Chương 27: Xuống nông thôn 3

“Trùng hợp quá, tôi cũng vậy.” Trước mắt Tô Diên sáng ngời, không hiểu sao có loại cảm giác tha hương gặp được cố nhân.

Cô gái nghe xong cũng rất hưng phấn: “Vậy trùng hợp thật đấy, tôi và Chu Triết đến thành phố Thanh Sơn, Đại Tráng đến thành phố Cáp Nhĩ Tân, còn bạn?”

“Tôi tham gia đội sản xuất ở thôn Bạch Vân thành phố Thanh Sơn.”

Thấy khác thôn với nhau, cô gái thoáng hiện vẻ thất vọng, nhưng nhanh chóng khôi phục tươi cười: “Tôi tên Phùng Thư Miêu, rất vui được biết bạn.”

Tô Diên cũng tự giới thiệu, còn lấy ra vài viên kẹo chia cho bọn họ.

Mọi người đều là người trẻ tuổi, có chuyện nói hoài không hết, có thể học tập lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ, trong lúc nói cười thời gian trôi qua nhanh chóng.

Tô Ái Dân ngồi bên cạnh vẫn luôn không lên tiếng, với anh ấy mà nói đám này đều là trẻ con, không có tiếng nói chung.

Đến xế chiều, Tô Diên lau khô tay, móc hai quả trứng luộc và hai cái bánh bao trắng từ trong túi hành lý ra đưa cho anh ấy một phần, nói giỡn: “Trước đó không biết anh phải đưa em đi, chỉ chuẩn bị lương khô cho mình nên đồ ăn không nhiều lắm, anh tạm chấp nhận một chút đi nhé.”

Tô Ái Dân cầm lấy thức ăn, sắc mặt trở nên không quá tự nhiên, thấy ba người đối diện không chú ý tới họ, thấp giọng giải thích: “Cha nói sợ em từ chối đi chung nên mới cố ý gạt em. Chưa kể… anh cũng muốn gặp mẹ nuôi, nhiều năm không gặp, rất nhớ bà ấy.”

“Anh từng gặp mẹ nuôi rồi? Khi nào thế?”

Tô Diên vừa gặm bánh bao vừa hỏi, rất tò mò về quá khứ của nhà họ Tô.

Tô Ái Dân cảm thấy không có gì không thể nói, nên kể đôi ba chuyện khi còn nhỏ ra.

Năm 1956 nhà họ Tô dọn nhà đến Bắc Kinh, trước khi đi vẫn luôn sống ở thành phố Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Long Giang.

Mỗi dịp ăn Tết, cha Tô đều sẽ đưa ba đứa nhỏ đến thành phố Thanh Sơn chúc Tết Diệp Khiết.

Mỗi lần chúc Tết xong về nhà, Trương Lan Quyên đều sẽ phát giận, cha Tô phải dỗ vài ngày mới nguôi giận được.

Lúc ấy bọn họ còn không hiểu tại sao. Giờ trưởng thành rồi mới loáng thoáng nhận ra gì đó.

Một người là mẹ ruột, một người là mẹ nuôi, gần gũi ai hơn không cần nói cũng biết. Dần dần, bọn họ càng ngày càng xa cách Diệp Khiết, chỉ có Tô Diên ngây thơ không rõ nội tình vẫn luôn thân mật gần gũi với bà ấy.

“Lần này em xuống nông thôn xem như hoàn toàn làm mẹ tổn thương rồi, chờ sang năm về nhà dỗ bà ấy nhiều một chút, bà ấy sẽ tha cho em.”

“Vâng.”

Tô Diên có lệ gật đầu, gặm bánh bao, suy nghĩ đã xa xăm…

Đoàn tàu “loạch xoạch loạch xoạch” tiếp tục đi về phía trước, chịu đựng một ngày một đêm cộng thêm nửa ngày, bọn họ rốt cuộc đến nơi.

Thời tiết tháng tám oi bức không thôi, Đông Bắc không mát mẻ hơn Bắc Kinh là bao.

Tô Diên dùng tay quạt gió, theo dòng người xuống tàu hỏa. Tô Ái Dân xách theo hai túi hành lý theo sát phía sau.

Ở cổng ra họ chia tay đám người Phùng Thư Miêu, sau tìm kiếm bóng dáng Diệp Khiết khắp nơi.

Tô Diên chỉ từng nhìn ảnh chụp đen trắng, bình thường hình ảnh đều có sai lệch, tìm người không dễ dàng như thế.

Bỗng nhiên, cách đó không xa truyền đến một tiếng gọi, cô nghe tiếng nhìn lại, chỉ thấy một người phụ nữ tóc ngắn đang mỉm cười với họ.

Tô Ái Dân liếc mắt một cái nhận ra bà ấy, dắt Tô Diên đi qua chào hỏi: “Mẹ nuôi, con là Ái Dân, mẹ còn nhớ con không ạ?”

Diệp Khiết trợn to hai mắt, vỗ mạnh bờ vai anh ấy, cười tủm tỉm: “Ồ, con đã lớn chừng này rồi hả? Đúng là càng ngày càng giống ông cha chết bầm nhà con nha.”

“…”

Bả vai bị vỗ đau điếng, Tô Ái Dân còn phải cười hì hì: “Con với cha không giống nhau đau, thằng ba mới giống ông ấy nhất.”

Tô Diên thấy cảnh tượng này thì suýt nữa bật cười thành tiếng. Cô cố nhịn cười, tự nhiên hào phóng mà chào hỏi: “Con chào mẹ nuôi, con là Diên Diên.”