Chương 14: Tình chú cháu bị chia cắt

“U nuôi của mình không con cháu ruột cơ mà. Sao lại có một người con nào vậy? Chi bằng tối nay qua nhà u nuôi, vì thế nào cũng đem thằng Cửu về nhà mà!”.

Chiều hôm ấy, khi Đán đưa Cửu trở về nhà, anh thấy vợ chồng tên Lân ở trong nhà cũng vừa đi lái buôn về. Lân từ trong nhà nói ra với giọng điệu của kẻ ngày xưa hay say rượu như hắn:

- Chú Đán đấy hả? Con của tôi mà chú còn chăm sóc nó bao nhiêu lâu nữa?

- Dạ! Có việc gì hở anh? Em đem thằng bé về. Con của anh đấy ạ? – Đán sốt ruột hỏi tên Lân.

- Đấy, chú sắp lấy vợ rồi thì nuôi thằng bé này ở chỗ nào? Nó là con của tôi. Nên từ giờ, chú mày đừng qua đây chăm sóc thằng bé nữa nhá! Vợ chồng tôi với u tôi lo cho nó hết?

- Gì cơ! Em lấy vợ thì vẫn chăm nó được mà anh! – Đán hốt hoảng. Rồi anh khóc lóc nhìn thằng bé. Cửu cũng vậy, ở với bà mình và chú Đán thời gian rất lâu rồi, nó cảm thấy xa chú Đán không được và nó oà lên khóc nức nở theo:

- Huhu! Con nhớ chú Đán lắm!

Nhưng vợ của Lân vội bế Cửu vào nhà. Ả nói với thằng bé:

- Chú ấy chắc gì nuôi đã bằng thầy u đâu! Con xem kìa, nhà chú nghèo, mà chú sắp lấy vợ rồi, con phải biết nghĩ cho chú chứ! Hừm, đúng là đồ con nít, phiền quá đi!

Rồi không nói gì với Đán, vợ Lân đóng sầm cửa ngay. Đán đứng hồi lâu trước cửa nhà bà cháu Cửu. Không làm gì để có thể nuôi thằng Cửu được nữa, anh thở dài, gạt nước mắt trở về nhà.

*****************************************

Một hôm nọ, Lân lái buôn chưa trở về, ở nhà có bà cụ, ả con dâu và thằng Cửu đang xuống bếp nấu ăn với bà. Trong ánh lửa bập bùng, ả con dâu ngồi cạnh bà cụ, ả ta kể cho mẹ chồng nghe chuyện ăn ở của mình với chồng:

- U ạ! U hỏi con có sợ ông nhà không, thì con sợ thiệt ấy chớ! Mỗi lần ổng đi buôn về với bộ dạng say khướt là con hãi quá, trốn tận lên tầng mái. Mà nếu có khi con không đi trốn là bị ổng đập đánh đâu đến nỗi sáng hôm sau không còn hơi sức để đi chợ nữa! Ngày xưa con bị thằng nhà hào phú đánh đập đau bằng ngần đấy rồi. Nên lúc trước khi lấy ổng nhà là con phải tính toán kĩ, u ạ, với cả nếu không lấy ổng thì còn nơi chốn nào để con về hở u? U ngày xưa nuôi ổng thế nào mà để ổng nát rượu làm hại cả con dâu của u thế này? U không biết thương con dâu của u một chút đi à?

Ả nói xong rồi khoanh tay, bước đến chỗ thằng Cửu đang nghịch ngợm bộ que gỗ. Ả giật lấy nó, rồi vứt xuống đất mặc cho thằng Cửu ú ớ. Ả bảo thằng bé:

- Con chưa chơi đủ hay sao! Từ giờ phải tập trung bắc bếp nấu cơm cho u, nghen! Để cháy khét tí thôi thì có khi thầy của mày đánh vào mông đỏ cả lên đấy!

Bà cụ ngồi đằng kia đứng dậy xách nước tới đổ vào nồi, thở dài:

- Trời ạ! Cái thằng Lân nhà mày ngày xưa nó nát rượu tới nỗi hành hạ u khổ lắm, có phải mỗi con đâu! Nó còn to miệng doạ là đuổi mẹ đi, ngày nào thấy nó ra khỏi nhà rồi đi về là không thể thiếu mấy chai rượu. Hãi lắm rồi! Một hôm như thường lệ, thằng Lân nhà mày đi mua rượu mãi mà chẳng thấy về. Đến cái hôm mà vợ chồng mày về nhà ấy thì u mới biết là nó bị bắt đi tù! Khổ thân cả cái nhà ta chưa! Mà vợ chồng chúng mày có vẻ nuôi thằng Cửu ổn đấy, nhưng hơi buồn là lại tự xưng là thầy u của nó. Bay giờ nó hẵng còn nhỏ, nếu lớn lên nó biết chúng mày không phải là thầy u của nó thì nó sẽ nói ra làm sao đây? Cả cái cậu Đán con nuôi của u nữa, chúng mày kiếm cớ là nó sắp lấy vợ để không cho nó nuôi thằng Cửu chứ gì! U thì biết ngay mà, đúng là không phải u mong đợi.

- U ạ! - Ả con dâu đáp - Con buộc phải làm thế thôi, vì cái chú Đán kia còn nghèo hơn cả vợ chồng con, làm sao nuôi thằng Cửu được. Mà biết bao giờ hắn mới đủ tiền cho thằng Cửu ăn học đàng hoàng? U cứ việc để vợ chồng bọn con lo cho thằng Cửu hết, còn u già rồi, phải biết đường nghỉ ngơi chớ!

Bà cụ tức giận. Bà vứt cái quạt tre hồi nãy bà con phe phẩy trên tay xuống đất. Rồi bà bồng thằng Cửu vào lòng mình bế lên nhà, để mặc ả con dâu tự lo cơm nước dưới bếp. Lúc ngồi lên chiếc chõng tre, bà cụ xoa mái tóc trái đào của thằng Cửu nói:

- Thầy u nhà mày đi lái buôn sắp kiếm đủ tiền cho mày đi học vật rồi đấy! Nhớ ngoan nghe cháu!

- Vâng ạ! Cháu bây giờ vẫn còn sợ…sợ lắm bà ạ! – Cửu đáp lại bằng giọng run rẩy lạnh lẽo chưa từng thấy ở con người nó.

- Trời! Cháu ngoan của bà thì sợ cái gì kia chứ! – Bà cụ có vẻ ngạc nhiên.

- Cháu sợ thầy cháu lắm, huhu!

- Nào, cháu ngoan của bà, thế cháu sợ cái gì, sao cháu không mau nói ra đi thế? Sao cứ phải khóc bù lu bù loa làm u của cháu cảm thấy bị phiền phức vậy?

Cửu nghẹn ngào, gạt ít nước mắt đi, rồi nó mới bình tĩnh đáp:

- Hôm qua lúc thầy đưa cháu đi lái buôn, lúc buổi trưa, thầy đậu thuyền lại ở một chỗ bờ, thầy bắt cháu nằm xuống lấy tre che mắt đi đừng nhìn gì, nhưng cháu nhìn thấy hết cả.

- Chết chửa? Thầy cháu lại giấu giếm gì đây! – Bà cụ kêu lên vẻ giật mình, như sợ tên Lân hôm qua lại làm chuyện tày trời nào đó – Cháu kể tiếp đi, cháu ngoan của bà!

- Dạ! – Cửu nói tiếp – Thầy...

(Còn tiếp)