Chương 6: Trận Như Nguyệt - Vạn Kiếp – Vĩnh Bình (6-7/1285)
Diễn biến chiến trận Như Nguyệt – vạn Kiếp – Vĩnh Bình cho chúng ta thấy mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự như sau: Đánh giá đúng thế và lực của địch, của ta trên chiến trường, kịp thời tổ chức chặn đánh buộc địch phải lọt vào trận địa đã chuẩn bị sẵn sàng của ta. Sau các trận A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, tuy rằng địch cò rất đông nhưng về thế thì chúng đã nguy khốn, không thể ứng cứu lẫn nhau được, trong khi đó quân chủ lực của ta ở vào thế tự do cơ động nên tập trung giành ưu thế áp đảo, tiêu diệt từng đồn trại lớn của địch. Đứng trước tình thế đó, Trần Quốc Tuấn phán đoán quân Thoát Hoan thế nào cũng rút chạy và có thể rút theo 1 trong 2 đường.
Thoát Hoan cố gắng hành động thật gấp nhằm làm cho ta không ứng phó kịp tình hình, và như vậy hắn sẽ rút đi được an toàn. Hắn trọn con đường ngắn nhất để thoát ra nhanh nhất: Đó là vượt sông Cầu qua Vạn Kiếp, Chi Lăng rồi sang Tư Minh. Nhưng mọi tính toán mưu toan của Thoát Hoan đều quá chậm và thấp so với dự kiến tình hình của bộ thống soái nhà Trần. Tư khi chuyển sang phản công, Trần Quốc Tuấn đã sớm triển khai thế trận để tiêu diệt địch, trên đường rút lui của chúng. Đặc biệt tại trận Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn chọn đoạn sông sách (tứ sông Thương, đoạn chảy qua Vạn Kiếp) bố trí quân thủy, quân bộ mai phục, nhằm đánh trận tiêu diệt lớn. Khi Thoát Hoan bắt đầu cuộc rút lui (10-6), Trần Quốc Tuấn phái tướng Trần Tung chỉ huy 2 vạn quân tấn công quyết liệt, đánh thắt lưng, phá vỡđội hình cả đạo quân hậu vệ địch; chúng phải thúc nhau rút chạy.
Nhưng chúng lao đến sông Cầu thì lại bị đạo quân của tướng trẻ Trần Quốc Toản hợp lực cùng dân binh địa phương đổ ra đánh. Địch lâm vào thế phía trước bị chẹn, phía sau bị đánh thúc. Thoát Hoan buộc phjải chuyển hướng, xuôi theo bờ nam sông Cầu để vòng qua Vạn Kiếp. Trận đánh chặn địch của Trần Quốc Toản đã đạt được mục đích đề ra là buộc địch phải rút theo đường Vạn Kiếp – Nội Bàng (Trong chiến thắng đó, bên dòng sông Như Nguyệt, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh) Ở Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn đã bày sẵn thế trận đánh đòn quyết định do các tướng Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái chỉ huy. Ở đây, đồi núi giáp đường, giáp sông, quân ta chiếm địa thế co lợi, đánh cắt ngang đội hình địch. Trong khi tiền quân của địch bị đánh ở Vạn Kiếp thì trung quân của chúng còn chưa qua được sông Lục Đầu cũng bị đánh mạnh, phải tranh nhau chạy làm đứt cả cầu phao. Và như thế toàn bộ đội hình hàng chục vạn quân của Thoát Hoan bị chia cắt, rối loạn, tê liệt. Sử cũ cho biết, sau trận Vạn Kiếp, Thoát Hoan chỉ còn thu được 5 vạn tàn binh nhưng đến Vĩnh Bình thì sa vào 1 trận địa mai phục nữa do Hưng Vũ Vương chi huy chặn đánh, lại tan tác. Các tướng giặc như Lý Hằng, Lý Quán cầm quân hộ vệ Thoát Hoan đều bị chết hoặc trọng thương.
Trên cơ sở nắm vững âm mưu địch và kinh nghiệm của những cuộc kháng chiến trước, Trần Quốc Tuấn chủ trương mở những trận quyết chiến tiêu diệt địch, đánh bại ý chí ngông cuồng của quân xâm lược Nguyên – Mông. Đánh địch trên đường rút lui là khi chúng ra khỏi căn cứ, lúc đó sức lực mỏi mệt, tinh thần hoang mang. Đó là thời cơ thuận lợi để quân ta tiêu diệt triệt để sinh lực địch. Chủ trương sáng tạo của Trần Quốc Tuấn trong trận truy kích này là ông không áp dụng hoàn toàn quan điểm của binh pháp Tôn Tử: “… địch đến lúc cùng khốn thì không nên bức bách quá” mà căn cứ vào tình hình thực tế của cuộc chiến. Có như vậy mới đánh bại hoàn toàn đạo quân xâm lược hùng mạnh của đề chế Đại Hãn, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, lãnh thổ của đất nước
TRẬN VÂN ĐỒN (1-1288) Chiến thắng Vân Đồn có tầm quan trọng rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ 3: Làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của quân Nguyên, đẩy chúng vào khó khăn không thể khắc phục nổi về lương thảo. Đây là đòn chí tử, giáng đúng vào chỗ hiểm của đối phương. Đánh giá về chiến thắng Vân Đồn, sách Đại Việt SKTT viết: “Năm này, vết thương của dân không thảm như năm trước. Khánh Dư có phần công lao trong đó”.
Chiến thắng Vân Đồn để lại bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ huy trên chiến trường. Đó là: Phán đoán tình huống đúng, kịp thời phát hiện và lợi dụng sai lầm của giặc, hạ quyết tâm chính xác, khẩn trương triển khai thế trận tiêu diệt địch giành thắng lợi. Bằng khả năng tư duy sắc bén, nhạy cảm cùng với việc nắm vững mọi hoạt động của kẻ thù, Trần Khánh Dư biết chắc đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ còn đang ở phía sau. Trước lệnh triệu hồi của triều đình, ông vẫn bình tĩnh xin lui lại vài ngày. Sự phán đoán của ông hoàn toàn chính xác và ông đã lập được chiến công.
Dựa vào đâu Trần Khánh Dư có thể hạ quyết tâm sẽ lập công chuộc tội? Nếu chỉ dựa vào ý nghĩ chủ quan khó mà hạ được quyết tâm như vậy. Đây chính là kết quả của sự phán đoán chính xác và khả năng đánh giá đúng tình hình địch ta của vị tướng tài ba. Kịp thời phát hiện ra sai lầm của địch, triệt để lợi dụng sai lầm của chúng để tổ chức tác chiến giáng đòn mạnh mẽ, giành chiến thắng. Điều này không phải lúc nào người chỉ huy cũng làm được. Trong hoàn cảnh thủy binh ta vừa thua trận, triều đình ra lệnh hồi triều chịu tội, Trần Khánh Dư vẫn cùng binh tướng hạ quyết tâm đánh tiếp đoàn thuyền lương, và phải đánh thắng. Quyết tâm ấy đã được thể hiện bằng tài bố trí trận địa, khả năng nhử giặc và dũng cảm đánh giặc.
Trần Khánh Dư cùng quân sỹ chỉ trong thời gian ngắn đã bố trí dàn trận trên 1 địa bàn tương đối dài để đánh giặc. Phải có quyết tâm rất cao, sự đồng lòng của uqân tướng mới có thể nhanh chóng tạo dựng được 1 trận địa như vậy. Với kinh nghiệm của 1 đội thủy binh đã từng xông pha nhiều chiến trận, dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba, quân Trần đã nhử được giặc vào sâu trong trận địa để rồi tung ra 1 lực lượng mạnh áp đảo khiến kẻ thù phải thất bại hoàn toàn. (Nghệ thuật phát hiện và triệt để lợi dụng sai lầm của địch, kịp thời tổ chức tiến hành tác chiến giành thắng lợi của trận Vân Đồn sau này được Quang Trung phát huy trong trận đánh trận tiêu diệt quân Thanh tết Kỷ Dậu 1789.
Vua Quang Trung đã quyết định đại phá quân địch trong thời gian chúng đang nghỉ ngơi và giành được thắng lợi hoàn toàn) Chiến thắng Vân Đồn là 1 chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 của quân dân Đại Việt, là lưỡi dao cắt toàn bộ dạ dày của quân xâm lược, tạo ra tiền đề cho thắng lợi của ta và thất bại của giặc. Sử gia Ngô Thì Sỹ thế kỷ 18 đã viết: Việc đánh lui giặc Hồ ở đời trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo, mà không biết đền trận đánh thắng ở Vân Đồn của Trần Khánh Dư. Trận thắng ở Vân Đồn rất kỳ diệu và là căn bản của trận thắng sau đó… Trận thắng ở Vân Đồn là chẹt con hổ mà cướp lấy mổi… Mưu tính hiệu và công thắng địch của Trần Khánh Dư cũng vĩ đại thay