Chương 15: Mỗi Lần Buôn Bán Đều Là Cuộc Giao Dịch Đầu Tiên

Điều cấm kỵ nhất trên thương trường chính là cả tin vào người khác. Người Trung Quốc có câu: “Không sợ điều gì thường xảy ra, chỉ sợ điều xảy ra bất thường”. Câu nói ấy nhắc nhở chúng ta, khi làm bất cứ việc gì cũng cần phải hết sức cẩn trọng. Trong hoạt động thương nghiệp, các thương nhân chỉ gắn bó với nhau trên quan hệ lợi ích, một khi không chú ý là có thể bị đối phương lừa gạt. Quan hệ tiền bạc có thừa sức mạnh để uốn cong lương tri và đạo đức của con người. Vì vậy, thật khôn ngoan khi nói “thương trường cũng là chiến trường”, một bên nhờ lừa dối mà trở thành cự phú, một bên vì bị lừa mà tán gia bại sản, muốn tố cáo cũng không có gì làm bằng chứng.

Trong đạo lý kinh doanh của người Do Thái, có một nguyên tắc gọi là “mỗi lần đều là sơ giao”, ý muốn nói: Phải xem mỗi lần làm ăn đều là lần đầu tiên giao dịch với đối tác, không vì trước đây đối tác đã từng có quan hệ qua lại với bạn mà trở nên dễ dãi, khinh suất, càng không bị mê hoặc bởi vẻ chân thành bên ngoài của đối tác.

Một lần nọ, một thương nhân Nhật Bản mời một họa sĩ người Do Thái đến nhà hàng dùng cơm. Chủ khách cùng ngồi vào bàn. Trong khi đợi nhà hàng dọn món, người họa sĩ lấy giấy bút ra, vẽ ngay một bức ký họa cho cô chủ quán xinh đẹp trẻ trung.

Chẳng mấy chốc, bức tranh đã được hoàn thành. Người họa sĩ đưa cho thương nhân Nhật Bản xem. Thương nhân Nhật Bản không ngớt lời khen: “Quá tuyệt! Quá tuyệt!”

Được khen, họa sĩ Do Thái bèn xoay người lại, nhìn thẳng vào thương nhân Nhật, rồi bắt đầu cầm bút lên vẽ, lại còn thường xuyên giơ ngón tay cái lên.

Thông thường, khi tính toán tỉ lệ các bộ phận cơ thể của người được vẽ, các họa sĩ đều sử dụng đến phương pháp đơn giản mà hiệu quả này.

Thương nhân Nhật Bản trông thấy điệu bộ của họa sĩ Do Thái, tưởng rằng ông ta đang vẽ ký họa cho mình. Tuy đang phải ngồi đối diện với nhau, không thể thấy được họa sĩ vẽ như thế nào, nhưng ông vẫn cố gắng giữ tư thế cho thật đẹp.

Thương nhân Nhật Bản cứ ngồi bất động như thế, mắt nhìn người họa sĩ đang chăm chú đưa bút trên bản vẽ, lâu lâu lại đưa ngón tay cái về phía mình. Ít nhất cũng đã 10 phút trôi qua.

“Được rồi! Vẽ xong rồi.” Người họa sĩ dừng bút và nói.

Vừa nghe người họa sĩ nói vậy, thương nhân Nhật Bản bèn thở phào một tiếng, lập tức đứng bật dậy, chạy về phía người họa sĩ, nhưng khi trông thấy bức tranh mới sững sờ kinh ngạc. Thì ra, nãy giờ người họa sĩ không hề vẽ chân dung của mình, mà chỉ chăm chú vẽ ngón tay của ông ta mà thôi.

Thương nhân Nhật Bản vừa xấu hổ vừa tức giận, bèn cằn nhằn họa sĩ Do Thái:

“Tôi đã có ý tạo dáng cho ông vẽ, mà ông… ông lại muốn trêu tôi”.

Họa sĩ Do Thái bật cười trách: “Tôi nghe nói ông rất sáng suốt trong chuyện làm ăn, nên mới cố ý kiểm tra ông thử. Ông không hỏi người khác đang vẽ gì, đã vội cho rằng đang vẽ chính mình, lại còn cố gắng chỉnh thế, tạo dáng. Chỉ xét trên điểm này thôi, đã thấy ông còn ở trình độ kém xa so với các thương nhân Do Thái”.

Bấy giờ, thương nhân Nhật Bản mới như chợt tỉnh giấc mộng, nhận ra đâu là sai lầm của mình.

Cho dù làm ăn với một người quen, thương nhân Do Thái cũng tuyệt đối không vì đã từng hợp tác thành công mà buông lỏng việc thẩm tra những điều kiện, yêu cầu của đối tác trong một cuộc làm ăn mới. Làm như vậy, chí ít cũng có được hai điều lợi:

Thứ nhất, sẽ không rơi vào tình cảnh “mất mặt” giống như thương nhân Nhật Bản trong câu chuyện kể trên, vì luôn nghĩ “đến trước làm chủ” mà rơi vào thế cả tin trước hành động của người khác. Ngược lại, chúng ta sẽ có đủ khả năng để cảnh giác, ngăn ngừa mọi hành động lừa gạt từ phía đối phương.

Thứ hai, có thể bảo đảm cho nguồn doanh lợi mà mình đã phải gian khổ tạo dựng trong lần làm ăn đầu tiên, không bị mất cả chì lẫn chài chỉ vì lý do “tình cảm” trong lần làm ăn thứ hai. Buôn bán rốt cuộc vẫn là buôn bán, không thể đan xen yếu tố tình cảm, nếu không đã chẳng cần đến chuyện chi li tính toán.

Thương nhân Do Thái hiểu rõ, ý thức của con người đối với ấn tượng đầu tiên có thể khiến họ không thể nghĩ đến chuyện sửa đổi lại nó. Đến khi kết quả sự việc được phơi bày, rơi vào tình cảnh thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng hoàn toàn, mới nhận ra sự khinh suất của mình.

Xã hội ngày nay phát sinh đầy rẫy những vụ án kinh tế lừa bịp, rất nhiều “người lương thiện” vì quá tin tưởng vào một người quen, thậm chí chỉ là người dăm ba lần gặp gỡ, hoặc đã từng kết hợp “thành công” trong một chuyện nho nhỏ, mà đã mắc vào tròng của người khác.

Vì vậy, “mỗi lần đều là sơ giao” thật sự là một đạo lý kinh doanh đúng đắn mà người Do Thái đã đúc kết được trong lịch sử kinh doanh lâu đời của dân tộc mình.

Điều thú vị là, trong quan hệ với người khác, người Do Thái luôn yêu cầu bản thân phải ghi nhớ nguyên tắc “mỗi lần đều là sơ giao”, không để người khác xúi giục, lừa gạt, nhưng lại luôn tìm cách lợi dụng cái nhìn “lần thứ hai” của đối phương. Ngoài người họa sĩ Do Thái trong câu chuyện kể trên, còn có thể kể thêm tuyệt chiêu của một nhân viên bán dù trong một câu chuyện cười Do Thái dưới đây. Anh ta chẳng cần mở miệng, chỉ lợi dụng lời nói của khách hàng, là đã có thể dựng nên “cạm bẫy lần thứ hai”.

“Chào ông! Ông mua cây dù xinh đẹp này nhé! Tôi đảm bảo cây dù này được làm từ vải lụa chính cống đấy”.

“Có điều là mắc quá!”

“Thế thì, ông mua cái này vậy! Cây dù này cũng rất đẹp, hơn nữa lại không mắc, chỉ có 5 đô la”.

“Cây dù này cũng được bảo đảm đấy chứ?”

“Đương nhiên rồi”.

“Bảo đảm đây là vải lụa chính cống?”

“Ông yên tâm, chúng tôi tuyệt đối bảo đảm với ông…”

“Nhưng rõ ràng nó không phải là lụa!”

“Cái này… tôi bảo đảm nó là một cây dù”.

Thật là hiểm, suýt chút nữa người khách hàng đã rơi vào cái bẫy ngôn ngữ do chính mình tạo ra. May mắn là ông đã không xem “lần bảo đảm thứ hai” thành “lần bảo đảm thứ nhất”. Các thương nhân Do Thái có thể dễ dàng vượt qua cửa ải “cả tin vào người khác”. Nếu các thương nhân trên toàn thế giới đều có thể làm được như họ, chắc hẳn đã có rất ít bi kịch xuất hiện trên thương trường.