Giữa mùa hè, tại một bảo tàng của Hoa Quốc.
Dưới ánh đèn trưng bày, chiếc chén vàng ròng khắc hình thú quý hiếm từ thời Chu và Sở tỏa sáng rực rỡ.
"... Vào thời Chu và Sở, chỉ các thành viên hoàng tộc mới được phép dùng chén rượu bằng vàng ròng và ngọc quý." Giọng nói trong trẻo, như tiếng ngọc gõ vào băng, vang lên, xua tan cảm giác oi bức của du khách.
Cả những đứa trẻ ồn ào bên cạnh cũng dần lặng im, chăm chú lắng nghe.
Dứt lời, Giang Ngọc Tuân lùi lại gần tủ trưng bày, nhường không gian cho khách chụp ảnh:
"Dựa vào dòng chữ khắc dưới đáy chén, có thể suy ra đây là chén rượu thuộc về triều Chu. Khi triều Chu sụp đổ, Chu Thái Tổ Ứng Trường Xuyên không có hoàng hậu, cũng không có con nối dõi. Do vậy, có thể phỏng đoán rằng chủ nhân của chiếc chén này rất có thể chính là Ứng Trường Xuyên."
Ngay sau đó, chiếc chén vàng lập tức được du khách vây quanh.
"Trời ơi, xa hoa quá đi!"
“Nếu ta sinh vào thời Đại Chu thì tốt biết bao! Mở mang bờ cõi, lưu danh sử sách, chẳng phải thú vị hơn biết bao so với công việc hiện tại sao?” Một du khách trẻ vừa nói vừa quay sang Giang Ngọc Tuân, tìm kiếm sự đồng tình: “Thầy Giang, có phải không?”
Lại có thêm vài người gật gù hưởng ứng, má đỏ bừng đầy phấn khích.
Giang Ngọc Tuân: “...”
Đúng là cũng biết mơ mộng đấy!
Dù triều Đại Chu đã sụp đổ, câu chuyện về Chu Thái Tổ Ứng Trường Xuyên – người đã chấm dứt thời kỳ loạn lạc và mở mang bờ cõi – vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Hầu như năm nào cũng có những bộ phim, tác phẩm lấy ông làm nguyên mẫu để dựng nên những câu chuyện truyền hình.
Nhân vật chính hoặc là yêu đương với ông, hoặc cùng ông chinh chiến bốn phương, gây nên sóng gió hết trận này đến trận khác.
Tuy nhiên, theo tài liệu lịch sử, Ứng Trường Xuyên vốn không gần sắc đẹp, đối với chuyện tình cảm cũng không mảy may hứng thú, rất có khả năng là một người vô tính.
Chỉ riêng cái ước vọng "xuyên không về triều Đại Chu" thôi, trong mắt Giang Ngọc Tuân đã là điều hết sức kỳ lạ.
Mùa hè này, bảo tàng chật kín du khách, đông đúc đến mức không khí cũng trở nên ngột ngạt.
Giang Ngọc Tuân khẽ nhíu mày, nói: “Ứng Trường Xuyên độc đoán chuyên quyền, hiếu chiến vô cùng. Ngay cả các vương hầu khanh tướng dưới trướng cũng sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, mạng sống treo trên đầu sợi tóc. Còn dân chúng thời ấy chỉ biết than trời kêu đất vì khổ –”
Chưa kịp dứt lời, Giang Ngọc Tuân thấy lũ trẻ đang tranh cãi, chen lấn về phía mình.
Theo phản xạ, hắn vội lùi lại nhưng sau lưng là tủ trưng bày chắn lối.
Trong chớp mắt hỗn loạn, một đứa trẻ cuối cùng "bịch" một tiếng, đâm sầm vào hắn, đẩy hắn ngã ngược về phía sau.
"A –"Trong tiếng hét kinh hoàng của đám đông, thân hình Giang Ngọc Tuân mất thăng bằng, ngã mạnh vào góc nhọn của tủ trưng bày bên cạnh.
Cơn đau nhói từ sau đầu ập đến, khoảnh khắc ngã xuống, thứ duy nhất hắn nhìn thấy là chiếc chén vàng trong tủ, vẫn lấp lánh rực rỡ dưới ánh đèn.
Như thể hình bóng nhỏ nhen của Ứng Trường Xuyên đang hiện ra, cười cợt đầy mỉa mai trước mắt hắn.
Khoảnh khắc tiếp theo, ý thức của hắn dần mờ nhạt rồi hoàn toàn tan biến.
---
Ánh tà dương như dải lụa rực rỡ, suối nước tĩnh lặng tựa tấm gấm mịn màng.
Lan Trì Điện nằm về phía Tây Bắc của cung Vũ Dương, bốn bề dòng suối vây quanh, đèn đuốc đã sớm bừng sáng trong màn đêm.
Một nam tử trung niên trong bộ hoa phục quỳ trên mặt đất, thân mình run rẩy, vừa khóc vừa kể lể không ngừng.
... Đây là một vở kịch sao?
Đầu còn đau nhức, Giang Ngọc Tuân ngẩn người một lúc lâu, dần dần nhận ra cảnh tượng trước mắt là một đoạn lịch sử đã ghi chép lại.
Năm thứ ba triều Chu Thái Tổ, một quý tộc bí mật thông đồng với mười hai nước Tây Nam mưu phản.
Không ngờ, Ứng Trường Xuyên chẳng những phản công thành công mười hai nước, mà còn nhân cơ hội lần đầu sáp nhập lãnh thổ phía Nam dãy Việt Lĩnh vào bản đồ.
Cảnh tượng này chính là lúc Ứng Trường Xuyên, sau chiến thắng khải hoàn, trở về triều đình, tại yến tiệc xử lý những kẻ phản nghịch.
Theo sử sách, vị quý tộc trước mắt, sau yến tiệc liền bị ngũ mã phanh thây, thi thể phơi ngoài hoang dã.
Quả nhiên, khi mọi mưu toan bại lộ, nhận ra cầu xin chẳng còn ích gì, vị quý tộc quỳ phục dưới đất liền tuyệt vọng đứng dậy.
Y cười nhạt, định đưa tay chỉ vào Ứng Trường Xuyên, nhưng cánh tay run rẩy không ngừng, cuối cùng chẳng thể giơ lên nổi.
Cuối cùng, y hít sâu một hơi, cao giọng nói: “Ta, ta chỉ thay trời hành đạo! Hoàng thượng vừa đăng cơ đã dám phá bỏ miếu tổ, không kính trọng quỷ thần, thật là hành vi của một hôn quân, một bạo chúa!”
Đại điện phút chốc lặng như tờ.
Tiếng chén rượu khẽ đặt xuống của người ngồi trên ngai cao cũng vang lên rõ ràng, lạnh lẽo đến rợn người.
Thôi rồi.
Nghe đến đây, đầu óc Giang Ngọc Tuân cuối cùng cũng trở nên sáng tỏ.
Chu Thái Tổ dẹp bỏ thần thánh, đời sau ai ai cũng biết rõ điều này.
So với tội mưu phản, có lẽ Ứng Trường Xuyên càng căm ghét những lời lẽ về quỷ thần hơn nhiều.
Giang Ngọc Tuân không nhịn được ngẩng đầu nhìn lên ngai cao.
Đáng tiếc, ánh đèn trên đài cao phảng phất mờ tối, thứ duy nhất hắn thấy rõ là chiếc chén vàng đặt trên án – một tuyệt phẩm tinh xảo khó phân thật giả.
Nếu không vì bề mặt chiếc chén có vẻ mới hơn, Giang Ngọc Tuân hẳn đã nghĩ rằng kẻ nào đó đã trộm bảo vật trong bảo tàng ra đây.
"Giang Ngọc Tuân, Giang Ngọc Tuân…"
Đang mải miên man suy nghĩ, Giang Ngọc Tuân bỗng nhận ra có người khẽ kéo ống tay áo mình.
Hắn quay lại, thấy một thiếu niên mặt bầu bĩnh đang nhìn mình đầy lo lắng, khẽ nhắc nhở: “Đừng động đậy.”
Lúc này, Giang Ngọc Tuân mới nhận ra rằng mình đang quỳ hai gối như người xưa, mu bàn chân chạm đất, ngồi nghiêm chỉnh.
Không rõ đã ngồi bao lâu, đến mức đôi chân hắn giờ đây đã tê dại, hoàn toàn mất cảm giác.