Chương 46: Ngoại truyện 1: 18 năm

Có một cô bé tên là Lê Vân Hà ở một nơi nào đó trên Trái Đất. Lê Vân Hà đã từng là một đứa trẻ hạnh phúc. Cô có một gia đình êm ấm có ba có mẹ.

Nhưng rồi một tai nạn lao động đã cướp đi người cha nhất mực yêu thương cô, để lại người vợ trẻ và đứa con chưa đầy hai tuổi. Ba Lê Vân Hà, ông Lê Hùng Phong là công nhân làm trong công trường xây dựng, ngày ấy vấn đề an toàn khi thi công công trình không được coi trọng, lần đó đúng lúc ông Nghiệp di chuyển thì giàn giáo sập, ông rơi từ tầng ba xuống, chết ngay tại chỗ.

Công ty xây dựng kia cũng không quá mất nhân tính, bọn họ đã bồi thường cho mẹ con Vân Hà, nhưng có là gì so với nỗi đau mất chồng mất cha chứ.

Khi trụ cột mất đi, mẹ cô, bà Nguyễn Vân Anh phải cáng đáng nhiều việc hơn để nuôi sống gia đình.

Ngày ngày cô thấy mẹ mình bước ra khỏi nhà khi trời chưa sáng, tối mịt mẹ mới về. Người mẹ xinh đẹp năm nào đã trở nên héo mòn, ngày càng gầy gò và ốm yếu. Nhưng mỗi khi đi làm về, mẹ cũng sẽ thơm hai cái vào má của cô, nói rằng mẹ yêu bé nhiều lắm.

Vân Hà từ nhỏ đã là một cô bé ngoan ngoãn và hiểu chuyện, chưa bao giờ cô quấy khóc và nghịch ngợm, lên 5 bé đã biết lau nhà phụ giúp mẹ, sang 6 tuổi đã đỡ đần công việc nhà. Khi đó, điều mà cô luôn ước mỗi khi đến lễ tết chính là cô mau chóng lớn lên như Thánh Gióng, rồi đi kiếm tiền thay cho mẹ.

Nhưng đến năm tám tuổi, cô đã phải thay đổi điều ước. Mẹ cô đã mất trong một lần đột quỵ. Bà đã làm việc quá độ trong suốt sáu năm qua mà không có sự chữa trị nào từ y tế.

Lê Vân Hà mồ côi cha mẹ năm lên tám tuổi. Cô được ông bà ngoại đưa về chăm sóc sau đó. Một cô bé mới chỉ tám tuổi mà tay đã có dấu vết chai sạn.

Tình hình tài chính của gia đình cô ngày càng đi xuống. Chiếc xe hủ tiếu nhỏ của ông bà ngày càng không cạnh tranh nổi với những hàng quán sang trọng, dần dà cô cũng không còn phải rửa mấy thau chén đũa mỗi ngày nữa. Bà cô chuyển sang nhặt ve chai, còn ông thì vẫn cố gắng đạp xe xa hơn để kiếm ít tiền từ việc bán hủ tiếu dạo. Cô cũng cố gắng phụ giúp ông bà bằng việc giao báo. Công việc giao báo rất vất vả, không ai dám đưa một cô bé mới chỉ mười tuổi giao quá nhiều báo. Mỗi sáng cô bé đều thức dậy lúc trời chưa sáng, là người tới sớm nhất tại quầy báo. Chứng kiến hoàn cảnh của cô bé mà ông chủ quầy báo đã phá lệ cho cô giao số lượng báo như người lớn, trả tiền lương nhiều hơn một chút, có quà bánh cũng đưa một ít cho cô. Tuổi thơ của Lê Vân Hà là như thế, ngày ngày dùng tất cả ý chí cùng sức mạnh chống lại số mệnh.

Đến khi cô lên cấp hai, thời gian học nhiều hơn nên cô đành phải nghỉ việc giao báo. Tuy nhiên với thành tích học tập tốt mà năm nào cô cũng nhận được học bổng. Dù là thế, cô vẫn theo thói quen tiết kiệm nhiều năm của mình, bôi đi tẩy lại vở học đến khi nào giấy rách mới thôi, hoặc là sử dụng ngòi viết đã hết mực để viết lên, như vậy có thể sử dụng giấy nhiều lần. Không có tiền để mua sách tham khảo, cô bé chỉ có thể mượn sách từ thư viện. Đó là những cuốn sách tham khảo đã cũ, nhiều cách giải đã lỗi thời, nhưng lại là cánh tay duy nhất chìa ra đối với một cô bé nghèo. Trong suốt những năm cấp hai, cô đã đọc hết gần một trăm cuốn sách tham khảo ở mọi môn, giải gần hai trăm đề. Vì thế, Vân Hà thành công vào trường cấp ba gần nhà với điểm số đứng thứ hai toàn trường.

Lên cấp ba, cô có một người bạn thân. Cậu ấy là một cô gái lanh lợi và rất thích đọc tiểu thuyết. Cậu ấy cho Vân Hà mượn hai quyển tiểu thuyết mà cậu ấy thích nhất. Một quyển tên là "Cô gia mau đến làm cơm đi", nói về một người xuyên không qua thế giới mới, phấn đấu làm quan rồi kết hôn với một người đàn ông nấu cơm rất ngon. Quyển còn lại là "Đại tướng quân đế quốc", nói về một cặp đôi yêu nhau từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là lần đầu tiên cô nghe nói đến tiểu thuyết, đến ngôn tình. Lại còn là cuốn mà bạn thân rất thích, cô quyết định đọc nhanh nhất có thể để trả lại rồi trò chuyện nhiều hơn với bạn thân.

Những tưởng cuộc sống có thể đối xử tốt hơn với cô. Lên lớp 11, cô bị cô lập.

Tại sao con người khi còn nhỏ đều là những đứa trẻ dễ thương, tốt bụng, khi lớn lên lại thành một kẻ khinh bỉ người khác như thế?



Khi đó, chỉ có một người đồng ý làm bạn với cô. Nhưng cọng rơm đó cũng bị gió thổi bay đi. Cô bạn thân ấy đã chuyển trường vì không thể chịu nổi sự ghẻ lạnh trong tập thể. Cô đã không hề biết bạn mình lại bị cô lập bởi vì mình. Bạn thân cô thậm chí còn không lấy lại cuốn "Đại tướng quân đế quốc" mà chọn cách ra đi lặng lẽ nhất. Lê Vân Hà trong ngôi trường này, đã hoàn toàn một mình.

Đó chỉ mới là bắt đầu của chuỗi ngày đau khổ.

Thế giới đã ra tay cướp đi bà ngoại kính yêu của cô. Bà đã bị một kẻ xấu tấn công từ sau, vì hắn nghĩ bà đã thấy những gì hắn ta làm với cô sinh viên xấu số. Kẻ đó, hắn đã gϊếŧ một người, sau đó còn đâm chết bà ngoại. Nếu như ngày đó cô đi cùng bà, nếu như ngày đó cô thức dậy sớm hơn bà, nếu như... Chẳng còn cái nếu như nào đó nữa.

Cái giá hắn phải trả là cái chết, nhưng người thân của cô có quay về được không?

Bi kịch vẫn chưa dừng lại. Ông ngoại cô trong một lần đi bán xa đã bị tông chết. Kẻ gây ra vụ tai nạn là tên tài xế say xỉn. Sau sự việc đau thương, tên tài xế bị phạt hành chính và phạt tù 5 năm.

Còn cô bé?

Cô đã mất tất cả, đến một người thân cũng không còn. . truyện xuyên nhanh

Đã hàng trăm hàng nghìn lần cô tự trách bản thân tại sao không nghỉ học, tại sao khi ấy lại ngoan ngoãn nghe lời ông, để rồi ông cũng rời xa cô?

Vẻn vẹn một năm lớp 12, cô đã mất tất cả mọi thứ. Cô chẳng còn ai cả. Những tháng cuối cùng đó, cô không nhớ là đã trải qua như thế nào?

Cô chỉ biết, ông bà luôn muốn nhìn thấy cô thi đại học. Cô sẽ không nghỉ học, cô sẽ tiếp tục ôn thi, cô sẽ tham gia thi.

Ngày thi thứ ba, cũng là ngày thi cuối cùng. Tối cùng ngày, cảnh sát nhận được tin báo án về một vụ tự tử. Người báo án là hàng xóm của cô. Ông ấy thấy nước chảy ra đều là màu đỏ, thấy lạ nên bèn đi vào xem thì nhìn thấy cô đã lạnh rồi.

Đó là một vụ án đau đớn nhất trong đời của Nam – một cảnh sát mới ra trường. Nam đọc báo cáo kết quả của vụ tự sát này mà không khỏi tiếc nuối.

"Nạn nhân là Lê Vân Hà, 18 tuổi, là học sinh lớp 12A1 trường THPT Thiên Thanh. Gia đình chỉ còn lại một mình nạn nhân. Cha mẹ, ông bà đều đã mất. Nguyên nhân tự sát là do đau buồn quá mức. Theo điều tra cho thấy nạn nhân có dấu hiệu trầm cảm. Nguyên nhân trước hết là vì sự ra đi đột ngột của người thân trong gia đình. Cha nạn nhân, ông Lê Hùng Phong qua đời vì tai nạn lao động 17 năm trước. Mẹ nạn nhân, bà Nguyễn Vân Anh, qua đời vì đột quỵ mười năm trước. Sau đó nạn nhân được ông bà chăm sóc. Tuy nhiên nửa năm trước, bà ngoại nạn nhân, tức bà Trần Thị Quế đã bị sát hại, hung thủ đã bị tử hình. Sau đó, ông ngoại nạn nhân, tức ông Nguyễn Văn Quê đã mất vì tai nạn giao thông. Ngoài ra, theo điều tra mối quan hệ trên trường học cho thấy, nạn nhân đã bị cô lập suốt hai năm qua. Do đó, vụ án được quy thành án tự sát."



Nhớ lại cảnh tượng khi bước vào nhà nạn nhân, Nam không khỏi bàng hoàng. Đó là một ngôi nhà rách tan nát, mái tôn dột nhiều chỗ đến mức anh tưởng chừng mình đang ở ngoài trời, đồ dùng đã cũ mèm. Ẩm thấp, nghèo khổ. Đó là hai từ có thể diễn tả căn nhà này.

Tiến hành công tác tại hiện trường, Nam không khỏi thốt lên vì sự tử tế của nạn nhân. Một lá thư đã được viết lên từ trước. Đầu tiên là lời xin lỗi đến các anh, các chú cảnh sát. Thứ hai là nhờ các anh thay mặt cô bé hiến tặng các bộ phận cho những người cần dùng đến, bởi vì cô không biết làm thủ tục. Sau đó nhờ các anh chôn cất cô bé bởi vì cô đã không còn người thân và các ông bà trong xóm cũng không có nhiều tiền. Cuối cùng là lời cảm ơn của cô đến hàng xóm, đến các anh đã vất vả vì cô. Người chết từ đầu đến cuối không hề nhắc đến lý do tự sát.

Trước khi nhắm mắt, Lê Vân Hà mỉm cười, hoàn toàn không cảm thấy đau đớn. Cô nhìn từng giọt máu lan ra khắp thau nước, cảm nhận cơ thể ngày càng khô đi. Cô lại mỉm cười dịu dàng, nhớ đến lời hứa mười mấy năm trước. Thau nước ngày càng đầy và đỏ hơn. Cô nhấc chân, lấy nước nóng đã chuẩn bị đổ vào thau nước. Ngâm tay vào. Nước và máu lan ra.

Đỏ.

Hoà tan vào nhau.

Lan sang trang giấy hơi ngả vàng. Sách đề chữ: "Đại tướng quân của đế quốc".

Đỏ hơn nữa.

Tiếng của mẹ cô văng vẳng trong tai: "Hôm nữa mẹ dẫn con đi hồ bơi nha."

Cô lẩm nhẩm:

"Nếu có thể, con muốn sống thật tốt. Ba mẹ, ông bà, con đến chăm sóc mọi người đây."

***

Lời tác giả: Hi vọng mọi người không chỉ trích Vân Hà vì hành động của cô ấy. Lê Vân Hà sống 18 năm trên đời, tâm nguyện lớn nhất là chăm sóc thật tốt cho người thân, thế nhưng người mà cô ấy yêu thương cứ lần lượt qua đời, cô ấy cảm thấy mình có tội. Khi mẹ cô mất, chính cảm xúc tội lỗi này là động lực cho cô cố gắng chịu khó chịu khổ. Còn khi ông bà mất, tội lỗi dâng trào, cô rơi vào trạng thái tự trách, rồi dẫn đến quyết định tự tử, đến nơi mà cô cho là có thể bồi tội với bọn họ.

Khuyến cáo độc giả không làm theo, đây là thế giới tưởng tượng nên Vân Hà mới có cơ hội làm lại.