Chương 1: Giấc mộng Lilith
Lilith hỏi thần: Cha ơi, vì sao con với Adam không giống nhau gì hết?
Jehovah: Vì cậu ta là chồng con mà.
Lilith: Vậy sao anh ta là nam, mà con lại là nữ? Tại sao so với anh ta con lại yếu ớt đến thế?
Jehovah: Nhóc con! Con sinh ra đã được định như vậy, chỉ cần còn ở vườn địa đàng, con sẽ luôn là đứa yếu hơn.
Lilith: Thế thì người hãy để con rời khỏi nơi này đi, con muốn trở nên thật mạnh mẽ cơ.
Sau đó Lilith bỏ rơi Adam, rời khỏi thiên đường, hướng về biển lớn…
“Đây là thần trừng phạt Lilith, hay Lilith tự trừng phạt mình?”
“Không,” Có người nói, “Nhất định là do thần trừng phạt, Lilith vì sao muốn trừng phạt bản thân mình chứ? Nàng đã dũng cảm theo đuổi ước nguyện, khi Eve lại không dám mơ mộng viển vông về một ngày tự do cơ mà.”
“Bởi vì,” Cô nghe được âm thanh của chính mình hồi đáp, “Adam và Lilith là anh em sinh đôi.”
…
Bùi Nhã Văn mở to đôi mắt trống rỗng nhìn lên trần nhà ố vàng, giọng nói trong giấc mơ ngày một rõ ràng, đến nỗi cô hoài nghi liệu có phải mình đã vô tình thốt ra những lời này hay không.
Trong nháy mắt, đồng hồ báo thức phát ra tiếng chuông inh ỏi, Annie cô bạn cùng phòng của Nhã Văn rêи ɾỉ tức giận, với tay chộp lấy nó, nhưng âm thanh vẫn vang lên bên tai Nhã Văn, cơ hồ chẳng thể tan biến.
Annie đột nhiên bật dậy, làm ván gỗ trên chiếc giường đã có mười mấy năm lịch sử phát ra tiếng cọt kà cọt kẹt như kháng nghị việc sáng nào cũng bị cô nàng hành hạ.
“Mình ghét nhất phải dậy vào sáng sớm,” Annie dùng giọng Đài Loan đặc sệt cằn nhằn, “May còn có cái đồng hồ ồn ào như muốn dựng người chết sống lại này đây.”
Nhã Văn âm thầm thở phào nhẹ nhõm, chỉ có mình cô biết bản thân cũng không phải bị chuông báo thức làm cho tỉnh giấc.
Tiếng quan thoại của Clubmed Cherating là “Câu lạc bộ Điạ Trung Hải Trân Lập Đinh Loan “, tọa lạc trên Kuantan- một thành phố đẹp đến nao lòng bên bờ Đông bán đảo Malaysia. Trong những năm chín mươi của thế kỷ trước, nơi này từng là địa điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời cho những du khách châu Âu đến Malay. Nhưng qua thời gian, các khu du lịch và thắng cảnh du lịch mọc lên như nấm, phòng khách sạn và cơ sở vật chất ở đây lại tương đối cũ kỹ nên cũng chẳng còn nhiều khách như giai đoạn cường thịnh. Tuy vậy đây vẫn là thánh điạ yêu thích của nhiều gia đình đến nghỉ mát, đơn giản vì chế độ G.O. độc quyền tại Clubmed giúp khách nước ngoài không còn phải lo lắng về vấn đề thông dịch ngôn ngữ bản địa nữa.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nhã Văn liền trở thành nhân viên G.O. trong dây chuyền du lịch này. G.O. có thể nôm na hiểu là “Người tổ chức sự kiện thân thiện”, thực tế những người đó kiêm luôn rất nhiều việc. Ngoài làm tốt nhiệm vụ được giao, họ còn tham gia các hoạt động biểu diễn buổi tối, tổ chức vũ hội hay làm bồi bàn ở quán ba, hơn nữa phải luôn luôn giữ nụ cười trên môi và kịp thời giúp khách hàng giải quyết các vấn đề cá nhân.
Mới đầu Nhã Văn ở đảo Bali công tác hai năm, sau đi Bintan, năm trước mới xin chuyển đến Cherating. Ngoại trừ việc giới thiệu với khách khứa làng du lịch Trung Quốc, công việc chính của cô là huấn luyện bắn tên.
Bảy giờ sáng là giờ bắt đầu tiệc đứng hàng ngày, đối với khách đến đây nghỉ dưỡng mà nói, ba bữa đều được thưởng thức mỹ thực phong phú đa dạng khiến họ vô cùng hưng phấn và vui vẻ. Nhưng nhân viên thì cảm thấy mãi cũng thành quen, lâu dần không tránh khỏi cảm giác nhàm chán.
“Trời đất quỷ thần, sữa chua gì mùi vị nhạt thếch muốn phát ói quá đi mất!” Annie vừa phàn nàn vừa xúc một thìa đầy cho vào miệng.
“Sữa chua gặp cô cũng muốn phun không kém.” Tưởng Bách Liệt đặt khay và bát ngồi xuống đối diện với Nhã Văn.
Anh ta là bartender, như mọi nhân viên ở đây, da dẻ anh đen bóng vì phơi nắng, ánh mắt dài nhỏ chỉ cần khẽ đảo qua là có thể khiến vô vàn phụ nữ chết mê chết mệt, du khách cùng người ngoài nghề đều gọi anh là Gabriel. Anh ta là người Đài Loan, chất giọng tuy không giống với Annie cho lắm, nhưng Nhã Văn cảm thấy cũng có thể dùng từ “Nhã nhặn” để hình dung vậy.
Nhã Văn đằng hắng cổ họng: “Xem lại đi cô nương, mỗi lần đều chê ỏng chê eo chúng mình nhàm chán muốn chết, cuối cùng vẫn phải bám đuôi tụi này đi ăn đấy thôi. Nhìn cậu mãi tụi này cũng phát ốm lên rồi.”
Annie nhướng mắt tức giận, Nhã Văn và Tưởng Bách Liệt thấy biểu tình trên mặt cô nàng thì không khỏi phì cười.
“Mấy tên vô vị.” Annie chẳng nói chẳng rằng ngốn hết hộp sữa chua, sau tiếp tục xả giận lên mấy món Malaysia.
“Nghe đồn cuối tuần trước có thêm đồng nghiệp mới, cũng là người Đài Loan nhé.” Nhã Văn lên tiếng.
“Nói sao nhỉ” Annie nghĩ nghĩ, “Mình hình như đã từng gặp qua, là nam, tên Đại Hoành. Tính cách cũng tốt, nhưng mà… bộ dạng cứ là lạ.”
“Hả, cô cũng cảm thấy vậy à.” Không hiểu sao mỗi khi tụ tập với Nhã Văn và Annie, giọng điệu của Bách Liệt càng thêm hóng hớt.
“Như thế nào?”
“Cả hai lần tôi quay đầu đều thấy hắn đứng sau anh, làm tôi sợ đến nỗi nhảy dựng.”
“Không chừng hắn có ý với anh đấy.”
Bách Liệt lập tức xị mặt, khiến Nhã Văn không nhịn được muốn cười ha hả, vì theo những gì Annie tiết lộ, anh ta trừ bị mấy bà ngoại quốc theo đuổi còn hay bị những tay đồng tính tán tỉnh dây dưa.
“Nhã Văn, chiều cô làm gì?” Bách Liệt nhét đầy mồm bánh sừng bò, nhồm nhoàm hỏi.
“Tôi hẹn với tài xế ra sân bay Kuantan rồi.”
Hai người còn lại đều trợn mắt nhìn.
“Đi đón người.” Cô bổ sung.
“Nhưng buổi chiều cậu được nghỉ mà,” Annie nói, “Lão người Pháp lại bắt tăng ca à?”
Lão người Pháp mà bọn họ nhắc đến là trưởng thôn của làng du lịch, nghiêm khắc thái quá, bị ghét không để đâu cho hết.
“Không phải,” Nhã Văn hơi ngập ngừng, “Đón người nhà, cô ấy đến thăm nom.”
“Ai thế?” Annie lập tức nhiều chuyện.
“Dì nhỏ của mình.” Nét mặt Nhã Văn tràn đầy bất đắc dĩ.
“Ui trời thất vọng…”
Nhã Văn cười đẩy cô nàng: “Đi thôi, đến giờ làm việc rồi đấy.”
Sân bay Kuantan quả thực vừa nhỏ vừa đơn sơ, được cái lúc nào cũng có xe du lịch chuyên chở giữa làng với sân bay, nếu có khách nước ngoài tới, Nhã Văn và Annie sẽ thay nhau ra đón tiếp. Nhiệt độ ở Malaysia và đảo Bali không chênh lệch quá nhiều, tuy vậy khí hậu lại rất nồm, khi mới đến Nhã Văn không quen lắm, cô thấy nhớ một Bali vẩn đυ.c đầy bọt biển. Thời gian đó cô lao đầu vào làm việc với sự tập trung cao độ mà quên luôn cảm giác của bản thân, chỉ khi nhìn thấy nụ cười hài lòng nơi du khách mới bất tri bất giác mới nhận ra mình đã hòa nhập cùng nơi này lúc nào không hay.
“A Văn.” Tào Thư Lộ đằng xa trông thấy Nhã Văn thì cuống quýt vẫy tay.
Nhã Văn cũng nhiệt tình vẫy lại, bọn họ đã hai năm không gặp, lần gần đây nhất, là ở đảo Bali.
“Dì nhỏ,” Nhã Văn thuận tay xách luôn hành lý của Thư Lộ, “Dì mang ít đồ vậy?”
“Con đừng quên dì chỉ là khách ba lô thôi đó.”
Thư Lộ mỉm cười, cô đen đi không ít do phơi nắng, chắc phải bôn ba bên ngoài nhiều bận.
“E rằng dì là vị khách ba lô đầu tiên của con rồi.”
Hai người không hẹn mà cùng cười, Thư Lộ chỉ hơn Nhã Văn bảy, tám tuổi, nhiều lúc cô cảm thấy “dì nhỏ” là người dõi theo từng bước trưởng thành của cô, thậm trí trong một vài khía cạnh họ còn thân thiết hơn cả mẹ con.
Thư Lộ từng ở Thượng Hải chủ trì một tiết mục radio, lúc đó cô ấy cực kỳ quyết đoán, kiên định, thông minh, lương thiện, nói chung là hình ảnh người phụ nữ thời đại mới Nhã Văn vô cùng thần tượng. Nhưng cô ấy lại có thể dứt khoát vì tình yêu, vì gia đình mà từ bỏ sự nghiệp.
Về điểm này, Nhã Văn nghĩ Thư Lộ và mẹ mình hoàn toàn tương phản, Tâm Nghi mẹ Nhã Văn cũng là người chẳng hề tầm thường, bà là bác sĩ tình nguyện rong ruổi trên thảo nguyên châu Phi, nhưng trái với Thư Lộ, vì theo đuổi lý tưởng của bản thân nên đã chấp nhận từ bỏ tình yêu và gia đình.