Dì ba của Song Quý thì có cuộc sống khá hơn, cũng sinh được một đứa nhỏ nhưng cô ta lại rất xấu tính, thỉnh thoảng gặp Song Quý sẽ rỉ tai rồi nói mấy lời bóng gió để chia rẽ, dần dà tâm trí của Song Quý cũng bị bóp méo.
Ở trong thôn, một đứa nhỏ mười bốn tuổi có thể lĩnh được nửa công điểm, nhưng Song Quý thì khác, mỗi lần sai cậu xuống ruộng làm việc là sẽ giở mánh lới để lười biếng, làm việc riêng để chậm trễ công việc, nói cậu vài câu thì cậu sẽ cãi lại ngay…
Đứa con trai này đúng là tâm bệnh của Lý Mai.
Hơn nửa tháng trước, chính vì thằng nhóc Song Quý này gánh nước tưới ruộng mà không nghe lời Lý Mai, còn chạy tới làm việc cho nhà dì ba của mình, khiến cho Lý Mai tức giận quá độ mà qua đời.
Lý Mai vừa mất thì Lý Như liền xuyên qua.
Lý Như vừa tỉnh lại đã bị dọa sợ.
Đang là một cô gái trẻ tuổi bỗng nhiên tỉnh dậy thấy mấy đứa trẻ đã lớn đứng ở bên cạnh vừa khóc vừa gọi mẹ, cô không chết lặng mới là lạ?
Cơ thể mà cô xuyên vào đã ba mươi lăm tuổi! Là mẹ của ba đứa con!
Con gái út là con ruột, tên Vương Tiểu Lan, năm nay chín tuổi.
Con trai lớn nhất là con nuôi nhận từ lúc thằng bé còn năm tuổi, tên Vương Song Quý, hiện tại đã mười bốn tuổi.
Còn có đứa con gái thứ hai tên Lưu Miên Hoa, mười ba tuổi, không ngờ đây là con dâu nuôi từ bé!
Miên Hoa cũng là dân chạy nạn từ Hà Đông tới, sau khi nguyên chủ nhận nuôi Song Quý thì ba năm sau có một nhóm người Hà Đông tới xin cơm, cha mẹ Miên Hoa đã không còn, đi theo nhà chú mình tới đây. Vì vậy nhà chú của cô bé cũng kiếm một nhà nhận nuôi để gửi Miên Hoa đi.
Lý Mai thấy cô bé xinh xắn tính tình lại tốt, nếu làm vợ cho Song Quý thì sau này mình làm mẹ chồng cũng an nhàn. Bởi vậy nguyên chủ liền cho nhà người chú kia một lon gạo rồi giữ Miên Hoa lại để nhận nuôi.
Nhắc mới nhớ, Lý Mai còn có một cô con gái ruột là Vương Tiểu Lan, khi bọn trẻ lớn lên có thể gả con bé cho Song Quý nhưng trong thôn không cho phép những đứa trẻ có cùng huyết thống kết hôn với nhau. Hơn nữa dân số trong nhà Lý Mai cũng ít nên không lo miếng ăn, nuôi thêm một người cũng có thể coi như làm việc thiện, tích đức cho nhà mình.
Từ một cô gái trẻ 23-24 tuổi liền trở thành một bà mẹ ba mươi lăm tuổi...
Nhà cao cửa rộng thành thôn xóm trong núi, giao thông phụ thuộc vào việc đi bộ, liên lạc thì gân cổ lên gọi nhau, nấu ăn bằng bếp củi, đèn điện thay bằng đèn dầu, nhà vệ sinh ngoài trời...
Đã vậy còn trúng ngay hai năm hạn hán mất mùa trầm trọng!
Mấy ngày đầu vừa xuyên đến đây, Lý Như chán nản tuyệt vọng, lúc nào cũng muốn nhảy xuống giếng để thử xem có thể xuyên về lại hay không.