Chương 8: 2. Khuyên Trừ Nghi Sanh Tín 2

* Một pháp Tịnh Ðộ chính là pháp môn tối huyền, tối diệu, chí viên, chí đốn trong giáo pháp của cả một đời Ðức Phật (một pháp có đủ hết thảy pháp là Viên, ngay trong đời này tu sẽ chứng đắc ngay trong đời này nên bảo là Ðốn). Hạng phàm phu lè tè sát đất cũng vào được pháp này, bậc Ðẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng ra khỏi pháp này.

Thực là một con đường tắt để thượng thánh hạ phàm chóng thành Phật đạo, là một chiếc thuyền từ phổ độ chúng sanh của chư Phật, chư Tổ.

Chẳng sanh tín tâm nơi pháp này, hoặc tin chẳng chân thành, thiết tha, chính là do nghiệp chướng sâu nặng, chẳng kham liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn thường luân hồi lục đạo trong thế giới này, chẳng có kỳ ra. Dẫu được làm thân trời, người, thời gian ấy rất ít, như khách chỉ ở trọ. Một phen đọa trong tam đồ, thời gian ấy dài lâu như ở yên nơi quê nhà. Mỗi lần nghĩ đến tâm kinh sợ, dựng đứng lông tóc, chẳng nề rát miệng khẩn cáo đồng nhân.

* Xem kỹ thơ ngài gởi đến, bàn luận nhiều điều, nhưng có thể nói gọn một lời là “chỉ dùng tri kiến phàm phu để suy lường xằng bậy Phật trí mà thôi”! Vả như chúng ta từ sống đến chết, trong là thân tâm, ngoài là cảnh giới, có một ai biết rõ được nguyên do mọi sự chăng? Từ khi mình có hiểu biết đến nay, thấy tiền nhân làm sao mình cũng bắt chước làm đúng như thế thì thân thể mới được thành lập, mọi sự mới thuận tiện, thích đáng, thân tâm an lạc, từ sống đến chết hưởng thọ tự tại. Ðối với những lời khuyên dụ của đức Như Lai, các hạ cho rằng vì chẳng biết ngọn ngành Phật trí và ngọn ngành Tịnh Ðộ như thế nào, nên dù Phật, Tổ nói lời thành thực, cũng chẳng thể nhân đó sanh lòng tin.

Xin lấy chuyện này để xét: Các hạ suốt ngày ăn cơm, suốt ngày mặc áo, thì có biết hay là không biết nguồn gốc của việc chống đói, ngăn lạnh chăng? Nếu nói là biết thì ai là người biết, xin chỉ đích xác ra. Nếu chỉ không được, vẫn là theo quy củ của tiền nhân đã lập mà ăn cơm, mặc áo! Sao lại đối với diệu pháp liễu sanh thoát tử bậc nhất, cứ đòi phải biết trước cội nguồn rồi mới sanh lòng tin, trọn chẳng chịu do lời thành thực của chư Phật, chư Tổ mà sanh lòng tin vậy?

Hơn nữa, nếu các hạ có bệnh cần phải uống thuốc thì trước hết sẽ mở sách Bản Thảo, Mạch Quyết ra xem để biết dược tánh, nguồn gốc căn bệnh rồi căn cứ trên bệnh chứng mà kê toa, sau đấy mới uống thuốc; hay là lập tức mời thầy lang chẩn mạch, lập tức uống thuốc? Nếu lập tức uống thuốc thì việc trị bệnh và học Phật mâu thuẫn nhau quá!

Dù cho có mở sách Bản Thảo, Mạch Quyết ra xem để biết dược tánh, gốc bệnh, cũng vẫn mâu thuẫn với việc học Phật. Vì sao vậy? Bản Thảo, Mạch Quyết đều là lời để đời của tiền nhân. Ông chưa thể tận mắt thấy, làm sao tin được? Nếu bảo những câu trong Bản Thảo, Mạch Quyết chẳng thể không tin thì lời của Phật, Tổ, thiện tri thức sao lại đều chẳng tin, cứ phải chính mình thấy mới tin?

Với tri kiến của ông, nếu cứ thực tình mà luận thì trước hết phải thấy thuốc ấy chạy vào kinh lạc nào, trị được bệnh nào, rồi mới kê toa, uống thuốc; quyết chẳng chịu dựa theo những điều nói trong Bản Thảo, Mạch Quyết để lập toa, uống thuốc. Vì sao vậy? Vì chưa từng thấy.

Nay nguồn gốc của việc chống đói, ngăn lạnh, trị bệnh chưa từng thấy nhưng vẫn cứ ăn cơm, mặc áo, uống thuốc; thế thì ngọn nguồn của Phật và Tịnh Ðộ chưa từng thấy, dù có lời thành thực của Phật, của Tổ cũng chẳng tin là vì lẽ gì? Với điều này thì coi là chuyện liên quan đến tánh mạng, tuy không biết vẫn chẳng dám không làm đúng như thế. Còn với chuyện kia lại cậy mình cao minh, đòi phải thấy tột cùng mới chịu tu trì pháp ấy. Xưa nay được mấy kẻ hào kiệt phi thường như thế? Do tri kiến đó, rốt cục chẳng hưởng lợi ích thật sự của Phật pháp.

Những kẻ bị coi là ngu phu, ngu phụ kia, thoạt đầu cũng chẳng biết gì, nhưng y theo quy củ của tiền nhân, cắm đầu niệm Phật. Bởi đó, ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu, liền được đới nghiệp vãng sanh, cùng kẻ đoạn Hoặc vãng sanh đều chứng Phật Quả, có hơn kẻ chỉ biết xuông rồi thôi chăng? Loại người tự dán nhãn mình là hạng xuất cách, do nghi sanh báng, sẽ từ kiếp này sang kiếp khác, đọa mãi trong ác đạo, dù hàng ngu phu, ngu phụ niệm Phật vãng sanh thương xót muốn cứu vớt giùm cũng chẳng biết làm sao! Vì sao? Vì hạng này bị ác nghiệp bất tín đời trước chướng ngại.

Trí của các hạ như [bảo kiếm] Can Tương, Mạc Gia, chặt ngọc như chém bùn. Do chẳng khéo dùng trí ấy, khác nào dùng thanh Can Tương, Mạc Gia để chém bùn, bùn không việc gì, uổng phí kiếm sắc, chẳng đáng buồn sao?

* Phật pháp là tâm pháp. Hết thảy pháp thế gian chẳng sánh ví được. Có sánh ví chẳng qua là để khiến người ta lãnh hội được ý nghĩa. Chẳng được chấp chết vào sự để bàn ngang. Dùng cái quạt để ví cho mặt trăng, rung cây dạy gió. Nếu cứ do cái quạt tìm lấy quang minh, từ nơi cây tìm ra sự phất phơ thì có còn gọi được là trí hay chăng? Tuy mộng cảnh là giả, nhân quả là chân, cũng chẳng ngại dùng mộng cảnh để ví dụ nhân quả, cốt sao chúng phù hợp nhau.



Là sao? Vọng tâm là Nhân, mộng cảnh là Quả. Nếu không vọng tâm chắc chắn chẳng có mộng cảnh. Ðiều này nhất định chẳng dễ luận. Tâm thiện ác và việc tu trì là Nhân, được quả báo thiện ác và quả báo tu trì là Quả. Các hạ phải tin; nếu không, do vọng tâm là nhân của mộng sẽ được mộng cảnh. Tâm niệm Phật là nhân thành Phật, gần là được vãng sanh Tây Phương, xa là rốt ráo viên thành Phật đạo. Ðấy chính là điều ngài đang nghi, ngăn trở ngài phát khởi lòng tin vậy!

* Hãy để chuyện Phật rốt ráo là có hay không lại đó. Các hạ cứ muốn cật vấn Phật là có hay là không thì hãy tự hỏi chính các hạ rốt ráo là có hay là không? Nếu bảo là không thì mối ràng buộc này đây, ai là người thuật nói? Nếu bảo là có, xin hãy chỉ đích xác! Lời lẽ của người nói chỉ là do yết hầu và thức tâm hợp lại mà có. Văn tự cũng do thức tâm, tay, bút vận động mà hiện. Mỗi mỗi đều chẳng ngoài Ngũ Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, đều chẳng phải là các hạ! Rời ngoài năm pháp này có chỉ được ai là các hạ để hỏi Phật rốt ráo là có hay không, mà cho đó là câu hỏi đại trí huệ?

Nếu chẳng chỉ ra được chính mình là có hay không, nhưng lại muốn biết Phật là có hay không trước đã thì đấy chỉ là câu hỏi cuồng vọng, không đáng luận tới, chẳng phải câu hỏi thấu đạt lý đến cùng tận! Phật rốt ráo là có. Vì phàm tình của ông chưa sạch, nên Phật chẳng thể hiện. Chính các hạ cũng là có. Do Ngũ Uẩn của ông chưa là không nên cũng chẳng thể chỉ ra ngoài Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức được!

* Kinh Kim Cang dạy hàng Bồ Tát phát tâm Bồ Ðề, phát tâm độ hết thảy chúng sanh khiến họ đều chứng Vô Dư Niết Bàn, nhưng chẳng thấy có một chúng sanh được diệt độ. Chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí. Bố thí đứng đầu trong lục độ vạn hạnh. Nêu lên bố thí thì trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, cho đến vạn hạnh cũng đều chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để tu. Văn kinh này giản lược, chỉ nêu bố thí để nói chung tất cả các pháp kia.

Hãy nên không trụ vào đâu để sanh tâm. Không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả mà tu hết thảy thiện pháp. Nói như vậy thì bảo là hữu tướng hay vô tướng?

Tướng quang minh rộng lớn như thế chật kín thái hư mà bảo là không thì khác gì mù lòa từ lúc mới sanh? Nói “không có một chúng sanh được độ” là chẳng trụ vào tướng, vô tướng. “Vô sở trụ” là muốn cho con người chẳng vướng mắc trong phàm tình, thánh kiến, rồi chấp trước tướng.

Nói “độ tận chúng sanh, hành bố thí, sanh tâm, tu thiện pháp” là muốn cho con người xứng tánh tu tập pháp tự lợi, lợi tha, ngõ hầu mình lẫn người cùng được viên mãn Bồ Ðề mới thôi, đừng vướng vào đó, vọng chấp vô tướng là rốt ráo, chia xẻ cùng một tri kiến với kẻ nhai bã hèm, có đáng gọi là người có trí huệ chăng? Tín có gì là khó khởi, nghi có gì là khó trừ? Ông quyết định chẳng chịu khởi, quyết định chẳng chịu trừ. Dù Phật có đích thân thuyết pháp cho ông, cũng chẳng làm sao được! Huống hồ tôi đây chỉ là kẻ phàm phu đầy dẫy triền phược?

* Muốn biết Phật là thật hay giả, sao chẳng đối với những lý được bàn trong Tịnh Ðộ Văn, Tây Quy Trực Chỉ và những chuyện được chép trong ấy mà phát khởi lòng tin, dứt lòng nghi, lại cho những ngôn luận, sự tích ấy chỉ là chuyện bịa đặt, lời đồn, chẳng đáng để vào mắt vậy? Nếu nghĩ như vậy thì nhất định linh hồn chẳng đọa trong năm đường nào khác, chỉ ở ngay trong địa ngục A Tỳ đến hết đời vị lai. Cứ mãi mãi hưởng thọ vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao do tâm hiển hiện, cứ coi chúng như các thứ lạc cảnh tự tại thọ dụng. Coi đó là vui thì chẳng thể khuyên dụ được nữa!

Ông cứ muốn biết Phật là thật hay giả, dù Tịnh Ðộ Văn, Tây Quy Trực Chỉ nói gì đi nữa đều coi là chẳng thật; chỉ khi tự mình thấy, đích thân chứng, mới nhận là thật; nay tôi lấy một sự tướng để hỏi, ông nên thẳng thắn đáp lời, chẳng được hàm hồ, thoái thác.

Bắc Thông Châu Vương là Tiền San, thời nhà Thanh từng giữ chức Phiên Ðài ở Quảng Tây. Khi ấy, Quảng Tây thổ phỉ rất nhiều. Lúc ông Tiền coi việc binh bị bèn bày kế diệt hết phỉ đảng, bắt gϊếŧ rất nhiều. Bốn năm trước đây, ông mắc bệnh rất nặng. Cứ chợp mắt liền thấy mình ở trong căn nhà tối. Nhà đó rất lớn, lại rất tối, bọn quỷ vô số đều đến bức bách ông, sợ quá tỉnh dậy. Một lát sau, chợp mắt lại thấy y như cảnh cũ, lại hoảng sợ tỉnh dậy. Suốt ba ngày đêm chẳng dám chợp mắt. Ông ta chỉ còn thở thoi thóp, vợ bèn khuyên dụ: “Ông cứ như thế chẳng tốt đâu! Ông niệm nam mô A Di Ðà Phật đi, niệm Phật sẽ ổn ngay!” Tiền San nghe vậy liền gắng niệm. Ðược một chốc liền ngủ, ngủ đẫy một giấc không mộng mị gì, mà bệnh cũng dần dần thuyên giảm. Nhân đó, ông trường trai niệm Phật. Năm ngoái, Tiền San và Trần Tích Chu lên núi, có trò chuyện cùng Quang.

Nếu các hạ lâm vào cảnh ấy, thì cứ phải biết trước là Phật là thật hay giả rồi sau mới niệm chăng? Hay là nghe xong liền niệm? Nếu lúc ấy chẳng nhọc công xét thật, giả, cứ niệm ngay, thì hiện tại sao lại cùng người đời này bàn bạc ngôn luận, sự tích người đời trước là thật hay hư? Cứ nhất loạt cho là vọng, chỉ cầu lấy chỗ đúng; cứ vin vào đó khiến tâm cảnh mơ màng, mờ mịt, còn toan nhỏ lệ khóc cầu nữa ư? Ðã có thể coi phú quý như chiếc dép rách, sao không thể coi chấp trước giống như chiếc dép rách để bỏ sạch cả đi? Ông tính dùng tri kiến ấy để làm cửa nhập đạo đấy ư? Chẳng biết nó chính là đường để đạt địa ngục A Tỳ đấy!

Lấy mộng để ví cho Phật thì vọng tâm là Nhân, mộng cảnh là Quả. Ví như niệm Phật là Nhân, vãng sanh gặp Phật là Quả. Vì sao có thể lấy sáu thí dụ trong kinh Kim Cang làm chứng? Ngôn ngữ, văn tự thế gian, một chữ, một sự, chẳng ngại gì diễn tả cả sang lẫn hèn, giảng giải cả tốt lẫn xấu. Chẳng hạn như chữ “Tử”, dùng để chỉ mình đức Phu Tử cũng được, mà chỉ người bình thường cũng được, dùng để gọi con cái cũng tốt. Ðều phải dựa vào văn mạch để xác định ý nghĩa, quyết chẳng thể đối với chữ Tử có nghĩa là Phu Tử, lại giảng là “nhi tử” (con cái) được. Cõi Phật là mộng cảnh, đâu cần chờ các hạ thành Phật rồi mới nói sau. Nói như vậy chỉ tự tổn hại, vô ích mà thôi!