Chương 9: A Âm phải nghe lời ca ca, biết không

Nâng khuôn mặt nhỏ nhắn đang khóc như lê hoa đái vũ*, nhẹ nhàng lau đi từng giọt nước mắt nàng, Phù Uyên nói: "Mẫu phi đi rất xa, trước khi đi người dặn dò ta chăm sóc A Âm thật tốt, A Âm phải nghe lời ca ca, biết không?"

*Lê hoa đái vũ: giống như hoa lê dính hạt mưa. Vốn miêu tả dáng vẻ khi khóc của Dương quý phi. Sau này được dùng để miêu tả sự kiều diễm của người con gái.

Cắn đôi môi non nớt, tiểu Phù Âm mong đợi hỏi: "Nếu A Âm nghe lời, mẫu phi có phải sẽ nhanh chóng trở về hay không?"

Trái tim Phù Uyên giống như bị bóp nghẹt, nhắm mắt lại che dấu vẻ bi thương, khi mở ra lại là giọng nói ôn nhu quen thuộc:

"Ừm, nhưng A Âm phải nhớ kỹ, sau này ở trong cung, ngoại trừ ta ai cũng không tin tưởng, biết chưa?"

"Dạ." Phù Âm dường như cái hiểu cái không liền gật đầu.

Vào đêm ấy, huynh muội hai người nương tựa vào nhau trong Trường Nhạc Cung, một câu cũng không nói, chỉ gắt gao ôm nhau giống như hai con thú nhỏ khi đông về, cùng nhau chống đỡ rét lạnh bên ngoài.

Phụ hoàng của hai người – vua Tống bởi vì cái chết thương tâm của Ly vương phi, một thời gian không đặt chân vào hậu cung, chỉ ngẩn người nhìn di vật trong cung của nàng, có đôi khi ngồi một đêm không ngủ.

Bởi vì phần áy náy này, hoàng thượng đối với hai huynh muội Phù Uyên Phù Âm càng thêm chiếu cố. Hắn không chỉ tự mình dạy Phù Uyên kế sách, binh pháp mưu lược, mà còn mời kiếm khách giỏi nhất nước Tống đến dạy Phù Uyên kiếm thuật, từ mọi phương diện cơ bản để bồi dưỡng thiếu niên thành thái tử ưu tú nhất.

Phù Uyên tư chất thông tuệ, tiếp thu cực nhanh, không quá hai năm, thanh danh kì tài của Phù Uyên đã truyền khắp nước Tống.

Đối với Phù Âm, một công chúa được hưởng đãi ngộ tốt nhất, vải vóc tơ lụa, vàng bạc đá quý, tiên bảo kỳ trân chất đầy điện của nàng. Phù Âm tuổi còn nhỏ, cũng không thích những vật quý giá này, nhưng nhớ tới ca ca cùng nàng nói qua: ở trước mặt phụ hoàng không thích cũng phải tỏ vẻ thích, nàng liền nhận lấy.

Nhìn thấy hoàng đế cưng chiều quá mức đối với hài tử của vị vương phi đã chết, cuối cùng trong hậu cung cũng có người nhịn không được.

Một hôm, vua Tống cùng các phi tần đến vườn thú xem đấu thú, bỗng một con gấu đen hung dữ từ trong chuồng lao ra, phi về phía đám đông. Như phu nhân gặp nguy không sợ, xông lên phía trước thay hoàng đế cản con gấu, kết quả cả người nàng ta bê bết vết máu, ngã vào trong vòng tay của vua Tống, khuôn mặt thanh tú khẽ run lên, cương nghị mà yếu ớt, ai nhìn cũng không khỏi xót xa.

Tất cả các phi tần có mặt đều hoảng sợ bỏ chạy, duy nhất Như phu nhân đã lấy thân mình chặn con gấu. Kể từ đó, sức nặng của nàng ta trong lòng vua Tống tự nhiên tăng trở lại.

Trong đêm ấy, hoàng thượng ngừng đau khổ, đi đến Hồng Loan Điện của Như phu nhân.

Cứ như thế, cuộc sống của Phù Uyên và Phù Âm lặng lẽ trôi qua, không ai dám đối xử thô bạo với huynh muội hai người sau khi vương phi mất đi, nhưng những kẻ tâng bốc và xu nịnh họ cũng ít hơn trước.

Những lời khen ngợi đó đều được chuyển đến cung điện sang trọng và đẹp đẽ của Như phu nhân, dù sao cũng không ai biết khi nào bụng Như phu nhân sẽ có hỉ. Ở triều đại này, việc thay đổi thái tử cũng không có gì lạ.

Phù Uyên cùng Phù Âm đều không để ý đến những thứ này, trong mắt hai người chỉ thấy hình bóng đối phương, hiện giờ họ đang chặt chẽ ôm nhau, không một khe hở.