Chương 2
Mẹ Apơcbô, một bà goá, thấy con trai bất chợt về mừng rỡ vô cùng. Bà liền cho người đi khắp làng lùng sữa tươi, sữa đông và mua cá, mua rui (người Bengan rất thích món này). Cả những nhà hàng xóm cũng nhộn nhịp.
Sau bữa ăn trưa, bà mẹ mạnh dạn nhắc con trai chuyện lập gia đình. Apơcbô đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón cuộc tấn công này, vì nó đã từng xảy ra trước đây, nhưng cho đến nay anh vẫn đẩy lùi được, lấy cớ còn đang bận học thi. Giờ đây, anh đã thi đỗ, không còn cớ gì để trì hoãn cái việc không thể tránh được ấy. Cho nên Apơcbô nói với mẹ nếu bà tìm được một ý trung nhân hợp với anh thì anh sẽ sẵn sàng quyết định làm lễ cưới.
Bà mẹ đáp là đã tìm được rồi, anh không cần phải suy nghĩ nữa. Nhưng Apơcbô thấy vẫn cần phải suy nghĩ, anh năn nỉ đòi ít ra cũng được nhìn cô gái bà đã chọn trước khi ưng thuận cuộc hôn phối bà xếp đặt. Bà mẹ chấp nhận, theo bà, yêu cầu này xem ra bằng thừa.
Tối hôm ấy, Apơcbô sau khi tắt đền ngả mình nằm trên giường trong buồng, không sao ngủ được. Trong cơn thao thức anh luôn luôn nghe thấy tiếng cười vui vẻ giòn tan, át cả mọi tiếng động nổi lên trong cái đêm yên tĩnh mùa mưa này. Anh nghĩ nhất thiết phải xoá đi nỗi xấu hổ do bị ngã lúc sáng nay, bụng bảo dạ, cô gái nhỏ này hẳn không biết mình là Apơcbô Kritxna, một người thông thái, đã sống nhiều năm ở Cancơta và nếu có ngã chẳng qua chỉ là chuyện ngẫu nhiên, sự thực anh đâu phải là một gã cha căng chú kiết nào đó.
Tuy nhiên, hôm sau, Apơcbô vẫn tiến hành cuộc đi thăm cô gái đang kén chuẩn bị cho cuộc cưới xin. Nhà cô ở không xa nhà anh. Hôm ấy Apơcbô ăn mặc rất cẩn thận, vận một tấm đhoti, một chiếc vét tông lụa gọi là chapkan theo kiểu Hồi giáo và một cái khăn choàng to (chađđar), cuối cùng, đội lên đầu chiếc khăn xếp tròn. Anh cũng không quên mang theo đôi giầy da đánh xi bóng loáng và chiếc ô lụa.
Cuộc tiếp đón ở nhà ông bố vợ tương lai diễn ra thân mật. Cô dâu sắp cưới tắm rửa sạch sẽ, tô son điểm phấn, quấn một chiếc xsri mầu được dẫn ra, run bần bật trước mặt Apơcbô. Cô lặng lẽ ngồi vào một xó nhà, vạt xari choàng trên đầu gần chạm đầu gối. Một người ở gái đứng tuổi ngồi đằng sau động viên cô bé. Chú em trai ngồi ngay cạnh, tò mò quan sát Apơcbô từ cái khăn, cái dây đồng hồ cho đến bộ râu mới lún phún mọc.
Sau khi vuốt râu mép một lúc, anh trịnh trọng hỏi cô gái: “Ở nhà trường cô đã học hết những sách gì?”.
Cái khối hình e lệ mặc quần áo, đeo đồ nữ trang ấy không thốt ra một câu trả lời nào.
Sau khi câu hỏi được nhắc đi nhắc lại hai ba lần, và chị ở gái mấy lần hích khẽ vào lưng để động viên, cô gái đọc một mạch các tên của tất cả những cuốn sách cô đã học.
Cùng lúc đó có tiếng chân người chạy gấp ở bên ngoài và Mrinmayi, tóc bay xoã sau lưng, hổn hển lao vào căn buồng. Cô không hề để ý đến Apơcbô Kritxna mà nắm ngay lấy tay chú bé Rakan định kéo ra ngoài. Nhưng Rakan đang quá mải miết chú tâm trau dồi năng khiếu quan sát nên không chịu nhúc nhích. Chị ở gái cự Mrinmayi nhưng vẫn cố giữ giọng ôn tồn trong giới hạn phép lịch sự cần có trong dịp long trọng như thế này. Apơcbô vẫn bình tĩnh và đĩnh đạc ngồi điềm nhiên, ngón tay mân mê cái đồng hồ.
Khi Mrinmayi đã cố gắng hết sức để kéo Rakan đi mà không được, cô phát đánh bốp một cái vào vai chú bé, rồi vén luôn cái mạng che mặt của cô dâu tương lai và chạy vụt ra ngoài như cơn lốc nhỏ. Người ở gái càu nhàu, lầm bầm, còn chú Rakan phá ra cười rất to khi thấy cái mạng che mặt chị gái bị vén phắt lên lẹ làng. Rõ ràng chú không hề bực vì bị phát, hai bạn vẫn thường xuyên trao đổi những cử chỉ thân ái như vậy. Hồi trước chẳng hạn, Mrinmayi có mái tóc dài chấm ngang lưng, một hôm Rakan lấy kéo cắt, nhưng cu cậu vụng tay quá, khiến cô gái bực mình giật lấy kéo, rồi tự mình hoàn tất công trình phá hoại, bỏ lại một mớ những búp tóc đen như một chùm nho chín mọng lẫn trong lớp bụi đường.
Sau cuộc đột nhập của Mrinmayi, buổi “sát hạch” ngừng ngay lại. Cô gái khó nhọc đứng dậy cùng người ở gái đi vào phòng trong. Apơcbô cũng đứng dậy, tay vân vê chòm ria mép. Anh sắp sửa đi ra thì thấy đôi giầy da bóng anh để lại trên thềm cửa lúc bước vào nhà theo tục lệ giờ đây đã không cánh mà bay, tìm khắp nơi không thấy. Apơcbô đành phải mượn ông chủ nhà một đôi dép cũ, nom thật thảm hại bên cạnh bộ quần áo anh mặc.
Khi Apơcbô ra tới con đường nhỏ về phía ao làng, anh lại nghe thấy cái tiếng cười lanh lảnh hôm qua vang lên, như thể trong vòm lá cây có một nữ thuỷ thần tò mò, không nhịn được cười khi nhìn thấy đôi dép lạc lõng không đúng chỗ. Trong lúc anh còn đang lưỡng lự, đứng nhìn khắp xung quanh thì tên thủ phạm nhỏ trơ tráo nhô ra từ lùm cây, ném đôi giầy da bóng xuống đường ngay trước mặt anh, rồi định chạy mất. Apơcbô đuổi theo rất nhanh, tóm được cổ tay cô gái. Mrinmayi vùng vằng giẫy giụa, nhưng không sao giằng ra được. Một tia nắng xuyên qua khẽ hở trong đám cành cây trên đầu, rọi vào gương mặt nghịch ngợm của cô. Anh vừa nhìn chăm chăm vào cặp mắt lấp lánh như sao, vừa cúi xuống người cô như một khách lữ hành tò mò nhìn xuống đáy dòng suối trong, náo động, lấp loáng nắng. Anh dường như ngập ngừng không dám đi đến cùng cuộc phiêu lưu, từ từ nới tay để cô gái chạy đi. Giả sử như trong cơn tức giận, Apơcbô có véo tai thì Mrinmayi hẳn không lấy làm ngạc nhiên, nhưng cái hình phạt lặng lẽ này, trên quãng đường vắng này, cô thấy nó chẳng ăn nhằm gì cả.
Tư lự, anh chậm rãi về nhà, trong lúc bầu trời còn vang vang nhịp cười giòn giã như tiếng lanh tanh chùm nhạc đeo nơi mắt cá chân của Thiên Nhiên tưng bừng nhảy múa vậy.
Suốt ngày hôm ấy viện cớ nọ cớ kia Apơcbô tránh không gặp mẹ. Anh dùng bữa bên nhà một người hàng xóm đã mời anh.