Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi là cuốn tản văn vô cùng sâu lắng của Bạch Lạc Mai. Cuốn tản văn lấy đề tài là chuyện đời khuynh thành của nữ văn sĩ kỳ tài Trương Ái Linh nhưng qua đó, là bức tranh muôn …
Xem Thêm

Chương 15: Rượu độc ái tình
Kết quả của tình yêu tinh thần vĩnh viễn là kết hôn, còn tình yêu thể xác luôn luôn ngừng trệ ở một giai đoạn nào đó, rất ít hy vọng tiến tới kết hôn. Tình yêu tinh thần chỉ có một khuyết điểm: Trong quá trình yêu đương, phụ nữ thường không hiểu những gì đàn ông nói.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Thường nói, người đang yêu tâm tính mê muội, đánh mất bản thân với tất cả lý trí, sự tự chủ vốn có. Đứng trước tình yêu, trái tim nổi loạn sẽ nảy sinh. Những linh hồn cao ngạo đó, hễ gặp phải tình yêu, cũng biến thành hèn mọn vô cùng. Chỉ cần yêu rồi, tất cả ngày tháng đều trở nên yếu mềm. Khi ấy, quên đi tên họ, quên đi tuổi tác của bản thân. Chỉ nhớ, người yêu đang ở đâu, thì ở đó chính là một kiếp bình yên.

Tình yêu là một ly rượu độc, rất nhiều người mỉm cười, không hề do dự mà uống nó. Không phải vì họ ngốc, mà là họ không thể làm chủ bản thân. Thế giới rộng lớn như thế, khách qua đường đông đúc như thế, khó khăn lắm mới gặp được một người như thế, sao có thể vứt bỏ tình yêu giữa biển người được? Những người dũng cảm theo đuổi đó, vì sao luôn luôn lo sợ đánh mất tình yêu? Những người nói vĩnh viễn không chia lìa đó, cuối cùng đều đã đi đâu về đâu?

Khi yêu, không để ý nhiều như vậy, không hỏi tương lai, không hỏi kết cục, chỉ cần hiện tại. Cứ thế không hiểu sao lại nảy sinh rất nhiều tình cảm, không hiểu sao lại muốn cùng một người thề thốt viển vông, cũng không hiểu sao vì tình êu mà có thể làm tổn thương chính mình. Khi yêu, đâu có thời gian để truy hỏi nhân quả. Nếu đúng, thì coi đó là ân sủng của tháng năm; nếu sai, thì coi đó là trò đùa của con tạo.

Xưa nay Hồ Lan Thành đều không quan tâm đến nhiều chuyện thế, người mà anh đã xác định, thì dù cách quan sơn vạn dặm, anh thề chết cũng phải theo đuổi tới cùng. Dẫu chỉ là nhân duyên ngắn ngủi, anh đều không cho phép mình bỏ lỡ. Năm 1944, tiết xuân lạnh lẽo, Hồ Lan Thành từ Nam Kinh đến Thượng Hải. Đến ban biên tập tìm Tô Thanh, chẳng chút vòng vo, anh hỏi thẳng về người con gái tên Trương Ái Linh đó. Tô Thanh đáp: “Trương Ái Linh không gặp người khác đâu”. Câu nói này, nếu người khác nghe, bất giác sẽ thấy gặp gỡ là vô vọng. Nhưng Hồ Lan Thành nghe, lại vạn phần vui mừng sửng sốt, bởi vì anh biết, người con gái này quả nhiên khác biệt.

Căn hộ số 65, tầng 6, chung cư số 192, ngõ Hurd, đường Bubbling Well. Đây là địa chỉ Hồ Lan Thành lấy được từ chỗ Tô Thanh, còn có duyên hay không, đều phải dựa vào bản thân anh. Hồ Lan Thành không những đến, mà còn đến rất gấp gáp. Ngày hôm sau, anh mặc chiếc áo dài nam màu xanh, nho nhã lịch thiệp, gõ cánh cửa đóng kín đó. Năm đó Hồ Lan Thành đã ba mươi tám tuổi, đối với một người đàn ông từng trải mà nói, đây là những năm tháng đẹp nhất. Thế nhưng, chính người đàn ông đi qua năm tháng này, lại kéo một Trương Ái Linh ưu tư lại rất gần.

Người mở cửa là người cô của Trương Ái Linh, bằng một tư thế quen thuộc vốn có, bà từ chối tất cả độc giả đến thăm Trương Ái Linh, Hồ Lan Thành cũng không phải ngoại lệ, bởi vì lúc đó, anh chỉ là một người khách xa lạ. Không đợi Hồ Lan Thành nói hết câu, cánh cửa mở ra trong khoảnh khắp đã đóng sập lại. Hồ Lan Thành quên mang theo danh thϊếp, bèn vội vàng lấy ra một mẩu giấy, viết tên họ và số điện thoại của mình vào, rồi nhét qua khe cửa bé xíu. Khi quay người rời đi, Hồ Lan Thành vẫn bình thản như cũ.

Đọc được mẩu giấy đó, đối mặt với ba chữ Hồ Lan Thành, cảm giác của Trương Ái Linh quả không phải là cảm giác bình thường. Cái tên này đối với cô không hề xa lạ, cho dù từ miệng Tô Thanh, hay là qua tin đồn của mọi người ở Bến Thượng Hải, hoặc là từ những nguồn khác, Trương Ái Linh đều có ấn tượng cả. Trương Mậu Uyên là một người từng trải, bà cũng nghe nói đến nhân vật Hồ Lan Thành này, biết được một số tình cảm phức tạp của anh, cảm thấy Trương Ái Linh phải thận trọng với anh.

Chiều ngày hôm sau, Trương Ái Linh gọi điện cho Hồ Lan Thành, cho biết cô muốn đến thăm nhà anh. Có lẽ rất nhiều người đều biết, Trương Ái Linh hàng ngày tính tình cô độc quái gở, đối đãi với khách đến thăm, thậm chí với cả người thân của mình đều có phần lạnh nhạt xa cách, vậy tại sao lại chịu nghiêng mình như thế trước một Hồ Lan Thành chưa từng gặp? Là cô cô đơn quá? Là cô có linh cảm, người đàn ông này không giống với những kẻ phàm phu khác? Là vì sợi dây gọi là duyên phận đã dẫn dắt? Hay chỉ là do tò mò mà thôi?

Nói tóm lại, Trương Ái Linh đã theo hẹn, đến nhà Hồ Lan Thành ở Thượng Hải, Mỹ Lệ viên đường Đại Tây. Nhà của Hồ Lan Thành do đứa cháu gái Thanh Vân chăm nom, ngày hôm nay có lẽ vì Trương Ái Linh tới, nên đã cố ý dọn dẹp một lần nữa. Hồ Lan Thành hẳn rất mong chờ lần gặp mặt này. Anh không chỉ mường tượng hàng nghìn lần, cô gái có thể viết ra những áng văn kinh thế hãi tục như thế, sẽ có dung mạo như thế nào. Có lẽ trong trái tim anh, đã sớm khắc họa dáng vẻ chân thực của Trương Ái Linh. Thực ra, Hồ Lan Thành đã nhìn thấy ảnh của Trương Ái Linh trên tạp chí từ lâu, ngoài biết cô bao nhiêu tuổi, những điểm khác anh đều không rõ lắm.

Còn Trương Ái Linh, đối với người đàn ông có hoàn cảnh hơi đặc biệt trong thời loạn thế này, liệu trong lòng cô có thoáng chút kỳ vọng hay không? Có lẽ là cũng có, chỉ là chúng ta không thể nào biết được một cách đích xác tâm tình của cô mà thôi. Hồ Lan Thành đã miêu tả lại một cách tỉ mỉ lần đầu gặp gỡ như sau: “Vừa nhìn thấy Trương Ái Linh, chỉ có cảm giác tất cả tưởng tượng của tôi đều không đúng. Cô ấy bước vào phòng khách, dáng người khá cao lớn, ngồi ở đó, trông vừa non nớt vừa đáng thương. Đừng nói cô ấy là một nữ sinh viên, đến sự chín chắn của một nữ sinh viên cô ấy cũng không có. Thậm chí tôi e là cô ấy có cuộc sống cực khổ bần hàn, trong lòng thầm nghĩ tầng lớp trí thức thời chiến vốn đã rất khổ sở, nhưng cô ấy lại không hề gợi cho tôi có cảm giác cô ấy là một nhà văn”.

Đây rốt cuộc là cảm giác gì? Có thất vọng? Có kinh ngạc? Có mê loạn? Tóm lại, Hồ Lan Thành phong lưu tự chủ, đã gặp không biết bao nhiêu cô gái, từ lả lơi gợi cảm, thuần khiết đáng yêu, yểu điệu tha thướt, đến đơn giản phóng khoáng, nhưng lại chưa từng gặp cô gái nào như thế. Khí chất của cô gái này, toát ra từ trong cốt tủy, có thể ngay lập tức thâu tóm hồn phách người ta, nhưng lại không thể nói ra đó rốt cuộc là cảm giác như thế nào.

“Trương Ái Linh đội trời đạp đất, khiến cả thế giới đều dấy lên sáu loại chấn động[1], phòng khách của tôi hôm nay cũng trở nên không phù hợp với cô ấy… Cô ấy không có sức mạnh phi phàm, cũng không có sức quyến rũ mê hoặc, nhưng tôi lại cảm thấy phía trước mặt đều là người của cô ấy…”. Sự diễn tả của Hồ Lan Thành khiến độc giả cũng cảm thấy mơ hồ theo. Những người đã từng gặp Trương Ái Linh, đa phần đều nói cô cao gầy thanh thoát, nho nhã lạnh lùng. Thế nhưng trước mặt một người đàn ông đường hoàng như Hồ Lan Thành, hình ảnh Trương Ái Linh lại bị phóng đại không có giới hạn. Dường như cô là một “vị thần” từ trên trời rơi xuống, khiến người ta không thể trốn tránh, mà chỉ có thể chăm chú nhìn cô.

[1] Chỉ sáu loại tướng trạng của địa chấn, còn gọi là lục biến địa chấn hoặc là lục phản địa chấn. Theo ghi chép của điển tịch Phật giáo, vào ngày Thích Tôn ra đời, thành đạo, thuyết pháp hoặc Như Lai xuất hiện, mặt đất đều có sáu loại địa chấn. Ở đây, Hồ Lan Thành nhắc đến sáu loại địa chấn nhằm nhấn mạnh sự đặc biệt khi Trương Ái Linh xuất hiện, đã khiến cho thế giới xung quanh của ông có sự biến đổi.

Nhiều năm sau, cháu gái của Hồ Lan Thành – Thanh Vân – cũng từng nói về ấn tượng đặc biệt của mình khi lần đầu gặp Trương Ái Linh: “Trương Ái Linh rất cao, nhìn qua có vẻ cao hơn chú tôi một chút, không xinh đẹp. Ăn vận lại khác biệt với trang phục kỳ quái. Cô ấy đi đôi giày tự khâu, một nửa chiếc giày màu vàng, một nửa chiếc giày màu đen, loại giày này người khác không ai đi; váy của cô thì may theo kiểu váy cổ, lại mặc cùng áo sườn xám, loại sườn xám thân ngắn, cực kỳ khác biệt với người khác…”.

©STE.NT

Cô không đẹp, cũng không phải là kiểu con gái khiến người khác lập tức yêu thích. Sự xuất hiện của cô, khiến định nghĩa về cái đẹp, tiêu chuẩn về cái đẹp của Hồ Lan Thành, hoàn toàn rối loạn. “Đã là quan niệm, thì phải có thế này thế kia, đến sự yêu thích cái đẹp cũng có tình cảm định hình, buộc phải làm thế này làm thế kia, Trương Ái Linh đã lật đổ hoàn toàn những quan niệm này của tôi. Tôi thường cho rằng mình rất hiểu thế nào là vẻ tuyệt mỹ đến kinh ngạc, đến khi gặp, mới biết tuyệt mỹ nhưng không phải là loại tuyệt mỹ đó, kinh ngạc nhưng không phải loại kinh ngạc đó”.

Người con gái tuyệt thế vô song này, rốt cuộc vẫn khiến Hồ Lan Thành kinh ngạc sửng sốt. Thậm chí anh còn ngước trông cô với một sự mâu thuẫn, để che giấu sự hoảng loạn trong nội tâm. “Tôi rốt cuộc phải đấu với Trương Ái Linh, phê bình với cô ấy về những tác phẩm thịnh hành thời nay, lại nói thêm văn chương của cô ấy hay ở đâu, còn kể về tình hình của tôi ở Nam Kinh, trước mặt cô ấy, tôi mới thể hiện bản thân được rõ ràng như thế”. Suy cho cùng, một Trương Ái Linh, tuổi vừa hai mươi bốn, chưa từng yêu đương, lại khiến một tay lão làng về chuyện trăng gió như Hồ Lan Thành bối rối đến vậy.

Trương Ái Linh có khí chất và vẻ đẹp toát ra từ trong cốt tủy, văn chương và tình cảm của cô, há chẳng phải là thứ mà những cô gái tầm thường khác trên thế gian có thể sánh kịp? Hồ Lan Thành không thể không biết, người con gái như thế, khi đã sâu sắc thì có thể khiến non sông đổi sắc, tuế nguyệt điêu tàn. Người con gái như thế này, là một giai nhân có một không hai, dẫu cho có đi hết biển người cũng không thể gặp được. Kiểu vẻ đẹp diễm lệ kinh ngạc không gì so sánh nổi này, càng khiến trái tim Hồ Lan Thành cuộn trào khôn tả.

Một lần chuyện gẫu như thế, nói liền năm tiếng đồng hồ. Nếu như là tri kỉ bạn hiền, thì trò chuyện năm tiếng đồng hồ cũng không phải là lâu. Nhưng đối với hai con người xa lạ lần đầu gặp mặt, chuyện trò năm tiếng đồng hồ, quả thực là hiếm thấy. Huống hồ, ngày thường Trương Ái Linh vốn kiệm lời ít nói, bao nhiêu câu từ mà cô nói với Hồ Lan Thành từ đâu ra? Lẽ nào những chàng trai trẻ tuổi mà cô gặp hàng ngày đều là những người chưa trải chuyện đời, nay đột ngột gặp một người đàn ông từng trải lịch thiệp như Hồ Lan Thành, trong lòng cô nảy sinh những suy nghĩ khó tả thành lời nào đó? Rốt cuộc, những người đàn ông khinh bạc không có nội hàm đó, thực sự chẳng có lý do gì để khiến Trương Ái Linh có chút mảy may mê đắm?

Hồ Lan Thành là một bình rượu ngon bị thời gian cất giấu, đi qua sương gió bốn mùa, nhìn hết những biến chuyển xoay vần của cuộc đời, tự sẽ có sự tĩnh lặng và sâu lắng. Trái tim cô độc đã hơn hai mươi năm của Trương Ái Linh, sau cùng vẫn cần một người thấu hiểu sâu sắc và nuôi dưỡng nó. Cho nên, cô không kìm nén nổi mà uống ly rượu cũ này, rồi vì nó mà rung động sâu sắc.

Hồ Lan Thành đã nói: “Sự kinh ngạc của tôi trước vẻ đẹp của cô ấy bắt đầu từ trước khi gặp cô ấy, cho nên, cô ấy thích thú, bởi vì, tôi thực sự không có điều kiện để mà hiểu cô ấy. Nhưng sự thích thú của cô ấy (đối với tôi) cũng bắt đầu từ trước khi cô ấy hiểu được tình cảm của mình. Kỳ lạ như thế, không biết, không hiểu, nhưng cũng có thể là tri âm của nhau”. Kiểu gặp gỡ mang sắc thái mê hoặc này, rốt cuộc là điều mà họ không thể nào hiểu được. Bọn họ đã bất ngờ yêu một người xa lạ như thế nào, đã thử cố gắng che giấu tình cảm ra sao, chúng ta khó mà nói được.

Trong mắt cô, anh là một chén rượu hòa tan cả trăm vị nhân tình thế thái, lại thơm nồng vô song, thế gian không có mùi vị nào sánh được. Còn trong mắt anh, cô là một cây thược dược đỏ, hoa nở rực rỡ giữa chốn hoang vu, nhân gian không có màu sắc nào bì kịp. Chuyện trò năm tiếng đồng hồ, nhưng ý tứ vẫn chưa hết. Vốn đã lưu luyến không dứt mà vẫn phải chia tay, phải làm sao khi giờ khắc đẹp đã dần muộn, bữa tiệc dù lung linh cũng phải đến lúc tiệc tan người về.

Trương Ái Linh ra về, Hồ Lan Thành tiễn cô ra đến tận cửa ngõ, sánh vai cùng bước, đôi bên trong lòng đều mơ màng, Hồ Lan Thành vô tình nói một câu: “Em cao như thế này, làm sao có thể?”. Chỉ một câu đã đề cập đến sát vấn đề của hai người. Trương Ái Linh sửng sốt, thậm chí có chút không thích. Nhưng tận đáy lòng, họ lại cảm thấy rất vui.

Đúng thế, vui như vậy. Chỉ một câu nói ấy, anh nguyện làm bến cảng, che chắn trọng vẹn cho cô. Còn cô nguyện làm thuyền, vì anh mà mắc cạn.

Thêm Bình Luận