên ban ra là bất cứ bằng cách nào, sống cũng tốt mà chết cũng tốt, có thể cột dây kéo xển cái thây ma về phục lịnh thì công lao cũng đồng hạng như nhau...
Cô ta vung tay đập tới...
Nghệ Thường ấn mạnh tay vào tâm mạch, miệng nàng thì thào :
- Đại sư ca... La Hán...
Nhưng cánh tay ấn vào tâm mạch của nàng vùng tên điếng, muốn đoạn mạch cũng không còn làm được và cô gái áo trắng bật ngửa ra sau...
Bằng trực giác cực kỳ bén nhạy, Nghệ Thường quay phắt lại.
Từ trong ven rừng cách đó chừng hai trượng có một người áo trắng đứng sững như thiên thần.
Và vì Nghệ Thường quay lại thật nhanh nên nàng kịp thấy khi tay của người ấy vừa buông xuống.
Nàng hiểu rất nhanh rằng hai tay người áo trắng cùng tung một lượt, một là một kình lực đánh bật “Thất sư thư” ra sau, một là vật nhẹ hoặc chỉ phong đánh vào ma huyệt nơi cánh tay sắp sửa dùng đoạn mạch của nàng.
Cứu tinh.
Nàng vừa mừng nhưng đồng thời cũng vừa lo.
Tiếp liền theo, một giọng nói phát ra từ người áo trắng nghe sang sảng :
- Chận đường bức bách, cướp của hay gϊếŧ người? Nhớ đang giữa thanh niên bạch nhựt, làm chuyện đó sao nên.
Bây giờ Nghệ Thường mới nhìn rõ người áo trắng.
Trạc độ ba mươi tuổi, mắt sáng mày dài da mặt xạm đen, cái vẻ xạm của con người nội lực, cũng bằng vào trực giác, Nghệ Thường cảm nhận ra ngay con người này là hạng chính nhân và võ công không phải tầm thường.
Và đúng là con người lễ độ, người áo trắng khẽ nghiêng mình :
- Tại hạ tên Lý Đức Uy.
Mặc dầu thấy người áo trắng nghiêng mình nhưng Nghệ Thường cũng như cô gái áo trắng và gã thanh niên áo trắng của Bạch Liên giáo vẫn không nghe tiếng nói, vì một bên đang hoảng hốt, một bên đang chú mục nhìn con người mà khí phách toát ra như ánh hào quang...
Cô gái áo trắng bị đánh bất ngờ bật dội, cô ta tự nhiên là hoảng hốt, nhưng cái sợ sệt vẫn không thắng nổi cái đam mê, vì bằng vào vóc người, bằng vào gương mặt xạm nắng mà sáng rỡ của Lý Đức Uy làm cho cô ta nhìn muốn... rớt tròng con mắt.
Đối với cô ta, thật khó lòng phân biệt bạn hay thù, nếu đó là một thanh niên tuấn tú.
Ánh mắt của nàng vụt tan biến phần kinh ngạc, thay vào đó là ánh mắt long lanh, ánh mắt gợϊ ȶìиᏂ.
Y như một con cọp đói thấy nai tơ, đôi mắt của Cô gái áo trắng nói rõ lên sự thèm khát và muốn ăn tươi nuốt sống người thanh niên đối diện.
Đôi mắt của gã thanh niên áo trắng “nhị sư ca” thì lại khác, đôi mắt bộc lộ đầy vẻ ghen tuông.
Thật khó mà biết dáng dấp khôi ngô, hùng dũng của Lý Đức Uy là may hay rủi?
Nhiều cô gái đã phải ngửa nghiên,g nhưng như thế tự nhiên cũng sẽ có nhiều tình địch.
Gã áo trắng của Bạch Liên giáo vốn không có được bộ mặt ưa nhìn, bây giờ đứng trước mặt Lý Đức Uy càng giống như ngọn đèn dầu trước vừng trăng sáng.
Nghệ Thường chợt nghe thấy yên tâm, trực giác của nàng không chỉ nhận được con người chính nhân quân tử mà nàng còn phảng phất nhận ra được một kỳ nhân trong chốn võ lâm.
Cô gái áo trắng lên tiếng, thanh âm chưa thoát ra cửa miệng mà hơi hám “động tình” đã có trước rồi :
- A... công tử, đối với một cánh hoa lại nỡ nặng tay, không sợ giập bầm sao?
Lý Đức Uy nghiêm giọng :
- Không dám, xin cô nương vui lòng bỏ cho giọng điệu đó đi, hình như có phần không đẹp.
Tên áo trắng “Bạch Liên giáo” bước tới chắn ngang trước mặt người “Thất sư muội”, giọng hắn gằn gằn :
- Các hạ nói năng phải nên thận trọng :
Lý Đức Uy cười :
- Sao? Bạch Liên giáo mà lại sợ những lời nói thật như thế này sao? Hình như chư vị còn nói thật trắng nữa kia mà.
Gã áo trắng tái mặt :
- Tại sao ngươi biết chúng ta là Bạch Liên giáo?
Lý Đức Uy đáp :
- Tôi là kẻ qua đường, bị bắt buộc làm kẻ bàng quang để nghe chư vị nói chuyện khá nhiều rồi, nếu không biết chẳng hóa ra là điều tồi tệ hay sao?
Hắn cười cười nói tiếp :
- Và thật ra câu hỏi của các hạ có hơi thừa, vì ngực áo của nhị vị đều có đóa sen trắng? Và tại hạ cũng xin hỏi, chẳng hay nhị vị có phải nhân vật trong “tứ long”, “tứ phượng”, tay chân bộ hạ của Tử Hồng Nho đó không?
- Hay, đúng là người có nhãn lực tinh tường...
Cô gái áo trắng chớp đôi mắt “câu hồn” lên mặt Lý Đức Uy, cô ta cố sửa nụ cười duyên dáng :
- Ủa, công tử cũng biết “tứ long, tứ phượng” của Lão Thần Tiên chúng tôi nữa à?
Đúng, tôi vào hàng thứ bảy, vị này là nhị sư ca còn cô kia là bát sư muội.
Lý Đức Uy cười :
- Từ Hồng Nho được tôn xưng là “Lão Thần Tiên”, đúng là miệng lưỡi của Bạch Liên giáo... Cô nương cũng xứng danh là người tượng trưng, cả vị các hạ kia cũng thế, nhị vị xứng đáng là đồ đệ của Bạch Liên giáo lắm, chỉ có vị “bát sư muội” kia thì không xứng, nếu trước kia có trong Bạch Liên giáo thì bây giờ, các vị nên thưa với “Lão Thần Tiên” của các vị “khai trừ” nàng ra khỏi “Giáo” đi, bởi vì nàng chưa bị nhiễm cái thứ “bợm” của Bạch Liên giáo, chính vì chưa được nhiễm, nên nàng không xứng, chỉ nên để những người “xứng” như nhị vị đây trường tồn trong đó, ép buộc người ta làm chi?
Gã áo trắng hất mặt lạnh lùng :
- Sao? Ngươi nói thế là có ý gì? Bây giờ bộ muốn can dự vào chuyện của Bạch Liên giáo của chúng ta nữa à?
Lý Đức Uy cười :
- Không ai có cơm để lo chuyện người khác, nhưng Bạch Liên giáo dưới sự thống lãnh của Tứ Hồng Nho tiềm nhập Trường An mưu chuyện chẳng lành, sớm muộn gì rồi ta cũng phải can dự.
Gã áo trắng gặn lại :
- Ngươi tự lượng đủ sức can dự được à?
- Bắt đầu từ cái chuyện trước, bây giờ, nhị vị sẽ thấy ta có can dự được hay không, nếu nhị vị có thể đem cô nương đây đi trước mắt ta thì ta sẽ nguyện không can dự vào chuyện của Bạch Liên giáo nữa.
Gã áo trắng cười nhạt :
- Tốt, chúng ta có thể xem.
Vừa nói hắn vừa vung tay hất tới...
Lý Đức Uy cười :
- Thật không dám xem thường các hạ, nhưng phải nói rằng cái sức của các hạ còn kém.
Hắn đưa bàn tay lên thật chậm và đẩy ra thật nhẹ, nhưng khi nói dứt câu thì gã áo trắng đã dội trở lại luôn năm sáu bước mới cố chỏi chân để đứng yên.
Lý Đức Uy vẫn đứng một chỗ mỉm cười :
Thấy da mặt gã áo trắng càng thêm trắng. Lý Đức Uy nói tiếp :
- Ai thì chưa biết, chớ “tứ long, tứ phượng” tay chân của Từ Hồng Nho không làm gì tại hạ được đâu, nhị vị nên trở lại đi.
Trong khi hắn nói, cô gái áo trắng chận đưa tay lên, bàn tay của cô ta nắm lại nhưng ngón tay trỏ lại từ từ ngay ra và chĩa thẳng vào ngực Lý Đức Uy...
Nghệ Thường hoảng hốt kêu lên :
- Tà thuật của Bạch Liên giáo...
Vừa nói, nàng vừa bật ngón tay ra chỉ tới, nàng chỉ ngón tay luồn dưới hông của Lý Đức Uy để đối đầu với ngón tay của cô gái áo trắng...
Lý Đức Uy mỉm cười :
- Không sao, cám ơn cô nương, ngón nghề của Bạch Liên giáo, tại hạ có được biết tại Đô đốc phủ rồi.
Nghệ Thường sửng sốt, nàng co tay lại.
Ngay trong lúc ấy, từ ngón tay cô gái áo trắng vụt xẹt ra một làn khói đen, làn khói xẹt thẳng vào ngực Lý Đức Uy.
Từ sau lưng, Lý Đức Uy đưa tay ra, trên tay đã có ngay cây quạt, thứ quạt sườn nạm vàng và cánh quạt được xoè ra...
Làn khói đen của cô gái áo trắng vụt thu trở lại.
Xẹt ra thì chậm mà thun lại quá nhanh, cô gái áo trắng rú lên một tiếng dội luôn năm sáu bước...
Ngón tay của cô ta được đưa ngay lên miệng và mái tóc cũng xổ tung ra, khi cô ta phun ra một búng máu thì bụi khói cuốn lên, cô gái và gã áo trắng của Bạch Liên giáo mất biến trong cuộn khói.
Lý Đức Uy gục gật :
- Cũng khá, pháp “ma mắt” của Bạch Liên giáo cũng khả dĩ dùng để thoát thân.
Nghệ Thường khép nép bước lên thi lễ :
- Đa tạ quan nhân cứu mạng.
Lý Đức Uy cười :
- Cô nương đã lầm rồi, tại hạ không phải người của quan binh.
Nghệ Thường ngạc nhiên :
- Không phải quan nhân là người của Đô đốc phủ hay sao?
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Không, tại hạ là kẻ sống rầy đây mai đó trong võ lâm, hôm đó tình cờ thấy chuyện nơi Đô đốc phủ thế thôi.
Nghệ Thường nói :
- Tôn giá công lực cao thâm, đêm hôm đó chính tiện nữ thi pháp, không ngờ lại gặp tôn giá phá tan.
Lý Đức Uy nhướng mắt :
- A... như vậy đêm hôm đó cô nương đã thi pháp tại Đô đốc phủ?
Nghệ Thường có vẻ thẹn thùng :
- Tà thuật chẳng ra gì, nhưng tiện nữ vì bị bức phải làm trò bất nhã...
Lý Đức Uy cười :
- Cô nương lại lầm, phá phép thuật của cô nương đêm đó không phải tại hạ, Đô đốc phủ còn có cao nhân.
Nghệ Thường gật đầu :
- Tôi biết, Bạch Liên giáo tài phép chẳng bao nhiêu mà lại cứ theo con người ấy đến Trường An, để cuối cùng rước vào mình thảm bại.
Lý Đức Uy hỏi :
- Có phải cô nương muốn nói con người mặt sẹo đội nón lá không?
Nghệ Thường đáp :
- Vâng, đúng là con người ấy, nhưng theo điều tra của Bạch Liên giáo thì hình như không phải lão già mà là một cô gái hóa trang, người ấy từ xa đến Trường An, vốn không chống cự nhưng có tài đặc biệt là làm cho các lộ nhân vật theo dõi đều không xâm phạm được mãi cho đến người ấy thong dong đi vào Đô đốc phủ.
Lý Đức Uy hỏi :
- Cô nương có biết vì sao các lộ nhân vật theo dõi con người ấy dữ vậy không?
Nghệ Thường lắc đầu :
- Điều đó tiểu nữa không rõ lắm, chỉ biết con người ấy có mang trong người một vật quan trọng.
Lý Đức Uy hỏi :
- Cô nương có biết đó là vật gì không?
Nghệ Thường lắc đầu :
- Tiện nữ chỉ được lịnh bám theo, đến Trường An thì mất dấu, không hiểu đó là vật chi, nhưng cứ theo các lộ nhân vật cũng truy cản như thế thì chắc chắn là trọng yếu.
Lý Đức Uy trầm ngâm :
- Cũng có thể không có gì cả, nhưng người ấy đến bảo vệ Đô đốc phủ, nên các lộ thuộc phe chống đối cần truy cản thế thôi.
Nghệ Thường gật đầu :
- Cũng có thể như thế.
Hơi im lặng một chút, như để cho cô gái đừng bỡ ngỡ, Lý Đức Uy nói :
- Cô nương có đủ sáng suốt và can đảm ly khai cái tổ chức da^ʍ tà đó thật đáng làm cho người bội phục, tuy nhiên nơi đây là chỗ không thể ở lâu, tôi thấy cô nương tìm vị bằng hữu mà biện giải cho hết sự hiểu lầm rồi cấp tốc rời khỏi nơi đây. Tôi xem vị bằng hữu ấy là một cao nhân, là một tuyệt thế cao thủ, nhất định người bằng hữu đó có thừa khả năng để bảo vệ cho cô nương.
Nói xong hắn quay mình đi thẳng.
Hình như hắn có quá nhiều chuyện gấp, cũng có thể hắn muốn cho cô gái cũng sớm đi.
Nghệ Thường vội kêu lên :
- Ân nhân...
Lý Đức Uy quay lại :
- Cô nương còn có chuyện chi chăng?
Nghệ Thường đáp :
- Tiểu nữ có điều xin thỉnh giáo...
Lý Đức Uy cười :
- Tình cờ mà gặp, tôi thấy cô nương là người tốt thế cô, không nỡ tọa thị điềm nhiên nên góp tay cho cô nương được tròn chí nguyện, xin cô nương đừng nên để ý.
Nghệ Thường khép nép :
- Tiểu nữ chỉ mong được biết tôn danh...
Lý Đức Uy đáp :
- Tôi họ Lý, được rồi chớ, cô nương?
Nghệ Thường chớp mắt :
- Ân nhân họ Lý?
Lý Đức Uy đáp :
- Vâng, tại hạ họ Lý.
Nghệ Thường vội nói :
- Xin ân nhân nán lại đôi chút, tiểu nữ có chuyện trình bày...
Lý Đức Uy cau mặt :
- Chuyện chi thế, cô nương?
Nghệ Thường đem chuyện gặp La Hán và nhứt là chuyện bí mật của hắn thuật lại, nàng cố hết sức thuật vắn tắt mà thật đầy đủ những chi tiết cần thiết cho Lý Đức Uy nghe.
Lý Đức Uy cau mặt trầm ngâm :
- Sao lại có chuyện lạ quá như thế ...
Hắn nhìn thẳng vào mặt Nghệ Thường :
- Theo cô nương thì tôi là người mà hắn định tìm gϊếŧ?
Nghệ Thường đáp :
- Tôi không dám quyết đoán như thế, bởi vì hắn cũng chưa biết mặt người ấy ra sao, hắn còn phải chờ người khác chỉ điểm, nhưng ân nhân đã là họ Lý thì tiểu nữ xin báo chuyện đó để ân nhân đề phòng.
Lý Đức Uy hỏi :
- Đa tạ cô nương, nhưng tại hạ không hiểu được thâm ý của cô nương trong vấn đề này?
Nghệ Thường đáp :
- Hắn là con người lương thiện, bằng vào những điều hiện có của hắn, bằng vào những điều kiện bản thân đó, tiểu nữ thấy tương lai của hắn thật đẹp. Hiện tại hắn bị bức phải làm một chuyện mà trong lòng hắn không muốn, tôi không đành lòng ngồi nhìn hắn bước vào hố thẳm, vì thế tôi đã không nài nguy hiểm theo hắn đến Trường An, mục đích chính là để thử xem sức mình, cố làm tiêu cái chuyện đau lòng, cố hết sức kéo hắn ra khỏi vùng sai lầm tội lỗi.
Lý Đức Uy nhìn cô gái thật lâu :
- Lòng dạ cô nương đúng là lòng dạ Bồ Tát, tôi nghĩ rằng người lành tất sẽ gặp chuyện lành, cô nương gieo giống phước về sau nhứt định sẽ có nhiều trái phước. Chỉ có điều tôi không hiểu lắm là giả như hắn gϊếŧ một người đáng gϊếŧ thì sao?
Nghệ Thường đáp mà không một do dự :
- Tôi chỉ tận tâm lực làm tiêu chuyện gϊếŧ chóc này, cố chặn ngăn không để cho hắn bước vào nẻo sai lầm, còn chuyện về con người ấy là một vấn đề khác nữa, giả như con người ấy là một con người đáng gϊếŧ, nghĩa là đúng là ác nhân, chuyện đó tôi với hắn bây giờ chưa phải cần thiết, người ác không sớm thì muộn cũng sẽ có người trừ, thoát khỏi tay người cũng không thể thoát khỏi lưới trời, đối với hắn, đối với một chuyện mơ hồ như thế, bất cứ hắn gϊếŧ ai đều cũng là sai.
Lý Đức Uy gật gù thở ra :
- Cô nương chân chính là một con người lương thiện, mà lại cũng là một con người có cơ trí, thật vốn không phải là bọn người trong bọn ma giáo, chuyện đó lòng tôi thật kính phục đồng thời cũng hết sức cảm kích. Về chuyện người đang bị La Hán tìm gϊếŧ có phải là tôi hay không, tôi đều cũng sẽ đặc biệt chú ý và bằng vào cái khổ tâm, cái lương thiện của cô nương, nếu như người hắn kiếm quả là tôi thì bằng mọi cách, tôi cũng không làm cho hắn thương tổn...
Nghệ Thường vòng tay :
- Tiểu nữ xin đa tạ, chỉ có điều... võ công của hắn quá cao...
Lý Đức Uy gật đầu :
- Tôi biết, tôi đã nhìn ra chuyện đó, có thể nói hiện nay chỉ có hắn là một kình địch của tôi nhưng, cũng trong hiện tại, tinh thần đang bị phân tán đến độ nguy hiểm, hắn sẽ không làm sao là đối thủ của tôi mà với một người võ công kém hơn hẳn cũng có thể gϊếŧ hắn như thường. Ngay đến bọn áo vàng chưa biết rõ lai lịch đó cũng có thể mang lại nguy hiểm cho hắn, xin cô nương nhắc hắn cẩn thận đối với nhóm người này.
Nghệ Thường chớp mắt cảm động :
- Đa tạ ân nhân, vạn nhứt người mà hắn tìm gϊếŧ đó là ân nhân, thì quả thật là điều bất hạnh, dầu gì, tôi cũng nguyện hy sinh cái mạng của tôi để khiến cho cuộc chiến bất thành.
Lý Đức Uy nghiêm mặt :
- Đa tạ, hắn đã vì tình thế bắt buộc phải làm thì chuyện động thủ với người nào đó, hoặc với chính tôi, sẽ là chuyện tránh được, tôi chỉ hy vọng rằng chuyện đó sẽ phải được phân minh, hắn sẽ có nhiều suy nghĩ để có cách giải quyết khác hơn.
Nghệ Thường băn khoăn :
- Thật tôi rất lấy mơ hồ, không hiểu hắn bị cái gì bức bách mà không thể không làm chuyện thất nhân như thế, hỏi hắn, hắn khăng khăng không tiết lộ.
Lý Đức Uy đáp :
- Không giấu chi cô nương, hiện tại kẻ địch của tôi nhiều lắm nhưng họ cũng rất khó đối phó với tôi, nghĩa là không làm gì tôi được cả, cho nên họ tìm đủ mọi cách, trong đó có thể chuyện La Hán là một.
Hắn ngần ngừ rồi nói tiếp :
- Thế nhưng, trong thành Trường An này thiệt ra thì cũng không phải một mình tôi họ Lý, nên cũng không thể quyết đoán.
Nghệ Thường có vẻ bất an :
- Tôi sợ... tôi hy vọng người ấy chính là ân nhân mới có thể nương tay cho hắn.
Lý Đức Uy nói :
- Bất cứ gì lẽ gì mà hắn phải cùng với người không quen đối địch, tự nhiên đó cũng là chuyện khổ trong lòng hắn.
Nghệ Thường lắc đầu :
- Tôi nghĩ nát óc cũng không ra được là tại sao hắn lại bị bức như thế này.
Lý Đức Uy nói :
- Rất là khó đoán, bởi vì có nhiều chuyện bức bách, hoặc vì người, hoặc vì sự vật.
Ánh mắt của Lý Đức Uy chớp lên :
- Kìa, hắn trở lại, chắc chắn ân hận vì đã bỏ cô nương, nhưng tôi thì lại không tránh kịp, xin cô đừng cho hắn biết tôi họ Lý...
Nghệ Thường lúng túng chưa biết phải như thế nào thì La Hán đã tới nơi.
Hắn có vẻ bất an :
- Nghệ Thường... cô còn ở nơi đây?
Nghệ Thường nhóng thử :
- Sao La Hán trở lại?
La Hán đáp :
- Tôi không tin Nghệ Thường là người trong bọn da^ʍ ác ấy.
Nghệ Thường nói :
- La Hán, tôi đã từng là người của họ.
La Hán chớp mắt :
- Đã từng là người của họ, nghĩa là bây giờ không phải?
Nghệ Thường gật đầu :
- Bây giờ không phải, vì họ không thích hợp với tôi.
La Hán thở phào như vừa quăng khỏi vai một khối đá ngàn cân.
- Như thế là đủ rồi, Nghệ Thường, đó là tại tôi hồ đồ, đáng lý tôi không nên bỏ Nghệ Thường một mình, rất may là họ không làm gì Nghệ Thường được, nếu không có lẽ trọn đời tôi sẽ mang một cái tội không có gì rửa được.
Lý Đức Uy nhìn gã thiếu niên, quả đúng hắn là người duy nhất là kình địch của mình, nhưng đồng thời cũng nhận ra, vị thiếu niên trước mặt mình bây giờ đang bị sợi dây tình trói cứng.
Mi mắt của Nghệ Thường đẫm ướt, nước mắt chực trào ra, nàng nói :
- Không phải họ không làm gì tôi được, mà vì nhờ có người vì nghĩa cứu cho.
La Hán ngạc nhiên :
- Ai? Nghệ Thường, ai đã cứu cô?
Nghệ Thường đáp :
- Vị ân nhân đang đứng sau lưng anh đó.
La Hán quay phắt mình trở lại, hắn kinh ngạc kêu lên :
- A... vừa rồi tôi không thấy.
Thêm một người như thế đứng ngay nơi đó mà hắn chỉ thấy có mỗi một mình Nghệ Thường, chứng tỏ trong óc hắn, trong lòng hắn đây chỉ có mỗi một Nghệ Thường.
Đúng như Lý Đức Uy vừa mới nhận xét, con người tai mắt bỗng đâm ra trì độn, đúng là cực kỳ nguy hiểm.
Trái tim của Nghệ Thường vụt như bị ai trì nặng xuống.
Trong thoáng qua, nàng cảm thấy nàng không nên gần La Hán. Nhưng đồng thời, nàng thấy rằng nàng không nên lìa hắn, nàng cảm nhận rằng một khi nàng lìa hắn thì, hoặc đối với nàng hoặc đối với hắn, cũng đều là tàn nhẫn.
Lý Đức Uy lên tiếng :
- Các hạ là một cao thủ, đáng lý các hạ phải biết rằng tai mắt một khi biến ra trì độn là một vấn đề nguy hiểm. Tại Trường An thành hiện nay là nơi rắn rồng hỗn độn, y như giông bão bốn hướng tấp về, mong các hạ phải hết sức cẩn thận cho mình.
Vóc thân “lực điền” của La Hán chừng như rung động, hắn nói :
- Đa tạ tôn giá đã chỉ giáo và cũng xin đa tạ đã cứu Nghệ Thường.
Lý Đức Uy mỉm cười :
- Không có chi, chỉ vì nhân đi qua thấy chuyện cần phải nhúng tay, đó là chuyện thường xảy ra của chúng ta, mong các hạ đừng để ý, chỉ có điều Bạch Liên giáo không bao giờ chịu buông tha vị cô nương này đâu, mong các hạ hết sức chú ý đừng nên bỏ đi xa.
La Hán hơi đỏ mặt, hắn cúi đầu :
- Vâng, đa tạ chỉ giáo.
Lý Đức Uy nói :
- Các hạ đã biết thì tôi rất yên lòng, vậy tại đây tại hạ xin cáo biệt.
Hắn vòng tay mỉm cười và quay trở vào phía ven rừng.