Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: BAO DAI ou les derniers jours de l"empire d"Annam Cuốn sách nói về một giai đoạn lịch sử đầy biến cố của đất nước, thời kì vị vua cuối cùng của An Nam còn tại ngôi Trong …
Xem Thêm

Quyển 2 - Chương 1: Phần 2: Cách mạng
Người thiếu phụ còn trẻ và khá đẹp vuốt phẳng chiếc váy dài bằng vải, ngồi thu mình trên hàng ghế phía sau. Súng săn xếp gọn trong cốp xe. Một chiếc xe bình thường như mọi xe khác không có dấu hiệu gì nổi bật cho biết xe dùng vào việc gì. Nhưng trên đầu xe, phía bên phải vẫn phấp phới chiếc cờ vàng nho nhỏ của Hoàng gia. Trong cái thành phố đế đô này, xe ôtô chạy trên đường phố chẳng có bao nhiêu, cắm cờ hiệu hay không, ai cũng biết người ngồi trong xe là ai vì đây là chiếc xe riêng của Nhà vua, chỉ chở ông trong các chuyến đi chơi xa ngoài thành phố. Ông cũng ngồi ở hàng ghế sau, im lặng, vẻ mặt đăm đăm bí hiểm trong bộ đồ săn. Còn nàng nhìn thẳng phía trước, hơi ngả người về phía sau giữa các gối dựa khi chiếc xe vượt qua trạm gác của lính hộ thành người Việt. Khi xe qua trạm gác ngoài cùng giữa đám binh sĩ Nhật đứng nghiêm chào thì nàng lại ngả người thêm nữa. Chiếc xe lặng lẽ ra khỏi hoàng thành bằng cửa phía đông như mọi lần, để được kín đáo hơn là qua cửa Ngọ môn chỉ dành cho sứ thần nước ngoài hay đoàn ngự đạo trong các nghi lễ chính thức. Cuộc đi này không có gì phải lén lút? Trong hoàng cung, ai mà chẳng biết hôm nay Ngài Ngự đi săn cùng với bà cố vấn Nhật. Cả hai người chẳng bận tâm gì đến thời cuộc bên ngoài trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn và cuộc cách mạng sắp đến gần. Tuy nhiên thành phố Huế mỗi ngày lạỉ mang thêm dáng vẻ thời chiến. Khu phốTây cách biệt, ở phía nam sông Hương, bên kia cầu Trường Tiền, chung quanh chăng dây thép gai có lính Nhật canh giữ. Trên mặt đường nham nhở cày xới vì các mảnh bom Mỹ dân chúng vẫn qua lại bình thường nhưng không ai quên cuộc sống vẫn đang còn trong thời chiến.

Kể cũng quá đáng pha lẫn đôi chút hài hước. Trong không khí nước sôi lửa bỏng của những ngày hè năm 1945, ít ai tưởng tượng được rằng bà cố vấn Yokoyama, một phụ nữ Pháp xinh đẹp, vẫn nhiều lần rong chơi suốt ngày trong những cánh rừng thưa cùng với Nhà vua, chỉ vì ham thích săn bắn và hưởng không khí thoáng đãng ngoài trời. Thế nhưng ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cho biết những chuyện phiêu lưu tình ái này chẳng làm ai ngạc nhiên. Trong hoàng cung và có lẽ cả những thành viên khác của nội các cũng đều biết thói quen và tài quyến rũ của Nhà vua. Tuy nhiên chắc hẳn rồi đây những chuyện nhân tình nhân ngãi và lối sống phóng túng đó cũng phải chấm dứt trong bão táp cách mạng đang xô đến làm thay đổi đến tận mọi ngõ ngách của cuộc sống, không trừ một ai.

Từ mấy năm nay Việt Minh đứng về phe Đồng minh bên cạnh Trung Hoa, Anh và Mỹ đang trên đà phản công thắng lợi trên khắp các mặt trận từ Âu sang Á. Người Mỹ còn cung cấp cả vũ khí, điện đài, và cả người huấn luyện cho du kích Việt Minh.

Còn Bảo Đại, một “kẻ được bảo hộ” ngoan ngoãn và trung thành của đế quốc Pháp, nay lại được Nhật Bản, trong thế thất bại không tránh khỏi, trao trả “độc lập”.

Trong lúc những ông chủ cũ người Pháp, bị giam trong trại tù binh, hoặc sống tập trung trong các khu biệt cư dưới sự canh giữ của lính Nhật thì những người của nước Pháp tự do thuộc phe De Gaulle, dù đã biết những gì xảy ra trên xứ Đông Dương, vẫn chưa chuẩn bị xong phương tiện để chiếm lại thuộc địa từ tay Nhật. Pierre Messmer và Jean Cédille, được chỉ định làm “uỷ viên Cộng hoà Pháp” chuẩn bị hành trang, sẵn sàng nhảy dù, một người xuống Bắc Kỳ, một người xuống Nam Kỳ, còn tướng Leclerc vừa được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông lúc này còn chưa tập hợp xong lực lượng.

Thời cơ ngàn năm mới có một lần, ông Hồ Chí Minh đã không bỏ lỡ để phát động nhân dân giành lấy chính quyền.

Không khí u ám bao trùm lên cả Đại nội. Tất cả đều rầu rĩ, rã rời. Thuế má, lần đầu tiên triều đình Huế có vinh dự được trực tiếp thu nhưng không thu được. Tình hình bất an xảy ra khắp nơi. Làm sao lập lại trật tự ở thành phố, ở nông thôn, trong lúc trong tay chính phủ hoàng gia không có cảnh sát, cũng chẳng có một lực lượng trật tự nào có thể hành động hữu hiệu.

Mới ra mắt quốc dân được mấy tháng, ngày 5 tháng 8 Chính phủ Trần Trọng Kim xin từ chức: Ba bộ trưởng xin từ nhiệm, một bộ trưởng bị nạn vì bom Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bất lực, không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật đồng ý. Bảo Đại chấp nhận từ chức nhưng lại giao thủ tướng lập chính phủ mới, rồi theo thường lệ ông tiếp tục đi săn mạn Quảng Trị.

Hoàng hậu Nam Phương triệu tập Tổng lý Ngự tiền văn phòng đến gặp. Ông Hòe kể lại: Bà lo lắng về chiều hướng phát triển của tình hình, chán nản than vãn về Đức vua vẫn chứng nào tật ấy, say mê chơi bời, cờ bạc, săn bắn, trai gái… Bà hỏi xem có cách nào “cứu vãn tình hình” được không nhưng cứu vãn thế nào đối với con ngựa quen đường cũ?

Việc lập nội các mới trong tình hình Nhật Bản đầu hàng đến nơi xem ra không thể thực hiện. Ông Kim cố sức liên hệ, tiếp xúc, vận động người này người khác nhưng các nhân vật cấp tiến đều khước từ cộng tác. Làn sóng cách mạng đang dâng lên cuồn cuộn, kéo phăng cả những người lưng chừng do dự. Những cố gắng của ông đều vô ích. Lúc này không thể nghĩ đến tiếp tục thể chế hiện hành được nữa. Duy trì nền quân chủ lúc này là ảo tưởng. Ông Hòe bắt đầu tác động một cách kiên nhẫn vào tinh thần đang suy sụp của Nhà vua, vận động ông tự nguyện thoái vị. Ông không ngớt gợi lại cuộc cách mạng Pháp 1789 và số phận bi thảm của vua Louis XVI rồi nhẹ nhàng khuyên Nhà vua không nên chờ nước đến chân mới nhảy. Bảo Đại vừa cười nhạt vừa nói với giọng mỉa mai: “Không có lẽ quân đội Nhật sẽ khoanh tay ngồi nhìn để cho dân chúng làm chi thì làm?”.

Cuối cùng ông thủ tướng Kim cáo bệnh, khẳng định ông bị tăng huyết áp và không ra khỏi nhà.

***

Vào giữa tháng 8 ngột ngạt, nóng bức, Nhà vua được người Nhật trao lại các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam Kỳ thuộc địa. Ngày 14 tháng 8 Bảo Đại ra sắc chỉ Nguyễn Văn Sâm sung chức Khâm sai Nam Bộ, nhưng ông ta chưa kịp lên đường thì hôm sau, ngày 15 nước Nhật thông báo… ý định đầu hàng Đồng minh?

Người Nhật bỏ cuộc, đầu hàng vô điều kiện.

Không mấy ngạc nhiên nhưng không ai ngờ Nhật Bản đầu hàng sớm thế.

***

Hai hôm sau, ngày 17 tháng 8, tại thủ đô Hà Nội, Việt Minh lợi dụng một cuộc mít tinh của công chức được triệu tập để biểu thị ủng hộ Nhà vua, hạ cờ của chế độ quân chủ xuống, trưng cờ đỏ sao vàng lên. Hai ngày sau, 19 tháng 8, quần chúng cách mạng chiếm dinh Khâm sai Bắc Bộ trước đây là dinh Thống sứ Bắc Kỳ, thành lập chính quyền cách mạng tại thủ đô Hà Nội. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Đến lúc này Nhà vua quyết định hành động. Cùng ngày 17, ông triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời. Cuộc họp quyết định Nhà vua, như muốn vượt qua mặt Việt Minh, gửi thông điệp đến những người đứng đầu các nước Mỹ, Anh, Trung Hoa, Pháp, kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật. Trong thông điệp gửi Đại tướng De Gaulle có đoạn viết: “Tôi nói với nhân dân nước Pháp, nơi tôi đã sống thời niên thiếu, tôi muốn nói với tư cách một người bạn, chứ không phải người đứng đầu nhà nước.

Các vị đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm đầy tang tóc dưới chế độ chiêm đóng, nên không thể không hiểu rằng dân tộc Việt Nam có hai mươi thế kỷ lịch sử đầy vinh quang trong quá khứ, không muốn và không thể chịu đưng được nữa bất kỳ một sự đô hộ nào, của nước ngoài.

Các vị sẽ hiểu rõ hơn nếu các vị có thể chứng kiến những sự kiện đang diễn ra ở đây thấy rõ ý nguyện độc lập của nhân dân Việt Nam đã ấp ủ tận đáy lòng và không một sức người nào có thể kìm nén được. Ngay dù các vị có thể lập lại trên đất nước này sự thống trị của Pháp thì cũng không có ai nghe theo: mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ của các vị sẽ là một kẻ thù, và các quan chức, các kiều dân Pháp sẽ chỉ đòi thoát khỏi bầu không khí nghẹt thở này. Mong các vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, từ bỏ mọi ý nghĩ lập lại chủ quyền hoặc bất cứ một hình thức cai trị nào của nước Pháp trên đất nước này.

Chúng ta có thể dễ dàng thoả thuận với nhau nếu các vị từ bỏ ý định trở lại làm ông chủ của chúng tôi”.

Còn với người đứng đầu nhà nước Liên Xô? Dù Liên Xô cũng là nước thắng trận và có công lớn nhất trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít và trong hội nghị cũng đã có người nêu ý kiến, nhưng cuối cùng Bảo Đại không gửi thông điệp cho Stalin, người đứng đầu nhà nước Xô viết. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi”.

Bảo Đại còn yêu cầu ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng thảo một đạo Dụ số 105 tuyên bố ý định của ông là “sẵn sàng trao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh vào Huế thành lập Nội các mới. Vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau. Nhà vua cam đoan sẽ tuân theo ý nguyện của nhân dân”.

Thiếu một câu rõ kêu trong dự thảo. Ông Hòe đã tìm ra câu đó: “Muốn củng cố độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phưởng diện. Trẫm đặt hạnh phúc của nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô ɭệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm”.

Buổi chiều, ông Hòe đệ trình bản dự thảo lần cuối.

Ông đọc to, rõ ràng từng lời câu nói đầy dũng cảm đã đi vào lịch sử: “Trẫm muốn làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô ɭệ…”. Ông còn nhắc đi nhắc lại như để nhập tâm và cho “quen miệng”, để không vấp váp khi phải nhắc trước công chúng. Sau một lát đắn đo, ông nhún vai nhè nhẹ rồi cuối cùng đặt bút ký(1).

Vậy là không hề có chuyện đối đầu với chính quyền cách mạng. Vả lại Nhà vua không muốn và cũng chẳng có phương tiện để chống lại. Sau này Bảo Đại giải thích: ông muốn tránh một cuộc tắm máu giữa những người cách mạng và người Nhật. Vì người Nhật, mặc dù thất trận, vẫn có trọng trách duy trì trật tự cho đến khi Đồng minh vào tiếp nhận đầu hàng.

Nhưng với một số người thân cận muốn Nhà vua thoái vị ngay, không yêu cầu Nhật can thiệp. Phải thành lập ngay chế độ cộng hoà mà không cần đợi đến tuyển cử, chờ hỏi ý kiến nhân dân. Quyền bính nay đã ở trên các đường phố Hà Nội hay khắp nông thôn chứ không phải ở trong các gian phòng hoang vắng của Đại nội, cũng không ở trong tay Bộ tư lệnh quân đội Thiên hoàng chỉ muốn được yên thân chờ Đồng minh đến giải giáp và mau chóng trở về nước. Quyền lực mỏng manh của các ông khâm sai, các tỉnh trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim đang tan rã từng mảng. Thời gian gấp lắm rồi. Nơi nơi nổi dậy thành lập chính quyền nhân dân. Ngay ở ven lộ chung quanh thành Huế, các đội tự vệ dân quân tập luyện đêm ngày. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nhiều nhà trong thành phố. Ngay hôm sau, quần chúng biểu tình tràn ngập các phố giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang: “Độc lập muôn năm”, “Đả đảo chủ nghĩa phát-xít”, nhiều nhất là: “ủng hộ Việt Minh”.

Thêm Bình Luận