“Đúng là rất đáng thương, nhưng nói thật, vết sẹo trên mặt thằng nhóc đó khiến mỗi lần tôi nhìn vào đều cảm thấy ăn không ngon.”
“Tôi cũng không dám để con tôi chơi với nó, sợ thằng bé sẽ bị dọa không ngủ được.”
“Đúng đúng, ha ha.”
Tiếng cười bén nhọn, chói tai của hàng xóm luôn dừng lại khi Hàng Kỳ ôm cặp sách xuống lầu, bọn họ hưởng thụ nhìn sắc mặt vốn đã tái nhợt trên khuôn mặt nho nhỏ của Hàng Kỳ trong nháy mắt trở nên trắng bệch, không chỉ như thế, bọn họ xúi giục những đứa trẻ trong trường tiểu học để không có bất kỳ đứa trẻ nào chơi với anh. Bọn nhỏ còn ác ý và tàn nhẫn hơn cả người lớn, không kiêng dè gì mà trêu chọc anh.
Bọn họ sẽ ngây thơ kéo lỗ tai Hàng Kỳ, hỏi: “Nghe nói anh là tên tàn tật, tàn tật có nghĩa là gì?”
Ý nghĩa của tàn tật chính là, người mẹ bị trầm cảm phát điên dùng nước sôi đổ lên lưng, bị một bạt tai đập vào mặt khiến lỗ tai ong ong, cứ thế trong thời gian dài, không biết là từ lúc nào, một bên tai bắt đầu mất đi thính giác dần dần, anh hoảng sợ phát hiện lỗ tai kia cuối cùng cũng không thể nghe thấy bất kỳ âm thanh châm chọc nào nữa.
Tiểu Hàng Kỳ không dám khóc, đứng ở góc tường, sau lưng dán vào tường, bị xô đẩy, thoạt nhìn giống như sắp ngã xuống.
Anh không dám rời khỏi góc tường, hết lần này tới lần khác không nghe rõ câu hỏi của giáo viên, bị phát hiện là nửa người điếc thì cũng không sao, anh sợ bị phát hiện ra những vết sẹo dữ tợn khó coi làm người ta sợ hãi trên lưng hơn.
Hàng Kỳ vẫn là một đứa trẻ nên không thể tránh khỏi những lần phát điên của mẹ, chỉ có thể khóc lóc bò xuống gầm giường, khóc cầu xin bà: “Đau, mẹ, con đau lắm, đừng đánh nữa.”
Vô dụng, khóc đến sắp tắt thở cũng vô dụng.
Thỉnh thoảng mẹ cũng có lúc bình thường, áy náy vuốt ve vết bầm tím sưng đỏ trên người Hàng Kỳ, ôm anh khóc: “Không phải mẹ cố ý, con tha thứ cho mẹ được không?”
Lúc bà bình thường, bầu trời của Hàng Kỳ sẽ trở nên quang đãng, bà còn nói với Hàng Kỳ, đến lúc đó sẽ mua máy trợ thính cho anh, anh có thể nghe lại giống như những đứa trẻ bình thường.
Khi đó trong lòng Hàng Kỳ nhảy nhót vui sướиɠ, cho rằng ít nhất mẹ vẫn yêu mình.
Nhưng khi số lần bà phát điên càng ngày càng nhiều, càng ngày càng trầm trọng hơn.
Hàng Kỳ ở nơi tối tăm không có ánh mặt trời, dần dần từ một đứa bé không hề có sức đánh trả, quỳ trên mặt đất mặt đầy nước mắt đau khổ cầu xin, vặn vẹo trưởng thành thành một thiếu niên lạnh lùng thân hình thon gầy trên người luôn mang theo vết thương ẩu đả.
Cuối cùng anh cũng không ôm hi vọng nữa.
Cho đến khi anh đưa mẹ đến bệnh viện tâm thần, vì chưa đủ mười bốn tuổi nên được cô nhi viện tiếp nhận.
Anh cũng không chờ đợi được chiếc máy trợ thính mà mẹ anh đã hứa.
……
Nhưng không sao, anh có thể tự mình mua, anh chuyển nhà, ở một mình, chuyển trường, làm công kiếm tiền, đóng học phí, một mình ăn cơm, ngủ, nhưng quá khứ của anh không trọn vẹn, hôm nay anh vẫn không cách nào thoát khỏi loại không trọn vẹn này.
Máy trợ thính của anh được giấu rất kỹ, không còn ai gọi anh là kẻ tàn tật nữa.
Nhưng vẫn không có ai không ghét bỏ anh, thật lòng đối tốt với anh.
Ý nghĩ này của bản thân khiến anh cũng rất buồn cười, Hàng Kỳ cho rằng không bao giờ có người chấp nhận vươn tay kéo mình ra khỏi vũng bùn.
Tất cả mọi người khi nhìn thấy vết sẹo trên mặt anh, đều sẽ quay đầu đi, che giấu sự chán ghét trong đáy mắt, nếu họ biết đến việc thính giác của anh đã không còn cùng với những vết sẹo trên lưng, sự chán ghét ấy nhất định sẽ tăng gấp bội, sẽ biến thành châm chọc cùng thương hại.
Nói ra cũng buồn cười, rõ ràng anh không ôm bất kỳ chờ mong nào, nhưng lại luôn luôn hi vọng có một ai đó sẽ đưa tay ra kéo lấy anh.
Luôn không kìm được mà nổi lên một chút khát vọng hèn mọn.