Chương 3: Vết sẹo (An)

Lần đầu tôi gặp cậu ấy là vào cuối năm lớp ba, lúc đang đánh nhau với đám đàn anh lớp trên. Dùng từ đánh nhau cũng không đúng lắm vì sự thật chỉ có mình tôi đơn phương chịu đòn. Hồi đó tôi là một nhóc kính cận gầy nhẳng cắp cặp sách đi học đội tuyển toán, đối tượng tiềm năng cho công cuộc xin đểu tiền tiêu vặt. Nhưng tính tôi bướng bỉnh, nào có chuyện mặc người bắt nạt dễ dàng như thế.

Thời điểm quăng cặp sách lao vào tẩn nhau, tôi còn tự cảm thán mình ngầu đỉnh, càng ăn đòn đau càng hăng máu. Ông đây cầm tinh con cọp, sợ đếch gì bố con thằng nào. Mải mê vật lộn tôi còn chẳng nhận ra phe mình bỗng nhiên nhiều thêm một người, suýt nữa nhào vào cắn cậu ấy luôn, may mà kịp dừng răng.

Tôi nhận ra trước mặt là thằng nhóc nhà cuối xóm, học trên mình một lớp, chưa bắt chuyện bao giờ. Không đánh thì chẳng quen, chúng tôi kết bạn ngay sau trận ẩu đả hôm đó. Suốt nhiều năm sau, lần nào tôi gặng hỏi lý do tương trợ, Việt cũng chỉ lạnh nhạt quăng lại hai từ “ngứa mắt” và “tiện tay”.

Sang năm học mới, cậu tình cờ trở thành bạn cùng bàn với tôi luôn. Ủa hơi lạ nhỉ? Ừm, thời đó gọi là đúp lớp ấy, không phải chuyện đáng tự hào gì. Người mừng thầm chắc chỉ có mình tôi thôi.

Tính tình cậu ấy trầm mặc, kiệm lời, đem tới cảm giác tồn tại rất thấp, nhiều khi tôi còn quên mất có người đang ngồi cạnh. Bạn cùng bàn học không giỏi và cũng chẳng thích học. Môn học duy nhất gây hứng thú cho cậu chỉ có Mĩ thuật. Cứ đến giờ vẽ là cậu lại trở thành hot boy theo cả nghĩa này lẫn nghĩa nọ. Nhận vẽ bài giúp các bạn kiếm được nhiều đồ ăn vặt lắm, ăn không hết toàn phải chia cho tôi ăn hộ. Dần dà cậu chuyển sang nhận tiền chứ không lấy hiện vật nữa, thế là tôi mất miếng ăn ké luôn. Hừ, cái đồ thực dụng.

Hồi ấy, mấy quán tạp hóa ngoài cổng trường bán đủ thứ đồ lặt vặt mà đám trẻ con mê mẩn, nổi bật nhất phải gọi tên hình xăm dán. Bạn cùng bàn có đầu óc kinh doanh nhanh chóng bắt lấy cơ hội kiếm tiền này. Cậu mượn tay tôi để luyện vẽ, từ các mẫu hình bán sẵn cho tới những mẫu sáng tạo và đẹp mắt hơn bằng các loại bút màu chuyên dụng mà đám trẻ còn chưa được thấy bao giờ. Hiện trường tác nghiệp mau chóng thu hút ánh nhìn hiếu kỳ đầy ngưỡng mộ của đám bạn chung lớp.Hình xăm dán tuy nhanh chóng tiện lợi đấy nhưng rồi ai ai cũng giống y hệt nhau. Có hình nào đặc biệt mà chỉ mình bạn có không? Có tên tuổi biệt danh chữ ký gì mang dấu ấn riêng của bạn không?

Không! Thế thì mau đến gặp anh Việt 4a để tậu ngay cho mình một hình xăm độc nhất vô nhị. Đảm bảo mực lâu trôi không bị nhòe nhoẹt mất nét, bảo hành dặm màu miễn phí trong vòng ba ngày. Nếu bạn dám để, chúng mình dám vẽ.

Dịch vụ xăm hình này nhanh chóng thu hút được lũ trẻ con trong khối nhờ phần lớn vào công lăn xả khắp nơi và tài nói điêu mà tôi vô cùng tự hào. Túi tiền quà vặt của hai thằng nhóc trở nên rủng rỉnh chưa từng có. Ăn chia sòng phẳng, cưa đôi lợi nhuận, Việt chăm chỉ vẽ hình, còn tôi lê la khắp các khối lớp kiếm thêm mối làm ăn.

Một ngày nọ, Việt giảm dần số lượng hình xăm trong ngày rồi không nhận thêm khách nào nữa. Nhìn bản mặt thắc mắc của tôi, cậu rề rà giải thích rằng không làm thế này mãi được, thà tự rút lui trước khi bị khách hàng chán. Càng về sau tôi càng thấm thía câu nói thấm đượm triết lý kinh doanh của một thằng nhóc tiểu học. Có những người bẩm sinh mang trong mình sự nhạy bén và năng khiếu trời ban, không ai dạy cũng không học ở đâu được.

Chúng tôi học chung với nhau cả những năm cấp hai. Vẫn mang duyên nợ cùng bàn và thành tích xa nhau hẳn cái danh sách lớp. Tôi duy trì điểm số nằm trong top đầu như trách nhiệm của một đứa con ngoan trò giỏi, còn Việt vẫn thờ ơ, chả mặn mà gì với việc học tập.

Thiếu niên độ trăng tròn khó tránh khỏi xao động tuổi dậy thì. Dần dà, tôi nhận ra mình có chút lạc lõng giữa những câu chuyện mờ ám của đám con trai cùng tuổi. Chúng nó lén lút chia sẻ cho nhau nhiều loại tạp chí và băng đĩa với phần tên đầy vết gạch xóa rồi khoái chí bình phẩm với vẻ mặt vặn vẹo. Niềm an ủi duy nhất giúp tôi không trở thành tên mọt sách lạc loài đứng ngoài cuộc vui tuổi mới lớn là bạn cùng bàn cũng vậy. Tôi mê học toán, giải mật mã còn cậu mê vẽ và kiếm tiền.

Cứ tới kỳ nghỉ hè là Việt mất hút, nghe nói là đi theo ông anh xã hội nào đó luyện vẽ vời xăm trổ. Bố mẹ biết chuyện cấm tiệt tôi chơi với thằng ranh con nhà ma men. Mỗi lần bố nó nốc rượu vào đánh mẹ nó phải nhập viện, cả xóm đều hóng hớt đồn thổi. Theo lời người lớn thì nít ranh nứt mắt ra dám cầm chai sành phang thẳng đầu ông bô như nó sau này rồi cũng thành phường trộm cướp, ung nhọt của xã hội chứ chẳng làm nên điều tốt đẹp gì cho đời.

Tôi bực họ lắm vì cho rằng cậu ấy chỉ tự vệ chứ chẳng làm gì sai cả. Sao mà chịu đựng cảnh bạo hành mãi được? Vùng lên giữa roi vọt là sai ư? Khi mà mục đích cuối cùng là để bảo vệ người phụ nữ đã quá khổ cực không thể tự cứu mình. Nếu như tôi ở vào hoàn cảnh ấy, chắc hẳn cũng sẽ làm điều tương tự.

Tôi nhớ tới trận đánh khiến hai đứa quen nhau, Việt đã xông vào không chút do dự. Có lẽ tâm lý phản kháng dồn nén lâu năm của cậu bột phát trong khoảnh khắc thấy tôi một mình chống chọi với cả đám côn đồ. Cũng có thể Việt thực sự “ngứa mắt” vì cảnh tôi chật vật khó coi gợi nhớ tới người mẹ bất lực cam chịu.

Dù động cơ ban đầu là gì, tôi chưa từng nghĩ rằng hành động của cậu ấy là sai trái. Có sự khác biệt rất lớn trong cảm xúc biểu lộ thông qua đôi mắt đen ấy với sự khoái trá ở lũ ưa thích bạo lực và cảm giác trên cơ kẻ yếu. Thậm chí hành động chùi rửa lúc rời đi tố cáo tâm trạng chán ghét sợ bẩn tay của cậu, hệt như vầy vò phải rác rưởi.

Trong cảm nhận của tôi, Việt là một người bạn tốt, vô cùng sòng phẳng dễ chơi, bề ngoài lạnh nhạt kiệm lời dường như vô tâm, thật ra lại rất chú ý quan sát và giàu tình cảm. Việt có thế mạnh riêng, biết tập trung phát triển ưu điểm của mình và nỗ lực trở nên tiến bộ. Quan trọng hơn hết là tôi rất vui khi dành thời gian ở bên cạnh cậu.

Tôi biết Việt là một người bạn tốt.

Tôi biết rằng đối với tôi, Việt không chỉ đơn thuần là một người bạn tốt…

[***********]

…..

“Bà biết gì chưa? Thằng lỏi nhà sâu rượu suốt ngày đàn đúm với đám xì ke ấy, nó vừa choảng nát đầu ông già nó máu me be bét giờ bị công an xích lên đồn luôn rồi.”

“Thế à, bảo sao ầm ĩ suốt cả trưa. Xời tao còn lạ gì lũ mất dạy đấy. Quỵt tiền nước của tao mà lúc đ*o nào cũng thấy hút chích gái gú.”

“Hở? Sao tôi nghe bảo là nó xách lão bợm lên đồn cơ mà?”

“Khác mẹ gì nhau, giờ vẫn bị xích, chưa biết bao giờ thả.”

“Nãy cháu còn thấy thằng con trai nhà ông tổ trưởng đi theo.”

“Nghĩ sao lại để con chơi với loại đấy không biết. Phải tôi, tôi cấm tiệt.”

…..

“Đây là cái gì?”

Tôi im lặng nhìn người cha hừng hực nổi cơn thịnh nộ, rồi tới quyển nhật ký đã ngụy trang bằng bìa sách giáo khoa bị vứt toẹt xuống nền nhà.

Hẳn là lộ rồi.

“Mày câm rồi à? Tao hỏi mày viết cái gì đấy?”

Xem ra thành tích đứng đầu và những lời khen ngợi không bao giờ là đủ.

“Đ*t mẹ mày chứ thằng điên này!”

Trời đất quay cuồng, tôi cầm lấy quyển nhật ký ở ngay trước mắt.

“Tao cảnh báo mày tránh xa nhà đấy bao nhiêu lần rồi?”

“Tao tốn tiền nuôi mày ăn học để mày bôi tro trát trấu vào mặt tao à.”

“Ông ơi ông nhỏ tiếng thôi.”

“Choang”

“Loảng xoảng”

Tiếng đập phá chửi rủa liên tục vang lên trong căn nhà khang trang nhất xóm rạch nát sĩ diện giả dối mà chủ gia đình nọ đã dày công vun đắp nhiều năm.

…..

“Ê ê, ghé tai lại gần tao nói cho cái này.”

“Sao, có vụ gì?”

“Thật ra thằng An nghỉ học để đi chữa bệnh đấy!”

“Hả? Tao tưởng nó chuyển trường để ôn thi học sinh giỏi gì mà?”

“Không! Sắp tốt nghiệp rồi còn chuyển cái gì. Hôm qua tao đi ngang nhà nó, thấy tiếng đánh chửi kinh lắm, nên tao ghé vào cửa sổ hóng. Hình như mắc bệnh truyền nhiễm gì ấy, ông già nó còn chửi không chữa khỏi thì chết mẹ luôn đi cơ!”

“Ghê vậy!”

“Ừ. Suỵt suỵt nhé, tao kể mỗi mình mày thôi đấy!”

“Ờ ờ, yên tâm, tao không nói cho ai đâu.”

--------

“They say we"ll rot in Hell, but I don"t think we will

They"ve branded us enough outlaws of love.”