* Pháp môn Tịnh Ðộ nếu tin cho tới, còn gì tốt lành hơn! Nếu trí mình chưa quyết thì phải nên tin tưởng lời chân thành của chư Phật, chư Tổ, trọn chẳng được một niệm nghi tâm. Nghi sẽ chẳng tương ứng chư Phật, lâm chung nhất định khó thể cảm thông. Cổ nhân bảo: “Pháp môn Tịnh Ðộ chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu trọn vẹn. Hàng Ðăng Ðịa Bồ Tát chẳng biết được ít phần”. Hàng Ðăng Ðịa Ðại Sĩ còn chẳng thể biết hết, huống hồ là hạng phàm phu lè tè sát đất lại vọng sanh ức đoán ư?
* Nếu tâm sanh tử thật sự thiết tha, tin tới nơi, tâm chẳng sanh một niệm ngờ vực thì dù chưa ra khỏi Sa Bà, đã chẳng còn là khách trọ lâu ngày trong chốn Sa Bà; chưa sanh Cực Lạc, nhưng đã là khách quý cõi Cực Lạc. Thấy người hiền mong mình được bằng, gặp điều nhân đừng để lỡ. Há có nên do dự, lười nhác, sao nhãng, để đến nỗi một phen lầm lỡ khiến mình bị lỡ làng mãi mãi ư? Là trang nam nhi có huyết tánh, dứt khoát chẳng chịu sống làm thây đi, thịt chạy, chết mục nát như cỏ cây. Hãy gắng lên, cố lên!
* Trong các pháp môn khác, tiểu pháp thì đại căn chẳng cần tu, đại pháp thì tiểu căn chẳng tu nổi. Chỉ có một pháp Tịnh Ðộ này thích ứng khắp ba căn, gồm thâu lợi độn. Trên thì Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, không vị nào vượt ra ngoài pháp này; dưới thì ngũ nghịch, thập ác, chủng tánh A Tỳ cũng được dự vào. Nếu Như Lai chẳng mở ra pháp này thì chúng sanh đời mạt muốn liễu sanh thoát tử ngay trong đời này tuyệt chẳng có chút hy vọng gì!
Tuy pháp môn này rộng lớn như thế, nhưng cách tu lại cực giản dị. Bởi lẽ đó, chẳng phải là người kiếp trước có thiện căn Tịnh Ðộ sẽ khó thể tin chắc chẳng nghi. Chẳng riêng phàm phu không tin, phần nhiều hàng Nhị Thừa cũng nghi. Chẳng những Nhị Thừa chẳng tin, quyền vị Bồ Tát vẫn có người còn nghi. Chỉ có các vị Bồ Tát Ðại Thừa địa vị cao sâu mới có thể triệt để tin tưởng không nghi.
Người sanh lòng tin sâu xa nơi pháp này, dù là phàm phu đầy dẫy triền phược nhưng chủng tánh đã vượt qua Nhị Thừa, khác nào Thái Tử ngã xuống đất vẫn quý hơn quần thần. Tuy tài đức chưa lập, nhưng cậy vào thế lực của cha, cảm được báo như thế. Người tu Tịnh Ðộ cũng giống như vậy. Do dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật nên có thể đem tâm phàm phu gieo vào biển giác của Phật. Bởi thế, ngầm được Phật trí, ám hợp đạo mầu.
Muốn bàn về pháp tu trong Tịnh Ðộ mà chẳng nói lược qua sự khó khăn của các pháp cậy vào tự lực để liễu thoát và sự dễ dàng của pháp cậy vào Phật lực này thì [người nghe] nếu chẳng nghi pháp cũng sẽ nghi chính mình. Nếu tâm có chút mảy may nào nghi ngờ, sẽ do nghi thành chướng; đừng nói là không tu, dù tu cũng chẳng được lợi ích thật sự. Do vậy phải nói rằng Tín là một pháp chẳng thể không gấp gáp giảng giải để mong gây dựng sâu xa đến cùng cực vậy!
* Pháp môn Tịnh Ðộ do Phật Thích Ca và Di Ðà kiến lập, do Văn Thù, Phổ Hiền chỉ quy, do Mã Minh, Long Thọ hoằng dương, do các vị Khuông Lư (Huệ Viễn), Thiên Thai (Trí Khải), Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích phát huy, xướng suất để khuyên khắp dù phàm hay thánh, dù ngu hay trí. Các vị Bồ Tát đại sĩ ấy trăm ngàn năm trước, sớm đã vì ta nghiên cứu khắp các giáo pháp trong Ðại Tạng, đặc biệt chọn ra pháp chẳng cần đoạn Hoặc mà được dự ngôi Bổ Xứ này, ngay trong một đời này quyết định xổ l*иg, chí viên, chí đốn, cực kỳ giản dị, thống nhϊếp Thiền - Giáo - Luật, lại vượt xa Thiền Giáo Luật cho dù căn cơ cạn hay sâu, dù Quyền hay Thật. Thật là một diệu pháp thật đặc biệt, siêu việt lẽ thường.
Chúng ta chẳng tin tưởng Phật, Tổ là những bực thầy từ xưa bằng những vị tri thức cận thời hay sao? Kinh Hoa Nghiêm là vua trong Tam Tạng, cuối kinh quy kết chú trọng nguyện vương. Hoa Tạng hải chúng đều đã chứng Pháp Thân, đều cầu vãng sanh hòng viên mãn Phật Quả. Bọn ta là hạng gì mà lại dám chẳng bắt chước theo? Hãy bỏ tâm cuồng ấy, tận lực thực hành đạo này. Công đức lợi ích sẽ tự chứng biết. Nào đợi phải tham học khắp cả rồi mới thành hạng biết pháp ư?
* Luận bàn xác thực thì pháp môn Ðại Thừa, pháp nào cũng viên diệu. Nhưng căn cơ có sống, chín, duyên có cạn, sâu. Bởi thế, xét về mặt lợi ích thì có “khó được” và “dễ được”. Tổ Thiện Ðạo, hóa thân của Phật Di Ðà, đã dạy chuyên tu. Ngài chỉ e hành nhân tâm chí bất định, bị các thầy trong những pháp môn khác lung lạc, nên bảo: Cho dù thánh nhân Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả, và Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Ðẳng Giác Bồ Tát cho đến thập phương chư Phật tận hư không, trọn pháp giới hiện thân, phóng quang, khuyên ta bỏ pháp Tịnh Ðộ, giảng cho pháp thù thắng nhiệm mầu nào khác, ta cũng chẳng chịu nhận. Thưa là do lúc ban đầu đã phát tâm chuyên tu Tịnh Ðộ, chẳng dám trái nghịch nguyện ấy.
Hòa Thượng Thiện Ðạo đã sớm thấy người đời sau đứng núi này trông núi nọ, chẳng có kiến giải nhất định. Vì thế Ngài nói như vậy để kiệt lực xoay chuyển cái tâm ngấm nghé cuồng vọng, ưa ham cầu. Ai đã biết ngài Thiện Ðạo là thầy mà lại chẳng tuân theo? Thế mà người tuân theo lời Ngài thật chẳng được mấy! Có phải là do túc thế ác nghiệp sai khiến đến nỗi ngoảnh mặt bỏ lỡ pháp khế lý, khế cơ bậc nhất này, không Thiền, không Tịnh Ðộ, nghiệp thức mang mang, làm kẻ không cội rễ trong nẻo luân hồi đó chăng? Áo não thay!
* Tu hành Tịnh Ðộ có cái lẽ quyết định chẳng nghi. Chẳng cần phải hỏi han người khác hiệu nghiệm hay không! Dù khắp cả người đời không ai được hiệu nghiệm, cũng chẳng sanh nhất niệm nghi tâm, cứ lấy lời lẽ chân thành của Phật, Tổ làm căn cứ. Nếu hỏi người khác về sự hiệu nghiệm, chính là tin Phật chưa đến mức cùng cực, tâm vẫn còn so đo, chưa thể trọn vẹn mọi sự. Nam nhi anh liệt quyết chẳng đến nỗi bỏ lời Phật để tin lời người, trong tâm không chủ ý, chỉ muốn cậy vào lời người khác khoe hiệu nghiệm để hướng dẫn tiền đồ của chính mình. Thật chẳng đáng buồn ư?
* Do tập khí, mỗi chúng sanh có điểm riêng thiên trọng. Kẻ ngu thiên về cái tầm thường, hèn kém. Người trí thiên về điều cao thượng. Nếu kẻ ngu cam phận ngu, chẳng tạp dụng tâm, chuyên tu Tịnh nghiệp sẽ ngay trong đời này quyết định được vãng sanh. Như vậy dù ngu nhưng chẳng ai bằng được. Nếu là người trí, nhưng chẳng tự đắc, vẫn từ Sự hướng đến pháp môn cậy vào Phật từ lực, cầu sanh Tịnh Ðộ thì có thể nói là bậc đại trí. Còn như cậy vào kiến giải của mình, miệt thị Tịnh Ðộ; sẽ thấy kẻ đó từ kiếp này đến kiếp khác, trầm luân ác đạo, muốn học đòi theo kiểu ngu phu ngày hôm nay cũng trọn chẳng thể được!
Những người thông hiểu Tánh Tướng Tông Giáo, tôi thực sự ái mộ, nhưng chẳng dám học theo. Vì sao? Là vì dây ngắn chẳng kéo được nước sâu, túi nhỏ chẳng thể chứa vật lớn. Tôi chẳng bảo là hết thảy mọi người đều nên phỏng theo việc tôi làm. Nhưng nếu cũng hèn kém như tôi mà lại toan học theo hành vi của bậc đại thông gia, toan thẳng vào diệu ngộ tự tâm, vẫy vùng biển giáo, tôi chỉ e chẳng thành bậc đại thông gia, trái lại còn bị hàng ngu phu, ngu phụ già giặn, chắc thật niệm vãng sanh Tây Phương thương xót! Há có phải là biến khéo thành vụng to, toan bay lên không nhưng lại bị rớt xuống vực sâu thăm thẳm đó chăng? Một lời đủ để bao quát hết: Hãy tự xét kỹ căn cơ của chính mình mà thôi!
* Ông La Ðài Sơn chẳng được vãng sanh, lại bị đọa vào nơi phước báo là do tập khí văn chương quá nặng. Tập khí ấy đã nặng, dù nói là niệm Phật, nhưng thực ra niệm niệm đặt nơi công phu sáng tác văn chương. Công phu niệm Phật chỉ là chống đỡ mặt ngoài đó thôi. Ðấy là bệnh chung của văn nhân, chẳng phải chỉ riêng Ðài Sơn thôi đâu! Phật bảo thế trí biện thông là một trong tám nạn, chính là vì lẽ này.
* Người sống trong cõi đời, nhất nhất phải theo đúng bổn phận của mình, chẳng thể vọng tưởng tính toán ra ngoài bổn phận. Tức là như thường nói: “Quân tử chẳng vượt ngoài phận vị của mình”. Cũng như nói: “Quân tử chỉ làm đúng theo phận vị của mình”. Tuy đối với pháp môn Tịnh Ðộ đã sanh tín tâm, nhưng ý niệm ưa cao, chuộng trội vẫn còn chưa buông xuống được, chưa chịu đặt mình vào hàng ngu phu, ngu phụ. Phải biết rằng ngu phu, ngu phụ dễ liễu thoát sanh tử bởi tâm họ chẳng có dị kiến.
Nếu hiểu Tông, thông Giáo, toàn thân có thể buông xuống hết, thực hành công phu của hạng ngu phu, ngu phụ thì cũng dễ [liễu thoát sanh tử]. Nếu không thì bậc cao nhân thông Tông, thông Giáo lại chẳng bằng ngu phu, ngu phụ đới nghiệp vãng sanh! Pháp môn Tịnh Ðộ lấy vãng sanh làm chủ, tùy duyên tùy phận chuyên tinh chí mình, Phật quyết chẳng dối người. Nếu không, mong bay lên hóa ra lại rớt xuống; đấy là tự mình lầm lẫn, nào phải lỗi của Phật đâu!