Chương 1: Tập bay

Một hôm Hải cò chạy qua nhà tôi.

Tôi không có ở nhà, vì vậy nó nói với mẹ tôi- một câu nói rất ngu:

-Cô nhắc thằng cu Mùi trả tiền cho con!

Cách đây hai tuần, tôi làm hỏng quả bóng của nhà trường. Lý do là tôi vô tình sút quả bóng vào hàng rào. Và cái hàng rào mắc dịch đó lại vô tình có mấy cây đinh.

Tôi sợ bị phạt nên mượn tiền Hải cò mua quả bóng mới đền cho thầy thể dục.

Hải cò moi tiền đưa tôi, giọng thấy ghét:

-Mày mượn chừng nào trả?

-Mai mốt!

-Mai mốt là khi nào?

-Khi nào tao có tiền.

-Làm sao tao biết khi nào mày có tiền?

Tất nhiên là mày không biết rồi. – Tôi thở hắt ra – Ngay cả tao cũng có biết đâu!

Hải cò liếʍ môi:

-Một tuần nha?

-Gấp quá vậy!

-Vậy thì hai tuần?

-Ờ.

Tôi gật đầu, bụng nghi 2 tháng nữa không biết tôi đã có tiền trả nó chưa, ở đó mà 2 tuần.

Vậy mà đung 2 tuần ( chắc nó đếm từng ngày) Hải cò chạy qua nhà tôi đòi tiền. Hậu quả là tôi bị mẹ mắng cho một trận nên thân. Bù lại, sau khi gạn hỏi, mẹ tôi lập tức thay đổi thai độ với tôi. Bà vuốt tóc tôi:

-Con khờ quá! Lần sau nếu gặp chuyện như vậy con phải nói cho mẹ biết nghe chưa!

Bàn tay mẹ tôi rưng rưng nhảy từ mái tóc của tôi xuống cái ví của bà. Không nói thì ai cũng biết động tác đó của mẹ tôi đã giúp tôi thoát nợ với Hải cò và tôi rất biết ơn bà.

Cho dù hôm đó cái kết thật là có hậu, tôi vẫn rất bực thằng Hải cò. Sống trên đời ai mà chẳng có lúc mượn tiền người khác. Tôi cũng thế và Hải cò cũng thế. Điều đó nếu không phải là chân lý cũng chẳng cách xa chân lý là bao. Càng bé thì càng dễ mượn tiền vì trẻ con làm gì có cơ hội làm ra tiền.

Tất nhiên hồi đó thì tôi nghi vậy nhưng sau này khi đã là người lớn, tôi rầu rĩ nhận ra chính người lớn mới hay mượn tiền hơn trẻ con. Người lớn kiếm được bao nhiêu tiền vẫn cảm thấy không đủ, vì họ có quá nhiều nhu cầu, đã thế nhu cầu nào cũng ngốn cả đống tiền. Muốn chiếc xe gắn máy, cái computer, cái điện thoại di động đời mới, bộ váy áo, cái tủ lạnh, cái máy giặt,… đâu phải vơ tay ra là có. Còn mua ô-tô hay mua một căn nhà thì ôi thôi, biết bao nhiêu tiền cho đủ! Đó là chưa kể những người quen thói tiêu hoang hoặc đam mê các trò may rủi.

Cho nên so với trẻ con, người lớn luôn cảm thấy đau khổ. “Ôi,đời tôi sao khổ thế này!”-đó là câu người lớn hay than, từ người không đủ tiền mua một tấm áo đến người thiếu một khoản tiền nhỏ có thể mua một ngôi nhà lớn.

Trẻ con không bao giờ than như thế, vì bọn tôi cả đời chỉ cần đủ tiền mua bánh kẹo, cà rem, xi- rô, ổi xoài (tất nhiên cuộc đời trẻ con chỉ kéo dài đến chừng nào trở thành người lớn ). Đang đói bụng mà có tiền mua một ổ bánh mì là cuộc sống bọn tôi lập tức biến thành màu hồng dù trước đó nó được vẽ bằng gam màu nhem nhuốc gì đi nữa.

Tóm lại, trẻ con chẳng có mơ ước gì cao xa. Nhờ vậy bọn trẻ không có nhiều khổ não, thất vọng hay bất đắc chí như người lớn.

Người lớn cũng biết thế nên họ tự đặt ra các câu danh ngôn để tự răn mình. Lớn lên tôi đọc được câu “tri túc tiện túc đãi túc hà thời tú”-“biết đủ thì ắt thấy đủ, còn đợi cho đủ sẽ chẳng bao giờ thấy đủ”. Câu nói rất hay (người lớn bao giờ cũng nói hay) nhưng sau khi gật gù khen hay, người lớn thường làm ngược lại.

. . .

Nói trẻ con không có mơ ước gì cao xa là tôi muốn nói “ cao xa “ kiểu người lớn, tức mơ sắm ô tô, xây nhà lầu, mơ làm ông nọ, bà kia.

Thực ra trẻ con có mơ ước của mình, nhưng theo kiểu rất khác.

Có lần Hải cò hỏi cả bọn:

-Mình có thể bay như chim không hả, tụi mày?

Con Tủn nhún vai:

-Quá dễ!

-Dễ á?

Con Tủn hất hàm:

-Theo bạn chim bay được là nhờ cái gì?

-Dĩ nhiên là nhờ đôi cánh.

-Vậy nếu có một đôi cánh, mình sẽ bay được.

Thế là cả bọn giao cho tôi chế tạo cánh chim.

Tôi lùng sục mấy chục ngày trời mới tìm được 2 cái ống nhựa có thể xỏ tay vào. Con Tí sún phụ trách tôi đυ.c lỗ và nối những tấm lưới hai bên ống tay, sau đó cả bọn kiếm lông gà lông vịt gắn vào. Quần quật cả tuần lễ rốt cuộc bọn tôi cũng làm được đôi cánh trông như cánh đại bàng.

Tôi và con Tí sún mỗi đứa cầm một cánh chim giơ lên khỏi đầu, mặt mày tươi rói.

-Giống chưa hả, tụi mày?

Hải cò xuýt xoa:

-Giống hệt!

Con Tủn nhảy tưng bừng:

-Tụi mình có thể bay như chim được rồi!

Tôi lướt mắt qua đám bạn:

-Đứa nào bay trước?

Hải cò giành:

-Tao!

Bốn đứa tôi lục tục kéo qua nhà con Tí sún. Vì ba nó đi làm, nhà nó không có ai, chúng tôi không sợ bị la rầy, cấm cản. Nhà thằng Hải cò thì tiện hơn, nó có thể treo lên cây mận sau vườn nhà nó để lấy trớn lao lên không trung nhưng Hải có là đứa có ba lẫn mẹ, tệ hơn là ba mẹ nó thường xuyên ở nhà.

Nhà con Tí sún không có vườn, bọn tôi xúm lại khiêng cái thang kê vào mái nhà để thằng Hải cò có chỗ leo lên.

Sau khi đứng yên vị trên nóc nhà, Hải cò hăm hở xỏ tay vào hai cánh chim trước ánh mắt hồi hộp của 3 đứa đứng dưới đất.

Hải cò vẫy vẫy đôi cánh, kiêu hãnh:

-Giờ tụi mày muốn tao bay đi đâu?

Tôi toét miệng cười:

-Bay lên mặt trăng đi.

-Đừng dại! – Con Tủn cản, chắc vì nó chưa quên thằng cò từng là “ chồng” nó trong trò chơi bố-mẹ-con-cái và không có người vợ nào muốn chồng mình bay đi mất- Bạn bay qua đậu bên nóc nhà thờ đằng kia đi!

-Bay qua nóc nhà thờ thì bay làm gì cho phí công! – Hải cò hừ mũi. Nó ngước nhìn lên trời – Để tao bay lên đám mây kia cho tụi mày coi!

Không đợi bọn tôi có ý kiến. Hải cò đập cánh lia lịa đêr lấy đà. Tôi chưa kịp chợp mắt đã thấy nó lao vụt ra khoảng không và… rơi bịch xuống đất như trời giáng.

Nóc nhà con Tí sún không cao lắm nhưng rơi từ trên đó xuống mà không gãy cổ kể như quá may.

Hải cò không gãy cổ nhưng gãy tay.

Nghe bọn tôi cấp báo, mẹ Hải cò hớt hải chạy sang nhà con Tí sún vội vã đưa thằng con đến bệnh viện.

Ngồi trên xe, Hải cò rên hừ hừ.

-Rên gì mà rên! – Mẹ nó chép miệng- Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần rồi. Là không leo treo nghịch ngợm!

-Con đâu có nghịch. Con tập bay mà!

-Tập bay là sao.

Sau khi biết được nguyên nhân tai nạn của thằng con qua 4 cái miệng tranh nhau kể cả bọn tôi, mẹ thằng Hải cò thảng thốt đưa tay ôm mặt và đằng sau những tay bay ra một tiếng than dài:

-Ối trời ơi, cái bọn điên! Mày tập bay kiểu đó mà không chết là phúc ba đời nhà minh rồi đó con!