Chương 14: Thành Tín, Giữ Cho Quan Hệ Làm Ăn Được Mãi Trường Tồn - Thủ Tín Với Người

Có một câu nói rất hay: “Đau khổ lớn nhất của con người không phải là bị người khác lừa dối, mà là không được người khác tin tưởng”. Nghĩ kỹ hơn một chút, câu nói ấy muốn nhắc nhở chúng ta: Giữ chữ tín với người khác là một chuẩn tắc hành động quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người.

Làm cách nào để có thể giữ chữ tín với người? Trước tiên chúng ta sẽ bàn đến vấn đề “thành tín”, đây là yêu Cầu tối thiểu trong việc giữ chữ tín với người.

Trong cuộc sống bôn ba làm ăn của người Do Thái, họ đã phải gánh chịu rất nhiều hành động bài xích và cái nhìn kỳ thị của các dân tộc khác, cũng đã gặp phải rất nhiều lời nói cùng thủ đoạn lừa gạt. Nhưng trước sau, họ vẫn hết lòng tin tưởng vào giáo huấn của Thiên Chúa: “Tuân thủ giao ước, sống thành thực, quan tâm đến tha nhân, sau khi chết mới có thể được lên thiên đàng”. Trong lĩnh vực thương nghiệp, họ càng cảm nghiệm một cách sâu sắc việc giữ được sự tín nhiệm của đối tác là cơ sở để giao dịch có thể đi đến thành công. Người Do Thái tuân thủ giao ước, nhưng không phải lúc nào cũng ký kết hợp đồng trên giấy. Bất kể là một giao ước được thực hiện trên văn bản, hay là một lời hứa miệng, chỉ cần họ đã thừa nhận là một giao ước, thì sẽ tuyệt đối tuân thủ. Đức tính tôn trọng chữ tín, tuân thủ pháp luật cao đẹp của người Do Thái đã mang lại cho họ một uy tín và danh dự rất lớn.

Theo lý mà nói, người Do Thái là một dân tộc không có quốc gia, bị thế giới dồn tới đuổi lui, rất dễ tạo nên trong họ khuynh hướng hành động theo “sách lược ngắn hạn” hoặc “chiến thuật cướp bóc” trong hoạt động kinh doanh, thậm chí là trong mối quan hệ giao tiếp xã hội. Nhưng trên thực tế, người Do Thái rất hiếm khi hành động như vậy, trái lại luôn đặt uy tín cùng danh dự lên vị trí hàng đầu. Các sản phẩm kinh doanh và phong cách phục vụ của họ đều vượt chuẩn, không bao giờ lấy giả làm thật. Vì sao? Ngoài yếu tố bối cảnh văn hóa của thương nhân Do Thái như: Niềm tin vào một “dân tộc do Thiên Chúa tuyển chọn”, có truyền thống tôn trọng chữ tín, tuân thủ giao ước, còn có một yếu tố quan trọng hơn, đó là đạo lý kinh doanh chân chính mà họ đã đúc kết được trong cuộc sống bôn ba lưu lạc và quy luật hoạt động thương nghiệp của họ.

Hệ thống cửa hàng tổng hợp nổi tiếng nhất ở Anh là “Công ty Bách hóa Marks and Spencer”, do Simon Marks và người anh họ đồng sáng lập.

Cha của Simon là Michael đã di cư từ Nga sang Anh vào năm 1882. Ban đầu, ông chỉ là một thương buôn nhỏ, sau đó mở được một cửa hàng ở chợ Leeds. Một thời gian sau, cửa tiệm nhỏ của ông đã phát triển thành một hệ thống cửa hàng giá rẻ. Michael qua đời để lại cơ nghiệp cho con trai mình quản lý. Sau đó, anh em Simon đã phát triển hệ thống cửa hàng thêm một bước nữa, với nguồn vốn ngày càng hùng hậu, hàng hóa ngày càng phong phú, thực sự trở thành một hệ thống cửa hàng giá rẻ có chức năng không kém gì các siêu thị cao cấp.

Công ty Bách hóa Marks and Spencer tuy lấy phương thức bán hàng giá rẻ làm yếu tố chủ lực, nhưng rất chú trọng đến mặt chất lượng, thực sự đạt tới phương châm “hàng tốt giá rẻ”. Dẫn theo cách nói của một số tờ báo, Công ty Bách hóa Marks and Spencer đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng xã hội. Vì trước đây, thông qua hình thức ăn mặc, chúng ta có thể đánh giá được một người thuộc tầng lớp nào, nhưng kể từ khi Công ty Bách hóa Marks and Spencer đưa ra thị trường những bộ trang phục sang trọng với giá cả phải chăng, nó đã giúp cho một người bình thường cũng có thể sở hữu được một bộ trang phục của các quý bà hay quý ông, thói quen đánh giá con người thông qua gấm vóc cũng theo đó mà lung lay. Ở Anh hiện nay, thương hiệu “St. Michael” của Công ty Bách hóa Marks and Spencer đã trở thành tiêu chí của sản phẩm chất lượng cao. Một chiếc áo sơ mi hiệu “St. Michael” là sản phẩm có chất lượng tốt nhất có thể được mua với giá thấp nhất.

Công ty Bách hóa Marks và Spencer không chỉ cung Cấp cho khách hàng những sản phẩm ưng ý nhất, mà còn cung cấp một phương thức phục vụ tốt nhất. Thái độ lịch sự, ân cần và chu đáo của đội ngũ nhân viên trong công ty đã trở thành một mô phạm điển hình tại một đất nước trước nay vốn nổi tiếng với phong cách phục vụ lễ độ, lịch sự. Khi lựa chọn các nhân viên phục vụ, anh em Simon cũng tiến hành một cách hết sức cẩn trọng như khi lựa chọn những sản phẩm cho công ty mình. Đội ngũ nhân viên có tố chất nghiệp vụ cao và phong cách phục vụ ân cần đã giúp công ty trở thành “thiên đường của người mua sắm”.

Với cách làm việc khoa học, quan tâm chu đáo đến nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo khách hàng bình dân cùng đội ngũ nhân viên của anh em Simon Marks, Công ty Bách hóa Marks và Spencer đã trở thành doanh nghiệp có hiệu suất cao nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành, thu hút được đông đảo các nhà đầu tư.

Các thương nhân Do Thái luôn có một niềm tin vững vàng: Người Do Thái sống ở nơi đâu thì sẽ cắm rễ tại vùng đất ấy. Họ không chỉ thành tín trong việc kinh doanh, mà còn chung sống hòa hợp với các dân tộc khác, thậm chí có thể lấy tài sản và sự nghiệp của mình để giúp đỡ, bảo vệ cho đồng bào Do Thái hoặc không phải người Do Thái. Họ tin rằng, chỉ bằng cách đối đãi thành khẩn với nhau, giữ được chữ tín với mọi người, người Do Thái mới có được những người bạn tốt. Và cũng chỉ có cách đó, ngày phục hưng trong vinh quang của người Do Thái mới có thể trở thành hiện thực.