Còn nhớ năm xưa có một bộ phim thần tượng Đài Loan rất nổi tiếng tên là “Có lẽ anh không thể yêu em”. Trong phim cặp đôi nam nữ chính là bạn từ thời đi học, họ không muốn yêu nhau vì tình cảm giữa hai người đã sâu nặng tựa tình thân, họ cho rằng tình bạn sẽ lâu dài hơn tình yêu. Câu chuyện của tôi và Tam gia cũng từa tựa như thế, tôi coi gã như bạn thân trong suốt cuộc đời, tôi chẳng giấu giếm hắn điều gì, chưa bao giờ nghĩ sẽ “vấy bẩn” tình bạn trong sáng đó. Nhưng tình huống ngoài đời thật lại giống như một câu thoại trong phim... Khi anh nói “có lẽ anh không thể yêu em” thực ra chính là Anh yêu em.1.
Tôi và Tam gia đều là học sinh của lớp thực nghiệm cho chương trình cải cách giáo dục. Lớp học này rất kỳ lạ, bởi vì ngay từ cấp hai nhà trường đã tiến hành lựa chọn học sinh đưa tới trường cấp ba để chúng tôi làm quen với chương trình giáo dục cấp ba trước. Vậy nên tôi mới lớp chín đã bắt đầu vào cấp ba, mấy lần chuyển lớp vẫn cứ học cùng với Tam gia.
Chúng tôi là bạn cùng lớp suốt bốn năm học.
Lần đầu tiên tôi có ấn tượng với Tam gia vào hơn một tuần sau khai giảng. Hồi đó tôi và một vài chiến hữu khá thân thiết thường ăn trưa trên sân thượng của căng tin.
Một hôm tôi lấy cơm hơi chậm. Lúc đi lên tầng ba tự dưng lại muốn mua chai nước ngọt, liền hối hả đi xuống. Chắc chắn hôm đó cô lao công quét dọn căng tin rất nhàn rỗi, nếu không thì cầu thang đã không bóng lừ như vậy, nếu không... tôi đã chẳng trượt chân ngã phệt xuống đất.
Chẳng khác gì trò cầu trượt vượt chướng ngại vật miễn phí ở công viên trò chơi vừa phấn khích vừa sảng khoái trong đau đớn. Tôi bị ngã rồi trượt thêm ít nhất 5, 6 bậc cầu thang.
Khi tôi hét ầm ĩ nắm được vào tay vịn để không bị tiếp tục trượt xuống đồng thời còn cử động cổ tay cổ chân, biết rằng chúng đều rất kiên cường, không bị xây xát gì thì trông thấy Tam gia.
Gã đứng ở vị trí phía dưới cách tôi ba bậc thang. Nếu như tôi không dừng lại thì rất có khả năng sẽ thực hiện một động tác xúc người đi thật đẹp, kéo theo gã ta cùng chơi trò cầu trượt “thú vị” này.
Rõ ràng gã đã chứng kiến toàn bộ từ đầu đến cuối, lại còn đang ngẩn ra ở đó. Chúng tôi đối diện với nhau trong khoảng ba giây, tôi cứ tưởng gã sẽ an ủi tôi, hỏi han xem có đau không, dù sao chúng tôi cũng nhận ra đối phương là bạn cùng lớp của mình.
Vậy mà gã lại cúi xuống nhặt bịch gà rán bị tôi làm rơi chỉ còn non nửa, chau mày nhìn vào bên trong rồi hỏi tôi: “Đi xuống lấy thêm một bịch nữa nhé?”
Có lẽ vì đầu óc tôi đã chuẩn bị theo hướng câu chuyện sẽ phát triển một cách bình thường, tức là gã sẽ hỏi tôi “Cậu có đau không?”. Vì vậy khi gã hỏi có muốn xuống lấy thêm một bịch gà rán nữa không, tôi đã trả lời là: “Đau chết mất thôi!”
Gã ồ một tiếng rồi chỉ vào chỗ rẽ của cầu thang và nói với tôi: “Thế cậu cứ ngồi tạm ở đây nhé, tớ xuống lấy cho.”
Dây thần kinh bị đau làm tê liệt khả năng suy nghĩ của tôi, tôi cứ ngồi xổm ở đó, đưa thẻ cơm của mình cho gã rồi bổ sung thêm một câu chẳng hề liên quan: “Lấy thêm một chai coca nữa cho tớ nhé. Cảm ơn cậu!”
Sau đó chúng tôi đã quen nhau theo cái cách khó hiểu vậy đó.
Tôi cho rằng đây là cuộc đối thoại đầu tiên của chúng tôi nhưng Tam gia lại nói câu chuyện không lãng mạn như tôi tưởng: “Lần đầu tiên bọn mình nói chuyện là vào hôm đến nhập học, ở chỗ bảng tin ngoài hành lang, anh hỏi em lấy bảng mẫu ở đâu, em đã nhiệt tình cầm bảng mẫu ra cho anh, cho anh biết phải điền vào những chỗ nào.”
Nhưng tôi chẳng có chút ấn tượng nào về việc này, bèn liến thoắng hỏi: “Thật sao? Bọn mình nói chuyện với nhau từ sớm thế cơ à? Ngày đầu tiên đi học?”
“Phải. Ngày đầu tiên đã nói chuyện rồi, không chỉ có anh mà em quá hoạt bát, đến mức đã nói chuyện với non nửa các bạn ở lớp.” Lúc nói ra từ tượng hình “hoạt bát” kia, gã còn nhấn mạnh.
Một người thông thái như tôi có thể đoán được đó chẳng phải là lời khen gì sất.
2.
Tam gia là một người khá ít nói. Hồi đó chúng tôi có một đám chiến hữu rất thích đi bộ vòng quanh khu nhà thí nghiệm vào giờ tự học buổi tối. Phải, chính là đám chiến hữu thích ăn trưa trên sân thượng kia.
Bởi chúng tôi là những học sinh được vào cấp ba vượt quá chỉ tiêu ban đầu của trường nên không học ở khu giảng đường. Hiệu trưởng đã đồng ý cho chúng tôi nương náu tại hai phòng học trống trong khu thí nghiệm. Bàn học trong lớp là bàn để làm thí nghiệm nên rất rộng, giữa hai bàn còn có một bồn rửa nhưng vòi lại không có nước.
Trái tim chúng tôi khi ấy cũng rộng lớn không thua gì chiếc bàn đó. Dưới sự tẩy não của giáo viên chủ nhiệm, ai nấy đều cho rằng vào được lớp thực nghiệm có nghĩa là đã bước được một chân vào Thanh Hoa, Bắc Đại rồi.
Bây giờ nghĩ lại sự khờ khạo khi ấy, tôi thậm chí còn xấu hổ đến mức phải tự đỏ mặt thay chính bản thân mình trong phút chốc.
Quay trở lại sở thích đi bộ trong giờ tự học buổi tối, hôm đó mới đầu thu, gió chưa lạnh, cả khu nhà thí nghiệm im phăng phắc như tờ. Một đám học sinh trường Nguỵ Trung “đã bước được một chân vào Thanh Hoa Bắc Đại” chúng tôi vừa đi vừa hát dưới những làn gió mùa thu hiu hiu thổi. Tôi có ấn tượng sâu nhất về bài hát “Trời cao biển rộng”, bởi vì sau này mỗi lần khoe với người khác là tôi biết hát bài này, tôi đều nhận ra cách hát của mình không giống với họ.
Lúc đó chúng tôi đang gào rú đến câu “Khi trời cao biển rộng ở sau lưng sự dũng cảm, phải phá vỡ cái khoá của vận mệnh bằng sự cố chấp” thì Tam gia chỉ lặng lẽ đi bộ theo chân chúng tôi mà thôi.
Tôi hỏi gã: “Cậu không biết hát à?”
Gã chỉ cười không nói năng gì.
Tôi cho là gã thừa nhận mình không biết hát. Mãi sau này khi gã tham gia một cuộc thi hát hò, lại còn giành giải, tôi mới hiểu được nụ cười năm xưa – chắc ẩn ý là “Tớ chẳng thèm điên khùng theo đám người ngu ngốc các cậu”.
3.
Từ trước đến nay tôi luôn là người nói rất nhiều. Ngày xưa mẹ còn đưa tôi đi khám, ông thầy lang già đầu tóc bạc phơ nói tôi mắc chứng tăng động, liền điều trị cho tôi bằng cách dùng mười cây kim bạc chọc vào các huyệt đạo trên các đốt ngón tay đến khi bật máu. Nghe nói cứ chọc là tôi sẽ ngoan ngoãn hơn, mẹ tôi mấy năm liền đều khen y thuật của ông thầy lang đó cao, chỉ có tôi biết mình sợ cây kim đó nhường nào – rất là đau!
Có lẽ nguyên nhân tôi làm bạn với Tam gia vì cảm thấy gã là một người vừa chín chắn lại vừa ít nói, rất khác so với những đứa bạn con trai có thể nói chuyện với mình. Vậy nên trong giờ thể dục tôi thích nhất là chơi cùng với Tam gia, đánh bóng bàn hoặc ngồi trên bàn đánh bóng bằng xi măng nghe nhạc nói chuyện bâng quơ.
Gã không nói năng gì mà chỉ lắng nghe tôi kể chuyện trên trời dưới bể, nói về trăng sao, từ thơ ca thi phú đến nhân sinh triết học.
Con trai và con gái có rất nhiều điểm khác biệt, mặc dù tôi cũng có nhiều bạn thân là con gái nhưng phải nói là chơi cùng con trai không cần giữ kẽ quá nhiều, nội dung và đề tài nói chuyện cũng rộng hơn. Vì vậy khi đó tôi – một người mắc bệnh khoa trương đã nói với Tam gia là: “Cậu là người bạn thân đầu tiên trong vũ trụ của tớ.”
Tôi cảm thấy Tam gia có vẻ rất thích danh hiệu này.
Vào một buổi tối hai chúng tôi cùng đi ra cổng trường đón xe bus. Hôm đó gã đi trước, lúc đuổi theo tôi đã vỗ một cái thật mạnh vào vai gã, những tưởng gã sẽ bị giật mình, ai ngờ gã lại quay sang nói với tôi bằng thái độ cực kỳ bình thản: “Tớ cảm giác được từ khi cậu còn cách tớ một mét cơ.”
Tôi nghĩ là gã nói phét.
Gã bảo tôi: “Trên người cậu có mùi thơm.”
Tôi giơ tay lên ngửi ngửi, chẳng thấy có mùi gì.
Gã nói: “Tự mình không ngửi được mùi của mình đâu nhưng tớ ngửi thấy. Mỗi người có một mùi khác nhau.”
Tôi có thể hiểu được câu thứ nhất của gã. Ví dụ như lúc bố tôi về nhà cởi giầy, mùi chân thối bốc ra có thể làm chó nhà tôi ngạt chết nhưng bố tôi lại hoàn toàn không nhận ra.
Tôi hỏi Tam gia “mũi chó”: “Cậu có thể ngửi được mùi của tất cả mọi người á?”
Tam gia ơ một tiếng, “Không hẳn là thế nhưng tớ có thể ngửi thấy mùi của cậu.”
Tôi hỏi tiếp: “Sao lại thế?”
Gã đứng ở cửa nhìn tôi bước lên chuyến xe bus của mình, cười nói với theo: “Bởi vì tớ là người bạn thân đầu tiên trong vũ trụ của cậu chứ sao?”
Hồi đó cậu bé Tam gia mới hiền lành thuần phác làm sao. Bây giờ khi tôi hỏi gã “Anh có ngửi thấy mùi trên người em không?”, bình thường gã sẽ khịt khịt mũi mấy bận rồi đá tôi một cái, kêu tôi đi rửa chân...