Cái Thai Không Đúng Hẹn

5.77/10 trên tổng số 22 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Một người đàn ông vô tình lạc vào thế giới của Xuân - một phụ nữ đã có chồng, anh ta là đồng nghiệp của cô. Cô tò mò vì ánh mắt của anh dành cho mình, nhưng cô không biết sự tò mò ấy đang hại cô và kh …
Xem Thêm

Chương 2
Công việc nếu đã làm quen rồi thì cũng thấy không có gì bận rộn. Xuân chỉ đau đáu chuyện làm thế nào để sáng tạo trong giảng dạy, không khiến học sinh của mình phải ngáp ngắn ngáp dài trong giờ văn là được. Nhưng hình như điều đó không được các thầy cô ở tổ văn tán thành. Đây là trường học của một thành phố loại hai, không quá tân tiến nhưng cũng chẳng quá quê mùa, mọi thứ vừa hay dừng được ở mức quy chuẩn. Các thầy cô giáo vẫn lôi những tư duy của người cũ ra để nói cho cô hay. Nào là phân tích bài Việt Bắc phải thế này, bài Tây Tiến phải thế kia. Các điệp từ điệp ngữ đều sử dụng vì mục đích cho nghĩa này, mọi thứ nhất nhất theo một công thức toán học khô khan. Cô nói với trưởng tổ văn rằng:

- Như thế còn gì là văn chương nữa?

- Vậy cô nghĩ văn chương là được tuỳ tiện à? - Trưởng tổ văn là một bà cô không chồng năm mươi tuổi, tên là Kim Anh, khó tính hơn cả bà đẻ, học sinh hay thầy cô nào nghe đến tên cũng phải ngán ngẩm lắc đầu. Trong trường này chỉ có mình Xuân là dám cãi lời bà.

- Chị thật quá khuôn sáo rồi, văn chương đôi khi cũng phải tuỳ tiện. Nếu tuỳ tiện mà ra một bài văn hay, thì có gì không tuỳ tiện được.

- Bởi vậy nên cô mãi mãi chỉ là giáo viên khá, không thể lên giỏi được.

Xuân cười nhạt:

- Em không chạy đua vì thành tích như chị đâu.

Bà Kim Anh nhướn mày, giọng nói trở nên ghê gớm:

- Cô nói thế là có ý gì? Muốn bảo tôi giảng dạy vì thành tích à? Cô đang xúc phạm tôi đấy có biết không?

- Chị nói thế mất quan điểm quá. Chúng ta đang nói về chuyện giảng dạy, và phải giảng dạy sao cho học sinh hiểu chứ không phải là cách nhét chữ vào mồm chúng nó.

Lần này thì bà Kim Anh tức giận thật sự. Bà đứng dậy chỉ tay bảo:

- Cô ăn nói chợ búa như thế à? Giáo viên mà lại dùng những từ ngữ đó.

- Giáo viên cũng là người thôi.

Không khí trở nên căng thẳng đến nỗi tất cả mọi người không ai dám xen vào cả, họ chỉ biết ngồi yên nhìn rồi huých tay nhau. Đột nhiên có một người kéo tay Xuân lại, rồi một mùi hương nam tính truyền qua cánh mũi:

- Thôi nào, to tiếng ở đây học sinh nghe lại không hay đâu.

Cả hai người nhìn lại, thấy Kì đang làm vẻ mặt hoà giải. Dù đây không phải là cuộc tranh cãi của anh ta. Anh ta là người của tổ thể chất, sao lại đi vào tổ văn làm gì? Xuân tự hỏi trong đầu.

Kim Anh nhìn thấy Kì vội dịu dàng trở lại, bà ta vuốt tóc, cười ngại ngùng:

- Ấy, làm gì có ai to tiếng đâu. Chúng tôi chỉ đang bàn luận mà.

Xuân giằng tay ra vì vẫn chưa hết tức giận, vơ lấy cốc trà của mình bực tức nói:

- Bình thường bọn tôi vẫn nói chuyện với nhau như vậy đấy.

Rồi Xuân bỏ ra ngoài, mặc kệ tổ trưởng có muốn nói gì nữa. Cô và bà Kim Anh mâu thuẫn thì nhiều người biết, nên những vụ cãi vã kiểu này họ cũng không muốn xen vào nhiều. Hai người có những cách dạy riêng nhưng lúc nào cũng muốn làm theo ý mình. Nhiều người cũng không hiểu sao cô lại không sợ bà Kim Anh, ít nhất bà cũng là cấp trên của cô. Xuân bảo bà không phải cấp trên, là cả tổ bầu ra bà làm tổ trưởng chứ đâu có cấp bậc gì. Cái gì sai thì nói, đúng thì phải khen.

Xuân vừa nhìn đám học sinh chơi bóng trên sân trường, vừa nhấm nháp trà hoa cúc cho xuôi sự hiếu chiến trong lòng. Mỗi lần nói chuyện với bà Kim Anh cô đều thấy như thế giới sắp sửa chiến tranh lần thứ ba.

- Không ngờ Xuân lại dữ dội như vậy đấy.

- Gì cơ? - Xuân quay lại, nhíu mày nhìn Kì.

Kì đưa cho Xuân một cái bánh quy, đứng cạnh cô nhìn lũ học sinh. Nếu như người khác nhìn vào, dưới ánh nắng buổi trưa này sẽ thấy mọi thứ thật thơ mộng, nhưng với cô thì không. Xuân nhận lấy bánh, đứng dịch ra một chút:

- Tôi với chị ấy như vậy suốt ấy mà. Anh ở tổ khác thấy lạ cũng phải.

- Tôi tưởng giáo viên dạy văn thì sẽ nói chuyện nhẹ nhàng lắm.

- Tuỳ từng lúc thôi. Mà sao anh lại vào can ngăn chúng tôi vậy? Yên tâm đi, không đánh nhau đâu.

Kì cười nhẹ, anh nhìn cô, cái nhìn ấy khiến cô liên tưởng đến dòng cà phê sóng sánh chuyển động mỗi khi cô quấy nhẹ.

- Ai mà biết được. Mà người hôm qua là chồng của Xuân hả?

- Ai cơ?

- Cái người đến đón Xuân ấy.

Xuân ừm nhẹ.

- Anh ấy chắc làm nhiều tiền lắm nhỉ, chiếc xe đẹp quá. Hôm qua tôi muốn đến hỏi giá, vì tôi cũng thích dòng xe ấy, mà thấy không phải cho lắm.

Xuân lắc đầu:

- Đó là xe của sếp anh ấy. Nếu anh cần hỏi giá, tôi sẽ hỏi hộ anh.

- Xuân nghĩ tôi có thể mua được chiếc xe ấy không?!

Đây là một câu hỏi? Hay là gì? Xuân cảm thấy ngữ điệu của anh không giống như đang hỏi. Cô nhìn anh một lúc lâu mà không biết nói gì nữa. Kiểu nói chuyện nửa đùa nửa thật, nửa có nửa không này khiến người ta như rơi vào một mê cung.

Ai đó chạy vụt qua va phải vai Xuân khiến cô suýt ngã nếu không có Kì nhanh tay kéo lại. Xuân vội bám vào lan can để không ngã về phía Kì.

Cô lườm Huy, học sinh của mình. Cậu ta còn cười đểu giả với cô:

- Em xin lỗi!

Xuân chỉ tay:

- Cứ liệu cái thần hồn.

- Vâng, em biết ạ!

Xuân bặm môi nhìn theo cậu. Đúng là nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Phải trải qua cái tuổi nổi loạn rồi mới thấy nó thế nào.

Kì bật cười thành tiếng:

- Học sinh của cô đấy hả?

- Của nợ của tôi thì có.

- Xem ra chúng rất quý cô thì phải!

- Sao anh biết?

- Tôi cũng được học sinh quý mà.

Anh ta cũng có một chút ngạo mạn nữa.

Xuân còn nhớ thời cấp ba mình cũng hay trêu một thầy giáo điển trai trong trường. Đám con gái hồi ấy cứ thấy thầy đi qua là lại: "Thầy ơi, em yêu thầy!" Thầy giáo đó bị trêu nhiều quá, từ đỏ mặt rồi chuyển qua dạn dĩ hơn, ngẩng đầu đáp lại bảo: "Các cô không có cửa đâu!"

Đang trôi trong những kỷ niệm học trò thì hơi ấm nơi bả vai kéo Xuân về thực tại. Bàn tay của Kì vẫn chưa buông xuống. Khi thấy cô để ý, anh ta mới giả bộ ngại ngùng thu tay về. Xuân biết đó là giả bộ.

- Tôi phải vào soạn bài cho tiết cuối đây.

- Tôi tưởng cô soạn từ tối qua rồi chứ?

- Tôi vẫn chưa nhớ một số ý chính.

- Vậy mà tôi lại nghe người ta đồn đại Xuân giảng bài tuỳ tiện lắm.

Xuân không biết phải nói lại thế nào, chỉ biết gật đầu chào rồi nhanh chóng đi vào phòng giáo viên.

Ai nói đàn ông dễ hiểu nhỉ? Hay là do đám đàn bà như cô đã suy nghĩ quá nhiều?

Về nhà, cô kể cho chồng mình rằng:

- Ở trường em có một người đàn ông lạ lắm anh.

Chồng cô đang phơi quần áo ở ngoài, vì giàn phơi hơi cao nên anh luôn nhận việc này. Anh hỏi lại:

- Lạ thế nào?

- Đôi khi em bắt gặp anh ta nhìn em, rồi hôm nay còn đến bắt chuyện với em nữa.

- Thì có gì lạ? Chắc tại em xinh quá.

Cô ngừng tay đang thái thịt, lườm yêu chồng:

- Anh thích thế hả?

- Đâu có. Nhưng mà anh có thấy gì lạ lùng đâu.

- Không có sao? Em thấy anh ấy nhìn em... em không biết nói thế nào nữa.

- Nếu không thoải mái cứ tránh xa ra là được. Anh cũng không muốn em va chạm nhiều với các đồng nghiệp nam đâu.

Xuân thở dài, không va chạm cũng khó, vì làm chung trường, anh ta cũng lại ở công tác trong đoàn trường cùng với cô. Một ngày gặp nhau đến mấy bận, chưa kể có những tuần phải đi trực sĩ số từng lớp nữa.

Chồng cô đến bên cạnh, ôm em cô rồi thủ thỉ:

- Đàn ông đều có thể thích em, dù em là ai. Quan trọng vẫn là mình em ạ.

- Anh thì sao?

- Anh á? Anh ở trong xe cả ngày, gặp gái còn chẳng có cơ hội nữa là được người ta thích.

Xuân cười nhẹ, tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc trong lúc này. Người ta bảo hôn nhân chỉ thực sự xuống dốc khi có kẻ thứ ba xen vào. Một kẻ thứ ba theo nghĩa đen, con cái, bồ bịch... Chỉ cần một người khác xuất hiện, cuộc hôn nhân đó sẽ bị biến đổi về tính chất.

Người ta thường nói, trước cơn bão thường là những ngày bình yên, phẳng lặng. Liệu rằng Xuân có thể tránh xa Kì như lời chồng cô căn dặn? Hay anh ta vẫn cố tình tiếp cận cô, dù theo cách này hay cách khác?

Thêm Bình Luận