Chương 1
Tôi cực lực phản đối cách giáo dục của những ông bố bà mẹ khi luôn coi con mình là nhất. Tỷ như bố mẹ tôi, Từ bé tôi đã được bố mẹ nhồi nhét vào đầu rằng thì là tôi là đứa thông mình tuyệt đỉnh, học ít hiểu nhiều, rồi thì gặp ai bố mẹ tôi cũng lôi tôi ra khoe “Cháu nó thông minh lắm, bằng đấy tuổi mà đã abc, xyz,...” Và tất nhiên là những vị khách đó cũng sẽ hào hứng xoa đầu bứt tóc tôi và khen nức nở. Họ biết, họ cần phải làm như thế để khi họ giới thiệu con họ, bố mẹ tôi cũng sẽ xoa đầu bứt tóc chúng nó mà đáp lễ lại. Có đi có lại, tất cả cùng vui mà.
Cũng chính bởi thế mà tôi lớn lên với sự ảo tưởng sức mạnh rằng mình là người tài ba xuất chúng, vạn người thậm chí tỷ người mới có một.
Mẹ tôi, góp phần hơn nữa vào cái sự ảo tưởng đấy của tôi. Bà là giáo viên, bởi thế, cứ 3 tháng hè, trong khi bọn bạn được ăn chơi nhảy múa đã đời thì tôi bước vào quãng thời gian khổ tu, học trước chương trình trong năm (tôi thuộc thế hệ 8x, việc học thêm chưa dã man như các bạn 9x và các cháu 10x bây giờ). Và lẽ dĩ nhiên, có tu thì ắt sẽ thành chính quả. Khi vào năm học mới tôi luôn tự tin được ghi danh trong bảng những học sinh ưu tú của lớp trước ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè.
Tất nhiên, được ngưỡng mộ như thế nên tôi có quyền lựa chọn bạn bè cho mình. Tất cả đều phải đẹp trai, xinh gái, học giỏi và có chức có quyền. Kiểu như anh lớp trưởng với chị quản cả ấy…
Tính cách đó được tôi cẩn thận duy trì và nuôi dưỡng suốt những năm phổ thông và cả khi đỗ đại học. Hơn nữa, nó được phát triển từ tình bạn đơn thuần sang cả tình yêu luôn. Mối tình đầu của tôi là một bạn lớp phó học tập năm lớp 5. Mối tỉnh thứ hai của tôi là bạn quản ca năm lớp 7 …
Có điều, dù chơi với ai hay yêu ai đi nữa, tôi vẫn thấm nhuần tư tưởng tốt đẹp mà bố mẹ đã dạy từ khi còn bé tí. “Tôi thông minh nhất, những đứa khác đều ngu hoặc có thông mình nhưng... không bằng tôi"
Cái tư tưởng đó chỉ thay đổi khi tôi lên đại học.
Lên đại học, tôi hay hầu hết mọi người đều ở trong cái gọi là “Hào quang giả tạo".
Tại sao lại như vậy. Bởi lẽ, đây là kỳ thi quan trọng nhất trong 18 năm đầu đời của bạn. Bố mẹ, ông bà, họ hàng bên nội, họ hàng bên ngoại, rồi hàng xóm láng giềng … đều tập trung sự chú ý vào bạn. Và khi bạn đỗ, tất cả sẽ tung hô bạn như một người hùng, bạn đi đâu cũng ngập tràn trong hoa và quà tặng. Điều này cũng tốt thôi, có điều nó tạo cho bạn cái tâm lý bố đời. Coi mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ.
Rồi khi bạn lên Hà Nôi học, bạn vẫn giữ cái tâm lý ấy mà không biết rằng, cả cái lớp, à không cả cái trường, không, phải là cả cái Hà Nội này, toàn những đứa như bạn, nhan nhản ra. Bạn cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc, giọt nước giữa đại dương mà thôi.
Tất nhiên, khi mới bước chân vào đại học, tôi không hiểu được điều đó, tôi vẫn đinh ninh trong đầu rằng: Tôi lên Hà Nội để toả sáng, để tất cả mọi người quỳ rạp dưới chân tôi. Thú thật đi, bạn cũng từng nghĩ như vậy phải không ??
Giấc mộng đẹp đó được tôi gìn giữ được đến hết kỳ 1 năm thứ nhất, sau đó tôi phải cay đắng vứt bỏ nó. Vì em.
Em học cùng lớp, nhưng ấn tượng của tôi về em trong học kỳ 1 năm thứ nhất không có gì đặc biệt.
Lần đầu tiên nói chuyện với em là khi tôi vác quyển sách “Lý luận nhà nước và pháp luật" mới mua về lớp. Tôi có thói quen ngồi bàn cuối trong lớp, nhưng hôm đó nó bị chiếm giữ bởi một đứa con gái đang cắm tai phone, úp mặt xuống bàn nghe nhạc. Tôi đành ngồi bàn trên vậy. Đang mở sách ra mày mò nghiên cứu thì thấy có người chọc chọc vào lưng đau nhói làm tôi phải quay lại. Là con bé bàn sau, nó đã ngồi dậy, tháo tai nghe. Trông nó rất ngộ, tóc búi cao xong lấy bút chì chọc qua, bộ mặt thanh tú, đôi mắt to tròn, được trang bị thêm gọng kính nobita nhìn rất kute. Có điều khuôn mặt đó đang thể hiện rõ sự mệt mỏi và lười nhác. Mà tôi thì chúa ghét những bộ mặt kiểu như vậy. Hơn nữa thì nó lại vừa lấy bút bi chọc tôi, chọc vào cái áo trắng mới tinh của tôi...
Tôi hỏi giật giọng: Gì vậy.
Nó nhìn quyển sách của tôi rồi hất hàm hỏi bằng giọng ngái ngủ và mệt mỏi: Được mượn giáo trình rồi à.
Trường tôi đầu mỗi kỳ, sinh viên đều được thư viện cho mượn giáo trình, nhưng mà hầu hết đến lúc được mượn thì đã gần học xong môn đó rồi. Được mấy anh chị đi trước truyền đạt lại nên tôi tranh thủ đi mua trước giáo trình lý luận nhà nước vì nghe nói môn này rất khoai.
Lúc đó, tất nhiên là trường chưa cho mượn giáo trình, nhưng tôi đang cay cú con dở hơi làm bẩn áo mình nên đáp bừa: Ừ, cho mượn rồi, cậu mang thẻ sinh viên lên mà mượn.
Nó đáp giọng ỉu xìu: Quên không mang thẻ rồi.
Tôi được đà lấn tới: Lịch mượn của lớp mình chỉ trong hôm nay thôi, hôm nay mà không mượn thì không được mượn nữa đâu.
Con bé thở dài không nói gì, được một lúc thì nó đứng dậy, uể oải khoác cặp rồi lững thững bước khỏi lớp. Đúng lúc chuông reo báo giờ vào tiết 2. Tôi cười thầm trong bụng, chắc là nó chạy về nhà lấy thẻ sinh viên rồi. Nghĩ cũng thấy hơi áy náy chút nhưng tôi cũng bỏ luôn ra khỏi đầu. Những đứa ngây ngây như vậy không thuộc tuýp của tôi.
Hết tiết 2, con nhỏ lại lững thững bước vào lớp, rồi lết đến bàn cuối. Chắc lúc đó nó đã biết bị tôi lừa rồi nhưng nó vẫn lướt qua tôi mà không thèm nhìn tôi đến một lần. Về chỗ, nó lại cắm tai nghe và gục xuống bàn suốt 3 tiết cuối. Một con nhỏ kỳ lạ, nhưng tôi mặc kệ. Đã nói bạn tôi phải là đứa thông minh tuyệt đỉnh chứ nhất quyết không thể ngơ ngơ như nó mà.
Tôi không chú ý đến nó, không có nghĩa là những thằng khác cũng nghĩ thế. Gu của bọn nó “tầm thường" hơn tôi nhiều.
Trường tôi, xếp lớp theo khoa và theo thứ tự đăng ký nhập học. Lớp tôi là lớp cuối cùng của cả khoá nghĩa là lớp của những đứa đi đăng ký muộn nhất. . Chỉ có những đứa bất cần bô nhếch, hoặc dở dở hâm hâm hoặc có tí từng trải, bận bịu công việc mới đi đăng ký muộn như vậy.
Thế nên hội con trai trong lớp tôi toàn những đứa dị.
Đầu tiền là 1 bô lão thế hệ 7x, tên Tâm. Trước đây 10 năm đang học luật thì bị đuổi vì đánh nhau. Lão vẫn giấu gia đình, ra ngoài đi dậy thêm, xe ôm,... các kiểu, rồi lấy vợ sinh con. Cả nhà ở dưới quê vẫn nghĩ lão đã tốt nghiệp, ra trường và đi làm rồi. Mười năm sau, lão lại thi đại học luật một lần nữa. Lão hay vuốt chòm râu rê mà phân bua với chúng tôi rằng: Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Anh giờ mặc dù không cần cái bằng cử nhân luật vẫn sống được, nhưng anh cần nó để quên đi cái quá khứ nhục nhã của mình.
Tiếp theo là một lão nữa hơn bọn tôi 3 tuổi, lão này tên Đông, hay bị bọn tôi gọi là Đồng nát. Lão này thì hôm nào đi học cũng say bét nhè, xong ngay từ hôm đầu tiên đi học đã xuất hiện với cái tay băng bó, lão bảo đi uống rượu say về ngã mẹ nó xuống cống. Lão này lúc say thì nói chuyện rất bố đời, coi thiên hạ như cỏ rác, đến khi tỉnh thì lại hiền như cún. Có điều … chả mấy khi lão tỉnh cả.
Thằng thứ 3 thì hơn bọn tôi 2 tuổi, thằng này tên Thanh người cao ngẳng, chuyên gia vào học muộn, nó bảo nó phải đi làm thêm ở KFC. Thằng này thì chuyên gia bốc phét (hoặc có thể nó nói thật nhưng tôi nghĩ là bốc phét) nó luôn nói là nó được nhiều chỗ mời làm người mẫu nhưng nó không chấp nhận (thằng này phải cao 1m8). Rồi nó hay chém là mỗi đêm ngủ với một con với lại thích tán con nào thì chỉ cần 1 tuần là dắt đi được nhà nghỉ. Đờ mờ, mày nghĩ mày là giang đông gun à.
Thằng thứ tư tên Thành, cặp bài trung với thằng Thanh. Thằng này thì tốt tính, ai nhờ vả gì cũng giúp, phải cái số nó vất vả, đi học đại học mà phải gánh thêm cả 2 đứa em nữa. Bố mẹ ở quê cũng khó khăn nên 3 anh em phải rau cháo nuôi nhau trên này.
Thằng thứ năm, tên Bình, thường gọi là Bình triết, thằng này thì suốt ngày sống trên mây với những ảo tưởng về một xã hội công bằng dân chủ văn minh. Câu cửa miệng của nó khi bắt chuyện với người khác là: “Chế độ này cần phải thay đổi cậu ạ, phải đa đảng, phải có cạnh tranh mới có sự phát triển"...
Đấy là 5 trong số hơn 20 thằng con trai trong lớp tôi. Những thằng khác cũng dị lắm. Nhưng tôi chỉ kể 5 thằng này thôi. Vì 5 thằng mất dậy này nó sẽ tham gia nhiều vào câu chuyện tôi tôi kể với các bạn sau này.