Năm Cát Trung Minh hai mươi lăm tuổi thì thi đỗ tú tài. Cát Mạnh thị trở thành nương tử của tú tài, bà bắt đầu để ý đến danh tiếng của mình hơn và cũng làm kinh doanh được hơn mười năm.
Chuyện của Hoàng thị đúng là khiến bà vô cùng tức giận. Ban đầu bà còn kiềm chế, chỉ gọi Hoàng thị ra giảng quy củ.
Song Hoàng thị không thay đổi, bà lại phải chịu những lời tàm điếu càng lúc càng nhiều bên ngoài. Con trai bà thì chẳng nói nặng lời với Hoàng thị, đâm ra bà cũng sinh ác cảm với đứa con dâu này.
Cứ như thế tích tụ dần qua từng ngày từng tháng.
Sau khi Cát An ra đời, Cát Mạnh thị lúc nào cũng để nàng ở bên cạnh mình, nàng mới hai tuổi đã được bà dạy cách cầm kim. Cát Trung Minh cũng yêu đứa con gái duy nhất này lắm, cứ rảnh là lại dạy nàng học chữ, cầm bút.
Trong tiểu thuyết, Cát An mới sáu tuổi đã biết được cả nghìn chữ và đọc lưu loát “Tam Tự Kinh”, “Thiên Tự Văn” và “Đệ Tử Quy”. Cát Trung Minh nhiều lần than thở, tiếc rằng tại sao Cát An không phải con trai.
Cát An ham học nên Cát Trung Minh lại càng yêu chiều nàng hơn, cho phép nàng tùy ý ra vào thư phòng trong nhà. Năm mười bốn tuổi, tam ca Cát Ngạn của Cát An đỗ khoa cử.
Tổ chức yến tiệc xong, Cát Ngạn bèn ngỏ ý muốn đưa Hoàng thị và ba đứa con về sống ở phủ Tề Châu. Cát Mạnh thị không kiềm chế được cơn giận, bà mắng thẳng Hoàng thị là hồ li tinh ngay trước mặt mọi người.
Hoàng thị và con gái của nàng ta, hay cũng chính là Cát Hân Nhiên – nữ chính trong tiểu thuyết chỉ biết khóc lóc ỉ ôi. Trông thấy thê tử như vậy, thái độ của Cát Ngạn lại càng kiên quyết hơn, thậm chí hắn còn không màng đến danh tiếng mà muốn ra ở riêng.
Từ đó, Cát gia chẳng có ngày nào là yên ổn cả, mãi cho đến khi Cát Ngạn rời đi như ý nguyện.
Chuyện thành thân của Cát An cũng là do Cát Ngạn giật dây, hắn muốn gả nàng cho Đàm Đông – con trai út của tri châu phủ Tề Châu. Đáng ra Đàm Đông muốn lấy Cát Hân Nhiên, mà trên thực tế Cát Hân Nhiên cũng đã thực sự gả cho Đàm Đông.
Tuy nhiên sau khi sống lại, Cát Hân Nhiên đã cố ý để chia tách Cát gia. Nàng ta cùng mẹ và hai đệ đệ được theo cha tới sống ở Tam Lâm Thư Viện tại phủ Tề Châu.
Ở đó, nàng ta gặp được nam chính Chiêm Vân Hòa. Lúc Đàm gia ngỏ ý muốn kết thân, Cát Ngạn và Chiêm gia đã quyết định chuyện thành thân cho con trai và con gái mình rồi, như thế mới tới lượt Cát An.
Cát Mạnh thị không đồng ý chuyện này, bởi lẽ Đàm Đông mất vợ từ sớm, đã thế còn có một trai một gái, Cát An mà gả cho hắn ta thì sẽ làm vợ kế, con cái sau này cũng thấp hơn người ta một bậc.
Khổ nỗi Cát Ngạn cứ nhấn mạnh việc Đàm Đông là người chính trực, cần mẫn lại ham học, có cha huynh giúp đỡ nên tương lai xán lạn.
Cát An tuy tướng mạo xinh đẹp, nhưng với gia cảnh này, có thể gả cho Đàm Đông đã là lương duyên rồi. Cát Trung Minh cũng suy nghĩ rất kĩ, ông không muốn, nhưng suy xét cho tình hình của con gái thì ông vẫn đồng ý chuyện thành thân này.
Chẳng qua Cát Ngạn đã nhìn nhầm người. Đàm Đông chính trực đấy, nhưng lại bảo thủ. Cát An lại là người có chủ kiến nên khiến hắn ta không vui.
Cát An kiêu ngạo, nàng không thể làm được mấy chuyện cúi người nịnh nọt. Từ đó vợ chồng dần xa cách. Đàm Đông cố ý lạnh nhạt với Cát An, người trong Đàm gia cũng không coi trọng nàng nữa, vài năm sau nàng ra đi vì u uất.
Sau khi Cát An qua đời, Cát Trung Minh lâm bệnh nặng, không lâu sau cũng rời thế. Cát Mạnh thị không lo nghĩ kiêng kị gì nữa, bà trở mặt với Cát Ngạn lúc bấy giờ đã làm quan, tố cáo Cát Ngạn bất hiếu.
Triều Đại Cảnh cực kì coi trọng chữ hiếu, Cát Ngạn bị mẹ tố cáo như vậy thì làm gì được sống yên ổn nữa?
Về phần hôn phu của Cát Hân Nhiên, khi ấy hắn là người đứng đầu Lại bộ nên không bị phạt nặng. Vài năm sau, nhờ có việc kinh doanh mà hắn lại được đặc cách thăng chức.
Còn Cát Mạnh thị - bà mẹ vừa thiên vị vừa thiếu quyết đoán trong tiểu thuyết tất nhiên chẳng có một kết cục tốt đẹp.
…