Quyển 1 - Chương 14
Ngày 22 tháng 9 năm 1940, quân đội Phù Tang tiến vào Bắc Kỳ.
Đây không phải là sự đảo lộn gì lớn đối với Bảo Đại. Ở Huế các thói quen của ông vẫn y nguyên. Trong phần lớn thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, Hoàng hậu Nam Phương và các con vẫn ở Đà Lạt. Lúc này chiến tranh chưa ảnh hưởng gì lớn lắm đối với nước An Nam của Bảo Đại. Nhờ khoảng cách còn xa các vùng chiến sự và chính sách khôn khéo của Toàn quyền Decoux mà Đông Dương vẫn y nguyên một cách kỳ lạ. Nhưng người "bản xứ" mới chỉ biết chiến tranh thế giới qua báo chí. Mặc dù thất bại ở chính quốc và những đảo lộn chính trị tiếp theo, nước Pháp vẫn giữ nguyên uy quyền của mình ở Đông Dương. Người Nhật vẫn kín đáo. Họ đóng quân xa trung tâm các thành phố, dân chúng ít trông thấy họ: Quân đội của nước Mặt Trời Mọc còn nhiều việc phải làm ở những nơi khác. Tuy nhiên họ vẫn hiện hữu, hùng mạnh và đe doạ.
Thoạt đầu, người dân thường tỏ ra ít nể trọng người Nhật. Elula Perrin, một nữ ký giả Pháp trẻ tuổi có mặt ở Huế năm 1940 viết: "Những người Nhật đầu tiên kéo vào chiếm đóng Đông Dương là những người lính đẹp trai, thân hình cao lớn, tính tình cương nghị và hiếu động, mũi thẳng, đầu trọc đội mũ calô có mảnh vải che kín gáy. Đó là những người Nhật phương bắc... Cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904 hẳn đã để lại những đứa con lai... Họ đi bộ hoặc ngồi trên xe ôtô tải, cất tiếng hát trầm hùng những hành khúc rất nhịp nhàng"(1).
Nhưng những người lính hiếu động ấy không chỉ làm chiến tranh như thêu thùa đăng-ten. Mấy hôm trước họ đã hạ sát tám trăm lính Pháp và Việt. Những cuộc thương lượng về việc cho họ đóng quân ở Bắc và Trung Kỳ đã kéo dài và hình như kết quả đạt được không được rõ ràng lắm. Họ đã tấn công nhanh gọn các đồn Pháp ở bắc Lạng Sơn gần biên giới Trung Hoa. Sau đó họ đấu dịu và trước sự phản đối kịch liệt của chính phủ Vichy ở Pháp, họ đã rút lui.
Quân đội Thiên hoàng không chiếm đóng Trung Kỳ. Sự có mặt của họ chỉ được chứng thực bằng một hiệp định mơ hồ về phòng thủ chung(2), nói theo một cách khác là họ đến để bảo vệ Đông Dương.
Thật là một tình thế lạ lùng mà người Pháp miễn cưỡng chấp nhận. Ngoài trận Lạng Sơn và giám sát đường biên giới với Trung Quốc từ nay vĩnh viễn đóng cửa, những người lính Nhật không phải là những người có đầu óc thù hằn. Họ đến đóng quân vì châu Á đang có chiến tranh. Và sự có mặt của họ ở Bắc Kỳ nhằm cắt con đường chuyên chở vũ khí cho quân Quốc dân Đảng Trung Hoa. Thoạt đầu quân đội Nhật chỉ yêu cầu đóng cửa biên giới với Trung Hoa sau đó đòi kiểm soát xem đã đóng kín chưa. Và sự đòi hỏi đó đã được chấp nhận.
Vào mùa hè năm 1940 nhà đương cục Pháp ở Đông Dương đơn độc. Nước Pháp đã thua trận, Pétain lên cầm quyền nhưng không có người, không có phương tiện giúp Đông Dương tránh khỏi bị Nhật xâm lược. Vì vậy đô đốc Decoux phải chấp nhận đồng ý để quân Nhật của xứMặt Trời Mọcđóng quân trên lãnh thổ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, và sau đó mau chóng vào tận Nam Kỳ. Vì người Nhật không chỉ bằng lòng với việc kiểm soát biên giới để chặn đứng con đường tiếp tế vũ khí cho Trung Hoa. Ngoài ra khắp nơi ở châu Á họ đã chiếm nhiều quốc gia và một mình cai trị. Họ cũng có thể làm như thế ở Việt Nam nhưng chắc hẳn là bộ máy cai trị của người Pháp ở Đông Dương còn có lợi ích thiết thực cho họ vì vậy họ quyết định duy trì quyền lực của Toàn quyền Đông Dương. Đây chỉ là đánh một ván bài khác để rồi sẽ chơi ván sau mà thôi... Mục đích cuối cùng vẫn là thành lập khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Vả lại, Tokyo đã tuyên bố năm xứ Đông Dương (Bắc, Trung, Nam Kỳ, Lào và Cao Miên) sẽ thành lập liên bang tự trị và thoát khỏi sự lệ thuộc vào Pháp tất nhiên là lệ thuộc vào Nhật Bản. Vậy nay Pháp và Nhật hợp tác ở châu Á chừng nào xung quanh ngọn lửa chiến tranh bùng lên đang bị chia xé. Chính quyền bảo hộ và quân đội Phù Tang, hai bên thi nhau trổ tài xảo quyệt và khôn khéo trong bối cảnh hữu nghị Pháp - Nhật kỳ cục không thiếu một số mặt gây cho nhau sự khó chịu...
Ví như Toàn quyền Đông Dương, đô đốc Decoux trao tặng bội tinh Nam Long của triều đình An Nam, cho các tướng lĩnh Nhật như Nishihara và Sumita hồi tháng 10 năm 1940. Nhiều hoạt động hỗn hợp hai bên được tổ chức: hội hoạ, thơ ca, các cuộc viếng thăm của trí thức và nghệ sĩ Nhật Bản, tin tức về xã hội thượng lưu ở Nhật Bản... Tất cả đều đưa ra hình ảnh mối quan hệ giao hảo, tự nhiên giữa hai nước láng giềng.
BáoIndochine(Đông Dương) số ra tháng 7 năm 1942 còn đi xa hơn nữa bằng cách kêu gọi người Việt Nam có thái độ hữu hảo anh em với kẻ chiếm đóng Nhật.
"Hợp tác Pháp - Nhật là chân thành không có ẩn ý, trên các lĩnh vực trí tuệ và văn hoá. Đây là sự hợp tác hoàn toàn thân thiêt và tin cậy lẫn nhau. Hậu quả là rõ ràng. Người An Nam nếu không làm gì để chống lại lợi ích của sự nghiệp chung Pháp - Nhật, giao du với người Nhật tiếp đón người Nhật và buôn bán với họ, tìm hiểu những điều mới lạ ở nước Nhật, thì họ đều là những người góp phần vào sự nghiệp hợp tác đó. Họ đáng được cổ vũ chứ không phải nghi ngờ và chúng tôi tin chắc nhà cầm quyền Pháp sẽ tin họ".
Để cân bằng với ảnh hưởng của Nhật Bản, mà báoIndochine(Đông Dương) nói gì thì nói, cũng là nhằm mục đích cuối cùng chống lại sự có mặt của người da trắng ở châu Á, đô đốc Decoux ra sức xây dựng một thực thể Đông Dương chân chính. Một liên bang được nước Pháp trợ lực và dìu dắt nhưng thừa nhận lịch sử và văn hoá của mỗi nước, mỗi miền. Người châu Âu được yêu cầu thay đổi thái độ đối với người bản xứ, chấm dứt tình trạng một quan chức người Việt cai trị một triệu dân nhưng lại lĩnh lương bằng một phó quản hải quan người Pháp(3). Không còn vấn đề nhắm mắt làm ngơ trước nạn hối lộ trong quan trường, không còn vấn đề tuyển dụng công chức người Âu tài năng kém cỏi chỉ vì dựa vào quy định những công việc dành riêng cho người Âu. Chính thức cấm xưng hô mày tao với viên chức người Việt. Các cách đối xử tồi tệ sẽ bị phạt và uy quyền truyền thống ở mỗi nước ở Đông Dương được ca ngợi hết lời. Chưa bao giờ Hoàng đế Bảo Đại được đề cao chúc tụng như trong thời kỳ này. Sau này Nhà vua giải thích: "Một chính sách tôn trọng lúc đầu khi ông ấy (chỉ Decoux) thấy mình yếu nhưng khi ông ta thấy mình vững rồi thì lại như trước và còn tệ hơn"(4). Tuy nhiên chính quyền bảo hộ ngày càng rơi vào tình thế khó xử. Pháp mất nước, chính phủ mới hợp tác với Đức do Pétain đứng đầu rời khỏi Paris rút về Vichy.
Ở Việt Nam cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương ảnh hưởng và quyền lực của Pháp vẫn được duy trì, trong lúc chiến tranh Thái Bình Dương sắp nổ ra, bán đảo Đông Dương không thể không dính líu vào cuộc xung đột. Nhật Bản ngày càng tăng cường sức ép hạn chế thẩm quyền của nhà nưôc bảo hộ. Sau này những hành động kháng chiến của những phần tử theo De Gaulle ở Đông Dương đã tăng thêm tình thế khó xử của chính quyền bảo hộ của Decoux. Hoạt động của phái De Gaulle bị nhà nước bảo hộ của Decoux ngăn trở, không muốn tạo cớ để quân đội Nhật tăng cường sức ép hạn chế quyền lực của Pháp ở Đông Dương, thậm chí sớm đi đến đảo chính lật đổ chính quyền bảo hộ của Pháp như sau này ngày 9 tháng 3 năm 1945 để Nhật được rảnh tay đối phó với đồng minh.
Tại Huế, sinh hoạt của dân chúng dường như không có gì xảy ra. Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh chiến tranh mối quan hệ giữa các nước thuộc địa và chính quốc được tổ chức lại theo hướng tăng thêm quyền hạn cho các chính phủ thuộc địa nhờ đó đã tạo đà phát triển mới về kinh tế - xã hội trên toàn bán đảo Đông Dương.
Chính quyền bảo hộ tăng thêm các công trình xây dựng, đạt được nhiều thành tựu lớn, lấy sự nghiệp dân sự ở thuộc địa để bù đắp những tổn thất về quân sự tại chính quốc.
Người Nhật thoả thuận giữ nguyên chế độ bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, không sử dụng những phần tử quốc gia do Tokyo bảo trợ để lật Pháp. Hoàng thân Cường Để cố chịu đựng cuộc sống lưu vong ở Nhật chờ thời cơ lúc này chưa đến với ông ta. Ngược lại, những lực lượng cách mạng ở Việt Nam lúc này thì nhận định: chiến tranh thế giới đã bùng nổ. Pháp thua trận và bị chiếm đóng. Đế quốc Pháp đã suy yếu, phát-xít Nhật vào Đông Dương nhưng còn lo đối phó với Đồng minh. Chiến tranh sớm muộn sẽ lan sang châu Á.
Thời cơ thuận lợi để làm cách mạng giải phóng dân tộc đã đến. Tất cả các mục tiêu đều nhằm đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp, tích cực chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa xoá bỏ chế độ thực dân, khôi phục độc lập, thành lập chế độ cộng hoà, ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống xâm lược Nhật, liên minh với Liên Xô và cách mạng thế giới(5).
Bước đầu tiên là xây dựng cơ sở cách mạng ở nông thôn và thành phố. Mùa thu năm 1940, lợi dụng cuộc xung đột giữa lính Nhật và lính Pháp ở biên giới phía bắc, một cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng thất bại hoàn toàn và đau đớn, lực lượng vũ trang cách mạng bị đàn áp đẫm máu. Hai tháng sau, tháng 11 năm 1940, ở Nam Kỳ một mưu toan khởi nghĩa của nhân dân nhiều tỉnh Nam Kỳ, lần này là lợi dụng cuộc chiến tranh Pháp - Xiêm. Một cuộc chiến tranh bị quên lãng. Pháp mất cho Xiêm một số vùng giáp biên giới Xiêm ở Cao Miên và Lào. Cuộc khởi nghĩa lan rộng ở nông thôn Nam Kỳ lại thất bại, bị dìm trong bể máu. Ở Nghệ An, cách Huế vài trăm cây số về phía bắc xảy ra một vụ binh biến tại một đồn khố xanh do một viên đội chỉ huy nhưng cũng thất bại. Hàng nghìn người cách mạng bị tử hình hoặc đưa đi đày ở Côn Đảo. Chính quyền của đô đốc Decoux còn mạnh, chế độ thuộc địa chưa nói lời cáo chung.
Trong khoảng năm năm, chế độ chiếm đóng của quân Nhật trên bán đảo Đông Dương chưa biết gọi tên là gì Lần đầu tại kinh đô chẳng có gì thay đổi. Huế như một bể cá, một nhà bảo tàng, lúc nào cũng lặng lẽ như thuộc về một vương quốc khác hẳn nơi xuất phát của các quân đội Nhật. Như một chốn bồng lai, một thiên đường được chừa ra vì tính cổ kính lâu đời và nhất là nơi đây chủ nhân của nó không có quyền hành gì.
Nhà vua vẫn mải mê săn bắn như không có gì xảy ra. Ban đêm chỉ có một người hầu đi theo, ông lái xe Jeep luồn qua các ngả rừng Tây Nguyên tìm thú. Xe chỉ dừng lại khi ông biết gần đó có hổ qua lại. Ông xuống xe, đi bộ dò từng bước dưới ánh sáng của chiếc đèn pha và chỉ khi nào chắc ăn, mắt nhìn rõ mục tiêu ông mới bấm cò và có thể chỉ một phát là hạ được thú. Ông đã hạ được bao nhiêu con thú? Chắc chắn phải hàng trăm con là ít. Đi săn và ăn chơi đối với ông là việc quan trọng hiếm có, gần như đáng ngại. Bảo Đại tuyệt nhiên không nói gì với con trai về cuộc chiến tranh đang diễn ra xung quanh. Vả lại ông chỉ biết qua loa tí chút qua báo chí. Toàn quyền Đông Dương Decoux mặc dầu có thêm nhiều biểu hiện tôn trọng Bảo Đại nhưng cũng muốn lảng tránh việc nói chuyện chiến tranh với ông. Nhà vua dường như không tức giận về việc này.
Nhưng từ khi quân đội Mỹ của tướng Mac Arthur chiếm Okinawa thì tình hình thay đổi hẳn vì có các cuộc ném bom đầu tiên trên bán đảo Đông Dương. Mỹ nhắm vào căn cứ của Nhật đóng ở vùng xung quanh.
Tại Huế, bom rơi cách chân thành Huế vài trăm mét. Thoạt đầu cứ như là trò đùa. Nhà vua có nhiều máy bay, có thói quen làm người xem thích thú về những lần bay bổng trên bầu trời. Triều đình bỏ mặc cho máy bay của... không lực Anh tha hồ bay lượn trên hoàng thành. Không ý thức được hoặc coi thường nguy hiểm, Bảo Đại ngắm nhìn những máy bay Đồng minh bay vụt qua trên bầu trời thậm chí tỏ vẻ thích thú như đi dự hội hay xem bắn pháo hoa mỗi khi một máy bay xuất hiện: "Đó là chiếc Lightning! Còn đây là chiếc Libérator!". Vừa lúc đó tiếng hoan hô im bặt. Tiếng bom nổ thay cho tiếng vỗ tay của người đứng xem. Nhà vua như không chút sợ hãi trước tình hình nước sôi lửa bỏng ở đất nước ông đang trị vì. Ông đi săn, câu cá, thả sức ăn chơi, ngắm trăng trên ban công để biết tương lai hậu vận và làm như chiến tranh vẫn chỉ là cơn ác mộng không chắc đã xảy ra.
Ông cũng không tỏ ra quá đam mê những chuyện dan díu. Tài tử, khinh khỉnh, không đem lại cảm giác là phải thật sự đạt đến. Ông chẳng tỏ vẻ gì là đau khổ, cố che giấu cảm xúc của mình. Chắc là tính thản nhiên đông phương và các sư phụ của ông đã khắc sâu trong trí óc ông. Dày dạn, kín đáo, lạnh lùng, ông chỉ phản ứng khi nguy cơ đã rõ ràng hiển nhiên. Giống như khi có một con hổ hầm hè vồ lấy ông trong lúc ông đứng một mình ban đêm hay khi ông đang điều khiển máy bay bay liệng trên hoàng thành. Có lẽ sự nhút nhát rụt rè nào đó đã khiến ông xa lánh những ngửời xung quanh. Ông không có mấy bạn thân. Vĩnh Cẩn, người anh em họ của ông, một nhân vật không có vai vế gì hay cười đùa và quá nhiệt tình giúp đỡ bạn, một gia nhân hơn là người bạn tâm tình. Vậy gần gũi ông chỉ còn là đàn bà. Tất nhiên là đàn bà. Nam Phương đã đòi ông xoá bỏ chế độ đa thê. Ông đã làm như vậy. Ông sẽ không có nhiều vợ như cha ông. Nhưng không dễ gì chỉ đơn giản bằng một quyết định mà xoá được tập quán lâu đời của một triều đại. Là một ông vua phương Đông, Bảo Đại sẽ có thứ phi trong suốt thời gian trị vì của ông. Không dễ dàng phản kháng lại tập quán. Thói kỳ quặc là không ít gia đình tiến cử với ông con gái xinh đẹp nhất trong nhà mình. Không ai viết gì về những mối tình nhất thời đó. Tuy nhiên còn lại những tên các "thứ phi" đã chung sống với ông.
Trước hết là Phi Yến xinh đẹp(6). Bảo Đại tuy không có nhiều tiền lắm cũng tặng hẳn một ngôi biệt thự cho người tình. Vụ việc đã đi đến kết thúc bi thảm. Nhiều người kể rằng Hoàng hậu Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào hai người đang tình tự ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan toàn quyền có lẽ đã phải hy sinh thân mình trong vụ việc đáng buồn này. Bà đã đi ôtô lao nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn cản một vụ án mạng có thể xảy ra. Sau đó là Lý Lệ Hà đã quyến rũ ông ở Sài Gòn những năm 40. Đó là một nữ hoàng sắc đẹp hoa hậu Hà Nội năm 1938 hay 39 gì đó. Tin đồn về sắc đẹp của cô gái họ Lý đã đến tai người anh em họ tận tình Vĩnh Cẩn và ông này đã đưa Lý Lệ Hà đến gặp Bảo Đại tại nơi ở tại thủ phủ xứ Nam Kỳ. Khi ông về đây để chữa chân gãy hai năm trước trong một cuộc đi săn ở Đà Lạt. Lý Lệ Hà quê ở miền Bắc đã có chồng nhưng đó không phải là sự trở ngại để cô gái này đi nhảy đầm ở các tiệm nhảy ở Sài Gòn. Tóm lại, anh chồng dù có biết cũng lánh mặt. Một báo cáo mật của Sở mật thám Pháp cho biết:
"Năm 1932, Lý Lệ Hà quê ở Hải Phòng đường Lạch Tray được mọi người quen gọi là Thông. Thời này, ả sống bằng việc buôn hương bán phấn nổi tiếng về sắc đẹp quyến rũ. Khoảng 1934, hay 1935 ả trú tại một nhà hát cô đầu ở khu phố "Quán Bà Mau" ở Hải Phòng. Năm sau, ả lên Hà Nội và tiếp tục làm gái nhảy cho một vũ trường ở phố Khâm Thiên của một mụ chủ nổi tiếng là Đốc Sao, có nhiều người theo đuổi, nhưng cô ta cũng biết phân phát ân huệ để đổi lấy quà biếu hay tiền mặt trong khi vẫn đi tìm đối tượng ý hợp tâm đầu...".
Nam Phương không phải là không biết những chuyện trăng gió của chồng và bà không thể chấp nhận. Bà là người quá "hiếu thảo", quá "hiền thục" như nhận xét của nhiều người ở các tỉnh lẻ ở Pháp. Cuối cùng quá đau khổ vì bị phụ bạc đã có lúc bà nghĩ đến đi tu. Bà tiếc nuối tuổi thanh xuân đã lấy phải một người chồng đẹp trai, thông minh nhưng ngông cuồng, mê gái, và ham chơi, chỉ một mực chạy theo khoái lạc trên đời.
Nhưng còn bản thân Bảo Đại ông có yêu vợ không? Không chắc. Chắc hẳn ban đầu ông bị mù quáng vì vóc dáng và sắc đẹp của bà. Sự đam mê cũng kéo dài đến mười năm. Mười năm chẳng rời nhau. Cùng đi săn, cùng hoạt động xã giao, khánh tiết... vui, buồn có nhau.
Thật là một cặp uyên ương mẫu mực, tưởng là mãi mãi không thể tách rời. Nhưng với thời gian, sự gắn bó tiêu tan dần trong cuộc sống cung đình đầy bụi bặm. Tình yêu quyến luyến nhau chắc hẳn cũng cạn kiệt vì chính cuộc xung đột nội tâm về tín ngưỡng giữa bà và những người xung quanh luôn luôn ám ảnh dằn vặt bà. Bà là con người tính toán hay chỉ đơn giản là lạnh lùng, thiếu cởi mở. Người ta không thấy bà tươi cười, vui vẻ như thói quen thông thường. Tuy nhiên trước đây thì có nhưng với thời gian và những nỗi bất hạnh, bà phải cố tỏ ra thanh thản chịu đựng để che đậy tâm trạng đau khổ cùng cực do thời thế thân phận thay đổi. Bà là người chịu bao nỗi xót xa cay đắng, có sắc đẹp mà phải sống trong bi kịch của cuộc đời. Hơi nặng tai, bà sống âm thầm trong cung điện già cỗi, gồng mình để nuôi dạy giữ gìn con cái trong lúc cuộc chiến tranh sắp nổ bùng trên đất nước và kéo dài trong suốt bốn chục năm mà mọi thứ đều tuột khỏi tay bà.
Cuộc sống bên ngoài hoàng thành đang sôi động. Quan hệ giữa người Pháp và người Nhật trở nên ngày càng căng thẳng. Ở chính quốc, quyền lực của Thống chế Pétain sụp đổ. Nước Pháp nay chỉ nói theo một giọng là giọng của De Gaulle, người không hề ký kết gì với người Nhật. Trái lại chính phủ lâm thời của Cộng hoà Pháp tuyên chiến với đế quốc Mặt Trời Mọc và cho biết sẽ giúp đỡ Đồng minh đánh Nhật.
Bắt đầu từ tháng 7 năm 1944, mọi quan hệ trực tiếp với chính quốc bị cắt đứt. Toàn quyền Decoux xử sự như một quân vương hay tổng thống một Nhà nước độc lập, một quốc gia Đông Dương tự bơi trong chiều hướng của cuộc chiến tranh.
Người lính Nhật đầu tiên mà Bảo Long gặp là một anh lính thường. Một quân nhân tầm thường, lố lăng với chiếc kiếm dài sát đất, thái độ cứng rắn, thô kệch.
Cùng với đồng đội, anh ta đóng quân ở dãy nhà phụ của ngôi biệt thự bà dì Didelot ở Đà Lạt. Buổi sáng hôm đó, cậu ta như thường lệ ở nhà một mình. Bảo Long có thói quen thích sống lặng lẽ một mình, tránh xa các trò chơi quen thuộc với bạn bè. Nhất là ở đây. Ngôi nhà này cậu ta rất thích, nhỏ hơn cung điện cậu ta sinh ra và lớn lên trong Đại Nội ở Huế. Cậu thích cuộc sống thanh thản trong một khung cảnh yên tĩnh.
Từ trên ngọn đồi người ta nghe rõ tiếng ồn ở dưới thành phố, không có tiếng xe, lúc này ôtô còn hiếm lắm nhưng là tiếng ồn ào, lẫn tiếng trẻ con nô đùa, tiếng chuông xe đạp, cả tiếng chó sủa. Một bầu không khí thôn dã nhẹ nhàng tươi mát, khác xa khung cảnh trong Đại Nội ở Huế nơi đó thời tiết hình như lúc nào cũng nồng nực như sắp đổ mưa. Ở đây cậu thấy dễ chịu. Còn hơn cả Sài Gòn, những toà nhà gia đình cậu góp công xây dựng, từ nhà thờ đến trường học trải rộng đến tận chân trời. Cả đến ngôi mộ hoành tráng của người cha thân sinh ra Hoàng hậu Nam Phương cũng hiện rõ trong tầm nhìn. Nó lớn như một ngôi chùa, có bậc thang đi lên, cao hơn các toà nhà trong thành phố. Cái thập giá bằng đá ở bên cạnh được dựng lên như để bảo vệ các ngôi biệt thự và các toà công sở bao quanh. Từ nay cậu bé sẽ sống trong ngôi biệt thự xinh xắn ở vùng cao nguyên Đà Lạt này. Hoàng hậu cũng đã đến đây khi còn nhỏ. Gia đình bà đã xây một căn nhà đẹp, một toà biệt thự bằng đá đầu tiên trong thành phố, trong những năm 40. Bây giờ thì biệt thự bằng đá đã có nhiều. Khung cảnh cũng như khí hậu vô song ở đây đã thu hút khá đông người đến ở. Những người có máu mặt của bộ máy chính quyền bảo hộ và những người Pháp khai khẩn đồn điền đều muốn có một căn nhà ở đây? Thành phố được coi như một bảo tàng kiến trúc, một thành phố nghỉ dưỡng trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Trên một trăm ngôi biệt thự duyên dáng, nhuốm vẻ oai nghiêm, điểm xuyết trên những cách rừng thông bạt ngàn. Những ngôi nhà đẹp như biệt thự của bà dì Didelot của Bảo Long đều xây dựng ở trên đồi cao. Trải qua trên ba chục năm chiến tranh, hầu hết các ngôi nhà đều nguyên vẹn, nơi đây không bị làn sóng xây dựng theo kiểu Tân Á châu làm hỏng không gian kiến trúc đang tràn ngập các thành phố Việt Nam.
Sống ở Đà Lạt Bảo Long cảm thấy dễ chịu hơn ở Huế. Đà Lạt ít bụi bặm hơn, ít cứng nhắc hơn và cậu gần gũi hơn với cuộc sống của các bạn trai khác. Cậu ta vẫn thích sống cô độc, nóng nảy nhưng rõ ràng là rất thích sống ở đây. Bà Nam Phương cũng thế. Bà cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi rời xa cuộc sống cung đình, một thế giới trong Tử Cấm thành, tù túng gần như trong trại tập trung.
Bảo Đại cho xây một toà nhà lớn gần như một cung điện. Kiến trúc sư Cruz vẽ kiểu, có sự trợ giúp của một đồng nghiệp Việt Nam. Đây là một thành tựu kiến trúc đáng nể trọng theo phong cách Le Corbusier hay của Mallet-Stevens hoàn toàn hiện đại. Trang trí nội thất cũng giống như ở Đại nội Huế do nhà kiến trúc nội thất Leleu đảm nhiệm. Gia đình Bảo Đại thường về đây sống và từ nay các con của họ không rời khỏi đây.
Bảo Long đi học trường Les Oiseaux của công giáo như mẹ cậu trước đây khi còn nhỏ. Bạn học của cậu là một số người Việt, con cái những người có địa vị cao trong xã hội quan chức hay thượng thư, còn lại phần lớn là con em gia đình người Âu, có cơ hội hay điều kiện sống ở đây.
Cũng nhờ gia đình Nam Phương cho đất và bỏ tiền xây dựng, trường Les Oiseaux đưa các sơ về đây.
Trường Les Oiseaux đã thành công tuyệt vời ở Neuiìly bên Pháp và đã xây một tu viện ở Đà Lạt bởi vì gia đình Nam Phương đã về đây. Gia đình bà có đủ phương tiện tài chính, lại có quan hệ mật thiết với Giáo hoàng Pie XI nên nhanh chóng được sự chấp thuận. Bảo Long ban đầu học ở trường Les Oiseaux sau đó chuyển sang Adran cũng do nhà thờ công giáo bảo hộ và cũng ở Đà Lạt, dạy theo chương trình Pháp được coi là hoàn hảo nhất Việt Nam. Bảo Long có nhiều bạn cùng trang lứa nhưng không có bạn thân. Các bạn cùng lớp tuy tất cả đều là trẻ con nhưng có thái độ dè dặt xa lánh cậu.
Nhưng điều đó không làm cậu khó chịu. Cậu ta không hiểu thế nào là tình bạn, là sự ồn ào trong giờ ra chơi và cả những cuộc ẩu đả khi tan học. Nhà vua tương lai được coi là một đứa trẻ ngoan ngoãn.
Cứ mỗi tuần sau giờ thể dục cũng giống như phần lớn các trẻ em Pháp trong thời ấy, Bảo Long đứng thẳng người giơ cánh tay ra phía trước hát: "Thưa Thống chế! Có chúng tôi!".
Chính là ở đây, trong rặng thông làm đẹp thêm các ngọn đồi Đà Lạt bắt đầu cuộc đảo lộn. Người lính Nhật không phải là người đầu tiên Bảo Long gặp, đại sứ nước Mặt Trời Mọc Yokohama đã đến gặp vợ chồng Bảo Đại Nam Phương. Đó là một nhân vật nhã nhặn, có học thức, nói thạo tiếng Pháp, dễ giao thiệp... đến với tư cách khách mời của toà biệt điện. Gần như bạn thân của gia đình, như Bảo Đại sau này kể lại nhưng ông ta không có gì đặc biệt, không có gì lý thú như trường hợp anh lính Nhật. Đó là cuộc gặp năm 1945 cho đến lúc đó cậu ta không từng gặp quân đội ngoại quốc bao giờ.
Cậu là người ham thích vũ khí và quân đội từ khi còn thơ ấu nhưng cậu không nhìn thấy gì trong gần năm năm dưới sự bảo trợ của Nhật Bản.
Vài ngày nữa, vài tuần nữa, không khí hoà bình và thanh thản một cách kỳ lạ sẽ tàn nhẫn tiêu tan và chiến tranh bắt đầu.