Chương 4-2

Thầy Hai Lý mừng ra mặt khi nghe Tỵ nói như vậy, nhưng bà Bảy khi nghe ông Bảy kêu Tỵ thì cũng đi theo ra, bà xen vào:

- Tỵ, bộ mầy quên thằng Sáu Mẹo rồi hả?

Ông Bảy Thọ ngạc nhiên trong lúc thầy Hai Lý nhìn Tỵ:

- Thằng Sáu Mẹo...?

Tỵ như chợt nhớ ra, gải tai:

- A, hôm qua lúc cậu Bảy đang chơi đờn ca thì nó xin phép con về thăm nhà ở Cần Thơ vì không biết chiếc ghe miền Tây lúc nào mới chạy lại, nó nói sẳn đem mấy bao vôi Càn Long giao cho vựa số 1 gần bên nhà nó thật tiện, con thấy cũng có lý nên đồng ý và đã nói cho Mợ biết...

Thầy Hai Lý hỏi lại:

- Nó là bạn ghe của mầy?

- Dạ.

Ông Bảy Thọ thấy việc làm của Tỵ cũng là đúng thôi, nhưng không hiểu thầy Hai Lý hỏi để làm gì. Như hiểu được suy nghĩ của ông, thầy Hai Lý thở dài bảo Tỵ:

- Thôi được rồi, mầy vô trong đi.

Tỵ vừa khuất sau cánh cửa buồng, thầy Hai Lý ngồi xuống ghế, móc gói thuốc Bastos xanh (*) lấy ra một điếu châm lửa rít một hơi, nhìn ông Bảy Thọ mà lúc nầy cả hai ông bà đều đang nhìn thầy:

-Đâu phải như anh nói, anh kéo chiếc ghe lên, không đi buôn nữa là xong đâu, vì nếu dễ dàng như vậy thì chuyện gì phải lo chứ. Theo tui biết thì người bị ếm bùa Lỗ Ban mà không giải dù có đi tới đâu trước sau gì vẫn bị hại, tui nghĩ trong thời gian nầy, anh nên bảo tất cả những bạn ghe của chiếc Miền Tây đừng đi đâu cả, ở yên đây, chờ vài ngày coi như thế nào...

Bà Bảy Thọ hỉ mũi, sụt sịt khóc:

- Gia đình tui đối với anh Mười như bát nước đầy, sao ảnh lại bày chi cái trò ác nhơn vậy...

- Hồi sáng, trước khi vô anh, tui đã sai thằng Tín đến nhà hắn nói nhờ hắn sửa nhà, kỳ thật là tui muốn thăm dò coi hiện hắn đang làm gì, thì như anh chị thấy đó, hắn nói bịnh không tiếp ai hết, tui chắc chắn hắn đang tập trung để đối phó với bất cứ ai đến giải bùa hắn ếm trên chiếc ghe miền Tây...

Ông Bảy Thọ chán nản:

- Anh nói, thằng Định không bằng hắn nên đã ra nông nổi, vậy thì mình chờ gì đây?

Thầy Hai Lý ném cái mẩu thuốc lá ra sân, trời đang sâm sẩm tối:

- Chờ gì tui cũng không biết, nhưng trước giờ khi gặp điều nan giải quẻ Tiên Thiên của tui bói không bao giờ sai, nên tui tin thằng Định không phải vô cớ mà đưa chiếc túi vải, tui nghĩ chắc chắn là bùa hộ mạng của nó, cho thằng Lành và biểu đốt... tui đang lo cho thằng Sáu Mẹo, vì đi giao hàng trong lúc nầy là...

- Là sao hả thầy Hai...? ông bà Bảy đồng thanh.

- Là đúng vào lời ếm...

* loại thuốc lá người bình dân thích hút. (cũng là nghe nói thui nha, đúng sai hủng bít à )

Ông Bảy Thọ chỉ kêu lên được một tiếng "trời" rồi cúi đầu ngao ngán, trong lúc bà Bảy quẹt nước mắt, bà không còn nói được lời gì khi những sự kiện ngoài sự hiểu biết của bà cứ dồn dập xảy đến. Thầy Hai Lý chép miệng nói với họ mà mắt vẫn nhìn ra sân, màn đêm đã phủ trùm vạn vật:

- Nhưng thôi, chúng ta có lo quá cũng không làm được gì, vì đó cũng là suy đoán theo sự hiểu biết của tui...

Thầy ngưng lại bưng tách nước trà uống một hớp:

- Hơn nữa, mọi người đều có phước có phần do ơn trên sắp đặt, chuyện gì đến thì nó phải đến thôi, chúng ta cứ chờ coi...

*** ***

Hai ngày đã trôi qua...

Những sinh hoạt thường nhật trong nhà ông Bảy Thọ không có gì thay đổi, nhưng đâu đó đã có những lời dị nghị về hạnh kiểm của cô Ba Hạnh trong số người ra vào làm việc nơi nhà ông cũng như tại xưởng cưa, khi thấy sự săn sóc quá đặc biệt của cô dành cho Định... Ông Bà tuy có nghe, nhưng còn lòng dạ nào để cải chính, riêng cô Ba Hạnh không hiểu sao, khi nghe Lành thuật lại lời dị nghị của thiên hạ, cô lại ước ao nó là sự thật khi cô nắm bàn tay anh và ánh mắt thật nồng nàn nhìn anh dù anh đang thiêm thϊếp trên giường...

Tờ mờ sáng ngày thứ ba, khi mọi người tạm vơi nỗi lo âu khi thấy sắc mặt Định bớt tái, có chút phản ứng với những muổng cháo Hạnh hoặc Lành đút cho anh, thì thầy Hai Lý ngủ bên ngoài nghe tiếng Lành gọi lớn bên trong:

- Thầy Hai ơi, thầy Hai... anh Định... ảnh...

Thầy Hai Lý, ông bà Bảy, chạy vào... thấy Định nằm dưới đất, Lành đang cố sức bồng anh lên, nhưng có vẽ như anh quá nặng Lành không thể nào nhấc lên được. Sức trai tráng như Lành mà nhấc Định lên không nổi quả là một chuyện lạ. Vừa thấy thầy Hai Lý, Lành nói ngay:

- Thầy Hai, sao mình mẩy anh Định nóng hổi, cứng đơ, nặng ỳ như khối đá... con dở lên hổng nổi...

Thầy Hai Lý ngồi xuống bên Định, nói với Lành:

- Buông tay nó ra cho tao coi... và thầy chụp ngay vào mạch cổ tay của Định... thầy Hai Lý bỗng tái mặt, bàn tay bắt mạch của thầy run run, ông Bảy Thọ nhìn thầy hỏi thật nhỏ:

- Sao nó lại như thế nữa hả thầy Hai?

Thầy Hai Lý không nhìn ông Bảy Thọ vì thầy đang để ý đến những đường gân máu đang nổi rỏ trên trán và hai bên thái dương của Định, cùng lúc máu tươi ứa ra từ thất khiếu của anh, thầy nghẹn ngào:

- Nó chết rồi...

- Chết, không, không... Hạnh lao vào chụp cánh tay kia của Định khóc nức nở:

- Anh Định, anh không thể chết đâu... thầy Hai sao lại như vậy chứ, hồi hôm anh ấy khoẻ lại rồi mà...

Thầy Hai Lý nhìn cô lắc đầu, định nói gì đó, nhưng bỗng thầy nghiêm nét mặt:

- Ủa, lạ thiệt, lạ thiệt...

- Sao hở thầy Hai... ông Bảy Thọ cố nén xúc động.

Không trả lời ông Bảy mà thầy Hai Lý bảo Hạnh:

- Bây buông tay nó ra coi... Ờ, ờ... nắm lại coi... và thầy tươi ngay nét mặt reo lên:

- Ừ, có thế chứ...

Và nhìn ông bà Bảy đang ngơ ngác, thầy nói:

- Không phải vô cớ mà tui nói với anh chị, con Hạnh là phước tướng, lúc nảy rỏ ràng mạch của thằng Định đã ngưng, vậy mà khi con Hạnh nắm tay nó, mạch đã nhảy lại, và bây giờ không phải người nó đã dịu hay sao... và thầy quay sang Lành:

- Đỡ nó lên giường đi... nó không còn nặng nữa đâu...

Lành bán tín bán nghi đến nâng Định, anh reo lên:

- Ủa, sao lạ quá hén, lúc nãy con ráng muốn đứt hơi mà...

Ông Bảy Thọ trừng mắt nhìn Lành, nhưng giọng nói của ông không dấu được niềm vui:

- Mầy nói nhỏ chút được không...

Thầy Hai Lý nói với ông Bảy khi thấy Hạnh đang lau máu trên mặt Định và Lành đang xoa dầu lên khắp người anh:

- Mình ra ngoài để nó nghỉ chút đi...

Hai người đi ra nhà ngoài mà tai họ còn thoáng nghe tiếng Lành hỏi Hạnh:

- Anh Định bịnh gì kỳ cục quá vậy chị Ba...

Nghe tiếng Lành, thầy Hai Lý như sực nhớ chuyện gì, thầy quay lại nói với Hạnh:

- Con Ba, bây ngồi đây với nó, nếu lại thấy nó có xảy ra bất cứ chuyện gì, bây chỉ cần nắm chặc tay nó lại... cầu mong từ đây tới sáng sẽ không có gì nữa...

Hạnh ngước nhìn thầy Hai Lý gật đầu mà nước mắt vẫn đoanh tròng, trong lúc ông Bảy hỏi ngay khi hai người vừa ra nhà ngoài:

- Thằng Định nó qua được không thầy Hai? sao lúc vầy lúc khác, tui thực không biết phải làm sao...

- Anh không nhớ, cũng vào giờ nầy mấy hôm trước thằng Định đi phá bùa của Mười Tung sao, sự việc vừa xảy ra cho thấy Mười Tung cũng phải vào giờ nầy triệt hạ đối thủ của mình, nếu lúc nảy không có con Hạnh đến kịp, nó đã bị bùa của Mười Tung vật chết rồi... Con Hạnh là phước tướng, tôi nghĩ trong nhứt thời bùa Mười Tung không phạm được, chỉ là không biết mình kéo dài được bao lâu thôi...

- Như vậy muốn diệt thằng Định, Mười Tung phải diệt con Hạnh trước...

Ông Bảy Thọ trố mắt nhìn thầy Hai Lý.

- Nên tôi mới nói với anh là không biết mình kéo....

Nhưng thầy Hai Lý chưa nói dứt câu thì có tiếng Tỵ kêu cửa:

- Cậu Bảy ơi, thức dậy chưa, có người tìm anh Định nè...

Trong một thoáng ông Bảy Thọ và thầy Hai Lý nhìn nhau, rồi cả hai đều chạy ra mở cửa:

- Ai, ai... kiếm thằng Định chứ?

Tỵ còn thở hổn hển:

- Một ông già lạ lắm, đang đi vào với thằng Sửu, con chạy trước về báo cho Cậu biết...

Rồi Tỵ tiếp luôn khi thấy Ông Bảy Thọ và thầy Hai Lý nhìn hắn:

- Không biết ông ta đến chỗ xưởng cưa hồi nào, mà tờ mờ sáng khi con thức dậy ra sau ụ ghe đi tiểu thì đã thấy ông ta đứng ở cầu tàu kêu con và hỏi "nhà ông chủ ghe nầy ở đâu vậy cậu" con chưa kịp trả lời thì ông hỏi tiếp, tay chỉ vào chiếc ghe miền Tây "mấy ngày trước có một thanh niên xỉu trên chiếc ghe đó phải không, và bây giờ anh ta ở đâu?"... con biết ngay là ông ta muốn hỏi anh Định, nên trả lời "phải" rồi vào cho thằng Sửu hay và chạy về đây báo cho Cậu...

Thầy Hai Lý ngắt lời Tỵ:

- Mình ra ngoài đó gặp ông ta đi...

Ông Bảy Thọ chưa kịp ừ, thì Tỵ nói tiếp khi nhìn về phía cổng:

- Ổng tới rồi kìa Cậu...

Bà Bảy Thọ vừa kịp vặn sáng thêm ngọn đèn dầu để trên bàn, thì Sửu và ông già lạ mặt đã vô đến trước cửa nhà. Sửu chưa kịp nói gì cùng ông Bảy Thọ, thì cả hai người, ông Bảy Thọ cũng như thầy Hai Lý đã bước ra, như một quán tính, khẻ cúi đầu trước ông già:

- Chào thầy... xin mời thầy vào nhà...

Ông già cười hề hề không khách sáo chút nào:

- Cám ơn... và ông bước vô trong...

Ông Bảy Thọ và thầy Hai Lý cúi đầu cũng phải, vì ông già tóc đã bạc gần hết, chắc phải ngoài bảy mươi, nhưng phong thái thật nhanh nhẹn, mặc đồ bà ba đen, đi giày bata trắng, đầu bới củ tỏi với chiếc khăn nâu cột qua trán, đặc biệt chòm râu của ông vẫn đen nhánh không bạc chút nào... Vừa bước vô nhà, ông già đã nói ngay:

- Mấy ngày nay ông chủ lo dữ hén... cái thằng nhóc nầy thiệt tình không sợ chết mà...

Nghe những lời nầy của ông gìa, ông bà Bảy Thọ nghĩ chắc chắn cứu tinh của mình đã đến nhưng ông chưa kịp nói gì, thì thầy Hai Lý đã kéo chiếc ghế mời ông già:

- Mời thầy, hình như thầy đã biết hết mọi việc...

Ông già nhìn thầy Hai Lý không trả lời ông, rồi nhìn về cửa buồng thông vô chổ Định đang nằm:

- Cái thằng nầy không biết trời cao đất rộng là gì, may nhờ có thầy giúp cho nó mấy ngày qua, không thôi nó đã toi mạng rồi... một lần cho nó biết sợ..

Quay sang ông Bảy Thọ, ông già cười:

- Tại thằng nhóc không nên thân báo hại ông bà mấy ngày nay phải bận tâm lo lắng cho nó... ông bà đừng phiền nha...

Ông Bảy Thọ ấp úng:

- Gia đình tui mang ơn cậu ấy còn không hết, dám đâu phiền chứ, nhưng cậu ấy...

Ông Bảy Thọ chưa nói dứt câu thì ông già đã xua tay:

- Ông chủ an tâm đi... cho tui thắp nhang ngoài bàn thiên ông chủ chút nha...

- Dạ...

Ông già bước đến xá mấy xá trước bàn thờ Phật trong nhà ông Bảy Thọ rồi đốt một cây nhang bước ra cắm vào bát nhang bàn thiên bên hiên nhà... Sau đó ông rút chiếc móc tai bằng đồng (*) dắt trên củ tỏi cắm ngập vào bát nhang, nạt lớn:

- Mau...!

Mọi người theo dỏi hành động của ông trố mắt nhìn không biết ông làm vậy có dụng ý gì, nhưng ông già thản nhiên quay lại xoa tay cười:

- Xong rồi...

Trong nhất thời, những người hiện diện không biết ông già nói "xong rồi " là ám chỉ điều gì, thì nghe tiếng cô Ba Hạnh:

- Ba ơi, anh Định...

Họ quay vào, cô Ba Hạnh khựng lại ngay cửa buồng khi nhìn thấy ông già, thầy Hai Lý lên tiếng:

- Con Ba, nó lại có chuyện hả...?

Cô Ba Hạnh, mắt không rời ông già, ấp úng:

- Dạ không, ảnh... ảnh...

Ông già nhìn cô cười hề hề:

- Con bé nầy khá đấy, thảo nào thằng nhóc không liều mạng chứ... Rồi ông ta hỏi Hạnh:

- Nó thế nào rồi...

Hạnh cúi đầu tránh đôi mắt của ông già, hai tai cô nóng bừng khi nghe lời vừa rồi của ông già:

- Dạ, ảnh...

Nhưng cô chưa nói được gì thêm, thì Định hình như không có vẽ gì là đau ốm bước ra ngoài, đến ngay trước mặt ông già quỳ thụp xuống:

- Cám ơn Tổ sư gia đã cứu mạng con...

Ông già tắt mất nụ cười trên môi, nghiêm nét mặt nhìn Định:

- Thằng nhóc, mầy thiệt tình mà, đã biết sức mình không kham nổi sao vẫn liều chứ, nếu tao không về kịp thì sao...?

* chiếc móc tai làm bằng đồng dài khoảng 4 inches, người bình dân miền Nam rất ưa dùng, phụ nữ lớn tuổi thường cắm trên búi tóc.

Định ôm lấy hai chân của ông già:

-Con biết Tổ sư gia đâu nỡ bỏ con chứ, vì con chỉ làm những gì mà tổ sư gia đã dạy cho con mà...

Ông già lắc lắc đầu:

- Tao thiệt chịu thua mầy đó nhóc...

Rồi ông nhìn Định thở dài:

- Bao năm rồi, tao những tưởng được yên thân để tu luyện, không ngờ cũng chưa thoát được vòng ân oán...

- Nhưng Tổ sư gia cũng đâu đành lòng nhìn những người lương thiện bị hại chứ...?

Ông già đở Định đứng lên:

- Ừ, thôi thì cứ để xuôi theo tự nhiên đi...

Định quay lại nhìn Ông bà Bảy Thọ:

- Thưa chú, thím, đây là Tổ sư gia của con, người đời thường gọi ông là Hiệp Ẩn, từ lâu Tổ sư đã lánh về ở trên Thất Sơn, nhưng hôm nay vì cứu con đã phải xuống núi...

Ông Bà Bảy Thọ, thầy Hai Lý dù đã đoán được ít nhiều sự liên quan giữa ông già và Định, nhưng được nghe chính Định thốt lên lời vừa rồi, họ như đã trút đi được gánh nặng ám ảnh những ngày qua, vì họ tin chắc chắn Tổ sư gia của Định sẽ dễ dàng giải được bùa ếm của Mười Tung... Họ nhìn nhau và thầy Hai Lý một lần nữa thấy thiệt vui trong lòng vì quẻ Tiên Thiên của thầy bói quả không sai...

Ông già Hiệp Ẩn quay sang ông bà Bảy Thọ:

- Tui có mấy lời muốn hỏi ông bà chủ nhà, xin vui lòng trả lời thành thật đừng nói dối sẽ mang tội cùng trời đất đó nha.

Ông bà Bảy Thọ nhìn vẽ nghiêm trang của Hiệp Ẩn không khỏi chột dạ:

- Dạ, tổ sư cứ hỏi, vợ chồng tôi sẽ không dối nửa lời...

- Chiếc ghe của ông bà bị người ta ếm, ông bà biết người ếm chứ?

- Dạ biết...

- Ông bà có thù oán hay có làm bất cứ một chuyện gì gọi là có lỗi với người ta không?

Ông Bảy Thọ bùi ngùi:

- Gia đình tui đối với anh ấy như bát nước đầy, hơn nữa tui và anh ấy lại là bạn chơi đờn ca đã lâu nên tui nghĩ tui không làm gì có lỗi với anh ấy...

- Vậy ông bà có muốn trừng phạt người đó không, có muốn trả thù họ không?

Bà Bảy Thọ oà lên khóc, trong lúc ông Bảy Thọ cũng ứa nước mắt:

- Gia đình tui cầu xin tổ sư giải giùm nạn nầy, và tha thứ cho họ, có gì đâu mà thù với oán chứ...

Ông già Hiệp Ẩn thở dài, nhìn ra sân, gió ban mai thổi qua nhè nhẹ, tiếng gà gáy dồn dập xa xa hoà trong tiếng lào xào cũa những bạn hàng xuôi về nhóm chợ, trời đã hừng hừng sáng...

Quay lại mọi người đang hiện diện trong nhà, ông già Hiệp Ẩn nói chậm rải từng tiếng một:

- Ông bà chủ nhà quả là nhân đức, như vậy ngay từ bây giờ, mọi chuyện của ông bà với người kia coi như chấm dứt, chuyện gì xảy ra sau nầy ông bà sẽ không có một trách nhiệm gì, vì đó chỉ là nhân quả...

Thầy Hai Lý rụt rè hỏi:

- Thưa Tổ sư, vừa rồi có một người bạn ghe của chiếc ghe Miền Tây đi giao hàng cho khách ở Cần Thơ, không biết có việc gì không?

Mọi người chợt nhớ đến Sáu Mẹo nên đều nhìn ông già Hiệp Ẩn. Lành nãy giờ đứng lặng thinh, với những việc xãy ra mấy ngày nay trên mình Định, tâm hồn lương thiện của anh trong nhứt thời không khỏi bàng hoàng khi Hạnh kề tai vắn tắt kể anh nghe đầu đuôi câu chuyện, bỗng chạy ra quỳ xuống trước ông già Hiệp Ẩn:

- Kính xin Tổ sư hãy tội nghiệp cứu dùm anh Sáu Mẹo...

Mọi người trố mắt nhìn, tuy biết thường ngày Lành và Sáu Mẹo là bạn rượu thân thiết, nhưng sự việc chưa biết như thế nào thì sao Lành lại nói "cứu" chứ... Ông già Hiệp Ẩn nhìn Lành gật gù:

- Hèn gì... Rồi ông chồm tới đưa tay vào ngực áo Lành gở chiếc túi vải hình tam giác của Định mà Lành vẫn còn đeo bên trong. Nắm chiếc túi trong tay, Ông già Hiệp Ẩn hết nhìn Định rồi nhìn Lành:

- Thằng nhóc, mầy cũng có con mắt tinh tường quá chứ, giao mạng mầy cho nó... hèn gì, hèn gì... nè, của mầy trả cho mầy nè...

Hiệp Ẩn mở bàn tay đưa ra trước mặt Định, mà lúc nầy đang đứng gần bên cô Ba Hạnh... Định mừng rở chạy đến trong lúc mọi người tròn xoe mắt kinh ngạc. Chiếc túi vải nầy mấy hôm trước đã bị đốt biến thành màu đen, nhưng bây giờ dưới đèn đã ánh màu đỏ thẳm... Đeo lại chiếc túi vải vào cổ, Định lắp bắp, chấp tay cúi sát đầu:

- Con cám ơn Tổ sư... cám ơn Tổ sư gia...

Ông già Hiệp Ẩn nhìn Lành:

- Tao thấy người mầy xin tao cứu đó, thiệt là dử nhiều lành ít rồi, nhưng còn nước còn tát... đứng dậy, rót 1 chun rượu đem lại đây...

Cầm chun rượu do Lành hai tay kính cẩn mang lại, ông già Hiệp Ẩn bước đến cửa hắt mạnh ra trước sân, xong quay lại nói với ông bà Bảy Thọ:

- Ông bà chủ nhà cứ ở nhà đi, khoảng chừng tàn cây nhang sẽ có người đến báo tin về cái anh bạn ghe gì đó, tui hy vọng là mình không quá trể...

Hiệp Ẩn nói tiếp luôn khi ngoài sân trời đã hừng đông:

- Cũng đã đến giờ rồi... Mọi người hiểu ngay là ông già Hiệp Ẩn muốn nói gì nên đều có ý muốn đi theo ông ra ụ ghe...

Nhưng Hiệp Ẩn lắc đầu:

- Không cần đi nhiều người như vậy đâu...

Ông ngừng lại nhìn Định:

- Cả mầy nữa, thằng nhóc, lần nầy khỏi đi với tao, vì lở có chuyện tao thiệt khó ăn nói với con bé đó... ông buông lững lời, trong lúc Hạnh xấu hổ cúi gầm mặt xuống, với một niềm vui đang rộn rã trong lòng...

Hiệp Ẩn quay sang thầy Hai Lý:

- Thầy có hứng thú không?, thầy và thằng nhỏ nầy đi với tui đủ rồi... ông nói và chỉ tay về Lành...

Định ngập ngừng:

- Tổ sư gia... con, con...

Ông Bảy Thọ biết Định muốn đi theo và ông cũng vậy:

- Thưa Tổ sư, tui thiệt muốn đi theo coi như thế nào...

Ông già Hiệp Ẩn trầm giọng:

- Tui nghĩ, những chuyện tới đây, ông chủ nhà không thấy thì tốt hơn để không có một ám ảnh nào về sau... và cũng đừng nghĩ sẽ mang ơn tui, vì chuyện tui làm chỉ là hợp với tự nhiên thôi... Mọi việc trên đời đều có 2 mặt tốt xấu, thì Bùa Lỗ Ban cũng không ngoại lệ...

Và ông lại thở dài:

- Nên quan trọng nhất là cái TÂM của người xữ dụng nó... rồi nhìn thầy Hai Lý, ông tiếp luôn:

- Thôi mình đi đi kẻo trể... và quay sang Lành:

- Ê nhỏ, mầy nhớ hỏi chủ nhà mang theo cho tao 1 cái chảo, 1 lít dầu phọng, 1 ông lò và một ít củi... tao và thầy Hai ra đó trước nha...

Trời cũng đã hừng đông, chợ Xoài Hột thật đông đúc người mua kẻ bán, xe ngựa, xe lôi tấp nập ngược xuôi chất hàng lên để kịp đưa ra lộ trong chuyển lên xe hàng đưa về Saigon, nên cũng không ai để ý đến ông già Hiệp Ẩn cũng như thầy Hai Lý đang trên đường đi về ụ ghe. Bước chậm lại để thầy Hai Lý tiến lên đi ngang mình, ông già Hiệp Ẩn cười cười:

- Thầy Hai cũng biết bùa Lỗ Ban?

- Dạ không đâu thưa Tổ Sư, chỉ là ngày xưa lúc học thuốc, thầy tui có dạy cho biết những cách thức thông thường để tạm thời cứu mạng cho người bị hại... và Thầy Hai cũng cười:

- Và đây là lần thứ nhứt, tui mới áp dụng đó...

- Người ếm bùa chiếc ghe kia, tâm địa thật không hiền, vẫn biết bị bắt buộc phải làm, nhưng cũng không cần phải tận tuyệt như vậy...

- Thưa Tổ Sư, tại sao lại là bắt buộc phải làm chuyện ác đức như vậy chứ?

- Vì hắn học bùa mà muốn mau thành để xữ dụng, nên khi dùng phải trả giá tức phải ếm người ta, nếu không chính bản thân hắn phải chịu hậu quả, vì lủ quỉ đó có bao giờ chịu làm việc không công chứ...

Thấy thầy Hai Lý tròn mắt nhìn mình, ông già Hiệp Ẩn lắc lắc đầu:

- Thầy cũng biết mà, xữ dụng bùa chú tức là sai những thành phần khuất mặt làm chuyện mình muốn, mà thành phần nầy có đẳng cấp của nó, nên tùy theo tâm tánh và thời gian tu luyện mà người luyện bùa có thể vẻ chữ bùa sai khiến được đẳng cấp nào...

- Vậy chiếc ghe miền Tây...

Không để thầy Hai Lý nói hết câu, ông già Hiệp Ẩn đã hiểu thầy muốn nói gì rồi:

- Hắn cũng dày công luyện đó, nhưng lòng dạ không lương thiện, đố kỵ, vị kỷ... nên thành đạt không đáng là bao... thật là đáng tiếc cho hắn...

- Vậy...?

- Thầy Hai cũng biết rồi, làm việc gì đều có cái giá phải trả mà...

Ông già Hiệp Ẩn bỏ lững câu nói vì hai người đã đến ụ ghe và không biết tự bao giờ Lành đã quảy hai cái thúng nhỏ, trong có đựng tất cả những vật dụng mà Hiệp Ẩn đã dặn đi đàng sau. Họ trèo lên chiếc ghe miền Tây thì mặt trời đỏ hồng vừa nhô lên rặng cây bên bờ kia của con kinh Thầy Tùng. Ông già Hiệp Ẩn nhìn Lành:

- Thằng nhỏ, mầy coi nhóm lửa, đổ dầu phọng vào chảo bắt lên đun đi rồi đến đây, tao biểu gì mầy làm vậy là được rồi...

Thầy Hai Lý thấy thái độ của ông già Hiệp Ẩn thật thản nhiên, hình như bùa ếm của Mười Tung dưới mắt ông không là gì cả....

Ngọn lửa trong lò bùng lên thật nhanh, Lành bắt chiếc chảo nhôm lên và đổ lít dầu phọng vào. Ông già Hiệp Ẩn có vẻ hài lòng:

- Thằng nhỏ, mầy khá đấy, nếu người có tâm địa không thiện lương không dễ gì nhóm được lửa nhanh như vậy nơi đây vào lúc nầy đâu, được rồi, đến đây, xoè bàn tay mặt của mầy ra...

Thầy Hai Lý lại trố mắt nhìn ngạc nhiên khi thấy Hiệp Ẩn rút trên củ tỏi cây móc tai bằng đồng vẻ mấy vòng tròn trên bàn tay của Lành... Cây móc tai nầy không phải lúc nảy Hiệp Ẩn đã cắm vào bát nhang nơi bàn thiên nhà ông Bảy Thọ hay sao... chẳng lẻ ông ta có hai cây... và tuy thắc mắc, nhưng thầy cũng cúi xuống định đẩy mấy khúc củi đang cháy vào lò vì chúng nhỏng lên muốn rớt ra, nhưng không hiểu sao thầy lại thôi, Hiệp Ẩn nhìn thầy Hai:

- Đúng đó, thầy Hai đừng đυ.ng vào, để thằng nhỏ nầy làm được rồi... và ông nói với Lành:

- Mầy đẩy mấy khúc củi vào rồi đến mũi chiếc ghe, ngay cây đà cái, đo từ trên xuống hai gang tay, dùng bàn tay nầy vổ mạnh vào đó, gặp cái gì thì cũng dùng bàn tay nầy... mầy nhớ chỉ dùng bàn tay nầy thôi nha, cầm lấy nó đem lại đây... nhớ chưa?

Lành "dạ" cúi xuống đẩy mấy thanh củi vào lò, ngọn lửa lại bùng lên và dầu trong chảo hơi có bọt dưới đáy, anh bỏ thêm 2 thanh củi nữa vào lò rồi đứng lên đi về phía mũi chiếc ghe miền Tây. Không biết vì quá tin tưởng vào ông già Hiệp Ẩn hay lòng hiếu kỳ đã lấn lướt hết mọi suy nghĩ của Lành, anh thực hiện lời của Hiệp Ẩn thật gọn và trơn tru trong lúc thầy Hai Lý thấy thần kinh của mình thật căng thẳng vì đây là lần đầu tiên trong đời thầy được chứng kiến giải bùa Lỗ Ban...

Lành vỗ mạnh bàn tay của mình vào vị trí đo từ mũi ghe xuống 2 gang trên cây đà chính. Sau tiếng "bốp" dòn tan, một miếng gỗ hình chữ nhựt dài chừng nửa gang, ngang chừng phần tư gang, dầy hơn lóng tay bật ra. Miếng gỗ nầy dùng đậy một hốc nhỏ được đυ.c thật khéo trên cây đà, mà với cấu trúc của nó những thợ mộc non tay khó thể làm được vì mắt thường không sao nhìn ra. Vật Lành cầm trên tay đem lại cho Hiệp Ẩn là một hình nhân bằng gỗ to cở ngón tay cái, được khắc thật khéo, có đầy đủ mắt mũi tay chân đã được dấu trong cái hốc nhỏ đó. Thầy Hai Lý trợn tròn xoe đôi mắt nhìn vào hình nhân trên tay Lành, trong lúc Hiệp Ẩn dùng ngón tay trỏ của mình với chiếc móng tay dài cắt nhọn như mủi viết điểm vào giữa tam tinh hình nhân rồi bảo Lành:

- Bỏ nó vào chảo dầu đi...

Như cái máy, Lành buông hình nhân vào chảo dầu mà lúc nầy đang sôi sùng sục. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ nảy giờ, nhưng thầy Hai Lý cũng thấy gai ốc mình nổi lên khi đột nhiên thầy nghe trong không gian có tiếng rên siết thật não nùng và trong chảo dầu cái hình nhân như bơi tuyệt vọng. Sau khi nổi lên chìm xuống vài lần, cái hình nhân từ màu gổ trăng trắng đã dần dần chuyển sang màu đen, chìm hẳn xuống đáy chảo dù dầu vẫn đang sôi.

Hiệp Ẩn thở dài bảo Lành:

- Xong rồi, mầy thu dọn mọi thứ, cùng thầy Hai về đi... hình nhân đó thì đào đất chôn rồi đổ dầu trong chảo lên... cũng đừng cho ai biết vì không ích lợi gì đâu.

- Thưa Tổ Sư, bộ Tổ Sư không trở lại nhà Cậu Bảy sao? Lành ngạc nhiên.

Hiệp Ẩn cười:

- Về làm gì trong đó nữa chứ... nè nhỏ, tao thấy cũng có chút duyên với mầy... thôi vậy đi, hai tháng sau, đến Thất Sơn tìm tao, tao đợi...

- Nhưng Thất Sơn mênh mông, con biết Tổ Sư ở đâu mà tìm.

- An chí, cứ tới đó mầy sẽ biết...

Quay sang thầy Hai Lý, ông già Hiệp Ẩn nói tiếp:

- Tui biết hiện giờ thầy đang nghĩ gì, nhưng trò chơi nào cũng đều có giá... họ đặt cuộc như thế nào thì họ nhận kết quả như vậy thôi, là tự họ chứ không phải mình đâu, đừng suy nghĩ nữa...

- Hai tháng sau, nhứt định con sẽ xuống Thất Sơn tìm Tổ Sư... Lành cảm xúc nói với Hiệp Ẩn.

- Ừ, về nói với thằng Định, như vậy mới xứng đáng là học trò của tao... thôi tao phải đi cho kịp về Châu Đốc có chút chuyện... thầy Hai về nha, có dịp mình sẽ cùng nhau nhậu một bửa... tui đi nha...

- Dạ, dạ,... Tổ Sư...

Thầy Hai Lý bùi ngùi nhìn theo bóng dáng thật nhanh nhẹn của ông già Hiệp Ẩn, thoắt đó ông đã trèo xuống ụ ghe và hoà thật nhanh vào dòng người đông đúc buổi sáng...

Sau khi hoàn tất công việc đào đất chôn cái hình nhân bên dưới ụ ghe, thầy Hai Lý và Lành thu dọn đồ đạt để về nhà ông Bảy Thọ, và thầy Hai nhìn thấy rỏ ràng Lành đã đổ hết chảo dầu còn âm ấm lên chổ đất đào như lời ông già Hiệp Ẫn dặn. Lành quảy gánh đồ cùng thầy Hai chưa đi ra đến cổng của xưởng cưa đã thấy Sửu và Tỵ vừa thở dốc vừa chạy vào. Thầy Hai chưa kịp hỏi họ có chuyện gì xảy ra thì cả hai đã hào hển:

- Trời ạ, cái gì mà kỳ cục vậy, thầy Hai ơi, thầy Hai, cái gì mà...

Lành buông gánh xuống hỏi Tỵ:

- Anh Tỵ, lại có chuyện gì hả?

Tỵ đưa tay vuốt ngực, nuốt nước miếng:

- Mầy hỏi thằng Sửu kìa... chạy mệt quá...

Thầy Hai Lý nhìn Sửu mà lúc nầy có lẽ vì quá mệt nên ngồi phịch xuông đất:

- Có chuyện gì vậy, bây nói cho tao nghe coi.

Sửu nhìn thầy Hai, vẽ mặt như bình tỉnh lại, đưa tay chỉ về phía cổng của xưởng cưa:

- Thầy Hai coi kìa, từ cổng của xưởng cưa vào đây có bao xa đâu, mà sao con và thằng Tỵ chạy muốn chết vẫn không tới...

Tỵ gật đầu phụ hoạ ngay:

- Đúng đó thầy Hai, tụi con nhìn thấy cái ụ ghe rỏ ràng mà, nhưng đi rồi chạy muốn đứt hơi mà khoảng cách vẫn y nguyên...

Thầy Hai Lý trợn mắt:

- Hai đứa bây giả ngộ với tao hay sao chứ, làm gì có chuyện như thế được.

Sửu đứng lên:

- Chính tụi con cũng không tin mà, tụi con lúc đầu đi vào không để ý, nhưng sao đi hoài vẫn không đến được cái ụ ghe, tức quá tụi con bèn chạy, nhưng sao kỳ quá, rồi tự nhiên lại thấy thầy Hai và thằng Lành, còn trước đó...

Tỵ cướp lời Sửu:

- Còn trước đó không thấy ai hết mà cái ụ ghe như thụt lui mỗi khi tụi con chạy tới, cứ như mình nằm mơ, nhưng đâu có, tụi con vẫn nói chuyện với nhau như thường mà...

Thầy Hai Lý chợt hỏi Sửu và Tỵ:

- Từ nảy giờ tụi bây có thấy ai từ trong nầy đi ra không?

Cả hai Sửu và Tỵ đều lắc đầu:

- Ngoài thầy Hai và thằng Lành đâu có ai đâu...

Như vậy Sửu và Tỵ đâu có thấy ông già Hiệp Ẫn, lúc ông đi ra đường, thầy Hai Lý đã hiểu và biết chắc việc nầy là do Hiệp Ẫn làm vì ông không muốn cho bất cứ ai vào ụ ghe, nên thầy đổi giọng:

- Hai đứa bây ra đây làm gì?

- Dạ Cậu Bảy...

Nhưng Thầy Hai Lý không để cho Tỵ nói hết câu vì thầy cũng đã thấy mọi người lục tục đi vào xưởng cưa bắt đầu cho một ngày làm việc:

- Thôi mình vừa đi vừa nói, đừng để cho mọi người chú ý...

Vừa đi được mấy bước Tỵ như sực nhớ ra:

- Thầy Hai, còn ông Tỗ Sư gia của anh Định đâu rồi, sao nảy giờ con không thấy?

Thầy Hai Lý cười, nửa đùa nửa thật:

- Tại hai đứa bây lo chạy hụt hơi, ổng đi ngang qua mặt mà tụi bây nhắm mắt nên làm sao thấy, ổng về rồi.

-Anh Định hay thiệt nha... Sửu reo lên.

Thầy Hai Lý nhìn Sửu:

- Thằng Định? nó hay gì đây?

- Khi Cậu Bảy bảo tụi con đi ra ụ ghe coi có giúp gì được không thì anh Định nói là, Tổ Sư gia đã không cho đi, thì đi cũng vô ích thôi, anh còn nói, anh cũng nóng ruột lắm, vì Tổ Sư chắc chắn sẽ không quay lại, thiệt đúng bon. Sửu chấm dứt câu nói bằng nụ cười thật hiền. Lành chợt quay sang Tỵ:

- Mình có tin gì của anh Sáu Mẹo chưa?

Sửu và Tỵ đồng thanh:

- Nãy giờ mệt quá quên nói cho mầy biết, bạn già của mầy thật phúc ba đời mới không theo Hà Bá kỳ nầy, vợ nó đang ngồi khóc trong nhà Cậu Bảy á, về lo cúng tạ tổ dùm bạn già đi em.

Thầy Hai Lý đang đi, nghe lời như vậy của Tỵ cũng phải quay lại:

- Mầy nói rỏ một chút được không, cái thằng nầy...

Tỵ gải tai:

- Thầy Hai với Tổ Sư cùng thằng Lành vừa rời khỏi nhà Cậu Bảy chút xíu thì vợ thằng Sáu Mẹo từ Cần Thơ lên báo là đêm hôm nó cùng mấy người bạn chèo xuồng qua Cồn Ổi nhậu... đến khuya mọi người say mèm nên đều ngủ lại, chỉ một mình thằng Sáu Mẹo tài lanh nhứt định đòi chèo xuồng về, ai cản cũng không được... Không biết nó chèo xuồng về như thế nào mà mấy ghe lưới gần Cầu Đúc thấy nó nổi trên mặt nước nên họ vớt lên, cũng may gần đội tuần giang nên họ dùng ca nô đưa nó vào bệnh viện cứu kịp... con chỉ nghe như thế chút nữa về đến nhà thầy cần gì thêm thì hỏi vợ nó...

Thầy Hai Lý thật vui trong lòng:

- Nó còn sống là may rồi, tao cần hỏi gì nữa chứ...

Lành nhìn thầy Hai Lý:

- Vậy có phải Tổ Sư gia đã cứu anh Sáu Mẹo không thầy Hai...

- Làm sao tao biết chứ, nhưng nếu mầy nghĩ như vậy thì như vậy đi...

Thầy Hai trả lời Lành mà bên tai thầy hình như vẫn còn văng vẳng lời ông già Hiệp Ẫn, lúc đổ hắt chun rượu ra ngoài sân "... tui hy vọng là mình không quá trể"... và cả bốn người họ, mỗi người theo đuổi một cảm nghĩ, nhưng tựu chung vẫn là nỗi vui mừng sau khi đã cất đi chiếc gánh nặng ám ảnh, theo từng sự hiểu biết của họ trong mấy ngày qua.