Chương 5: Chuyện nhặt đau lòng
Trong nước mắt nóng đêm ấy, tôi hiểu ra, những cô dâu Việt Nam đó chắc cũng khóc mỗi đêm như tôi, chắc cũng cắn răng để đau đớn nhận ra rằng, không thể mang con theo trong cuộc đời nghèo khó và nhiều bất trắc của một cô dâu ngoại quốc, có lẽ là nỗi đau suốt đời của những cô dâu Việt.
Dáng hình cao nghều dị tướng của Thán phản chiếu cả bóng dáng tâm hồn quái dị của ông ta.
Không hiểu bằng cách gì, sáng hôm sau Thán đã mang con trả lại cho tôi ngay. Ông đi khỏi nhà, đi khỏi hẳn cuộc hôn nhân, không còn gì giữa chúng tôi nữa, ngoài một cái nợ đời lỡ ràng lên nhau.
Con tôi thiếu sữa, hai ngày xa mẹ, nó sụt mất 200 gam. Tôi còn chưa kịp đặt tên cho con.
14. Tôi đành ôm con về Việt Nam gửi mẹ tôi nuôi, không dám ở lại lâu sợ sẽ đứt ruột vì con, tôi quay trở lại Đài Loan ngay trên chuyến bay hai hôm sau. Hành lý chất chặt mì tôm, tôi chuẩn bị cho một hành trình mới trong đời.
Hai ông bà già nuôi đứa cháu ngoại, bố mẹ còn sống đó, chưa mồ côi mà chắc đã như mồ côi.
Tôi chỉ có một ý nghĩ, quay về Đài Loan đi làm kiếm tiền nuôi con. Bù đắp cho con tôi, sau khi gây dựng một cuộc sống vững vàng sẽ lại đón con tôi sang.
Nghèo, không có gì giải trí, chơi bài là thú tiêu khiển vừa tầm tay nhất. Giống như đàn ông, thấy giá xị đế rẻ nên mới dễ say.
Tôi không ấu trĩ tới mức nghĩ xuất giá phải tòng phu, tôi cũng không còn gì ràng buộc với Thán nữa, ngoài hồ sơ kết hôn được thẩm định và thẻ cư trú. Tôi càng không tham cuộc sống sung túc của xã hội Đài Loan hay cái xác nhà của Thán.
Tôi cắn răng quay lại Đài Loan vì con tôi.
Trong gần một năm ở Đài Loan, tôi đã hiểu cuộc sống của một đứa trẻ ở đây sẽ tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều.
Không khí trong lành, giáo dục cao cấp, điều kiện sống thuận lợi, đầu óc con người cởi mở ít mặc cảm, không ai dè bỉu người li hôn, không ai nhạo báng đứa trẻ không bố hoặc không mẹ.
Và điều quan trọng nhất là bảo hiểm y tế với chế độ điều trị, thuốc thang tốt đảm bảo cho tôi yên lòng về con.
Những người mẹ quê mùa có thể nghĩ, chỉ cần con bú mẹ, mẹ chăm ẵm bế mớm là đủ để con lớn.
Những người như tôi, có hiểu biết, có học thức, từng trải cuộc sống cả ở trong và ngoài Việt Nam rồi, thì hơn ai khác đều hiểu sâu sắc rằng, để con khôn lớn cần bao nhiêu thứ khác ngoài dòng sữa mẹ.
Con tôi cần một trường học tốt, một cô giáo không kỳ thị, một bác sĩ giỏi, một đơn thuốc có lương tâm không bị bóp méo bởi hoa hồng của hãng dược, những món ăn không bị trộn thuốc trừ sâu hay chất formol bảo quản, một con đường cho con đi học bớt bụi bặm khói xe ô nhiễm, và hơn tất cả là một cuộc sống không ai có quyền xúc phạm dè bỉu nó, cười nó không cha.
Mà muốn nuôi con một mình ở Đài Loan, tôi buộc phải có việc, có thu nhập, rồi mới có thể dọn ra khỏi nhà Thán. Tôi hy vọng chỉ một năm thôi, tôi sẽ thuê nhà, ở riêng, đón con về, nuôi con, cho con một cuộc sống tuy đạm bạc nhưng yêu thương nhất.
Để nó không phát hiện ra thân phận con lai trớ trêu sinh ra không tình yêu, mà nếu ở Việt Nam, nếu cả tôi và nó ở Việt Nam, trước những thị phi dèm pha, rồi cũng sẽ có ngày quá sức chịu đựng.
Tôi thấy tôi đã cứng rắn hơn, nhẫn tâm hơn, kiên cường hơn. Có điều mỗi lần phải cứng cỏi là một lần có nhát dao vô tình đâm vào tim tôi đau nhói.
Đêm đầu tiên trở lại Đài Loan, ngực tôi bỗng rỉ ra một thứ nước đùng đυ.c nhờ nhờ thấm xuống đệm giường. Dòng sữa đầu tiên đã chảy ra.
Giờ này biết đâu con tôi đang khát ở Việt Nam.
Con ơi! Đau lòng mẹ quá! Mẹ không cho con được một giọt sữa.
Tôi khóc thổn thức trong bóng đêm một mình, trong lòng như hàng trăm ngàn mũi kim đâm xuống.
Trước đây, chỉ vài ngày trước đây thôi, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ dứt ruột bỏ con lại nơi xa lạ. Hằng ngày báo chí Đài Loan vẫn nhan nhản những tin cô dâu Việt Nam vứt con lại cho chồng, bỏ trốn về Việt Nam. Hoặc những vụ li hôn thì 99% chồng sẽ nuôi con, cô dâu Việt Nam dứt áo ra đi không ngoái lại.
Tôi vẫn thầm nhiếc móc những người ấy làm xấu hổ cho phụ nữ Việt Nam, là những người mẹ vô lương tâm, thiếu đạo đức.
Chắc là những người ít học, quê mùa, thiếu tình cảm, mới đang tâm bỏ con, thậm chí bỏ hai ba đứa con cho chồng, để ra đi, để về hẳn Việt Nam, có khi cả đời chưa chắc đã quay lại đảo Đài.
Nhưng giờ đây, chính tôi là một người như thế, tôi cũng dứt áo để con tôi lìa mẹ.
Thì ra, nỗi đau mẹ lìa con thì người mẹ mù chữ hay người mẹ tốt nghiệp đại học cũng đau đớn như nhau.
Nước mắt cắt da như nhau.
Thế mà giờ tôi mới cảm nhận hết được. Nếu nói tôi đang đeo đuổi phù hoa, bỏ quên tình mẫu tử cũng đúng, tôi khác gì những cô dâu Việt ấy?
Cho dù tôi biết chắc, tôi có lý do của mình!
Hình như ông lái taxi đã chờ tôi từ lâu. Chiếc xe vàng trờ tới khi tôi vừa ra khỏi nhà, phân vân.
15. Ông lái taxi tên là Dương Lý Huy. Vợ tên là Lan người Cần Thơ, bỏ đi khi chồng lái xe đêm về, bắt gặp vợ bán da^ʍ. Lan xấu hổ bỏ nhà đi đã hai năm nay.
Thấy tôi tiều tuỵ ông khuyên, đưa con về Việt Nam là quyết định đúng đắn, bao nhiêu đôi vợ chồng Đài Việt thu nhập thấp còn phải gửi con về ngoại, mình cô làm sao xoay xở nổi.
Dương nói, tôi thì khác, tôi tự nuôi con, trả nợ. Có những thời gian đã bán nhà, cho con lên taxi, phơi quần áo qua cửa sổ xe, chạy khắp thành phố bắt khách.
Taxi đi trong trưa nắng, quần áo bay phấp phới, sinh nhật của thằng con ba tuổi suýt nữa trôi qua trên băng ghế sau chiếc taxi. Tôi chỉ đón khách quen, nên nhiều người thông cảm.
Tuy nhiên có một lần, hãng truyền hình cáp ETTV chộp được cảnh bố con Dương lấy nhà làm xe. Đưa lên tin độc quyền, chiếu đi chiếu lại suốt ngày. Và nói, cảnh báo bi kịch của những người đi lấy vợ Việt Nam.
Để giữ thể diện, Dương tìm thuê nhà, tìm nơi gửi con, tiếp tục cày trả nợ trên từng tuyến đường. Tuy nhiên có thêm nhiều khách mới, làm ăn thuận lợi dần. Khách Việt Nam thích gọi xe Dương, có màn hình video chiếu Thúy Nga Paris suốt ngày.
Không ai tưởng tượng nổi từ một người có nhà có xe thành con nợ đầm đìa.
Tôi nói, thì ở Việt Nam cũng vậy thôi, chồng vài xị đế, vợ tứ sắc, bốn mùa. Mở báo ra xem có mẹ bán con gái đi Campuchia làm đĩ lấy tiền ở nhà chơi tứ sắc. Nghe đến đấy Dương thở dài, rất dài.
Tôi giải thích tiếp, cái ác cái xấu xã hội nào cũng có, nhưng nếu một cộng đồng nhỏ có chung nhiều thói xấu, phải xem xét khía cạnh tâm lý và hoàn cảnh sinh sống.
Nếu spa, thẩm mỹ viện gần và rẻ như một tô phở Việt Nam, đảm bảo các cô dâu Việt đi làm đẹp suốt ngày.
Dương nói, anh ta chiều vợ lắm, lúc mang bầu không cho Lan đi làm nhà máy nữa, bắt Lan ở nhà. Dương chạy thêm cuốc xe đêm tích tiền dành cho con đầu lòng.
Có ngày mưa đông khách, xe Dương chạy tới mười sáu tiếng liên tục. Tiền mặt cứ có đủ hai nghìn tệ, Dương đổi ra tiền chẵn, tới máy ATM nào gần nhất nạp vào tài khoản. Ki cóp như hồi sắp đi Việt Nam cưới vợ.
Lan gần sanh, chiều đi làm về Dương để ý thấy xổ số cào xé trắng sân. Lan chỉ bảo, buồn buồn cào chơi, có hôm khoe trúng mấy trăm tệ.
Xổ số không cào nữa thì đi quán ăn Việt Nam tiêu khiển. Con trai chào đời vài tháng sau, Dương mới phát hiện trát của tòa án đòi hoàn nợ cho ngân hàng.
Thì ra ham hố ăn thua, Lan rút sạch tiền tiết kiệm, vay thêm ngân hàng khoảng hơn một trăm nghìn đô la. Tất cả trút hết vào cờ bạc. Mỗi tháng, hóa đơn đòi nợ và báo lãi của ngân hàng gửi tới nhà, Lan giấu chồng xé hết phi tang.
Lan khóc bù lu bù loa rồi mang con về Việt Nam. Rất tình cờ, sáng hôm đó Dương chở khách đi xa, ra sân bay quốc tế, bỗng nhìn thấy vợ đang bế con trong phòng chờ, đã làm xong thủ tục lên máy bay. Người đàn ông Đài Loan đầy râu, đen sạm, cao lớn, khóc nức nở trong nhà chờ số Hai sân bay Đào Viên.
Giằng co lại được đứa trẻ ẵm ngửa, còn cô vợ cắp nách cái ví da bỏ đi thẳng qua cửa hải quan.
Dương Lý Huy nói, tôi chở cô tới xin việc ở nhà máy đóng gói trứng gà, chỗ ngày xưa vợ tôi làm việc. Lương không cao nhưng công việc nhẹ nhàng, mới đẻ con xong, làm ở đấy cũng tốt.
Từ đó, thành phố có thêm người đàn ông có vợ nhưng độc thân, quen tôi có chồng nhưng đơn chiếc.
Mười tám tháng trước, môn Tâm lý học xã hội và Dân tộc học đại cương tôi được 8/10 điểm. Không ngờ những bài tập trong đời sống về sự kỳ thị dân tộc, những xung đột văn hoá, xung đột tâm lý gia đình đã cho tôi điểm thấp nhất của trường đời.
16. Ngày nghỉ, Thúy dẫn con ra công viên chơi cùng tôi. Thúy đi làm ở quán Trúc Viên, ngày bưng bê mười tiếng đồng hồ được tám trăm đồng Đài tệ. Ba ngày làm bằng tiền chợ cả tháng của mẹ Thúy ở Việt Nam.
Thúy hy vọng làm thêm vài năm, nhập quốc tịch xong có giấy chứng minh thư, cô sẽ vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ trả góp. Và hai mẹ con sẽ sống với nhau, không cần đàn ông.
Thúy nói, chồng tốt mà cục tính, rất ghét tính đàn đúm và hay nói to cười to của mấy cô người Việt. Già rồi mới cưới vợ nên ghen kinh khủng, ghen cả với bạn gái của vợ. Chồng khó tính nên Thúy khóc cũng không dám to.
Nhưng được cái gây sự xong chồng Thúy luôn làm lành trước. Khóc lóc xin lỗi, chở đi chơi, cho đi mua sắm như để chuộc lỗi. Nhưng đi mua sắm thấy người ta khen vợ đẹp, kéo luôn vợ về đóng cửa đập phá.
Chỉ có những thứ đồ gỗ trang trí trong phòng là ông không bao giờ đập phá. Thúy bảo, chị hóa ra không hơn đồ gỗ nhà nó.
Lúc ra đi rời khỏi Thán sao tôi lại không khóc nhỉ? Người đàn bà ngang ngược trong tôi đã gϊếŧ chết nước mắt từ khi nào?