Chương 42

Chạy ra khỏi khách sạn, Nhài ngồi thụp xuống khóc nức nở. Mặc kệ người qua đường nhìn ngó, lúc này cô muốn sống thực với bản thân mình, với những cảm xúc của riêng mình. Cô không muốn tỏ ra yếu đuối trước những kẻ khốn nạn ấy, những kẻ đã đẩy cuộc sống của mẹ con cô vào vũng bùn nhơ nhớp. Sau nhiều đêm thức trắng, Nhài hiểu ra rằng bản thân mỗi người chính là đỉnh cao khó vượt qua nhất. Vì thế, cô phải vượt qua chính mình, vượt qua chính những cảm xúc của mình. Nếu cô gục ngã lúc này sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được, cu Sóc sẽ chẳng bao giờ có được cuộc sống đàng hoàng. Nói Nhài không đau là dối trá, tình yêu đầu đời của cô , tình nghĩa vợ chồng gần chục năm trời đâu dễ dàng vứt bỏ. Nhưng liệu có đáng không khi hết lần này đến lần khác cô chỉ là một con rối trong quá trình bảo vệ cái sĩ diện và thỏa mãn thói ích kỉ cá nhân của họ? Thế nên, Nhài chỉ khóc nốt lần này cho Việt thôi, sẽ là những giọt nước mắt cuối cùng cho đoạn tình cảm này, cô chỉ ngược đãi bản thân vì người đàn ông ấy nốt lần này nữa thôi. Từ ngày mai, cô sẽ sống cho mình, cho đứa con bé bỏng của cô.

Khóc chán chê, Nhài vẫy một chiếc taxi trở về nhà ngoại. Đã quá trưa, cu Sóc ăn no và đã ngủ ngon lành trong lòng bà. Thấy Nhài về, dì Ngát vội dém chăn cho cu Sóc rồi đi ra. Trông thấy cô đầu tóc rối bù, mặt mũi sưng húp, dì hiểu ngay là có chuyện. Với tâm lý của một người mẹ, dì hiểu lúc này không nên hỏi nhiều. Dì nhắc Nhài:

- Con chưa ăn cơm đúng không? Dì nấu món dấm mà con thích nhất đấy. Để dì hâm nóng cho con nhé!

Nhìn dì, nghĩ lại những gì người phụ nữ này đã dành cho mình dù không sinh ra cô, Nhài bỗng bật khóc. Mọi thành trì cô cố xây dựng để tỏ ra cứng rắn đã đổ vỡ hoàn toàn trước cặp mắt hiền từ của dì Ngát. Cô ôm lấy dì, gục đầu vào vai dì khóc nức nở như một đứa trẻ . Dì Ngát vỗ vỗ lưng Nhài, nhẹ giọng:

- Con gái, nếu không ngại có thể nói với dì được không?

Nhài gật đầu, nức nở kể lại tất cả mọi chuyện. Khi cô ngẩng lên, khuôn mặt của dì Ngát đã ướt đẫm nước mắt. Dì mấp máy môi mãi mới nói được:

- Trời ơi...con tôi...sao có cái nhà đốn mạt như thế? Sao có thằng chồng khốn nạn như thế?

- Choang! Nhài và dì Ngát bỗng giật mình khi nghe âm thanh đổ vỡ. Cả hai nhìn vào trong,thấy bố Nhài đứng đó , chiếc cốc trên tay ông rơi xuống đất vỡ tan tành từ bao giờ. Nhài hốt hoảng chạy vào:

- Bố! Bố làm sao thế? Bố tránh ra để con dọn kẻo mảnh chai đâm vào bây giờ!

Bố ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn Nhài, cố kìm nén cho giọt nước mắt không chảy ra:

- Nhài, những gì con vừa kể là thật sao?

Cô quỳ xuống, quét dọn những mảnh vỡ , cố không để bố thấy những giọt nước mắt của mình rơi xuống:

- Không sao đâu bố, mọi chuyện qua cả rồi bố ạ! Con và cu Sóc sẽ ra đi. Con sẽ tìm việc làm và nuôi con một mình...

Bố Nhài nghẹn ngào:

- Thời đại bây giờ nuôi một đứa trẻ không dễ dàng gì. Một mình con làm sao có thể...hay là....hai mẹ con về đây đi.

Nhài lúc này đã bình tâm hơn:

- Là lỗi của con đã tin nhầm người, con không thể để liên lụy đến bố và dì mãi được. Bố và dì còn các em ăn học. Con phải tự làm việc nuôi dưỡng cu Sóc thành người. Con xin lỗi, con gái lớn khiến bố và dì muộn phiền. Từ nay, con sẽ tự lo cho bản thân và cu Sóc.

Nói chuyện với bố và dì, Nhài thấy nhẹ nhõm hơn, mọi quyết tâm trong cô như rõ rệt hơn. Giọng người bố hiền từ vẫn đều đều bên tai:

- Tùy con, bố và dì cũng như các anh luôn ủng hộ con. Nếu không còn chỗ để đi, hai mẹ con cứ về đây nhé.

Gia đình quả là thứ tình cảm thêng liêng nhất,Nhài thật may mắn khi có một mái ấm luôn bao dung và chở che. Ít nhất trong lúc này, cô có một nơi để hướng về, để sẻ chia. Sáng hôm sau, Nhài vẫn gửi cu Sóc ở nhà ngoại, một mình quay trở lại nhà Việt. Cô muốn tự mình giải quyết, không muốn con nhìn thấy những cảnh như thế. Vừa vào phòng khách, Nhài đã nghe tiếng nói cười của nà Tâm và Thúy:

- Bác mặc bộ này trẻ ra cả chục tuổi đấy ạ!

Bà Tâm nghe thế, cười rõ tươi:

- Con bé này... nói khéo quá cơ. Bác già rồi... trẻ gì nữa.

Nhài bước vào lễ phép:

- Dạ chào mẹ con mới về ạ!

Bà Tâm không thèm để ý lời Nhài, không nhìn cô, cũng không hỏi cu Sóc đâu. Bà quay lại nhìn Thúy lúc này khuôn mặt lúng túng khi thấy Nhài:

- Chiều con có rảnh không? Bác cháu mình đi xem hoa tết nhé! Giờ bác thấy mất hứng thử đồ rồi!

Thúy nghe thế lại nhoẻn cười :

- Dạ con rảnh bác ạ!

Nhài còn tần ngần đứng nhìn màn kịch trước mắt, bỗng giật mình bởi tiếng quát của bà Tâm:

- Không định chuẩn bị mà nấu cơm à? Cái Thúy nó đi chợ mua thức ăn từ sáng đấy. Đi sớm thế mới có đồ tươi, chị lo nấu cho tử tế.

Nhài khẽ " vâng" một tiếng rồi đi xuống bếp. Cô không còn tủi, không còn hờn nữa, dù hơi chua chát nhưng cô sẽ cố gắng thoát khỏi đây, sống thật tốt, chống mắt lên xem cái lũ khốn nạn kia tươi cười được bao lâu. Sau một hồi vật lộn với đủ thứ món ăn, Nhài toát mồ hôi, vội lau tay vào tạp dề, dọn thức ăn ra bàn. Cô vào tắm rửa qua,thay quần áo rồi đi ra phòng khách. Thấy Việt đã về từ bao giờ, vẫn thờ ơ như chưa có chuyện gì xảy ra. Trông họ như một gia đình thực sự, Nhài cất tiếng mời:

- Con mời mọi người vào xơi cơm ạ!

Việt vừa đứng dậy, bỗng tiếng Thúy nũng nịu:

- Bác ơi, bỗng nhiên con thèm lẩu hải sản quá. Hay là chị Nhài ăn cơm đi nhé, chúng em và bác đi ăn lẩu cũng được.

Nhài cảm nhận được sự mỉa mai trong câu nói ấy nhưng vẫn cố tỏ ra bình thản:

- Thức ăn nhiều lắm ạ. Em Thúy mua đồ ăn tươi lắm, mình con ăn sao hết. Cả nhà ta cùng vào bàn đi ạ!

Bà Tâm gắt gỏng:

- Chị có mua đâu mà lo nhỉ? Mấy khi em nó về, chiều nó một tý có sao đâu?

Nhài nhìn sang Việt, chỉ nhìn thấy một khoảng trống rỗng trong ánh mắt và một câu nói lạnh tanh:

- Không ăn hết thì đổ đi!

Rồi trước con mắt ngơ ngác của Nhài, ba con người tệ bạc ấy quay lưng bước đi.