Ở phía Bắc London có một ngôi chùa cổ ban đầu do người Ấn Độ xây dựng, khách hành hương tới đây đa phần là người Hoa và người Ấn. Nam nữ thanh niên thì đến cầu duyên, ai có người thân đi xa thì đến cầu an, ai có anh chị em ly tán thì đến cầu được sum họp; người rời quê cha đất tổ thì đến xin người ở cố hương được khỏe mạnh, người mẹ thì đến xin cho con cái mình không ốm đau bệnh tật, vợ chồng tân hôn thì đến xin sớm sinh quý tử, bà bầu thì xin mẹ tròn con vuông.
Cứ mỗi tuần hai mẹ con Mộ Mai lại đến ngôi chùa này một lần, cô bé Mộ Mai từng hỏi mẹ Xuân “Vì sao phải đến chùa này hả mẹ, mẹ là người theo đạo Cơ Đốc kia mà?” Dù ai cũng bảo việc này là chuyện nước sông không phạm nước giếng, nhưng Mộ Mai không hiểu câu thành ngữ ấy có nghĩa gì. Hỏi bạn cùng lứa thì chúng không trả lời được, còn bà chủ nhà thì bảo nó giống như mối quan hệ giữa người thợ rèn và thợ đóng giày vậy, hai bên đều là thợ thủ công nhưng tính chất công việc không giống nhau. Còn đáp án của mẹ Xuân là “họ đến đây để đợi người cần gặp”.
Mẹ con họ vừa đến chùa thì phía sau xuất hiện hai chiếc xe hơi màu đen sang trọng. Người thiếu phụ bước ra khỏi hàng ghế sau, đi bên cạnh bà ấy là mấy người đàn ông mặc đồ đen hết sức cường tráng. Bọn họ ngăn những người đến đây cúng bái ở cửa, trong đó có cả mẹ con Mộ Mai để thiếu phụ kia đi vào.
Người thiếu phụ bụng to vượt mặt, trán lấm tấm mồ hôi được một người phụ nữ trung niên mặc áo sẩm dìu đỡ, thành kính bái lạy đức Phật hiền hậu được mạ vàng. Tiết trời đầu xuân tại London không khí ẩm ướt và lạnh lẽo, người thiếu phụ chỉ mặc một chiếc áo len tối màu, bên trong là chiếc váy dài rộng, chiếc áo lông chồn được vắt trên khuỷu tay của gã tài xế trung niên đứng bên cạnh. Bà ấy cúng bái khoảng nửa giờ, cung kính nhận lấy phật châu từ tay trụ trì rồi được trụ trì tiễn ra đến tận cửa.
Lúc này Mộ Mai đứng cách đó không xa, tay cô đang bị mẹ Xuân siết rất chặt, cô ngẩng đầu chỉ có thể nhìn chiếc cằm của mẹ Xuân bạnh ra, cho thấy lúc này mẹ đang tức giận. Mộ Mai cắn môi không dám nói cho mẹ Xuân biết mình đau. Lát sau, mẹ Xuân thả tay cô ra, ngồi xổm xuống kề sát vào người Mộ Mai, chỉ vào thiếu phụ bụng to kia: "Mộ Mai, con nhìn thấy người đó không?"
Mộ Mai gật đầu. Từ góc độ của cô bé chỉ thấy được cái bụng to tròn của người thiếu phụ, phía sau là bồn hoa đương độ nở rộ có trắng có đỏ, có tím có hồng vô cùng xinh đẹp.
Giọng mẹ Xuân vẫn vang lên bên tai: "Mộ Mai, bắt đầu từ bây giờ con hãy ghi nhớ lời mẹ Xuân nói. Con phải nhớ rõ người đàn bà kia, có một ngày mẹ Xuân muốn con phải làm cho gương mặt ấy trở nên đau khổ tột độ."
Mộ Mai vẫn vô thức gật đầu, cô bé đang nghĩ không biết mấy bông hoa kia có tên là gì ấy nhỉ? Chắc chắn tên của loài hoa ấy phải đẹp lắm đây.
"Mộ Mai, cách gây cho người đàn bà kia đau khổ chính là đứa bé trong bụng của ả. Mười ngày sau nó sẽ đến với thế giới này, mẹ Xuân nhất định sẽ cầu xin cho nó được bình an chào đời. Mộ Mai, sau này các con sẽ lớn lên, chờ đến ngày con trưởng thành, nếu người đàn bà kia sinh ra một bé trai thì con hãy nhớ phải khiến nó yêu con, rồi từ đó hóa tình yêu thành độc dược, để nó sống không bằng chết. Còn nếu người đàn bà kia sinh ra con gái, thì con nhất định phải cướp mất người yêu của nó vào thời điểm nó yêu đối phương nhất, khiến nó đau đớn khôn cùng."
Mộ Mai vẫn đang nghĩ vẩn vơ, nếu bên bồn hoa đó có bướm vờn quanh thì sẽ đẹp hơn nhiều.
"Mộ Mai, con có nghe mẹ nói gì không?"
Bên tai truyền đến tiếng nói cao vυ"t của mẹ Xuân, cô bé bối rối dời mắt khỏi bồn hoa kia: "Con có ạ, mẹ Xuân." Rồi cúi thấp đầu.
"Vậy con có nghe theo lời mẹ Xuân nói không?" Tiếng nói lanh lảnh vẫn còn quanh quẩn bên tai.
"Con sẽ nghe lời mẹ Xuân bảo." Mộ Mai dè dặt đáp lời.
"Lớn tiếng một chút."
"Con sẽ nghe lời mẹ Xuân bảo ạ."
Mộ Mai trả lời vang vang. Sơ Tống ở cô nhi viện rất thương cô bé, bà dặn Mộ Mai phải ngoan ngoãn mới được người ta thích, mới không bị đuổi đi.
Con sẽ nghe lời mẹ Xuân bảo! Đây chính là ma âm đeo bám suốt những năm tháng trưởng thành của cô bé. Rất lâu rất lâu sau, Mộ Mai luôn bị tiếng đáp lời dõng dạc của mình làm choàng tỉnh. Nhiều năm sau nữa, trong những đêm tối mù mịt, cô luôn nhớ đến hình dáng của những bông hoa kia và giọng nói non nớt, u mê của mình thời khắc ấy.
Cứ thế, vào năm Mộ Mai bốn tuổi, sự thù hận mang dáng điệu buồn cười và không thể tưởng tượng nổi đã vào trú chân trong cuộc sống của cô như thế. Rồi một ngày cô sẽ lớn lên, cô sẽ khiến người thiếu phụ xinh đẹp kia đau khổ tột cùng thông qua đứa con của bà ấy. Nếu đứa bé kia là nam, cô sẽ khiến cậu ta yêu cô, nếu đứa bé kia là nữ, cô sẽ cướp đi người yêu của cô gái ấy. Nghe thật là điên cuồng.
Năm Mộ Mai tám tuổi, mẹ Xuân cho cô một tấm ảnh, đứa bé trai trong ảnh trắng trẻo, còn đẹp hơn cả những đứa bé được mệnh danh là thiên sứ: "Nó tên là Vưu Liên Thành, trước mắt con chỉ cần biết tên nó là được, còn lại cứ để sau này mẹ sẽ từ từ nói cho con biết." Mẹ Xuân chỉ vào ảnh, ung dung giới thiệu.
Trong đám trẻ chơi chung chỉ có Mộ Mai là bé nhất, có một hôm cô bé nghe Judy bảo thỉnh thoảng có mấy nhà giàu có nào đó sống ở London sẽ đến chùa phát quà từ thiện. Judy còn nói hôm nay người đến chùa phát quà là gia đình của Vưu tước gia. Qua lời giới thiệu sơ sài của Judy, Mộ Mai biết Vưu tước gia thật ra là người Trung Quốc, ngày xưa từng là tỷ phú Hong Kong di dân đến Anh, nghe nói nhà đó có rất nhiều mỏ dầu ở Trung Đông và còn kinh doanh lĩnh vực liên quan đến châu báu nữa. Tóm lại là giàu đến mức khiến người ta thèm thuồng. Bởi vì hằng năm ông ấy đóng góp rất nhiều tiền cho chính phủ Anh nên chỉ trong mười năm đến Anh, hoàng thất đã ban cho ông ấy danh hiệu tước gia vinh dự này.
Judy còn bảo hôm nay là sinh nhật bốn tuổi của Vưu thiếu gia, từ tối qua đã có vài chiếc xe vận tải chở những món quà xinh đẹp đến chùa rồi. Người đến chùa rất đông, chủ yếu đều là trẻ con và người già lọm khọm. Mấy hòa thượng giữ gìn trật tự cho chùa chia họ thành hai hàng ngay ngắn chờ nhận quà. Mộ Mai đứng xếp vào hàng của trẻ con, nhìn chúng vui mừng hớn hở ôm lấy món quà tinh xảo bước ngang qua mình. Đến lượt Mộ Mai, cô không nhìn vào mấy món quà kia như những đứa trẻ khác, mà là chuyển ánh mắt sang người thiếu phụ dưới ô. Bà ấy vẫn đẹp như ngày nào, có điều là da trắng bệch trông không hề khỏe mạnh. Ngồi bên cạnh bà là đứa bé trai nho nhỏ, cậu bé đẹp rạng ngời hệt như những đóa hoa Mộ Mai từng thấy, khiến cô ngắm nhìn ngây dại.
Cậu mặc chiếc áo sơ-mi kiểu hoàng tử hay mặc trong dịp xuất hiện trước công chúng, chiếc áo màu xanh lam, cổ áo thắt nơ. Đó là Vưu Liên Thành mà mẹ Xuân đã dặn cô nhất định phải nhớ kỹ kia.
"Này cô bé..." Một giọng nữ nhỏ nhẹ vang lên. "Cháu là người Châu Á à? Nhật, Hàn hay Trung Quốc?"
Mộ Mai sửng sốt, nhanh chóng cúi gằm đầu, khe khẽ trả lời: "Cháu đến từ Trung Quốc ạ."
Sơ Tống đã nói cho Mộ Mai biết cô bé là người Thượng Hải, bị bỏ rơi từ lúc bốn ngày tuổi trong khoa phụ sản mà không có ai nhận nuôi, đến cuối cùng phải đưa đến cô nhi viện. Sau đó lúc ba tuổi thì mẹ Xuân đến nhận nuôi cô rồi đưa đến Anh.
"Ồ... là người Trung Quốc à." Giọng nữ kia trở nên thân thiết rõ rệt, đó là người phụ nữ trung niên phát quà từ thiện mang khuôn mặt phương Đông.
"Chị Như, bảo cô bé đến đây." Giọng nói dưới ô truyền đến.
Mộ Mai được người phụ nữ tên Như kia dẫn đến dưới chiếc ô to, một đôi tay trắng nõn cầm lấy tay cô bé. Mộ Mai ngẩng đầu nhìn vào người đang nói chuyện. Gương mặt kia thấp thoáng nét cười, đó chính là gương mặt mà mẹ Xuân đã bảo có một ngày cô sẽ khiến nó trở nên đau khổ tột cùng.
"Đúng là cô bé người Trung Quốc đây mà!" Bà ấy quay đầu cười với người phụ nữ trung niên kia, lần này bà nói tiếng Trung, "Trông cô bé đáng yêu quá." Sau đó kề đến gần Mộ Mai, hỏi cô bằng tiếng Trung, "Cô bé, con biết nói tiếng Trung không?"
"Dạ có thưa phu nhân." Mộ Mai ngoan ngoãn đáp.
Hôm ấy, cô được nhận những hai phần quà khiến đám bạn hâm mộ. Đó là thanh sô-cô-la ngọt lịm, chính là thứ trong truyện cổ tích mà mụ phụ thủy ở tít trong rừng sâu hay lừa mấy đứa trẻ lương thiện để ăn thịt.
Về phần lần đầu gặp mặt Vưu Liên Thành, Mộ Mai cảm thấy cậu bé ấy lúc mắng chửi người ta cũng đầy khí phách. Ngày đó, cậu nhìn chằm chằm vào đôi giày da lấm lem bùn đất của Mộ Mai, sau đó bảo "Đồ ăn xin dơ bẩn."
Tuy vẫn còn rất nhỏ tuổi, nhưng giọng nói non nớt đã đặc sệt khẩu âm Oxford cao quý hệt như chiếc áo sơ mi trên người cậu vậy.