Chương 35: Bắt rể

Không vui, không buồn, tựa như dù có chuyện gì xảy ra cũng không đáng để hắn phải chớp mắt một cái.

Hắn chỉ ngồi trên cao, vô cảm nhìn từng cái đầu rơi xuống, thậm chí một đứa bé chưa đầy ba tuổi sợ đến mức khóc ré lên, hắn vẫn mở mắt nhìn tiếp cho đến khi cái đầu cuối cùng rơi xuống.

Mọi người đều nói Bùi đại nhân "công chính nghiêm minh", nhưng từ ánh mắt ảm đạm kia, nàng chỉ thấy được sự tàn nhẫn và sảng khoái.

Sau lần đó, nàng cực kỳ sợ hắn.

Về cơ bản, hắn là một con thú khoác lên mình vẻ ngoài dịu dàng, tưởng chừng như vô hại, nhưng bên trong lại ẩn chứa một trái tim khát máu.

"Cô nương, ta thuê được người rồi, khi nào thì đi?" Giọng nói của Lăng Lan kéo suy nghĩ của Ôn Ngưng về hiện tại.

Ôn Ngưng thu hồi tầm mắt: "Đi thôi, đi luôn bây giờ."

Xung quanh người có thể tin cậy quá ít, lần trước đi đặt cược Ôn Ngưng tự mình đưa Lăng Lan đến, lần này coi như đã quen thuộc cửa nẻo.

Sòng bạc quả nhiên náo nhiệt, có người đắc ý, có người thất vọng, nhưng dù đắc ý hay thất vọng thì hầu hết mọi người đều cầm số bạc trên tay đến đánh bài tiếp, người thắng thì đó là số tiền trên trời rơi xuống, đánh thêm một ván cho thỏa niềm vui, còn thua thì sao, đương nhiên là không phục, phải tìm cách thu hồi vốn.

Ôn Ngưng lấy được ngân phiếu thuận lợi hơn nàng tưởng, chưởng quầy không ngừng khen nàng có tầm nhìn tốt, vận khí tốt, còn bồi thêm một câu: "Thời vận đang tốt như vậy, sao công tử không thừa thắng xông lên?"

Ôn Ngưng bỏ ngân phiếu vào trong áo, không rơi vào cái bẫy của ông ta.

Nhưng đúng lúc nàng đang định đưa Lăng Lan rời đi, thì nghe thấy bên ngoài vang lên một âm thanh quen thuộc: "Mau! Tịch thu sòng bạc đen này cho bổn tham quân!"

...

Bên kia, Ôn Kỳ theo như lời thỏa thuận với Ôn Ngưng, đang đợi ở cửa nhà họ Vương.

Nhà họ Vương hôm nay vô cùng náo nhiệt, cửa mở rộng, tiếng pháo đùng đoàng không ngớt. Vương Phúc mặt mũi hồng hào, đang cùng Vương Cần Sinh chào đón khách đến chúc mừng.

Theo tục lệ, buổi tối nhà họ Vương sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi khách.

Tốt lắm, vậy là miễn được tiệc cưới.

Ôn Kỳ dựa vào góc tường ngáp dài, mắt thấy đã giữa trưa, đứng lâu đến nỗi đau lưng mỏi gối tê chân, cuối cùng cũng thấy một đội nghi thức đến gần, thư sinh đeo bông hoa vải màu đỏ tươi xuống ngựa, nói vài câu khách sáo trước cửa rồi đi vào nhà.

Ôn Kỳ lập tức lấy lại tinh thần.

"Đi!" Hắn vung tay ra hiệu cho khoảng chục người phía sau đi lên.

Tục bắt rể bảng vàng của Đại Dận bắt đầu từ thời vua Gia Hòa. Kể từ khi Gia Hòa đế lên ngôi, ông đã ra nhiều chính sách có lợi cho nữ tử, thật ra nguyên nhân đều bắt nguồn từ đương kim hoàng hậu.

Hoàng đế và hoàng hậu thành thân đã được mấy chục năm, ân ái có thừa. Gia Hòa đế vừa tôn trọng vừa sủng ái hoàng hậu, mà hoàng hậu là người đức độ, thường hay than với ông những khó khăn của phận nữ nhi, sau khi Gia Hòa đế nghe được, khắc ghi từng chuyện trong lòng, bất chấp sự can gián của quần thần, ra nhiều chính sách mới có lợi cho nữ tử.

Ví dụ như nữ tử có thể hưu phu, hay một cô nương không xuất giá cũng có thể ra phố mà không bị dị nghị gì về phẩm hạnh.

Mà tục bắt rể bảng vàng cũng bắt nguồn từ một câu nói đùa của hoàng hậu.

Tục truyền là một lần trong cung có gia yến, một hoàng thân kể lại một vụ án trong dân gian, một nam nhân cậy mạnh cướp dân nữ về nhà, cô gái đệ đơn lên phủ nha, nam nhân kia khẳng định không phải lỗi của hắn, chỉ đổ thừa là do cô nương kia quá xinh đẹp, hắn cảm mến không dứt nên mới làm ra hạ sách này. Quan phủ thấy nam nhân này nói khá có lý, ai bảo cô gái kia quá xinh đẹp cơ chứ?

Hoàng hậu nghe vậy tức giận lắm: "Nếu nói vậy, nữ tử thấy nam nhân mình thích cũng được phép bắt về nhà hay sao?"

Gia Hòa đế gật đầu: "Hoàng hậu nói có lý."

Không ai biết cuối cùng vụ án được giải quyết thế nào, nhưng trong kỳ thi năm đó, vào ngày công bố bảng vàng có một người bạo gan thuê người đến bắt thư sinh có tên trên bảng vàng về nhà. Khi đó thư sinh kia thấy tiểu thư này xinh đẹp đoan trang, nên tình nguyện "Nhân lúc đề danh bảng vàng, đêm về động phòng hoa chúc". Hai người bái đường thành thân ngay tại chỗ, trở thành một chuyện tình đẹp.

Từ đó về sau, mỗi lần có khoa thi, cứ có một hai thư sinh bị bắt đi bái đường thành thân, trở thành phong tục độc đáo ở Đại Dận một thời.

Nhưng những người bị bắt hoặc những người mà trong dân gian dám bắt đều là tiến sĩ hạng chót, chứ chưa có ai dám bắt trạng nguyên, chứ đừng nói đến trạng nguyên đỗ đầu Lục Nguyên.

Vậy mà lúc này Ôn Kỳ bước vào nhà họ Vương, cười híp mắt hỏi Vương Phúc: "Công tử nhà ông đã có hôn phối chưa?". Vương Phúc cũng không nghĩ nhiều, đương nhiên là nói thật: "Chưa có."

"Vậy thì làm phiền nhé." Ôn Kỳ chắp tay: "Tại hạ Ôn Kỳ, người của Ôn gia, cha làm quan ở Hồng Lư Tự, ở nhà có một ấu muội, dung mạo đoan trang, hiền lương đức hạnh, rất xứng đôi với công tử nhà ông."

Nói xong, cũng không đợi Vương Phúc phản ứng lại, ra hiệu với người phía sau: "Đi! Chúng ta đưa cô gia về phủ."

Hành động này lập tức dọa Vương Phúc sợ há hốc mồm.

Phản ứng của Vương Phúc chậm hơn một nhịp, nhưng Vương Cần Sinh lại rất nhanh.

Hắn ta là người làm, nhưng cũng là thư đồng của Vương Hựu, đương nhiên đã từng nghe nói về tục "bắt rể bảng vàng", lúc này lập tức chạy đến thư phòng của Vương Hựu.

"Công tử, công tử!" Vương Cần Sinh vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.

Thảo nào người ta nói đọc sách lợi trăm bề, trong sách nói có người như ngọc (1), thì ra lại ở chỗ này! Công tử năm nay đã hai mươi mốt tuổi, nếu ở một gia đình bình thường đừng nói là lấy vợ, có người còn có mấy đứa con rồi ấy chứ, nhưng công tử nhà mình thì đến một nha hoàn thông phòng cũng không có.

Vừa mới được đề tên bảng vàng, đã có người tìm đến cửa.

Nghe qua còn là con gái nhà quan cơ đấy!

"Công tử! Nhà ta sắp có nữ chủ nhân rồi!" Vương Cần Sinh thở không ra hơi chạy vào, vừa đến thư phòng thì hưng phấn hét lên.

Vương Hựu vừa trở về không lâu, đang rửa tay, nghe vậy thì không hiểu nhìn sang.

(1) người như ngọc: câu gốc "Mạch thượng nhân như ngọc, công tử thế vô song", nghĩa là người ở trên đường đẹp như ngọc, các công tử trên đời không ai sánh bằng, là một câu thơ khuyết danh ở trên mạng, dùng để miêu tả người đàn ông thanh lịch, ôn hòa.