Chương 16
Edit: Ong MD
Beta: Như Bình
Cuối cùng Bà Tứ cũng bằng lòng đi với thầy Chu về quê, người khiến bà không yên tâm nhất đương nhiên là Trường Sinh. Từ lúc được gả vào nhà họ Hoắc, Trường Sinh hệt như cái đuôi nhỏ của bà, theo bà từ lúc còn là một đứa bé đầu để chỏm, tự tay bà lau mũi thay quần mỗi khi tè dầm. Cho tới bây giờ đã trưởng thành cưới vợ, bao nhiêu năm qua hai bà cháu họ chưa từng xa nhau, tuy hiện giờ có Hà Hoa chăm sóc cho cháu mình nhưng cũng không thể yên tâm bằng tự mình làm.
Trường Sinh lại càng không muốn xa bà Tứ, mới nghe nói bà phải đi, hắn vội vàng khóa cửa lớn lại, giấu hết tất cả giày dép của bà Tứ, mặc cho Hà Hoa và thầy Chu khuyên nhủ thế nào cũng lắc đầu nguầy nguậy. Sau đó, bà Tứ gọi hắn đến trước mặt nói chuyện. Nói với hắn bệnh tình của bà rất nghiêm trọng, phải đi tìm đại phu, nếu không sẽ chết giống ông nội của hắn, không bao giờ ở cùng hắn được nữa.
Trường Sinh nghe xong rất sợ hãi, hắn còn nhớ rõ cảnh tượng lúc ông nội chết. Hình như là bỗng nhiên có một ngày ông nội ngã bệnh, nằm trên giường suốt, hắn đến sát mép giường ngơ ngác nhìn ông, ông đưa tay xoa xoa đầu hắn, cánh tay ông không còn chút sức lực. Rõ ràng cách đó không lâu ông còn vật tay với hắn rất mạnh, hắn đã dùng cả hai tay mà không kéo đổ được… Sau đó, có một ngày ngay cả đưa tay lên xoa đầu hắn ông nội cũng không còn đủ sức nữa, ông nói ông phải đi tìm bà nội của hắn. Hắn cảm thấy rất lạ kỳ, rõ ràng bà nội đang ngồi ngay bên cạnh giường mà phải đi tìm ở đâu nữa chứ… Sau đó… Ông nội ngủ say… Bà nội nói ông nội sẽ không tỉnh lại nữa, quả nhiên ông nội không bao giờ tỉnh lại vật tay với hắn nữa.
Trường Sinh chạy đi lấy hài của bà Tứ ra, đặt gọn gàng trên mặt đất, nói: “Cháu cũng đi, cháu đi với bà nội đến đó.”
Bà Tứ nói: “Cháu ở nhà giữ nhà, không được để cho ăn trộm lấy đồ nhà mình.”
Trường Sinh lắc đầu: “Để cho Hà Hoa giữ nhà.”
Bà Tứ nói: “Nó chỉ là phụ nữ, cháu là đàn ông con trai trong cái nhà này, ông nội của cháu đã mất, cháu chính là trụ cột nhà mình, bà nội và Hà Hoa đều phải dựa vào cháu, cháu đã quên những lời ông nội dặn dò rồi sao?”
Ông nội dặn hắn phải nghe lời bà nội, hắn nhớ rất rõ.
Trường Sinh cúi xuống gật đầu, lẩm bẩm: “Bà không được đi lâu.”
Bà Tứ nói: “Mùa hè sang năm bà sẽ về, mảnh đất chúng ta khai hoang trên núi cũng được phần nào rồi, đầu xuân sang năm cháu hãy gieo trồng trên đó, mùa hè bà trở về sẽ xem.”
“Dạ.” Trường Sinh gật đầu, hơi bất an nói: “Bà nội phải chữa hết bệnh… Không được chết…”
Lòng Bà Tứ chua xót sắp chịu không nổi, nhưng lại sợ rơi nước mắt sẽ làm Trường Sinh lo lắng, bà nắm chặt bàn tay cố nuốt xuống, dịu dàng vỗ về: “Yên tâm, bà nội sẽ không chết.”
Bà Tứ và thầy Chu đương nhiên không thể nói đi là đi, vì lần này đi gần nửa năm, nên phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Bà Tứ dỗ dành Trường Sinh xong rồi lại căn dặn Hà Hoa rất nhiều chuyện. Bà đưa hết những chìa khóa quan trọng trong nhà cho Hà Hoa, trong đó có chiếc chìa khóa của một cái rương nhỏ dưới giường bà. Trong rương là toàn bộ của cải bà Tứ tích góp bao năm nay, cũng coi như là tất cả tài sản của nhà này.
Hà Hoa nói với bà Tứ những thứ này cô không cần dùng tới, bà đi chỉ khoảng nửa năm, mấy cái chìa khóa này bà nên giữ lại thì tốt hơn. Bà Tứ chỉ nói cái nhà này sớm muộn gì cũng có ngày giao cho cô, nhân cơ hội này để cô học cách quán xuyến nhà cửa cũng tốt. Hơn nữa, thời gian nửa năm nói dài cũng không dài, bảo ngắn cũng không ngắn lắm. Nếu bà bình an vô sự đương nhiên là tốt, nhưng lỡ như có chuyện gì, cô có tiền phòng thân lo mọi chuyện cũng dễ dàng hơn.
Hà Hoa lo lắng nhận chiếc chìa khóa kia, hệt như đang cầm cục vàng trong tay, vỗ ngực cam đoan nhất định sẽ hết lòng chăm sóc Trường Sinh. Dù bản thân cô cũng không chắc chắn sẽ làm tốt mọi chuyện nhưng tốt xấu gì nhà mẹ đẻ cũng ở trong thôn, lúc nào cũng có nơi có thể bàn bạc và nhờ giúp đỡ. Bà Tứ lại dặn dò hết mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà mấy lần nữa mới yên tâm.
Về phía thầy Chu vốn tính trở về thăm nhà khoảng một tháng, mấy lớp học đang dạy tạm ngừng mấy ngày cũng không có vấn đề gì. Nhưng bây giờ dẫn bà Tứ về quê chữa bệnh ít nhất cũng phải đi hết nửa năm, tuy nói trong lớp không có mấy đứa học trò, nhưng chúng đều dốc lòng dốc sức học hành, cha mẹ cũng đặt nhiều hy vọng nên cũng không thể làm chậm trễ việc học của con người ta. Hôm nay, một mình thầy Chu đi lên thư trai (*) trong thành để nhờ một người bạn giúp đỡ dạy học trò trong thôn. Trùng hợp là có mấy thư sinh ở vùng khác ở tạm bên đó, có một thư sinh trẻ tuổi tên Tôn Hành Chu nhận lời dạy thay thầy Chu nửa năm.
* Thư trai: tạm hiểu nó là thư viện dành cho các học trò ở lại ngày xưa.
Trưa nay, Hà Hoa đang chuẩn bị xuống bếp nấu cơm, chợt nghe thấy có tiếng gõ cửa, không đợi cô đi ra, người bên ngoài đã đẩy cửa bước vào sân, là Đại Bảo, trong tay nó còn xách theo một con cá.
Đại Bảo lắc lắc con cá trong tay nói: “Tỷ, đệ mang cá đến cho tỷ ăn.”
Hà Hoa ngạc nhiên: “Sông đóng băng hết rồi, đệ bắt cá ở đâu?”
Đại Bảo gãi gãi đầu cười hì hì, chuyện là ngày hôm qua không biết nó nghe được ở đâu là cha vợ tương lai nói chuyện phiếm với người khác vô tình bảo là muốn ăn cá. Vì thế sáng sớm hôm nay Đại Bảo mượn dụng cụ đi đυ.c băng trên sông bắt cá.
Hà Hoa nghe xong vừa bực mình vừa buồn cười, nhưng cũng nghiêm mặt nói: “Chưa gì đệ đã vội vàng hiếu thảo rồi, nhìn hai bàn tay đệ đông cứng vì lạnh thế này thể nào mẹ cũng đau lòng. Hơn nữa, hôm nay còn chưa đến ngày đại hàn (*) nên băng rất mỏng, chẳng phải đã nói với đệ rồi sao, đừng có chủ quan mà ra đó. Nhưng chẳng ngờ đệ vẫn không hiểu chuyện chút nào, lỡ như đệ bất cẩn rơi xuống khe băng thì ai vớt đệ lên đây? Nếu đệ chết thì nhà chúng ta sống thế nào!”
(*) Đại hàn (tiếng Trung: 大寒; bính âm: Dàhán) là tiết khí thường bắt đầu vào khoảng ngày 20 hay 2 1tháng 1 (dương lịch), khi Mặt Trời ở xích kinh 300° (kinh độ Mặt Trời bằng 300°), màu lạnh nhất trong năm.
Đại Bảo vẫn ngây ngô cười hì hì, đỏ mặt nói: “Đệ không đi, không đi nữa mà, vừa rồi lúc đệ đưa cá Tú nhi nhìn thấy cũng rất đau lòng, muội ấy nói không cho đệ đi nữa.”
Hà Hoa khẽ cười, trừng mắt nhìn Đại Bảo nói: “Hóa ra đệ chỉ nghe lời vợ thôi, còn chưa chính thức cưới về nhà mà đệ đã ngoan ngoãn nghe lời thế này, người làm chị như tỷ đây nói ngàn vạn câu cũng không bằng một câu của con bé.”
Đại Bảo cười nói: “Đâu có đâu, đệ cũng thương tỷ mà, chẳng phải đệ đã chừa lại cái này cho tỷ sao, con này rất lớn đó.”
Hà Hoa nói: “Đệ đừng đi, đợi tỷ làm con cá này, đệ ăn cơm trưa ở đây luôn đi.”
Đại Bảo nói: “Không cần đâu, đệ bắt được năm con, đưa cho nhà Tú nhi hai con, nhà mình hai con, bây giờ mẹ đang chưng ở nhà, con này để riêng cho tỷ và bà Tứ ăn.”
Hà Hoa lấy con cá nói: “Ừ, đệ đợi một chút.”
Hà Hoa về phòng lấy một ít táo rừng, đưa cho Đại Bảo: “Đây là táo tỷ và anh rể tiện tay hái trên núi xuống, đệ đem cái này về nhà nói mẹ ăn cho vui, nhiều như thế để ở đây ăn cũng không hết, đệ lấy về đi, cha thường thích thả chúng vào ăn chung với cháo.” Nói xong liền nhét vào cái túi Đại Bảo kẹp giữa nách nói: “Đệ và Tiểu Bảo mỗi đứa một phần, lén ăn đi, để cha thấy thì lại mắng hai đứa giống đàn bà con gái thích ăn quà vặt.”
Đại Bảo vui vẻ, kéo cánh tay Hà Hoa vui đùa: “Tỷ lấy đầu cá cho anh rể của đệ ăn đi, người ta nói ăn chỗ gì bổ nấy, không chừng ngày mai lại thông minh ra.”
Hà Hoa đấm cậu một cái mắng: “Nhóc con thối tha! Đáng đánh!”
Đại Bảo đang cười hì hì, chợt nghe trong phòng có tiếng ho khan: “Là Đại Bảo sao?”
Đại Bảo vốn tưởng bà Tứ ra ngoài hái thuốc, lúc này bỗng nghe thấy giọng của bà thì hoảng sợ. Phải nói là những đứa trẻ cùng lứa với Đại Bảo chưa từng bị bà Tứ đánh đòn, nhưng từ nhỏ đến lớn đứa nào cũng sợ bà Tứ như chuột sợ mèo, đối với bà Tứ vừa kính lại vừa sợ. Mới vừa rồi, rõ ràng Đại Bảo đã trêu đùa Trường Sinh ngốc, chắc là bà Tứ đã nghe thấy, cậu không khỏi chột dạ, không dám đùa giỡn nữa, hướng về phòng bà đáp: “Dạ, bà Tứ, cháu là Đại Bảo, cháu đưa cá đến cho nhà mình.”
“À, tốt quá, cám ơn cháu, trưa nay ở lại đây ăn cơm đi.” Bà Tứ ngồi trong phòng nói vọng qua cửa sổ.
“Dạ thôi ạ, trưa nay nhà cháu cũng ăn cá, mẹ cháu đã chưng rồi, cháu xin về trước, không phiền bà nghỉ ngơi nữa ạ.” Đại Bảo nói.
Bà Tứ cũng không cố giữ: “Gửi lời hỏi thăm của bà tới mẹ cháu, lần tới cháu dẫn Tiểu Bảo đến đây chơi.”
“Dạ, bà nghỉ ngơi đi, cháu về đây.” Đại Bảo nhìn Hà Hoa rồi thè lưỡi rồi chạy mất.
Hà Hoa cười cười lắc đầu, cầm con cá lắc lắc, nghĩ rằng hôm nay có thể ăn một bữa ngon rồi. Trong nhà còn chút bột mì, cô sẽ hấp bánh bao, rồi chưng con cá này lên, mới nghĩ thôi mà đã chảy nước miếng. Rồi gọi thầy Chu tới, hai ngày nữa thầy ấy và bà Tứ sẽ đi, bữa ăn này coi như bữa cơm chia tay vậy.
Hà Hoa vui vẻ nghĩ thầm, mang con cá vào trong bếp, vừa làm vừa ngân nga một điệu hát dân gian, chợt nghe có người nói ở phía sau: “Có chuyện gì hay ư, sao lại vui vẻ vậy?”
Hà Hoa vừa quay đầu lại, thấy là thầy Chu. Có lẽ do mấy ngày nay thầy ấy ngày nào cũng đến nhà cô, nên cũng thành một nửa người nhà, vào nhà cũng không cần gõ cửa. Hà Hoa thấy thầy Chu cô liền cười vui vẻ nói: “Thầy tới thật đúng lúc, cháu định sẽ đến gọi thầy đấy, Đại Bảo mới đem cho cháu một con cá, cháu sẽ nấu một bữa, thầy ở lại đây ăn cơm đi, thầy và bà nội cháu sắp đi rồi, chúng ta phải ăn một bữa thật ngon.”
Thầy Chu cười cười, nói: “Vậy thì tốt quá, ta có dẫn theo một người khách, không biết có thể nếm thử tay nghề của cháu không?”
Hà Hoa nói: “Coi thầy nói đó, bạn của thầy cũng xem như người một nhà, bạn thầy đến rồi phải không? Mau mời vào nhà đi ạ.” Nói xong cô vội vàng đứng dậy, nhìn nhìn khắp nơi không thấy chậu nước, nên lau tay đại lên người mình rồi đi ra ngoài đón khách.
Ra khỏi bếp, Hà Hoa ngẩn ra vì thấy có một chàng thanh niên trẻ đang đứng trong sân. Hà Hoa đã gặp rất nhiều trai làng nông dân, nhưng người trước mắt thì khác hẳn, đó là một thư sinh lịch sự nhã nhặn. Người đó thấy cô hấp tấp đi ra đón tiếp cũng giật mình, nhìn cô một lượt nhưng lại thấy dường như thật thất lễ, vội cung kính chắp tay chào hỏi: “Chào đại tẩu, vãn sinh Tôn Hành Chu.”
Ngoại trừ thầy Chu ra thì Hà Hoa chưa từng tiếp xúc với những người có học khác, lúc này mặt cô đỏ lên, không biết nên trả lời thế nào.
Thầy Chu giới thiệu: “Hành Chu là do ta mời đến dạy thay, lần này ta đi cũng gần nửa năm, không thể làm chậm trễ việc học của mấy đứa trẻ. Hôm nay, ta dẫn cậu ấy đến xem thử. Thầy ấy là người vùng khác đến nên vẫn chưa quen, ta muốn nhờ cháu sau này giúp đỡ thầy ấy nhiều một chút, nên dẫn đến đây cho biết mặt.”
“Dạ, được, được ạ.” Hà Hoa hơi cứng nhắc gật đầu. Thường ngày cô cũng không phải người ăn nói vụng về nhưng lúc này lại không dám nói gì. Chỉ vì cô mới làm cá xong, cả người dính đầy vết bẩn, lại còn có mùi tanh, còn nhìn người ta với dáng vẻ thư sinh ngay ngắn chỉnh tề, bộ dạng sạch sẽ, càng làm nổi bật sự lôi thôi của cô khiến cô không còn chút mặt mũi nào.
Ba người đang nói chuyện, đột nhiên Trường Sinh bước từ trong phòng ra. Từ lúc bà Tứ nói phải đi, hắn liền một lòng giúp bà thu dọn đồ đạc, thứ gì tốt cũng đưa bà mang theo. Lúc này không biết hắn lại kiếm được vật gì đó giống cái trống ở trong phòng, hắn liền gói vào trong bọc đưa sang phòng bà Tứ.
Nếu ngày thường chỉ có thầy Chu thì Hà Hoa thấy cũng chẳng có gì lạ lùng vì cô đã coi thầy Chu như người một nhà, nhưng lúc này đang có khách, Trường Sinh cứ ngơ ngác không thèm để ý tới người ta khiến cô cảm thấy hơi ngượng ngùng, đành gọi: “Trường Sinh, có khách.”
Trường Sinh nghe tiếng liền quay đầu lại.
Tôn Hành Chu đã được thầy Chu kể sơ qua nên vội chào hỏi nói: “Vị này chắc là Hoắc đại ca, tại hạ Tôn Hành Chu…” Nhưng y còn chưa nói hết câu, Trường Sinh đã quay đầu bỏ đi mất, Tôn Hành Chu bị bỏ lơ giữa đường không biết làm như thế nào, chỉ thấy thật sự xấu hổ.
Hà Hoa càng cảm thấy xấu hổ hơn, cũng không biết nên nói gì, cuối cùng thầy Chu đành phải lên tiếng hộ: “Tính tình Trường Sinh hơi trầm lắng, không thích nói chuyện, cậu đừng để ý.”
Tôn Hành Chu vội nói: “Không có gì.”
Thầy Chu quay sang nói với Hà Hoa: “Cháu đang bận, ta dẫn Hành Chu đến chỗ ta trước.”
“Dạ.” Hà Hoa gật đầu đáp, nhìn theo bóng thầy Chu và Tôn Hành Chu rời đi, lại nhìn sang phòng bà Tứ, ngẫm lại tình cảnh vừa rồi vẫn thấy rất xấu hổ. Cô chợt thở dài, trong lòng ngẫm nghĩ có nên cho Trường Sinh ăn những thứ bổ óc hay không.
Lúc làm cơm xong, Hà Hoa cố tình đi thay một bộ quần áo sạch sẽ gọn gàng, đến lúc thầy Chu quay lại thì không thấy Tôn Hành Chu, thầy nói là trong thành có việc nên phải trở về gấp. Hà Hoa nhẹ nhàng thở phào, nghĩ lại có một người nhã nhặn như vậy trước mặt, cả người cô căng lên như dây cung không thể thoải mái được, ăn cơm cũng khó chịu chết thôi.
Lúc ăn cơm trưa, Hà Hoa gắp cho bà Tứ và thầy Chu mỗi người một miếng cá lớn, đến lúc định gắp cá cho Trường Sinh thì dừng đũa một chút, cô lập tức chuyển hướng gắp hết cái đầu cá lớn vào bát Trường Sinh, tha thiết nhìn hắn dặn dò: “Ăn nhiều một chút.”
Truyện nhẹ nhàng vui vẻ, điền văn k đao to búa lớn cũng khá sát với tính cách thời xưa, có chút trọng nam khinh nữ, ai cũng có mặt tốt mặt xấu k có bị ảo