Lại kể chuyện Nguyễn Đông Thanh đi khảo sát ruộng đồng ở thành Bạch Đế.
Ruộng tư của họ Đào quả thật quá nhiều.
Trước đấy Bích Mặc tiên sinh của chúng ta đọc văn trung đại, nghe nhà địa chủ phú hộ có ruộng cò bay mỏi cánh, vẫn còn không hình dung được trực quan.
Hiện giờ đừng nói là cò, phóng xe máy chạy khéo còn phải mất một lúc.
Ngoài thành đông, ngoại trừ làng mạc tường chắn, ruộng lúa của họ Đào tung hoành đông – tây trăm dặm, bắc – nam trăm dặm. Nguyễn Đông Thanh tính nhanh, nếu lấy số dặm thời cổ thì diện tích ruộng tư ngoài thành đông của họ Đào ngót nghét phải hơn hai ngàn cây số vuông.
Mà đấy là còn chưa kể đến số ruộng tư ở thành bắc cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu.
Có trong tay số ruộng tương đương với diện tích của hai thành phố Hồ Chí Minh, họ Đào muốn không giàu cũng khó.
Họ Đào cắm rễ ở Bạch Đế đã lâu, trải nhiều đời quan. Số lần bọn họ tiếp đón quan trên về đo đạc ruộng lúa, điều chỉnh thuế tô khéo còn nhiều hơn số lần lang bạt đi thuê nhà của Nguyễn Đông Thanh. Thành thử, lần này hắn dẫn người đến kiểm tra tuy có bất ngờ, nhưng họ Đào ít nhất là mặt ngoài vẫn rất hợp tác, hoàn toàn không để lộ sơ hở gì.
Người trong hai làng Đào Nguyên, Đào Viên cũng không có vẻ gì là bị bóc lột nặng nề thái quá cả. Hơn nữa, các già làng cũng có tiếng nói nhất định chứ không hoàn toàn là phụ thuộc của họ Đào. Có thể nói, tuy nằm ở ngay sát thành Bạch Đế, nhưng hai làng Đào Viên, Đào Nguyên cơ hồ phong bế, lệnh của thành chủ và quan Chưởng Ấn còn không hữu dụng bằng vận động của già làng và họ Đào.
Phép vua thua lệ làng.
Chính vì loại tin tức phong bế này, nên rốt cuộc một năm thu hoạch được bao nhiêu nông sản, thuế khoán nộp lại thế nào hoàn toàn bằng một câu nói của họ Đào. Cho dù trên giấy tờ quan Chưởng Ấn các đời đều có bổ nhiệm giám điền quan đến hai làng này, nhưng Nguyễn Đông Thanh hoàn toàn không tin hành động này có hiệu quả.
Giám điền quan có thể thực sự không bị họ Đào đón mua sao?
Cho dù thực sự thanh liêm, thì có thể chịu đựng được bao lâu dưới sự áp lực của dân làng lẫn họ Đào?
Thở ra một hơi, Nguyễn Đông Thanh mới lắc đầu.
Theo hắn thấy, chuyện ruộng đất của họ Đào là tuyệt đối không thể xử lý trong một sớm một chiều được. Dù sao vũng nước này tay hắn với không vào, sức ảnh hưởng có hạn, chi bằng dời ánh mắt về phía ruộng công của thành Bạch Đế.
Không làm thì thôi...
Vừa nhìn thấy tình trạng của ruộng công, Nguyễn Đông Thanh đã có xúc động muốn chửi thề.
Số ruộng đất bỏ hoang vượt xa ruộng tư thành bắc, thành đông thì không nói, thuế thu cao, nhưng thu hoạch vào lại kém hơn ruộng tư của họ Đào phải hơn ba thành. Hơn nữa mỗi năm số tiền phải trích phủ khố chi trả cho nông cụ, trâu bò, nhân lực đều không phải một con số nhỏ. Nhất là mảng “nhân lực” xuất hiện vô số vấn đề.
Hư chức.
Chức quan không có thực quyền, không cần phải làm gì, nhưng bổng lộc lại cao dọa người cơ hồ nhìn đâu cũng thấy. Có kinh nghiệm từ cái lần đuổi việc đám cai ngục, không cần người nào nói Nguyễn Đông Thanh cũng đoán được cái sự thất thoát khủng khϊếp này từ đâu mà sinh ra.
“Cái này gọi là cha chung không ai khóc, trách nhiệm không của riêng ai đây đúng không?”
Nguyễn Đông Thanh vươn vai một cái, ngả người ra sau.
Kỳ thực, sự chênh lệch giữa ruộng công và ruộng tư thì hắn cũng đã đoán được, chỉ là không ngờ sẽ lớn đến thế mà thôi. Dù sao, người, nhất là người ở thời bình, chín phẩy chín phần mười đều làm việc vì lợi. Một khi không có động cơ lợi ích, vậy thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng trên có chính sách dưới có đối sách.
Tỉ như chuyện ruộng công ở Bạch Đế.
Vô luận là làm tốt hay xấu, bội thu hay mất mùa, thu hoạch ít hay nhiều thì lợi ích đều chảy vào phủ khố của thành Bạch Đế. Nếu đã là như thế, thì hà tất phải đau đầu phí sức làm gì? Trái lại, vì lợi ích của bản thân, nên họ Đào và dân làng Đào Viên, Đào Nguyên cơ hồ cày sâu cuốc bẫm, cố gắng hơn người trong thành đến mấy lần. Lại thêm nhà họ Đào vốn là sĩ tộc, căn cơ của gia tộc không đặt hoàn toàn ở ruộng đất, nên có chia một bộ phận lợi ích cho dân cày cũng chẳng sao.
Lâu dần, tạo thành tình trạng hiện giờ.
Ruộng công cơ hồ là bị quản lý theo kiểu được chăng hay chớ, hoàn toàn không sánh được với ruộng tư của họ Đào.
Đương nhiên, có lợi thì cũng có hại.
Hiện tại “an ninh lương thực” của thành Bạch Đế cơ hồ có ba phần tư nằm trong tay họ Đào. Đây là một loại quyền lực khủng khϊếp, thậm chí nói có thể ảnh hưởng đến quyết sách của thành chủ cũng không ngoa. Dù sao... Hồ Ma Huyền Nguyệt muốn nuôi tư binh, thì phải cho người ta ăn.
Thành thử, họ Đào một khi có dị tâm, tỉ như muốn giúp Đại Tề chẳng hạn, thì thành Bạch Đế nguy trong sớm tối.
“Có gì để mai tính vậy. Dù gì thì giờ cũng quá muộn để bắt đầu cải cách rồi.”
Nguyễn Đông Thanh ngáp dài một cái, đưa tay gãi mông. Chỉ còn ba ngày là bắt đầu vụ lúa của thành Bạch Đế, bây giờ còn cải cách thì dân cả thành chỉ có ôm nhau hít gió tây bắc. Gã khật khưỡng đứng dậy, leo lên giường kéo chăn ngủ.
oOo
Sau đó vài ngày...
Thành Bạch Đế bắt đầu vào vụ mùa, còn phủ Chưởng Ấn thì cũng bắt đầu những ngày rảnh rỗi.
Kỳ thực cũng không phải ít việc, mà là Bích Mặc tiên sinh của chúng ta sực nghĩ đến một cách. Từ mấy ngày trước, gã đã cho mời hội tiểu thư công tử, con ông cháu cha do Hoàng Sở Sở và Lâm Cảnh Trung đến phủ Chưởng Ấn.
Một mặt, hắn để Cố Văn phổ cập chữ số cho mấy người này.
Mặt khác, lại quăng hết đống chính vụ cho hội học sinh ký danh.
Về phần Nguyễn Đông Thanh, thời gian dư dả ra này hắn cũng không ăn không ngồi rồi. Mỗi ngày, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta đều để bốn người Vương Long Mã Hổ đi tìm hiểu nghe ngóng về dân sinh trong thành.
Ngày thứ tư kể từ lúc đi khảo sát tư điền...
Phủ đệ riêng của quan Chưởng Ấn bị Nguyễn Đông Thanh đổi tên thành phủ Khai Phong.
Vốn dĩ, gã chỉ coi đấy là một trò đùa, coi như là đáp lại “tiếng gọi của vũ trụ”.
Thế nhưng, ba chữ Khai Phong phủ lại khiến thế giới ngầm của thành Bạch Đế phải nổi ba đào. Song, đó là chuyện sau này. Còn hiện tại, Nguyễn Đông Thanh còn đang bận tối mắt tối mũi chuyện dân sự của thành Bạch Đế.
Trước đó, hắn lấy ánh mắt của độc giả tiểu thuyết để nhìn thế giới, thành thử có rất nhiều thứ vô lý đã bị gã bỏ qua. Thế nhưng, hiện giờ, ngồi ở vị trí Chưởng Ấn quan, Nguyễn Đông Thanh mới phát hiện... Huyền Hoàng giới nơi hắn đã sống hơn hai năm nay cơ hồ là một cái nồi cháo thập cẩm của đủ các loại mâu thuẫn.
Tỉ như...
Tuy thuật cơ quan phát triển, nhưng lại chưa từng có người nghĩ tới sử dụng cơ quan thú thay thế sức kéo. Trong khi ngay cả Tam Quốc Diễn Nghĩa, thứ như Mộc Ngưu Lưu Mã cũng đã xuất hiện từ rất sớm.
Trận pháp phát triển, thậm chí có thể khiến tạo vật cơ quan tự hoạt động một cách còn linh hoạt hơn robot tối tân nhất địa cầu, nhưng lại chưa từng thấy sự xuất hiện của khái niệm tự động hóa.
Tuy đan dược phát triển, nhưng tỉ lệ tử vong của trẻ em vẫn không khác gì địa cầu thời trung đại. Phải biết, cứ như thống kê thì ngày xưa số trẻ em chết non nhiều đến mức kéo tụt tuổi thọ trung bình của người cổ đại chỉ còn hơn ba mươi tuổi. Dẫu vậy, các tông môn thế lực khát thiên tài như khát nước lại hoàn toàn ngó lơ.
Vật phẩm chứa đồ và truyền tống môn tồn tại, nhưng ngành hậu cần và chuyển phát lại hoàn toàn không phát triển được. Tu sĩ các nhà các phái đều chỉ sử dụng chúng như một cách để lí giải hệ thống túi đồ, vật phẩm như trong game online mà thôi. Loạn lạc, nạn dân chết đói trên đường vẫn xảy ra đều như vắt tranh, nhiều như cơm bữa. Sản vật từ Quan Lâm truyền đến Bạch Đế vẫn có cái giá trên trời.
Hay tỉ như Võ Bảng Ngọc. Có thể tùy thời tùy lúc xem thông tin trên Võ Bảng, há chẳng phải chính là một loại điện thoại di động và mạng in-tơ-nét đơn giản hóa hay sao? Thậm chí, Huyền Hoàng giới này còn có thể truy cập được mạng toàn cầu của địa cầu kia mà.
Nhưng dẫu vậy, viễn thông của Huyền Hoàng giới cũng không hề phát triển.
Lúc đọc truyện, Nguyễn Đông Thanh vẫn giữ thái độ là “tạm ngưng sự hoài nghi” (suspension of disbelief), thành ra không mấy để ý. Nhưng lúc này chuyện tương tự xảy ra ngay trước mắt hắn, để hắn tự mình trải nghiệm thì Bích Mặc tiên sinh không thể nào ngó lơ được nữa. Có điều kiện, nhưng lại thủy chung không cách nào phát triển được, nếu nói là hoàn toàn ngẫu nhiên thì Nguyễn Đông Thanh không quá tin tưởng.
Hắn cũng được coi là độc giả lâu năm, hiện giờ gặp phải chuyện này, bất giác nghĩ đến một mô típ quen thuộc trong tiểu thuyết: một thế lực nào đó nấp sau màn đang cố tình kìm hãm sự phát triển của xã hội trong truyện.
Bích Mặc tiên sinh của chúng ta còn đang nghĩ vớ nghĩ vẩn thì từ bên ngoài, Dư Tự Lực đã chạy bổ vào. Cậu chàng gần đây ru rú trong phòng nghiên cứu sách vở liên quan đến y thuật và giải phẫu, cộng thêm Nguyễn Đông Thanh trong lòng nhàm chán quăng bảng tuần hoàn hóa học và mấy quyển sách hóa từ cổ viện đưa tới cho Dư Tự Lực, khiến cậu chàng cơ hồ không dứt nổi mắt, không rời nổi tay.
Lâu ngày ru rú trong nhà nghiên cứu, thể lực cũng không tốt bằng ngày trước.
Dư Tự Lực thở hổn hển, đoạn nói:
“Tiên sinh, tiên sinh. Có tin mừng. Đại sư luyện khí Hoắc Trường Ca đến bái phỏng, một hai đòi nhận Hàn cô nương làm đệ tử.”
Số chương còn lại hôm nay: 3 chương chính truyện.