Sáng hôm sau, tôi không dám vô lớp sớm. Đợi cho tiếng trống vang lên, tụi bạn lục tục xếp hàng, tôi mới chạy lại đứng lấp ló phía sau.
Ngồi trong lớp, chốc chốc tôi lại liếc qua chỗ Việt An, xem thử nó có thái độ gì khác lạ hay không. Nhưng Việt An cứ cười nói tỉnh khô khiến tôi không biết nó đã thấy mấy câu thơ tôi viết trong sách chưa.
Giờ ra chơi, tôi cố ý nán lại trong lớp chờ coi Việt An "giải đáp tâm tình" cho tôi như thế nào. Đúng như tôi mong mỏi, Việt An lên tiếng gọi:
- Anh Thư!
Tôi hồi hộp bước lại, trên môi nở sẵn kiểu cười thứ nhất. Nhưng Việt An chẳng thèm dòm tôi. Nó lúi húi lục cặp lấy cuốn "Giamilia" ra:
- Anh viết bậy bạ gì trong sách tôi vậy?
Tôi ấp úng:
- Thơ Nguyễn Bính ấy mà!
Nó hoạnh họe:
- Ai mượn anh chép thơ Nguyễn Bính vô đây?
Tôi nuốt nước bọt:
- Đâu có ai mượn! Tại tôi thấy hay tôi chép!
- Lần sau có thấy thơ hay thì anh chép vô sách của anh chứ đừng chép vô sách của tôi!
Nói xong nó đẩy cuốn "Giamilia" đến trước mặt tôi:
- Anh mua đền cho tôi cuốn khác đi!
Nếu có thể chui được xuống đất thì tôi đã chui rồi. Nhưng vì đất cứng quá không chui được, tôi đành giằng lấy cuốn sách bỏ đi một mạch, trong lòng xấu hổ không để đâu cho hết.
Suốt mấy tiết học còn lại, tôi không nhét nổi vô đầu lấy một chữ. Tôi cứ ngồi trù ẻo cho Việt An bị sét đánh, bị xe cán, bị chết chìm dưới sông, thậm chí bị ba cái cùng một lúc càng tốt. Lúc đó, tôi mới hả dạ.
Chiều hôm đó, tôi phóng xe đi lùng hết hiệu sách này đến hiệu sách khác, quyết mua bằng được cuốn "Giamilia" chết tiệt kia để "ném vô mặt" Việt An.
Nghĩ trong đầu thì hung hăng như vậy, hôm sau gặp Việt An, tôi xìu như bún.
Khi đưa cuốn sách mới mua cho Việt An, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó:
- Đền cho Việt An nè!
Tôi nói với giọng sượng sùng. Và không đợi cho Việt An kịp nói gì, tôi vội vã bước đi.
Nhưng Việt An đã gọi giật:
- Anh Thư!
Tôi giật mình quay lại và nhìn nó bằng ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn lo lắng. Chẳng lẽ cuốn sách bị rách chỗ nào, Việt An không chịu nhận chăng?
Thấy tôi đứng sững như trời trồng, Việt An mỉm cười:
- Anh lại đây!
Tôi bàng hoàng bước lại.
Việt An thò tay vào cặp lấy cuốn "Con tàu trắng" ra đưa tôi:
- Anh đọc cuốn này đi! Cũng của Aimatov! Hay lắm!
Tôi cầm lấy cuốn sách mà như thể cầm một giấc mơ, không hiểu hư thực thế nào. Việt An ơi, em có định quay tôi như quay dế hay không?
Bây giờ thì tôi lâm vào tình trạng khốn khổ như vậy chứ hồi tôi còn nhỏ, đừng hòng có đứa con gái nào "quay" được tôi. Chỉ tôi quay tụi nó như quay dế thì có.
Phải nói hồi đó tôi có "uy" với con gái ghê gớm.
Mỗi lần nhớ lại cứ tiếc đứt ruột.
Hôm trước tôi mới dặn Tiểu Li có trò gì hay hay nhớ rủ tôi chơi với thì ngay hôm sau nó rủ liền.
Nó cầm sợi dây thừng huơ huơ trước mặt tôi.
- Anh chơi nhảy dây với em không?
Tôi bĩu môi:
- Tao thèm vào chơi trò con gái!
Nó "hứ" một tiếng:
- Con trai chơi cũng được vậy!
Tôi nheo mắt:
- Ai bảo mày?
- Cần gì ai bảo! Tụi con trai trường em khối đứa chơi nhảy dây!
Tôi liếʍ môi:
- Thật không?
- Thật.
- Thật thì chơi.
Nói xong, tôi giật sợi dây thừng trên tay Tiểu Li.
Nó la lên:
- Anh để em nhảy trước cho anh coi.
Tôi hừ mũi:
- Cần gì coi! Mày làm như tao là... con nít vậy!
Tôi cầm sợi dây thừng vung lên khỏi đầu, dặn Tiểu Li:
- Mày đếm thử xem tao nhảy được mấy trăm cái nghen!
Tiểu Li cười khúc khích:
- Anh chỉ nói dóc! Anh nhảy được năm chục cái là giỏi lắm rồi!
Tôi "xì" một tiếng, giọng khi dể:
- Nhảy năm chục cái thì nhảy làm gì?
Nhưng tôi chỉ nhảy được bảy cái. Tới cái thứ tám, sợi thừng bất ngờ vướng vào chân khiến tôi té sấp, mặt đập xuống đất một cú như trời giáng.
Tiểu Li hoảng hồn chạy lại đỡ tôi dậy. Tôi gượng gạo ngồi lên, cả người ê ẩm.
Dòm mặt tôi, Tiểu Li la hoảng:
- Trời ơi! Trán anh u một cục rồi!
Tôi đưa tay lên trán rờ rẫm và lo lắng hỏi:
- Có chảy máu không?
Tiểu Li lắc đầu:
- Không, nhưng cục u bầm tím.
Tôi nhăn nhó ra lệnh:
- Mày chạy đi kiếm cho tao chai dầu!
Tiểu Li nhìn tôi với vẻ ái ngại:
- Hay là để em đỡ anh vô nhà đã?
Tôi nạt:
- Tao chưa thấy ai ngu như mày! Vô nhà sao được mà vô nhà! Bộ mày muốn tao bị ăn đòn hả?
Thấy tôi nổi sùng, Tiểu Li vội vã chạy đi.
Lát sau nó cầm chai dầu về:
- Dầu này được không?
Tôi không thèm ngó:
- Dầu nào cũng được! Mày xức giùm tao đi!
Tiểu Li tuân lệnh tôi răm rắp. Nhưng nó vừa chạm vô trán tôi, tôi đã hất tay nó ra, xẳng giọng:
- Tay mày như thể cục sắt ấy! Đau thấy mồ!
Tiểu Li chớp mắt:
- Em xức nhè nhẹ mà!
Tôi hừ mũi:
- Vậy mà nhẹ!
Rồi thấy nó cầm chai dầu đứng phân vân, tôi giục:
- Lại còn đứng đó nữa! Xức đi!
Lần này Tiểu Li không dám lấy tay quẹt qua quẹt lại, nó thấm dầu lên chỗ sưng của tôi một cách nhẹ nhàng, êm ái. Vừa làm, nó vừa xuýt xoa luôn miệng.
Tôi cằn nhằn:
- Xuýt xoa cái gì! Tại mày hết đó!
- Sao lại tại em?
- Chứ gì nữa! Ai bảo mày rủ tao chơi nhảy dây!
Tiểu Li ngạc nhiên:
- Thì anh chẳng bảo khi nào có trò chơi nhớ rủ anh là gì!
Tôi nhăn mặt:
- Tao nói là nói trò chơi khác kia! Chơi nhảy dây té đau thấy mồ!
- Tại anh chứ bộ! Em nhảy hoài mà có té đâu!
- Mày khác, tao khác! Mày là con gái!
Tôi tằng hắng một tiếng rồi nói tiếp:
- Với lại người ta chơi nhảy dây bằng dây thun chứ ai nhảy dây bằng dây thừng! Nếu nhảy bằng dây thun thì bữa nay tao đâu có té.
Thấy tôi kể tội nó ghê quá, Tiểu Li lẳng lặng xức dầu, không dám cãi lại nửa tiếng.
Ngày hôm sau, Tiểu Li cầm sợi dây thun đến khoe tôi. Nó hí hửng:
- Dây thun nè!
Tôi nhún vai:
- Dây thun thì kệ mày! Tao không chơi nhảy dây nữa đâu!
Tôi làm Tiểu Li cụt hứng. Nó ngồi bệt xuống đất và buồn bã quấn sợi dây thun quanh cổ tay, vòng này chồng lên vòng nọ.
Làm mặt ngầu một hồi, tự nhiên tôi thấy tội tội Tiểu Li, bèn nói:
- Mày đưa sợi thun đây!
Mắt nó sáng rỡ:
- Anh nhảy hả?
- Nhảy cái mốc xì! Tao làm cái ná bắn chim.
Tiểu Li tròn mắt:
- Ơ, anh lấy dây thun làm ná, em lấy gì chơi nhảy dây?
Tôi hắng giọng:
- Mày ngu quá! Chơi nhảy dây mà làm gì! Để tao làm cái ná bắn chim, mỗi ngày kiếm vài chục con về rô-ti ăn, khoái hơn nhiều!
Tiểu Li trố mắt:
- Vài chục con?
Tôi gật đầu:
- Chứ sao! Vài chục con là còn ít đó! Hôm nào siêng, tao bắn cả trăm con.
Làm ná xong, tôi sai Tiểu Li đi nhặt sỏi về làm đạn.
Nó chạy đi một hồi, nhặt về một nắm sỏi đổ xuống trước mặt tôi.
Trong đống sỏi của nó, tôi lựa được bốn, năm hòn, còn bao nhiêu tôi ném cả ra đường.