Chương 26: Tận cùng hồi ức
Thái Mãn Tâm - Quá khứ hoàn thành
Không thể ngăn được dòng chảy của thời gian, vậy thì hãy để nó nhấn chìm hoặc mang mọi thứ đi. Cái gọi là vĩnh hằng chẳng qua chỉ là tận cùng của hồi ức, tận cùng cùa giấc mơ.
Thái Mãn Tâm phải quay về Bắc Kinh trước khi nhà trường bắt đầu kỳ nghỉ hè để thăm giáo sư, chuyên gia về lĩnh vực kinh tế học và khoa học môi trường. Trước khi đi, Tề Dực và cô cùng đến Cục Lâm nghiệp Đồng Cảng tham dự hội nghị. Cô thu thập, chỉnh lý những ý kiến và nghi vấn của mọi người rồi đến các văn phòng chào mọi người.
“Tiếc là cô không được xem chuyên mục tin tức của đài truyền hình tỉnh”. Trưởng phòng Cung đưa cho cô một tờ báo: “Nhật báo đã giới thiệu hạng mục này. Mấy hôm nữa đài truyền hình tỉnh có một tiết mục đặc biệt, khả năng trong đó còn có cảnh lần trước hai người cùng làm phiên dịch khi tổ chuyên gia nước ngoài đến khảo sát. Không sao, tôi sẽ yêu cầu đài truyền hình đưa DVD cho cô xem”.
“Tôi hy vọng hạng mục này có thể thành công”. Thái Mãn Tâm mỉm cười cầm tờ báo: “Nếu không thì thật có lỗi với sự nhiệt tình tuyên truyền của họ”.
“Sao có thể không thành công được?”. Trưởng phòng Cung thao thao bất tuyệt, hết lời khen ngợi sự tận tâm tận lực của cô.
Tề Dực đứng cạnh mỉm cười không nói gì. Thái Mãn Tâm quay sang nhìn anh, nhăn mày làm mặt xấu.
Lúc ấy, cục trưởng bước ra từ phòng bên cạnh, dẫn theo một đoàn khách đi qua đại sảnh, nhiệt tình chào tạm biệt: “Sau này nhất định mọi người phải thường xuyên đến chỉ đạo chúng tôi làm việc”.
Một người trong số đó khi đi ngang qua người Tề Dực, nhìn anh rồi lại như chợt nhận ra điều gì đó quay người bước lại: “Cậu là... phó thị trưởng Chu...”, ông ta giơ tay: “Tề Dực, cậu là Tề Dực. Tôi không nhận lầm người chứ? Mẹ cậu là lãnh đạo cũ của tôi”.
“Tôi là Tề Dực, ông là...”. Anh bắt tay đối phương nhưng vẫn chưa nhận ra ông.
“Chú Nghiêm đây. Lúc đầu khi mẹ cháu ở sở Giáo dục, chú là trợ lý của bà ấy, còn đến trường đón cháu nữa. Có điều sau đó chú được điều lên làm việc ở tỉnh”. Ông ta vỗ vai Tề Dực: “Mới thế mà đã gần hai mươi năm rồi, chú không dám nhận cháu nữa. Có điều cháu giống hệt bố cháu hồi trẻ”, ông ta quay sang nói với các đồng nghiệp: “Còn nhớ phó thị trường quản lý công tác giáo dục ở Đàm Hóa mà trước đây tôi thường nhắc tới chứ. Đây chính là Tề Dực, con trai út của chị ấy”.
“Mẹ cháu đã nghỉ hưu nhiều năm rồi”. Tề Dực cười: “Bây giờ bà quen mọi người gọi mình là cô Chu”.
“Các chú rất khâm phục mẹ cháu. Bà ấy cũng giúp chú rất nhiều. Nghe nói bây giờ bà ấy ở Thượng Hải?”.
“Vâng, mẹ cháu sống cùng với anh trai cháu”.
“Bà ấy vẫn khỏe chứ? Chú nhớ là phó thị trưởng Chu nghỉ hưu vì lý do sức khỏe”.
“Sau khi nghỉ hưu mẹ cháu không có nhiều áp lực nên sức khỏe cũng khá hơn rất nhiều”.
“Nếu không phải chú và đoàn khảo sát đến Đồng Cảng thì không biết lúc nào mới gặp được cháu. Thế nào, cháu đến thăm bạn à?”.
“Tiểu Tề đang giúp chúng tôi làm một hạng mục”. Cục trường Cục Lâm nghiệp nói: “Không ngờ nhà cậu ở Đàm Hóa”.
Mọi người kéo anh ra nói chuyện, còn muốn anh cùng đi ăn tối.
“Chú Nghiêm, e là hôm nay không có thời gian”. Tề Dực quay sang nhìn Thái Mãn Tâm: “Cháu phải đưa bạn ra sân bay. Sau này có cơ hội, cháu sẽ đến thăm chú”.
“Không ngờ anh là công tử nhà phó thị trưởng”. Lúc ngồi trên xe bus đường dài, Thái Mãn Tâm mỉm cười trêu chọc: “Này, nếu có gì mạo phạm mong anh lượng thứ”.
“Đừng trêu tôi nữa”. Tề Dực tỏ vẻ ngượng ngùng.
“Bỗng nhiên tôi nhớ tới một chuyện”. Thái Mãn Tâm quay người, nhìn thẳng vào mắt anh: “Sau khi A Hải đi, mảnh đất mà anh ấy thuê, cũng chính là mảnh đất xây “Căn phòng nhung nhớ” vốn dĩ nên bị thu hồi. Sau khi đến Đồng cảng, tôi đã tiếp nhận nó rất thuận lợi. Hơn nữa những năm gần đây, xung quanh được khai thác thành những biệt thự cao cấp và làng du lịch. Nhưng chỗ của tôi không hề phải chịu áp lực gì về tiền thuế. Nếu không cho dù với số tiền tiết kiệm tôi mang từ Mỹ về thì cũng không đủ để duy trì được”.
“Căn cứ vào ý nguyện của Giang Hải khi còn sống, tài sản của cậu ấy phần lớn do bà Lục và A Tuấn thừa kế. Vì thế mảnh đất này vẫn được thuê dưới tên của bà Lục, cũng dùng một phần di sản của A Hải để trả một phần tiền thuế”. Tề Dực nói: “Điều tôi có thể làm là nhờ mẹ ra mặt, để toàn bộ quá trình thuận lợi hơn một chút mà thôi, hoàn toàn không có đãi ngộ đặc biệt nào với cô”.
Thái Mãn Tâm thở dài: “Anh biết không, có thể cho tôi có một góc như thế này đã là sự chăm sóc lớn nhất với tôi rồi”. Cô lại hỏi: “Thực ra anh luôn chú ý đến mọi việc ở Đồng Cảng, đúng không? Vì sao anh không xuất hiện sớm hơn, nói rõ tất cả sớm hơn?”.
“Sau khi A Hải đi, tôi liền từ chức, đi đến rất nhiều nơi, cũng là muốn tìm lại ý nghĩa của cuộc sống”. Tề Dực trả lời: “Hơn nữa, tôi không biết phải đối diện với cô như thế nào”.
“Quả thực là vậy, vượt ngàn dặm xa xôi quay về đây, nghĩ lại chỉ thấy một cô gái bướng bỉnh cố chấp. Nếu là tôi, chưa đến lúc cuối cùng thì sẽ không gặp mặt cô gái ấy"”. Thái Mãn Tâm cười: “Làm khó cho anh rồi”.
“Thực ra hồi ấy, những người xung quanh tôi đều bị tôi làm cho sợ hãi”. Cô nói thêm: “Cho dù là bạn thân của tôi hay bố mẹ tôi”.
Chuyện trước đây cứ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Cô gặp Hà Lạc ở California, bay từ San Francisco về Bắc Kinh. Từ trước tới nay cô luôn là niềm kiêu hãnh của bạn bè, dĩ nhiên sau khi quay về cũng không thể thiếu các buổi tụ họp. Thái Mãn Tâm lấy cớ từ xa mới về, vẫn chưa điều chỉnh được múi giờ, ngày nào cũng ngủ đến gần trưa, buổi tối lại đi ngủ sớm. Người nhà hỏi thì cô nói lúc ở California không mang theo áo rét nên bị cảm cúm.
Mẹ hoàn toàn tin vào những lời cô nói, liền từ chối các buổi họp mặt gia đình, sau đó mua gà ác, ngân nhĩ, móng giò, nấu các loại canh cho con gái ăn.
Thái Mãn Tâm có hơn nửa ngày là nằm trên giường, phần lớn thời gian không thể ngủ được, chỉ nhìn lên trần nhà, nhớ lại sự quả quyết của Giang Hải mà nước mắt cứ trào ra. Cô cũng không muốn ngủ, mấy lần mơ thấy bị người lạ đuổi theo, nắm lấy chân tay cô, mặc cho cô phản kháng như thế nào cũng không ngăn được sự xâm phạm của đối phương.
Cô cứ sống những ngày tháng mơ hồ như thế, đến khi sắp hết kỳ nghỉ, bỗng nhiên nhận được điện thoại của một người bạn nói gần đây có một tổ chức tiến hành khảo sát hạng mục, cần phiên dịch.
“Chẳng phải cậu cũng có thể làm được sao?”. Thái Mãn Tâm không thấy hứng thú, uể oải đáp.
“Trình độ của mình cũng chỉ có thể ứng phó với những cuộc trò chuyện thông thường. Vốn dĩ đã tìm được một người nhưng cô ấy lại nói phải thi thạc sĩ, không làm được”. Người bạn tỏ ra rất lo lắng: “Bọn mình đã thông báo với đại biểu rồi, người ta đi từ Đồng Cảng xa xôi đến đây, để một người như mình làm phiên dịch thì quả là có chút vô trách nhiệm”.
Thái Mãn Tâm không kìm được hỏi: “Cậu nói ở đâu cơ?”.
“Đồng Cảng”. Đối phương cười: “Vì thế mình mới tìm cậu. Mình nhớ cậu đã từng đến đó, còn ở lại đó rất lâu. Cậu thích Đồng Cảng như vậy, đến giúp cũng là điều nên làm, đúng không?”.
Trong lòng cô hiểu rằng mình không nên có bất kỳ mối liên quan nào với nơi này nữa nhưng không thể từ chối bất kỳ thông tin nào liên quan đến anh.
“Đừng do dự nữa. Mình coi như là cậu ngầm đồng ý rồi đấy nhé!”. Cô bạn vui mừng thúc giục.
Tổ chức này chủ yếu tài trợ về bảo vệ động vật hoang dã. Kế hoạch mà Đồng Cảng đưa ra chủ yếu là phục hồi môi trường sinh thái, trong vùng không có nhiều động vật tiêu biểu. Trong lúc nói chuyện, đại diện của Cục Lâm nghiệp Đông Cảng không giấu được vẻ thất vọng. Thái Mãn Tâm cũng thấy buồn, liền đuổi theo họ.
“Sau này vẫn còn cơ hội”. Cô nói: “Chỉ là rất nhiều nhà tài trợ hạn chế hạng mục đầu tư, tổ chức này không được thì thử tổ chức khác xem sao”.
Đối phương rất cảm động: “Cảm ơn cô! Lúc nãy tôi đã biết là rất nhiều câu cô dịch rất uyển chuyển, giữ thể diện cho chúng tôi”.
“Không cần khách sáo”. Thái Mãn Tâm mỉm cười: “Nói ra thì tôi cũng đã từng đến Đồng Cảng và thị trấn Bạch Sa gần đó. Tôi rất thích nơi ấy, cũng muốn làm chút gì cho nó”.
“Vậy à? Chào mừng cô lại đến Đồng Cảng!”. Đối phương rất tích cực: “Hải sản ở chỗ chúng tôi vừa ngon vừa rẻ”.
“Tôi biết”. Cô gật đầu.
“Lần sau tôi đưa cô đi, có một vài nhà hàng cứ thấy du khách là chém giá cắt cổ”.
“Lúc tôi đến đó cũng bình thường, tìm được một nhà hàng rất ngon”.
“Nhà hàng nào?”. Đối phương hỏi.
Thái Mãn Tâm có chút chần chừ, nói tên của anh Thành.
“A... đáng tiếc...”. Đối phương thở dài một tiếng: “Nói cho cô biết một tin không hay, trước đây không lâu... A Thành đã không còn trên cõi đời này nữa”.
“Sao có thể thế được?”.
“Thuyền đánh cá gặp mưa bão, sóng ngoài biển quá lớn...".
“Anh Thành, sao có thể thế được..”. Thái Mãn Tâm không kìm được nước mắt: “Không phải là trùng tên chứ?”.
Đối phương lắc đầu: “Đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng nhất ở Đồng Cảng trong hai năm trở lại đây, còn có vài người nữa, bao gồm cả người sở hữu chiếc thuyền”.
“Anh muốn nói...”. Thái Mãn Tâm bám chặt vào tay vịn cầu thang, khoảnh khắc đó, cô thà tin rằng tai của mình không thể nghe thấy âm thanh.
“Giang Hải. Người sở hữu chiếc thuyền tên là Giang Hải. Rất nhiều người ở Đồng Cảng biết cậu ta”.
Tối hôm ấy ăn cơm ở nhà bà nội. Thái Mãn Tâm không thể từ chối được. Cô trả lời câu hỏi của mọi người như một cái máy, cố gắng tập trung chú ý khi người khác nói chuyện nhưng không nghe thấy một từ nào.
Giang Hải, Giang Hải, người khiến mày vừa yêu vừa hận đã không còn nữa.
Thái Mãn Tâm thấy sống mũi cay cay nhưng không biết kìm nén như thế nào, chỉ có thế trốn trong phòng vệ sinh, khóa cửa, vặn vòi nước và âm thầm khóc. Cô ra sức rửa mắt, vã nước lạnh lên đôi mắt sưng đỏ. Mũi tắc nghẹn giống như bị ngạt thở.
“Sao đi lâu như vậy?”, cô vừa ra ngoài, em họ liền lao vào: “Mót chết đi được”.
“Bụng chị không tốt”. Thái Mãn Tâm cúi đầu: “Thật sự rất khó chịu”.
“Vẫn chưa khỏi cúm à?”. Mẹ sờ trán con gái: “Không có chút tinh thần nào cả, chúng ta về sớm một chút nhé!”.
Bố lái xe, cô ngồi ở ghế sau, gục vào lòng mẹ. Cảm giác ấm áp ấy khiến cô càng muốn khóc. Nhưng ngay từ nhỏ cô đã rất ít khi khóc trước mặt bố mẹ, cũng sợ rằng sự mất kiềm chế lúc này sẽ khiến họ lo lắng không yên nên chỉ có thể nắm chặt tay, móng tay bấm vào lòng bàn tay.
Về đến nhà, cô lập tức sắp xếp hành lý, gọi điện thoại đặt vé máy bay đi Đồng Cảng.
“Kỳ nghỉ ngắn như vậy, con còn muốn đi chơi?”. Mẹ than phiền: “Nghỉ hè con đã đi lâu như vậy rồi, bây giờ không thể ở nhà với mẹ và bố con sao?”.
Thái Mãn Tâm không biết phải giải thích thế nào, chỉ sợ vừa mở miệng nước mắt sẽ trào ra.
“Chiếc váy liền kia của con đâu ạ?”. Cô hỏi: “Chiếc váy màu xanh nhạt”.
“À, con mua cách đây bao nhiêu năm rồi”. Mẹ thản nhiên nói: “Lần trước con đi biển bị nước muối ngâm đến bạc cả màu. Mấy hôm trước, lúc dọn dẹp mẹ đã vứt đi rồi”.
“Nói vứt là vứt, vì sao mẹ không hỏi con?”. Thái Mãn Tâm hét lên.
“Mới nói có hai câu mà đã nổi nóng như vậy?”. Mẹ vừa ngạc nhiên vừa tức giận.
Thái Mãn Tâm đóng sầm cửa lại, dựa lưng vào tường, nước mắt tuôn trào như mưa.
Cô đang chờ máy bay thì mẹ gọi điện thoại: “Từ nhỏ đến lớn bố mẹ chưa từng yêu cầu con làm gì. Nhưng nếu con vừa ở Mỹ về mà vẫn còn thích đi chơi như vậy thì đúng là khiến mẹ và bố con quá đau lòng”.
“Bố mẹ chỉ chú ý đến cảm giác của mình, có nghĩ đến cảm giác của con không?”. Cô đứng trong hàng chờ đổi thẻ lên máy bay, thấp giọng nói.
“Con tự do quen rồi”. Mẹ tức giận: “Bố mẹ có giống những người trói chân trói tay con, cấm đoán con không? Chẳng phải vì mấy ngày gần đây sức khỏe của con không tốt, nên mẹ và bố con không yên tâm để con đi xa sao?”.
“Nhưng con ở nhà cũng không thấy dễ chịu”. Thái Mãn Tâm làm xong thủ tục lên máy bay, đi đến góc đại sảnh: “Thật sự con không sao, chỉ muốn đi ra ngoài cho khuây khỏa thôi”.
“Sao thế?”. Mẹ nhận ra sự khác thường qua giọng nói của con gái.
“Không có gì ạ, chỉ là, chỉ là trong lòng cảm thấy khó chịu”. Cô cố làm ra vẻ bình tĩnh: “Con gặp vài điều không như ý trong chuyện tình cảm”.
“Rốt cuộc xảy ra chuyện gì?”.
“Cũng không có gì”. Thái Mãn Tâm ngừng một lát: “Chỉ là yêu một người, sau đó chia tay”. Cô cố gắng nói thật nhẹ nhàng nhưng nước mắt đã lăn dài trên má.
Mẹ im lặng một lúc: “Bố mẹ... không thấy con nói gì”.
“Con không muốn bố mẹ lo lắng”. Thái Mãn Tâm lấy kính râm trong túi: “Nhưng quả thực con không thể ở nhà được nữa. Con không hợp với không khí tụ họp ấy. Lần nào con cũng rất buồn nhưng lại phải kìm nén, không để bất kỳ người nào nhận ra. Con thật sự rất mệt, con muốn đi xa một chút, nghỉ ngơi một chút”.
“Đi du lịch sẽ khiến con vui hơn?”. Mẹ hỏi.
“Vâng”. Thái Mãn Tâm đáp lại rồi gật đầu.
Mẹ không nói gì nữa, dặn dò vài câu rồi cúp máy. Chẳng bao lâu điện thoại lại đổ chuông. Lần này là giọng nói nghiêm khắc của bố: “Không được đi, lập tức quay về ngay bây giờ!”.
“Con đã giải thích với mẹ rồi”.
“Bố biết, vì thế mới không cho con đi!”. Bố thở dài:
“Mẹ con nói con khóc không thành tiếng. Từ nhỏ đến lớn bố chưa từng thấy con như vậy. Con nói xem, tâm trạng của con như vậy, sao bố mẹ yên tâm để một mình con đi đến nơi xa như thế?”.
“Con đã làm xong thủ tục lên máy bay rồi”. Thái Mãn Tâm nghẹn ngào: “Con sẽ chăm sóc bản thân, con xin lỗi, lần này con sẽ bướng bỉnh đến cùng”.
“Có chuyện gì buồn không thể nói với bố và mẹ con mà phải trốn tránh hả?”. Bố không hiểu: “Nếu con không tin tưởng bố mẹ như thế, không nghĩ đến cảm nhận của bố mẹ thì cũng đừng quay về nữa!”.
Thái Mãn Tâm không biết nên an ủi bố mẹ thế nào. Nhưng ý cô đã quyết, bắt chuyến bay sớm nhất ngày hôm ấy đến Đàm Hóa. Trên đường bay gặp luồng khí mạnh, máy bay rung lắc, nghiêng ngả. Lúc hạ cánh cô nôn thốc nôn tháo nhưng đã hai ngày không ăn uống gì, cuối cùng chỉ nôn ra dịch vị màu vàng nhạt tanh nồng. Lên xe bus đường dài cô vẫn còn đau đầu. Trên xe là một đoàn sinh viên cùng nhau đi du lịch suốt đường đi hào hứng trò chuyện không ngừng. Cô gái ngồi cạnh có mái tóc ngắn tinh nghịch, không ngừng kéo tay cô hỏi đông hỏi tây.
Thái Mãn Tâm biết chiếc ba lô leo núi đúng chuẩn sáu mươi ki lô gam của mình quá bắt mắt, thực ra bên trong chỉ có một vài đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Cô không có tâm trạng nào để thưởng thức cảnh vật bên ngoài, lấy mũ lưỡi trai che mặt nhưng không thể ngủ được.
Bỗng nhiên xung quanh tối sầm, các em sinh viên phấn khích hét lên: “Đường hầm dài quá!”.
Dường như nhìn thấy những bông hoa chuông giống như một chuỗi chuông nhỏ rủ xuống, đung đưa, đung đưa trong bóng tối. “Ý nghĩa của nó là nhớ nhung da diết, tên tiếng Anh là foxglove, găng tay của cáo, rất đáng yêu, đúng không”. Lúc ấy cô mỉm cười, chỉ cho Giang Hải xem. Tiếng cười lanh lảnh, giống như bông foxglove màu hồng có gió thổi qua.
Lúc này cô tưởng rằng đó là tiếng cười sẽ không còn vang vọng trong cuộc đời này nữa.
Khi xe bus đi ngang qua tấm biển chỉ đường có ghi chữ thị trấn Bạch Sa, những giọt nước mắt đã tích tụ bấy lâu chợt trào dâng.
Thị trấn Bạch Sa, thị trấn Bạch Sa mà mình yêu quý. Đó chỉ là một ngã rẽ, thậm chí không phải một trạm dừng chân.
Hành trình giống hệt lúc đầu, cùng một chuyến xe, đi trên cùng một con đường, vượt qua cùng một rặng núi sương mù bao phủ, cùng ngắm nhìn mặt biển bao la trong vắt. Nhưng trong cùng một thành phố, đi trên cùng một con phố lại không bao giờ còn gặp lại người ấy nữa.
Thái Mãn Tâm lấy chiếc xe máy của Giang Hải từ chỗ bà Lục. Cô không thành thạo lắm, thế nên chỉ lái chầm chậm. Men theo con đường lên sườn đồi thoai thoải, hoa cỏ bên đường vô cùng rực rỡ dưới bầu trời xanh biếc, những căn nhà gỗ màu trắng giống như chú hải âu dang rộng đôi cánh. Ở phía cuối con đường là biển xanh mênh mông, ánh nắng nhảy nhót trên mặt biển xanh thẫm.
Gió biển mặn nồng thổi tới, ấm áp tươi mát, thổi bay vạt áo của cô.
Khoảnh khắc này, trái tim đau nhói như cào xé suốt mấy ngày qua bỗng nhiên tĩnh lại. Thái Mãn Tâm nghĩ, có lẽ mình sẽ không bao giờ rời xa nơi này.
Con đường ngoằn ngoèo, cảm giác như đang đi tới chân trời góc biển. Chỉ là biển không hiểu, mùa hè qua đi, người lái thuyền sẽ không quay trở lại. Buông tay để yêu, những ký ức đã qua chờ thời gian chôn vùi.
Chàng trai đã từng chở cô đi trên con đường đầy trăng sao đã không còn. Đôi mắt rực cháy của anh đã khép lại. Một màu đen tối, anh và thế giới của mày từ nay chỉ còn một màu đen tối.
Bóng cây bò qua cửa sổ, rón rén leo lên bức tường trắng. Trong giấc mơ, anh đứng đó, ngoảnh đầu lại khẽ mỉm cười.
Tất cả lớp rêu xanh đã úa vàng.
Những bông bồ công anh theo gió bay tới.
Không thể ngăn được dòng chảy của thời gian, vậy thì hãy để nó nhấn chìm hoặc mang mọi thứ đi.
Cái gọi là vĩnh hằng chẳng qua chỉ là tận cùng của hồi ức, tận cùng cùa giấc mơ.
It’s a journey to nowhere.