Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Yêu Em! Cô Gái Của Anh

Chương 92: Ngoại truyện : cuộc đời của Phong và 1.111 ngày yêu

« Chương Trước
Tôi tên Phạm An Phong. Mẹ tôi bảo đặt tên An Phong với mong muốn tôi sẽ là người con trai tài ba, giỏi giang. Cuộc sống của tôi luôn bình an và tràn ngập niềm vui. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ. Trong trí nhớ non nớt của một đứa trẻ, tôi nhớ bố tôi đi công tác triền miên. Mỗi khi ông về mua cho tôi rất nhiều quà. Ông tranh thủ thời gian nghỉ đưa tôi đi chơi khắp nơi. Ông chưa lần nào quát mắng tôi nặng lời. Thời điểm đó tôi là đứa trẻ hạnh phúc.

Năm ấy, bố đi công tác mãi không về. Tôi cũng quá quen thuộc với những ngày vắng bố. Đến một ngày, bố tôi về, mẹ tôi, ông bà nội tôi khóc rất nhiều. Tôi cũng khóc, tôi gọi, tôi lay bố không dậy. Tôi đòi bố đưa đi chơi, bố vẫn nằm im một chỗ. Gia đình tôi lúc nào cũng vui vẻ giờ im lìm, không khí nặng nề bao trùm.

Có một lần, tôi đứng ở cửa phòng bà, nghe lén cuộc nói chuyện của bà và mẹ:

- Cô lừa dối nhà tôi bao năm nay rồi. Cô dẫn thằng bé đi đi.

Mẹ tôi quỳ dưới sàn nhà lạnh buốt, khóc lóc xin bà tôi:

- Xin mẹ đừng đuổi con. Bố mẹ và anh Quân đi đâu con đi đó. Chờ đến lúc anh ấy tỉnh lại con xin đi.

Bà hằm hằm tức giận, chỉ tay thẳng vào mặt mẹ:

- Cô là sao chổi của nhà tôi. Cô hại con tôi thê thảm cô vẫn chưa hài lòng sao? Đem cả con của cô. Cút.

- Con không đi, con ở lại là để trả ơn anh ấy, trả ơn bố mẹ. Bố mẹ giờ đều đau yếu. Chỉ cần anh Quân tỉnh lại con sẽ đi.

Bà tôi đấm vào ngực thùm thụp kêu lên:

- Giời ơi là giời, kiếp trước tôi ăn ở thế nào mà kiếp này tôi lại khốn khổ thế này hả giời?

Mẹ tôi đứng dậy đỡ bà:

- Mẹ, mẹ đừng như thế. Con xin mẹ.

- Cô ra khỏi phòng tôi. Nhìn thấy cô, tôi tức mà chết mất.

Mẹ tôi lủi thủi đi khỏi phòng bà. Tôi nhanh chân chạy trước để mẹ không nhìn thấy mình. Từ đó, tôi cảm giác ông bà hết yêu thương tôi. Tôi nhìn thấy sự khinh bỉ trong ánh mắt của ông bà dành cho mẹ.

Nhiều ngày nằm viện, bố tôi cũng tỉnh dậy, tuy nhiên ông nằm đâu nằm đó. Ông bà tôi bán nhà ở phố về quê. Tôi và mẹ cũng theo đi. Bà không còn đuổi mẹ nữa, nhưng cũng chẳng chuyện trò với mẹ con tôi. Dường như có khoảng không vô hình nào đó giữa chúng tôi. Mọi sinh hoạt cá nhân của bố đều do một tay mẹ làm. Có thể, mẹ nói đúng, ông bà già yếu rồi nên việc chăm sóc này chỉ mẹ làm được vì thế mẹ con tôi vẫn được ở lại cùng bố. Tôi học mẹ, những lúc rảnh rỗi, tôi trò chuyện cùng bố, xoa bóp chân tay cho bố.

Bố tôi nằm vậy tầm một năm thì ông ngồi dậy được. Chiều chiều, tôi đẩy xe lăn cho bố đi dạo quanh xóm. Bố xoa đầu khen tôi ngoan, tôi vui lắm nên bảo bố:

- ** Bi ngoan thế này thì bố đừng đuổi mẹ và ** Bi đi nhé.

Bố đặt tôi ngồi lên đùi, ôm tôi vào lòng, ông chảy nước mắt nhìn tôi gật đầu. Tôi không hiểu chuyện gì nên chẳng dám kể với bố chuyện bà nội đuổi mẹ con tôi.

Ngày tháng trôi đi, mẹ vẫn ngày ngày cần mẫn chăm sóc bố. Mẹ dìu bố tập đi, rồi bố đi bằng nạng và cuối cùng ông cũng đi lại được bình thường. Cả nhà tôi đều vui, nhất là ông bà nội. Đi đâu, làm gì hay ai đến nhà chơi bà cũng khoe. Mọi người đều khen bố tôi tốt số có cô vợ thảo hiền thì bà tôi lại nguýt dài. Mẹ con tôi dường như là cái gai trong mắt bà. Tôi thương mẹ lắm, mẹ hay ngồi bần thần nhìn xa xăm nơi cuối trời khóc một mình.

Có lần, tôi chạy lại ôm mẹ hỏi:

- Tại sao bà lại ghét mẹ con mình? Tại sao mẹ lại cam chịu để cứ khóc một mình thế này?

Mẹ lau nước mắt, ôm tôi vào lòng trả lời:

- Vì bà thương bố, thấy bố ốm nên mới giận mẹ. Giờ không sao nữa rồi, bố con khỏi ốm, bà lại thương mẹ con mình thôi.

Từ ngày đó, tôi không còn gặp mẹ khóc một mình nữa. Trước mặt tôi, mẹ cười nhiều hơn. Gia đình nhỏ của tôi lại đầy ắp tiếng cười. Mỗi khi tối đến ba người chúng tôi đóng cửa ở trong phòng, bố dạy tôi học, còn mẹ may vá, thêu thùa ở bên cạnh. Bố trêu tôi cười, mẹ cũng cười theo. Phòng có hai giường, tôi ngủ với mẹ, bố ngủ riêng.

Năm tôi tám tuổi, mẹ tổ chức cho tôi một sinh nhật vui vẻ. Bố châm nến, nhà ba người chúng tôi cùng thổi nến. Nhìn bố mẹ cười tôi vui lắm, chỉ mong những ngày tháng tiếp theo gia đình chúng tôi luôn hạnh phúc thế này.

Hai ngày sau, tôi dậy đi học, mẹ kêu mệt nên bố bảo mẹ nghỉ ngơi đừng dậy sớm. Tôi hôn vào trán tạm biệt mẹ và bố đưa tôi đến trường. Buổi trưa, tôi chờ mãi không thấy bố mẹ đến đón nên đi bộ về nhà. Nhà tôi nhốn nháo, toàn người là người. Mọi người thấy tôi, sụt sùi khóc. Tôi ngơ ngác đi vào nhà. Mẹ tôi nằm đó bất động. Tôi gào, tôi thét, tôi lay mẹ như ngày bố tôi trong bệnh viện. Tôi hi vọng mẹ cũng như bố, một thời gian nữa sẽ tỉnh dậy như bố. Bố tôi đến bên cạnh nhỏ giọng:

- Mẹ mất rồi.



Tôi chỉ biết ôm lấy mẹ, xin mẹ mở mắt nhìn tôi. Người mẹ lạnh ngắt, dù tôi có gào khản cổ mẹ cũng không hề mở mắt nhìn tôi lần cuối. Mọi người kéo tôi ra, bố tôi tự tay tắm rửa cho mẹ. Bố mặc cho mẹ một bộ quần áo mới. Người ta cho mẹ tôi vào chiếc áo quan, đóng nắp lại. Ngày hôm sau, mẹ được đem ra đồng. Tôi mất mẹ từ đó.

Bố bảo mẹ tôi đột quỵ mà mất, nhưng tôi không tin. Chắc chắn mẹ tôi mất do nguyên nhân khác, và người tôi hận nhất là bà. Tôi nghĩ rằng bà đã hành hạ mẹ tôi về tinh thần để mẹ không chịu nổi nên mới dẫn đến kết cục này. Tôi từ cậu bé ngoan ngoãn trở lên nghịch ngợm, phá phách. Tôi bắt đầu đánh nhau với bạn, ngày nào đi học về tôi cũng mắc lỗi. Bố mẹ bạn bị đánh thậm chí sang nhà tôi ăn vạ. Tôi bị phạt đủ các hình phạt của nhà trường. Bố cũng được mời lên trường để làm việc với cô giáo chủ nhiệm về vấn đề giáo dục tôi. Tôi biết, tôi vẫn mặc kệ.

Tôi quậy phá như vậy cũng chỉ có bà mắng mỏ, chửi bới tôi. Bà càng mắng tôi càng phá. Nhìn cảnh bà tức giận tôi cảm thấy hả lòng như báo thù được cho mẹ. Còn bố, bố chỉ ân cần bảo ban tôi. Bố không mắng, không chửi, làm tôi thấy ân hận vì hành động của mình nhưng tôi vẫn quậy cho bà phải giận.

Ông nội tôi qua đời. Bà cũng bỏ bố con tôi đi. Trước lúc lâm chung, bà gọi tôi lại gần, nắm tay tôi và bảo:

- Bà xin lỗi con. Bà không tốt. Hãy tha thứ cho bà.

Tôi dù vẫn hận bà nhiều lắm nhưng nhìn bà hấp hối tôi cũng không khỏi rơi nước mắt. Tôi khẽ gật đầu, bà mỉm cười rồi buông thõng cánh tay ra khỏi tay tôi. Bà tôi cũng đi theo mẹ và ông.

Trẻ con, bồng bột, nổi loạn, đó là tất cả những gì mà bố tôi nói khi người ta đến nhà bắt đền tôi. Bà mất, tôi không còn ai mà hằn học, hận thù. Bố vừa làm bố, vừa làm mẹ. Tôi lớn hơn, hiểu chuyện hơn, thấy bố buồn tôi sợ, sợ một ngày nào đó bố cũng bỏ tôi đi theo mẹ, theo ông bà. Tôi trở nên ngoan hơn, chịu khó học hành hơn. Ngoài bố tôi ra tôi không chia sẻ bất cứ điều gì với ai. Tôi luôn lạnh lùng, ít nói, khó gần. Chơi được với tôi chỉ có Lâm cậu bạn học cùng lớp. Sau này học đại học thì tôi quen thêm Sơn.

Thi đỗ đại học, tôi theo ông ngoại học được rất nhiều về kinh doanh. Năm hai, tôi dành được học bổng đi du học. Năm năm du học về, ông ngoại chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của ông trong tập đoàn cho tôi. Nhà ông bà ngoại tôi giàu có nhưng chỉ có mình mẹ tôi. Khi mẹ còn sống, bố tôi đau ốm nhiều lần tôi thấy ông bà muốn đón mẹ con tôi về, mẹ tôi không nghe. Ông bà từ mặt mẹ. Mẹ mất, ông bà lại đến đón tôi về thành phố với lý do học ở trường làng không bằng thành phố. Bố tôi cho tôi quyết định việc đi hay ở. Tôi thương bố, chọn ở lại với bố.

Sau một năm học việc, hai mươi sáu tuổi tôi chính thức ngồi vào ghế tổng giám đốc của tập đoàn ABJ. Ông mất, tôi trở thành người chèo chống tập đoàn nhờ sự giúp đỡ của chú Bằng. Vị trí này đáng ra là của Kim Ngọc, con gái chú Bằng, nhưng chú sợ cô ấy không đủ sức. Còn tôi, năm năm du học, tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.

Tập đoàn tôi tham gia vào các hoạt động từ thiện và tài trợ cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Tôi rất tâm đắc với ý tưởng này của ông ngoại nên khi thay vị trí của ông tôi vẫn duy trì các hoạt động này. Mùng một tháng sáu năm ấy, với cương vị tân tổng giám đốc tôi cùng các đồng nghiệp của mình đi phát quà cho làng trẻ SOS. Tôi phát hiện ra không chỉ riêng chúng tôi các trường đại học khác nhau trong thành phố cũng tổ chức cho sinh viên tham gia vào chương trình này. Mọi việc hoàn thành, tôi một mình đi dạo quanh trung tâm. Tôi bắt gặp một cô gái, tóc buộc cao mà vẫn dài ngang lưng. Em mặc chiếc áo xanh đoàn viên, chiếc quần bò màu xám. Rất nhiều các bé ngồi xung quanh em ở dưới gốc cây xà cừ to. Tôi lặng đi nhìn em ngồi chơi với bọn trẻ. Em vừa dạy bọn trẻ hát, vừa tết lại tóc cho từng bé gái. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng cả một góc trời. Tôi bất giác mỉm cười bởi nhìn thấy ở nơi đó có hình bóng tuổi thơ của mình.

Cơn mưa rào bất chợt vào giờ tan tầm, làm dòng người trên phố trở nên vội vàng hơn. Tôi nhớ lại quãng đời sinh viên, nhớ cảm giác chen chúc trên xe buýt mỗi chiều đổ mưa. Bước lên chuyến xe ngày hôm đó không quá đông người. Tôi tìm được một chỗ cho riêng mình ở cuối xe. Nhìn qua cửa kính, những giọt mưa đang xối xả rơi xuống. Tôi bị giật mình bởi tiếng quát của phụ xe:

- Nhanh lên, lề mề quá đấy.

Cô gái tay cầm chiếc ô nhỏ đang cụp xuống, giũ giũ những giọt nước mưa còn vương lại trên ô cười trả lời:

- Chú đừng nóng giận, tổn thọ đấy.

- Cái cô này, từ sau tránh xe tôi ra.

- Cháu có duyên với cái xe này rồi. Tránh đâu khỏi nắng ạ.

Là em, cô gái dưới gốc cây xà cừ. Mái tóc vẫn buộc cao ngúng nga ngúng nguẩy. Em ngồi hàng ghế bên kia đối diện tôi. Phụ xe buýt đi tới hất hàm với cô bé bán vé số ngồi cạnh em. Cô bé mếu máo:

- Chú ơi, từ sáng đến giờ con chưa bán được cái vé nào. Chú cho con đi nhờ về, mai bán được con trả chú.

- Ơ, ai cũng đi nhờ như mày thì bọn tao chết đói à.

Mọi ánh mắt đổ dồn về cuối xe, trong xe im lặng chỉ còn tiếng nấc của cô bé bán vé số. Em ân cần nhìn cô bé:

- Không sao đâu em.

Quay sang phụ xe buýt em bảo:

- Đây chú, cháu trả tiền vé cho em ấy.

- Đi làm bục mặt ra còn bày vẽ, thời buổi này dễ bị người ta lợi dụng lắm đấy.

Phụ xe buýt xé vé làu nhàu, trả lại tiền thừa. Em dường như chẳng để tâm vào câu nói đó. Em lấy khăn tay lau mặt cho cô bé:

- Em ướt hết rồi, khổ thân. Em rét không? Khoác tạm cái áo này vào cho đỡ lạnh nhé.

Em lấy trong túi xách của mình một chiếc áo còn mới nguyên, khoác lên người cô bé. Cô bé chớp chớp ánh mắt còn long lanh nước bảo:

- Chị tốt với em quá. Áo mới thế này lại cho em.

Em mỉm cười, xoa đầu cô bé:



- Em phải nhớ nếu có thể giúp được ai đó trong khả năng của mình thì hãy giúp. Chị giúp em ngày hôm nay, ngày sau em có điều kiện thì phải giúp những người khổ hơn mình. Áo này, chị mua cho em gái chị ở quê. Bao giờ chị về chị mua áo khác. Em cứ nhận lấy.

Tôi ấn tượng về em trên chuyến xe buýt buổi chiều thu ấy. Em đẹp, vẻ đẹp thánh thiện, đẹp không son phấn như các cô gái thành phố. Em làm cho tôi phải suy nghĩ về bản thân mình hơn, tôi chưa từng giúp ai xuất phát từ tâm mình như em. Giữa biển người bao la, tôi gặp được em, học được ở em một triết lý sống : “ Có thể giúp được ai đó trong khả năng của mình thì hãy giúp”.

Trở về nhà, hình ảnh em cứ mãi trong tâm trí tôi. Nụ cười, ánh mắt của em tràn đầy sức sống. Cái xoa đầu nhẹ nhàng của em làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Phản phất trong em đâu đó hình ảnh của mẹ tôi. Nhiều lần nghĩ mình thật nực cười, tập đoàn bao nhiêu con gái mà tôi lại luôn nghĩ về một người không biết tôi là ai. Có những cô đong đưa đến tận nơi như muốn mời gọi mà tôi chẳng hề quan tâm. Quay cuồng với công việc chồng chất như núi, tôi cũng chẳng để ý đến ai. Con gái chú Bằng, Kim Ngọc đi du học về làm cùng tôi. Cô ấy thích tôi, tôi biết, nhưng tôi lại chỉ nghĩ về em. Đến cái tuổi nào đó, trong tim bạn hẳn cũng đã có ít nhất một người. Không phải là người yêu, cũng không phải bạn, càng không phải là người dưng, người đó là người khiến bạn thổn thức trong phút giây. Tôi ước có một phép màu cho tôi gặp lại em. Cô gái trên chuyến xe buýt chiều hôm ấy.

Và tôi đã gặp lại được em, trong hoàn cảnh đặc biệt. Nhìn em gào khóc trước cửa phòng cấp cứu mà tôi chỉ biết nhìn. Tôi lạnh lùng bảo Sơn đưa em đi làm thủ tục nhập viện cho mẹ, sắp xếp cho mẹ em ở phòng VIP của bệnh viện và đưa cho em một số tiền để em lo thuốc thang cho mẹ. Đêm ấy, tôi nghĩ đến em. Hơn hai năm qua tôi không có cảm xúc yêu đương với ai, bởi cứ nói đến tôi lại thấy nụ cười của em dưới gốc cây xà cừ, thấy ánh mắt yêu thương của em dành cho cô bé trên xe buýt. Nó ăn sâu, len lỏi vào tim tôi nhưng khi gặp lại em rồi tôi lại sợ. Tôi sợ, sợ nhìn em khóc, sợ em sẽ hét lên vào mặt tôi chửi mắng, sợ em nói ghét tôi. Tôi nên làm gì để lại gần được bên em?

Công ty chị Hà mời tôi ăn cơm bàn về công việc. Chị dành cho tôi phần quà đặc biệt đó là em. Em thướt tha và mềm mại trong chiếc váy xòe trắng chấm bi, cổ tròn, tay bồng, dài ngang bắp chân. Em chỉ chắt rượu cho chúng tôi còn lại im lặng cả bữa ăn. Sau đó tôi biết được chị Hà muốn em qua đêm với tôi. Tôi giận, giận em đến tím cả ruột gan. Tôi đã nghĩ sai về em sao? Em trong tôi thánh thiện, trong sáng vậy mà em lại theo con đường dơ bẩn này. Tôi giận chính bản thân mình. Đưa em đi theo, không kiềm chế được bản thân mình tôi giận dữ hỏi em:

- Cô thiếu tiền sao?

- Phải.

Em trả lời tôi không chút do dự. Tôi như con thú dữ mất bình tĩnh quay sang ghì hai tay lên vai em, nhìn thẳng vào mắt em, đôi mắt tôi giận lên đỏ ngàu, kinh bỉ em:

- Hôm trước tôi vừa cho cô năm mươi triệu, cô thanh cao lắm không nhận. Hôm nay, cô đi làm công việc này, cô bán rẻ bản thân trong khi mẹ cô đang nằm viện. Cô….

Nước mắt em chảy dài, em bảo tôi làm em đau. Tôi bỏ em ra vẫn gắt với em hỏi em cần tiền làm gì, em chỉ bảo việc của em. Sau cái dáng vẻ hồn nhiên, thân thiện biết giúp đỡ người khác thì đây mới chính là con người thật của em. Tôi chán nản tìm đến rượu giải sầu. Đúng là đánh giá một con người không thể thông qua vẻ bề ngoài của người ta được. Tôi nhấp từng ngụm rượu như nhấm nháp nỗi đau trong trái tim mình. Gặp được em để làm gì? Thà rằng chẳng gặp lại để tim tôi có một góc nhỏ đẹp đẽ dành cho em còn hơn sự thật đáng coi thường này.

Nửa đêm, Sơn đến nhà thông báo với tôi, mẹ em cần tiền mổ tim gấp bởi vậy em mới định bán thân lấy tiền. Tôi thở phào nhẹ nhõm là tôi đã nghĩ oan cho em. Xoay xoay ly rượu vang đỏ trước mặt tôi nghĩ ra một cách để kéo em về gần bên tôi. Đóng tiền viện phí cho mẹ em và em về làm cho tập đoàn của tôi sau khi ra trường. Tôi biết thêm thông tin về em, cô gái đầy nghị lực. Tôi dặn Sơn bảo em đừng qua lại chỗ chị Hà bởi chị ta đang có âm mưu gì đó mà tôi chưa lật tẩy nổi.

Em ra trường vào tập đoàn tôi làm. Thực lực của em đúng như tấm bằng em cầm trên tay. Ngày đầu tiên đi làm tám giờ tối em mới tan ca. Ngày thứ hai đi làm em gặp tôi ở thang máy. Em lắp bắp khi nói chuyện với tôi, em cảm ơn tôi đã giúp đỡ em, có niềm vui nho nhỏ nào đó nhem nhóm trong tôi. Tôi nguyện ý đưa em về, em từ chối, đi nhanh ra cổng. Tôi bất chợt nở nụ cười nhìn theo bóng em bước lên xe buýt. Vẫn là tuyến xe buýt mà tôi đã gặp em.

Gặp lại em như một định mệnh của đời tôi. Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian từ khi gặp em, lần này tôi không thể bỏ qua cơ hội này được. Quyết định phải theo đuổi em bằng được. Nhắn tin cho em vào mỗi buổi tối, chúc em ngủ ngon và nhận lại lời chúc của em tôi thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Thế nhưng em lại hiểu lầm tôi và Kim Ngọc yêu nhau. Tôi tiếp cận em, còn em thì cứ lang lảng tôi. Em đâu biết rằng dù Kim Ngọc có tốt đến đâu thì trong trái tim tôi chỉ có hình bóng của em. Len lỏi vào cuộc sống của em, tôi biết thêm nhiều điều thú vị hơn. Em có một thú vui lạ thường, đó là dạy học. Lớp học cho những đứa bé ở xóm trọ nghèo. Ngày đi làm, em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mọi người trong tập đoàn cũng nể phục em và việc tôi làm trái quy định để nhận em. Tối về, em lại vui với đàn em nhỏ của lớp học bên chùa. Càng ngày tôi càng thấy rõ vị trí của em trong lòng mình. Công việc luôn bận rộn khiến tôi không thể gặp em hàng ngày mặc dù cùng làm một nơi nhưng tối nào tôi cũng nhắn tin cho em, kể cả khi tôi đi công tác. Tôi cảm nhận được dường như em cũng có tình cảm với mình nhưng tôi chưa đủ dũng cảm nói ra lời yêu với em.

Tập đoàn gặp rắc rối, tôi bị đem ra làm vật trao đổi. Chú Bằng hứa nếu tôi lấy Kim Ngọc sẽ giúp tôi ngồi vững hơn ở ghế tổng này. Nhưng trái tim tôi chỉ có bóng em. Tôi từ chối và làm đơn từ chức. Tôi tìm đến em. Tôi quá mệt mỏi rồi, tôi ôm em vào lòng. Mượn bờ vai của em làm chỗ dựa tinh thần cho bản thân mình. Em rang cho tôi một đĩa cơm. Tôi ăn ngon lành, vì em nấu rất ngon và vì tôi yêu em. Tối đó trước khi ra về tôi hỏi em một câu: “Dù chuyện gì sảy ra, em sẽ luôn bên tôi được không?”. Em chưa kịp trả lời tôi vội bước đi, tôi sợ nghe câu trả lời không như ý muốn. Tôi chắc chắn rằng em cũng có tình cảm với tôi, chờ mọi chuyện qua đi tối sẽ tỏ tình với em. Nhưng em đã có người yêu. Tôi tự cười chế diễu bản thân mình. Là tôi quá tự tin vào bản thân mình, hay là tôi tự tin rằng chỉ cần tôi thể hiện bằng hành động em sẽ nhận ra tôi yêu em.

Đơn từ chức của tôi bị chú Bằng xé toạc giữa cuộc họp cổ đông, chú tin tưởng tôi tuyệt đối. Trao đổi của chú cũng chỉ là phép thử cho tôi. Tôi vẫn ngồi vững ở chiếc ghế này, chỉ là không nắm được bàn tay của em. Nhiều lần định nhắn tin, rồi lại xóa, tôi lại sợ làm phiền đến cuộc sống của em. Mãi sau này tôi mới biết, em cũng đau khổ không kém gì tôi. Em hiểu lầm tôi và Ngọc, tôi hiểu lầm em có người yêu. Chúng tôi cứ mãi trong cái vòng quẩn quanh ấy mà vô tình làm khổ nhau. Cũng may có Sơn, cậu ấy giúp tôi tháo được nút thắt lớn trong chuyện của chúng tôi. Tôi nói chuyện rõ ràng với em, sau hơn ba năm từ cái ngày trên xe buýt ấy, tôi đã nói được với em “ Anh yêu em”.

Tôi chính thức bước chân vào cuộc sống của em. Sáng đón em đi làm, chiều về được em nấu cơm cho ăn. Tôi yêu em, yêu luôn cả lớp học nhỏ của em, yêu cả những luống hoa huệ bên chùa do tay em chăm sóc. Còn cả những hàng hoa sữa hắc xì mà tôi ghét giờ cũng vì em thích mà chúng trở nên đáng yêu trong mắt tôi.

Cứ tưởng hạnh phúc đã đến bên tôi và em thì biến cố lại sảy ra. Tôi vì muốn tìm kẻ đứng đằng sau gây hại cho tập đoàn mà đi một bước cờ liều. Tôi chấp nhận đầu tư vào một dự án và biết chắc chắn tôi sẽ thất bại. Tôi làm mọi cách để có thể thất bại. Tôi đã biến em thành một quân cờ trong kế hoạch của mình, em chẳng hề biết còn dùng cả tâm huyết của mình để giúp tôi. Tôi hận, hận bản thân mình suýt làm mất em. Lo sợ sẽ mất em, tôi đột ngột cầu hôn em, đeo vào tay em chiếc nhẫn như đánh dấu chủ quyền. Nhưng chỉ một ngày sau khi đeo, em tháo ra trả lại cho tôi. Em rời xa tôi, rời xa thành phố này trở về với bản làng quê em. Em trốn tránh tôi bao nhiêu tôi càng hối hận bấy nhiêu. Tôi đem bản thân mình làm mồi nhử cho cá cắn câu. Tôi bị thương. Em đã về bên tôi, tha lỗi cho tôi bởi tôi không làm vậy thì em gặp nguy hiểm. Mọi chuyện sáng tỏ, nụ cười đã trở lại trên môi em.

Tôi đeo chiếc nhẫn cầu hôn vào tay em lần thứ hai, em nói với tôi: “ Em sẽ đeo nó cả đời, trừ khi anh tháo nó ra”. Nhưng rồi chính tay em đã tháo nó ra một lần nữa. Em kể với tôi, bố em đã tìm thấy mẹ con em. Em rất hận ông ấy. Tôi khuyên em hãy mở lòng mình đón nhận bố như tôi cũng chuẩn bị đón nhận chuyện bố tôi lấy vợ nữa. Tôi tính với em, sau khi chuyện nhà tôi xong xuôi. Tôi đưa em về ra mắt và xin cưới. Tôi háo hức mong chờ đến ngày được đón em về làm dâu.

Em đi công tác Sài Gòn, tôi nhớ em da diết. Tôi tính từng ngày em về. Nhưng một sự thật làm tôi như hóa điên. Tôi cố uống cho say, nhưng càng uống càng tỉnh. Tôi chẳng biết mình phải đối diện với em như thế nào. Em gọi điện tôi không nghe, em nhắn tin tôi không nhắn lại. Đón em đi công tác về, tôi đưa em đi ăn, đưa em qua những con phố mà tôi với em đã từng đi qua. Nói với em về mối quan hệ của chúng tôi. Tôi và em cùng bố khác mẹ. Mẹ em là người bố tôi chuẩn bị đi thêm bước nữa. Bố tôi muốn bù đắp những thiệt thòi mà mẹ con em phải chịu đựng bao nhiêu năm qua. Em đau, em buồn, em khổ, tôi cũng chẳng hơn em. Em khóc, khóc rất nhiều. Em tự tay tháo trả nhẫn lần hai cho tôi.

Tôi và em đều phải học cách tự chấp nhận sự thật này. Em muốn đi du học, nói đúng hơn là em chạy trốn tôi. Điều này tôi hiểu, có lẽ đây cũng là cách giúp tôi và em nguôi ngoai dần mọi chuyện. Tôi và em cắt đứt mọi liên lạc.

Từ ngày em rời xa tôi. Tôi lao vào làm việc như con thiêu thân, mong quên được hình bóng em. Nhưng càng quên thì càng nhớ. Nỗi nhớ em như muốn thiêu đốt trái tim tôi. Tôi làm bạn với rượu trong những đêm dài đằng đẵng. Nhưng dù có làm gì thì tôi và em vẫn là anh em không thay đổi được. Sinh nhật tôi, Lâm mang về cho tôi mấy hộp bánh mochi của Nhật. Lâm khoe do cô gái Lâm đang theo đuổi làm. Giật điện thoại của Lâm tôi lướt từng hình, từng hình của em. Cô gái trong lòng tôi, không giờ em là em gái của tôi.

Đem những hộp bánh xinh xắn ngộ nghĩnh về nhà. Tôi ăn từng cái, từng cái. Tôi ghét đồ ngọt mà không hiểu sao những hộp bánh này lại ngon đến thế. Nhớ đến lời em nói khi còn yêu nhau năm nào em cũng đón sinh nhật cùng tôi. Liệu em có biết tôi hạnh phúc biết bao khi được ăn bánh do chính tay em làm vào đúng sinh nhật của mình.

Em đi học vắng, tôi thường tranh thủ về thăm bố, thăm dì. Nhìn bố và dì Hạnh thương yêu nhau tôi cũng thấy vui lây. Giỗ mẹ tôi năm nay, tôi bộn bề công việc, may là có dì Hạnh lo hết. Bước chân vào nhà tôi đứng như chôn chân khi biết mình có thêm một người bố nữa. Chú Huy, đối tác công ty tôi lại chính là bố đẻ tôi. Tôi sốc, thực sự sốc hơn khi biết em là con gái bố Quân. Cuối cùng nguyên nhân mẹ tôi mất cũng được sáng tỏ. Người thương yêu tôi và tôi cũng yêu thương lại không phải là bố đẻ của tôi. Tôi vô cảm với chú Huy, không trách móc, không giận dữ, không chấp nhận ông là bố đẻ của tôi.

Giây phút đẩy chú Huy vào phòng cấp cứu, tôi như bừng tỉnh. Nếu ông có mệnh hệ gì, tôi sống trong dằn vặt cả đời. Bố tôi! Ông ấy là bố đẻ tôi. Mẹ tôi và ông, đã phải chịu quá nhiều khổ cực. Tôi cần có trách nhiệm với ông từ nay về sau.

Ông ra viện, tôi với ông gặp bố Quân và dì Hạnh. Tôi với em không cùng huyết thống. Tôi xin phép người lớn cho tôi nối lại tình xưa cùng em. Tôi đi tìm em.

Em cuối cùng đã thuộc về tôi. Trải qua bao nhiêu sóng gió, tôi đã nắm chặt được bàn tay em. Nhìn em bước ra từ phòng thay đồ, đó thực sự là khoảnh khắc em xinh đẹp nhất. Trong chiếc váy trắng tinh khôi hơi trễ vai khoe xương quai xanh quyến rũ, lớp voan mỏng xếp lớp lớp như mây. Em như nàng công chúa bước ra từ truyện cổ tích, nhẹ nhàng và thuần khiết. Em nhìn tôi cười, tôi thì ngây ra ngắm em. Tôi đã chờ ngày này lâu lắm rồi. Ngày tôi tuyên bố với cả thế giới em là của tôi.

====

Hết!
« Chương Trước