Đặt con ếch xuống đất, ấn nhẹ vào phần đuôi, nó có thể nhảy vọt một bước dài về phía trước, còn xa hơn cả ếch đồ chơi, hệt như ếch thật!
Ngồi xổm chơi một lát, thằng bé nắm con ếch xanh chạy lon ton đến bên cạnh Từ Nhân, ngẩng đầu nhìn cô nói: "Cô, đừng đi."
"Đậu Đậu không nỡ để cô đi sao?"
Từ Nhân mỉm cười xoa đầu cháu.
"Không sao đâu, mấy hôm nữa cô về, lúc đó cô sẽ mua quà ngon cho Đậu Đậu."
Nghe thấy có đồ ăn ngon, cu cậu liền không nài nỉ nữa.
Từ Nhân phì cười: Đúng là nhóc con thực tế!
Mẹ Từ trừng mắt nhìn cháu, cười mắng: "Từ bao giờ lại học được trò moi đồ ăn từ cô thế hả! Chạy đi chơi đi!"
Rồi bà quay sang nói với Từ Nhân: "Con dành dụm được mấy đồng cũng đâu dễ gì, tiêu vào nó làm gì, tự mua đồ ăn vặt mà ăn."
Từ Nhân thầm méo mặt: Tiền sinh hoạt của cô hiện giờ đều do cha mẹ và anh cả gửi cho, còn phải chi tiêu dè xẻn nữa là đằng khác.
Tạm biệt cha mẹ, Từ Nhân dắt xe đạp, đạp về phía trường học.
Lâu rồi không đạp xe, cô có hơi lóng ngóng, loạng choạng một đoạn mới dần lấy lại được sự thuần thục.
Trường trung học Hồng Kỳ mà nguyên chủ theo học là trường cấp 3 số 6 của huyện Danh Dương, mới được thành lập sau khi khôi phục kỳ thi đại học.
Học sinh theo học không chỉ có ở trên huyện mà còn có những học sinh từ các xã, thị trấn lân cận chuyển đến.
Những học sinh có thành tích tốt đều đã vào học ở trường cấp 3 số 1, những học sinh còn lại không thi đậu vào trường số 1, vì lý do đường xá xa gần hoặc là thuận tiện đi lại nên mới chọn học trường số 6.
Vì vậy, chất lượng học sinh rất không đồng đều.
Một bộ phận là học sinh có thành tích học tập xuất sắc, mục tiêu là thi đỗ đại học.
Một bộ phận khác là gia đình khá giả, muốn cho con cái đến trường "mạ vàng", sau khi tốt nghiệp sẽ dễ xin việc hơn.
Từ Nhân không thuộc cả hai trường hợp trên, thành tích của cô làng nhàng, gia đình cũng không giàu có.
Đơn thuần là vì cha mẹ thương con gái, không muốn con gái phải vất vả làm ruộng, lấy chồng sớm.
Nghĩ đến anh cả là bộ đội, lương tháng tăng đều đều, chỉ cần tiết kiệm một chút thì có thể lo được tiền học phí cho con gái, thế là ông bà cho con gái đi học.
Học hết cấp 2 rồi đến cấp 3, học xong cấp 3...
À mà, cho dù không thi đậu đại học, thì thi vào nhà máy cũng là một hy vọng.
Trong trường hợp xấu nhất thì đã có anh cả lo, sẽ nhờ anh xin cho cô em gái một suất trong đoàn văn công, đến lúc đó hai anh em đều có công việc ổn định.
Khi Từ Nhân đạp xe đến cổng trường, trong đầu cô bỗng vang lên tiếng rè rè như dòng điện.
Cô biết đây là dấu hiệu hệ thống hỗ trợ cuộc sống đã được kích hoạt.
Hình như mỗi lần xuyên không, hệ thống chết tiệt này luôn xuất hiện muộn mấy ngày.
[Đạp xe 15 km, thưởng 20 điểm năng lượng, bạn muốn lưu trữ hay đổi?]
Một bảng thông báo của hệ thống hiện ra.
Ơ? Lần này là nhiệm vụ đạp xe? Kiếp trước là làm ruộng.
Mà thôi kệ, đạp xe cô cũng làm được.
Sau khi cân nhắc, Từ Nhân quyết định chọn "lưu trữ", nhân tiện vào mục thông tin cá nhân để xem thử số dư.
Quả nhiên, số điểm năng lượng mà cô tích lũy được khi xuyên thành nông nữ thời loạn lạc đã bị reset.
Lần nữa chứng minh rằng điểm năng lượng tích lũy được mỗi lần xuyên không chỉ có thể sử dụng trong thế giới đó, không thể tích lũy cho lần sau.
May mà lúc trước cô đã đổi phần lớn điểm năng lượng thành kỹ năng hoặc vật tư thông dụng, chỉ để lại một ít để kiểm chứng, nếu không thì giờ này tiếc hối không kịp.
20 điểm năng lượng thì đổi được gì nhỉ?
Từ Nhân mở trung tâm mua sắm của hệ thống ra xem, phát hiện ra rằng 20 điểm năng lượng ở thế giới trước có thể đổi được 5 đấu gạo hoặc 2 con gà, vậy mà ở đây chỉ đổi được vỏn vẹn 2 cái bánh ngô.
"..."
Hệ thống, mày lạm phát rồi!
Tốc độ lạm phát hiện tại còn thua xa mày.
Từ Nhân nhìn trung tâm mua sắm với ánh mắt oán hận, sau đó quyết đoán thoát ra.
Sau khi đến trường, việc đầu tiên là cô phải đến gặp giáo viên chủ nhiệm để giải thích lý do vì sao đi học muộn 2 ngày.
Nghe cô nói bị bệnh, thầy chủ nhiệm cũng không hỏi gì thêm, chỉ dặn dò vài câu rồi bảo cô về lớp học.
"Từ Nhân, sao giờ cậu mới đến?"
Đồng Quế Hoa - bạn cùng bàn kiêm bạn cùng phòng - dựng đứng quyển sách giáo khoa che mặt, nhỏ giọng hỏi.
"Mình có chút việc nên về muộn. Đã học đến đâu rồi?"