Chương 42

Đường Thư Nghi dùng cơm trưa ở phủ Đường quốc công rồi mới về nhà, vừa về nhà ngồi xuống thì quản gia đã tới báo, Lương gia đưa bái thϊếp tới, Lương nhị gia, Lương lão thái thái và Lương nhị phu nhân muốn tới bái phỏng vào sáng mai.

Nhìn bái thϊếp tinh xảo trong tay, Đường Thư Nghi suy nghĩ Lương gia đang có ý gì. Hiện tại hai nhà bọn họ xem như xé rách mặt, chuyện cũng náo động triều đình, Lương gia tới bái phỏng lúc này, là tiếp tục kiếm chuyện hay muốn cầu hòa?

Theo phong cách hành sự của Lương gia, nếu tới kiếm chuyện thì sẽ không gửi bái thiếp mà sẽ trực tiếp xông tới. Nghĩ vậy, khả năng tới cầu hòa là rất cao. Nhưng mà cầu hòa này chắc hẳn không phải thật lòng, hẳn là Hoàng thượng hoặc là Quý phi lên tiếng.

Dù sao chuyện náo tới trên triều, hơn nữa Lương gia bây giờ vẫn chưa bắt được nhược điểm của bọn họ, Đường quốc công lại lên triều khóc lóc một hồi, Hoàng thượng tất nhiên là muốn trấn an bọn họ.

Nghĩ thông suốt quanh co trong đó, Đường Thư Nghi nói với quản gia: “Phản hồi cho người Lương gia, ngày mai nhà tảo tháp dĩ đãi.”

Quản gia nhận được mệnh lệnh lập tức hành lễ rồi xoay người muốn đi, lại nghe nàng nói: “Tiếp tục cho người giám sát Lương gia.”

“Vâng.” Quản gia cung kính lên tiếng rồi rời đi, Đường Thư Nghi dựa vào nhuyễn tháp nhắm mắt dưỡng thần.

Chuyện nháo đến hiện tại, nhìn thì như đã qua nhưng chỉ cần Liễu Bích Cầm và Phan Sơn chưa rời khỏi kinh đô thì chuyện này vẫn chưa thật sự kết thúc. Hiện tại chỉ có thể chờ Lương gia lơi lỏng để đưa người đi.

Đưa Phan Sơn đi thì dễ rồi, mấu chốt là Liễu Bích Cầm. Nàng ta và đại nhi tử cuồng si của nàng có ước hẹn nửa năm, chẳng lẽ phải đợi nửa năm thật sao? Nửa năm này có xảy ra vấn đề gì không? Nghĩ đến đây, nàng lại nói với Thúy Vân đang ngồi bên cạnh: “Đi nói với Triệu quản gia dặn dò người bên thôn trang Tây Sơn phải giám sát Liễu Bích Cầm chặt chẽ. Một khi nàng ta có động tĩnh gì thì phải lập tức tới đây bẩm báo.”

“Vâng.”

Thúy Vân đứng dậy đi ra ngoài, Thúy Trúc bưng một bình trà nóng đi vào, vừa châm trà vào cái ly ngọc bích vừa nói: “Nô tỳ vừa pha cho ngài một ấm trà sâm, ngài nếm thử.”

Đường Thư Nghi ngồi dậy nhận lấy, rũ mắt, chỉ thấy nước trà vàng nhạt trong chiếc ly màu ngọc bích, hơi nóng bốc lên mờ ảo, trong suốt thanh nhã, vô cùng đẹp đẽ.

Đặt ly lên môi nhấp một ngụm, nước trà chui vào miệng, mùi thơm thanh thanh hòa với vị ngọt dịu mát lành khiến người ta ấm lòng. Uống hết một ly trà, Đường Thư Nghi đưa ly Thúy Trúc, hỏi: “Trà này làm như thế nào?”

Thúy Trúc thấy nàng thích, lại rót thêm một ly cho nàng rồi nói: “Lúc trước pha trà sâm cho ngài, ngài luôn ngại nó đắng. Lần trước Hồ đại phu đến chẩn mạch bình an cho ngài, nô tỳ đã hỏi ông ấy làm sao để trà sâm này không đắng nữa. Hồ đại phu nói với nô tỳ bỏ thêm long nhãn và cẩu kỷ vào, nấu hơn một khắc là được. Hồ đại phu còn nói trà này bổ tì ích phổi còn an thần, rất có lợi cho thân thể của ngài.”

Đường Thư Nghi nghe nàng ấy nói, trong lòng cũng thấy an ủi, hai đại nha hoàn Thúy Trúc Thúy Vân không chỉ trung thành mà còn làm việc rất thỏa đáng. Hạ nhân như vậy đáng được khen ngợi. Nhưng mà chưa có thời cơ và cái cớ phù hợp.

Chuyện này nàng âm thầm nhớ kỹ.