Chương 1: Bức thư thứ nhất
Paris, ngày 17 tháng 2 năm 1903
Ông thân mến,
Bức thư của ông vừa mới tới tay tôi vài ngày qua. Tôi xin cảm tạ lòng tín cẩn quảng đại quí báu của ông trong thư ấy. Tôi khó lòng làm gì hơn nữa. Tôi không thể đi vào được thể chất của những vần thơ ông, bởi vì tôi hoàn toàn xa lạ với tất cả việc bình phẩm phê bình. Hơn nữa, muốn lãnh hội ý nghĩa một tác phẩm nghệ thuật, không gì tai hại nguy hiểm cho bằng những lời lẽ của sự phê bình văn nghệ. Những lời phê bình đó chỉ đưa đến những ngộ nhận ít nhiều quá đáng. Không thể nắm lấy tất cả hay nói tất cả về những sự vật, như người ta thường ngỡ thế đâu. Phần lớn tất cả những gì xẩy đến đều không thể diễn tả được và đã được xảy ra trong một lĩnh vực mà không có ngôn ngữ nào có thể dẫn tới được; những tác phẩm nghệ thuật lại còn không thể nào diễn tả hơn cả mọi sự khác, những tác phẩm nghệ thuật là những sinh thể kín đáo bí mật mà đời sống chúng ta phải lướt trôi qua nhanh chóng.
Sau những dòng nhận xét mở đầu này, tôi chỉ có thể thêm rằng những vần thơ của ông chưa chứng tỏ bút pháp gì độc sáng của riêng ông cả, dù những vần thơ ấy vẫn chứa đựng một chút ít khởi đầu riêng biệt của con người ông, nhưng hãy còn lặng lẽ rụt rè và ẩn tàng phong kín, Tôi cảm thấy điều ấy hơn hết trong bài thơ cuối cùng của ông nhan đề là “Tâm hồn tôi”. Trong bài thơ đó, có một cái gì riêng lẻ muốn thành lời và thể hiện cung điệu. Suốt bài thơ đẹp nhan đề “Gửi Léopardi” có lẽ tỏ ra tới được một sự gần gũi thân cận nào đó với nhà thơ cô đơn vĩ đại ấy. Tuy thế những bài thơ của ông không có được đời sống biệt lập độc sáng, ngay cả bài thơ cuối cùng, ngay cả bài thơ gửi cho Léopardi. Bức thư khả ái của ông gửi kèm theo bài thơ đó đã giúp tôi hiểu nhiều thiếu sót mà tôi có thể cảm thấy khi đọc những bài thơ của ông mặc dù không thể nào gọi tên chúng được.
Ông hỏi tôi để biết những vần thơ của ông làm có khá không. Ông hỏi điều ấy với tôi và trước đó, ông đã hỏi điều đó với những kẻ khác. Ông đã gửi những bài thơ đó cho những tạp chí. Ông so sánh những bài thơ của ông với những bài thơ khác và ông cuống lên khi những người chủ biên của tạp chí vứt bỏ những nỗ lực làm thơ của ông. Vì ông đã tỏ ra không ngại lời khuyên giải của tôi, vậy từ nay trở đi tôi xin ông đừng làm những việc như vậy nữa. Ông đang soi cái nhìn của ông ra bên ngoài; đó là điều ông không nên làm. Không có người nào có thể đem đến cho ông lời khuyên giải hay sự giúp đỡ, không có ai cả. Chỉ có một con đường duy nhất là ông hãy đi vào sâu bên trong tâm hồn của ông, tìm hiểu, tìm kiếm nhu cầu duyên do bức bách đã khiến ông sáng tác, đã xui ông viết lách: hãy tìm hiểu xem việc ấy có ăn rễ sâu thẳm trong lòng ông hay không. Ông hãy thử tự nhận với ông rằng nếu người ta cấm ông viết thì ông có phải chết mất đi không? Nhất là: ông hãy tự hỏi vào giây phút thầm lặng nhất trong đêm tối: “Tôi có thực sự phải cần viết không?” Hãy đào xới trong tâm hồn ông để tìm cho ra một câu trả lời thâm thúy nhất. Nếu câu trả lời kia xác nhận sự đòi hỏi trong tâm tư ông, nếu ông có thể đối mặt với câu hỏi nghiêm trọng này như thế bằng một câu trả lời dứt khoát giản dị “Tôi phải viết”, nếu có thể trả lời như thế thì ông hãy xây dựng đời ông theo mối nhu cầu tâm tư ấy. Ngay trong những giây phút lạnh nhạt nhất, hoang trống nhất, đời sống của ông phải trở thành dấu hiệu và chứng tích cho lòng khao khát thôi thúc ấy.
Rồi ông hãy đến sống gần gũi với thiên nhiên. Hãy cố gắng nói lên những gì mình thấy, những gì mình sống, mình yêu, mình mất, nói lên những thứ đó như mình là con người đầu tiên được tạo ra trên đời này. Đừng viết những bài thơ tình ái. Trước hết phải tránh những đề tài quá dễ dãi thông thường ấy. Đó là những đề tài khó khăn nhất. Những truyền thống kinh lịch vững chắc, đôi khi chói lọi huy hoàng, đã cống hiến nhiều loại thơ ấy, thành ra thi sĩ chỉ có thể diễn bày những gì riêng biệt của mình khi nào mình đã có được nội lực mãnh liệt trưởng thành toàn triệt. Vì thế hãy tránh những chủ đề to lớn và chỉ nên chọn những chủ đề mà đời sống tầm thường hàng ngày cống hiến cho ông; hãy nói lên những nỗi buồn, những khát vọng, những tư tưởng thoáng hiện trong hồn ông và niềm tin của ông vào một vẻ đẹp mênh mang nào đó. Hãy nói lên những cái ấy với lòng chân thành thắm thiết, lặng lẽ và khiêm tốn.
Hãy tìm cách dùng những sự vật vây quanh mình để tự diễn đạt mình, những hình ảnh của mộng mị, những sự vật của kỷ niệm xa xôi. Nếu đời sống thường nhật trở nên nhạt nhẽo nghèo nàn đối với ông thì ông đừng bao giờ qui trách nó. Ông hãy tự trách chính ông rằng ông không đủ tâm hồn thi nhân để mà có thể gợi dậy trong lòng mình tất cả sự phong phú miên man của đời sống thường nhất, vì đối với một con người sáng tạo thì chẳng có gì nhạt nhẽo nghèo nàn, chẳng có một nơi chốn nào là khô khan lạnh nhạt. Dù ngay lúc ông đang ở trong nhà tù đi nữa, giữa những vách tường bưng bít không để lọt vào những tiếng động của thế gian, phải chăng ngay lúc đó trong lòng ông vẫn luôn luôn còn lại tuổi thơ bé bỏng của ông, kho tàng vương giả quí báu, sự giàu sang tuyệt vời, chứa chất bao nhiêu là kỷ niệm? Hãy hướng tất cả tâm tư ông vào đó. Hãy cố gắng làm tuôn chảy lại ào ạt những cản giác ẩn chìm phát nguồn từ dĩ vãng bao la đó; cung cách riêng biệt của con người ông sẽ trở nên cứng rắn, nỗi cô đơn của ông sẽ được trải rộng tràn ngập và ông trở thành như một nơi trú ẩn cho những giây phút vô định của ban ngày đóng kín lại những tiếng động bên ngoài. Và mỗi khi trở lại tâm hồn mình, đi sâu vào thế giới của chính mình mà lúc ấy nếu những vần thơ hiện đến thì ông sẽ không bao giờ băn khoăn rằng những vần thơ ấy là hay hoặc dở. Ông sẽ không tìm cách đăng lên báo bởi vì ông coi đó như là một vật sở hữu thân ái tự nhiên, cái gì gần gũi thân thiết đối với ông như là một mảnh đời, một lối sống, một tiếng nói của đời ông.
Một tác phẩm nghệ thuật chỉ tuyệt vời, có hồn, là khi nào nó xuất phát từ một sự đòi hỏi nhu cầu tâm tư. Chính bản chất của nguồn gốc nó sẽ phán định nó, chứ không có gì khác nữa.
Ông thân mến, tôi không có chi để khuyên ông ngoài ra điều này: ông hãy đi vào trong tâm hồn ông, dò dẫm tận những đáy lòng sâu thẳm mà từ đó đời sống ông đã phát nguồn luân lưu. Chính nơi suối nguồn ấy, ông mới tìm được câu trả lời cho câu hỏi: tôi có cần phải sáng tác hay không? Hãy nhận lấy âm hưởng của câu trả lời ấy mà đừng cưỡng bách tra tìm ý nghĩa. Có thể ông được gọi trở thành con người nghệ sĩ, thế thì hãy nhận tài mệnh của mình, gánh lấy thiên tài của mình với sức nặng và sự oanh liệt của sinh mệnh mà không bao giờ đòi hỏi phần thưởng đến từ bên ngoài. Bởi vì con người sáng tạo phải là cả một vũ trụ cho chính mình, phải tìm tất cả mọi sự trong tâm hồn mình, trong thiên nhiên mà mình đã lưu luyến kết hợp.
Có thể là sau khi đi sâu xuống hố thẳm trong tâm hồn mình, trong những gì cô liêu nhất trong tâm tư mình thì ông có thể sẽ bỏ việc làm thi sĩ; (đối với tôi, mình phải cảm thấy rằng mình có thể sống không cần viết thì mình cũng không nên cố sức viết làm gì). Lúc ấy thì dù sao sự đi xuống sâu thẳm trong tâm tư ông cũng không hoàn toàn phù phiếm. Đời sống của ông, dù trong trường hợp nào, cũng lấy hướng đi từ đó. Những hướng đi ấy có thể đối với ông tốt đẹp, giàu sang hạnh phúc và rộng rãi, tôi mong chúc ông được thế, dù khó lòng nói những gì hơn nữa.
Tôi phải nói thêm gì nữa đây? Những gì đáng nói thì tôi đã nhấn mạnh rồi. Nói cho cùng, tôi chỉ muốn khuyên ông tiếp tục nẩy nở phát triển theo lề luật của tâm hồn ông, trưởng thành một cách nghiêm trọng, một cách bình thản thư thái trầm lặng. Ông chỉ làm phương hại sự trưởng thành tâm tư ông , một cách phũ phàng, khi ông soi hướng nhìn ra bên ngoài và mong đợi bên ngoài mang đến cho ông những câu trả lời mà chỉ có tình cảm thầm kín nhất trong tâm tư ông, vào giây phút thầm lặng nhất, mới có thể mang đến câu trả lời thực sự cho ông. Tôi rất sung sướиɠ thấy tên giáo sư Horacek trong bức thơ ông, tôi xin tỏ lòng tôn kính và tạ ơn đối với nhà học giả khả ái ấy; lòng kình tạ ấy vẫn còn mãi với thời gian. Ông có thể chuyển lời tôi tới ông ấy? Ông ấy thực là tử tế khi còn nghĩ tới tôi và tôi xin riêng tạ tấm lòng tri ân. Tôi xin gửi trả lại những vần thơ mà ông đã khả ái trao gửi cho tôi và tôi xin cảm ơn chân tình quảng đại của lòng tin cẩn của ông đối với tôi. Trong lời trả lời thành thực này được viết lên với tất cả tâm não, tôi muốn tìm cách tỏ ra xứng đáng hơn với thiện tình của ông mà chính tôi thực ra không thể xứng đáng được ông đối xử như vậy, tôi, một kẻ xa lạ mà ông không hề biết.
Chân thành và tất cả thân ái.
RAINER MARIA RILKE