Nhìn thấy con gái lấy ra một xấp tiền công may quần áo và tiền đặt cọc của đơn hàng sau, mẹ Từ vui mừng khôn xiết:
"Nhiều vậy sao?"
"Đúng vậy! Kiểu dáng do con thiết kế, chị dâu may, mặc dù không dám nói là đẹp nhất thiên hạ, nhưng đẹp nhất huyện Danh Dương này thì chắc chắn là không có đối thủ!", Từ Nhân tự tin nói.
"Này, ai mà chẳng biết khâu vá? Chắc chắn là do con gái mẹ giỏi giang rồi!"
Mẹ Từ không hề có ý định khen con dâu.
Chị dâu Từ cũng không phản đối.
Trong lòng cô cảm thấy cuộc sống hiện tại giống như thiên đường vậy, so với trước kia tốt hơn rất nhiều -
không cần phải đi gánh phân cho người ta, không cần phải dậy sớm nhóm lò, đốn củi, quần áo, chăn màn cũng chỉ cần giặt của hai mẹ con cô.
Công việc ít đi không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là -
Cô được ăn no!
Từ sau lần em chồng để dành cho cô một bát cháo đặc, cô chưa bao giờ phải chịu cảnh đói bụng nữa.
Thậm chí có những hôm cô còn ăn no đến mức chướng bụng.
Hơn nữa, không chỉ được ăn no, từ ngày kiếm ra tiền cho gia đình, mẹ chồng cũng ít mắng chửi cô hơn.
Cuộc sống như vậy đã thắp lên cho cô một tia hy vọng.
Trong lúc đang vui mừng, cô em chồng bỗng nhiên dúi vào tay cô một tờ mười tệ.
"Chị dâu, đây là phần của chị."
"Sao lại cho chị dâu?" Mẹ Từ cau mày nói: "Nó là em chồng của cô, giúp nó làm việc là chuyện nên làm, sao lại nhận tiền, ý tứ gì thế hả? Mau trả lại cho em nó đi!"
"Mẹ, con chỉ là động miệng thôi, còn vất vả nhất là chị dâu, công sức của chị ấy bỏ ra còn nhiều hơn con, bố mẹ cũng vất vả, cho nên, số tiền kiếm được phải chia đều cho mọi người chứ! Này bố, phần của bố! Bố cầm lấy mua thuốc hút đi, đừng hút thuốc lào nữa, mua bao thuốc lá mà hút cho đỡ hại. Còn đây là của mẹ, mẹ là người vất vả nhất nhà, không chỉ phải quán xuyến việc nhà, chăm lo cho cả gia đình, mà còn phải làm việc nhà nữa, để cho bố con con yên tâm công tác, học tập, cho nên, phần của mẹ phải nhiều hơn một chút."
Nói rồi, Từ Nhân chỉ giữ lại năm hào, số còn lại đưa hết cho mẹ.
Mẹ Từ được con gái dỗ dành nên vui vẻ ra mặt: "Đưa hết cho mẹ thật à? Hay là con cứ giữ lấy mà tiêu?"
"Con đủ tiền tiêu rồi, giữ nhiều tiền như vậy làm gì! Hơn nữa, nhà mình cũng đâu có chia nhà, mẹ là người quản lý tiền là phải rồi."
Mẹ Từ nghe con gái nói vậy thì cảm thấy vô cùng hài lòng.
Một khoản tiền lớn như vậy, con gái nói cho là cho, chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ con gái hiếu thuận chứ sao!
Từ Nhân thấy mẹ không còn lăn tăn chuyện cho chị dâu mười đồng nữa, thở phào nhẹ nhõm.
Ban đầu cô định lén lút đưa, nhưng lại sợ nhỡ đâu một ngày nào đó lỡ lời nói ra, đến lúc đó cãi nhau ầm ĩ, chi bằng ngay từ đầu nói rõ ràng luôn.
Dù sao phần lớn đã cho mẹ, chị dâu là lao động chính, chia một ít cũng chẳng sao.
Cúi đầu xuống, nhìn thấy cháu trai ngoan ngoãn ngồi trên ghế nhỏ vừa nghe người lớn nói chuyện vừa chơi ếch xanh bằng giấy, Từ Nhân cong mắt cười hiền:
"A, quên mất còn Đậu Đậu của chúng ta nữa chứ, cô nghe nói dạo này Đậu Đậu ngoan lắm, giúp ông nhặt củi, giúp bà quét sân, ăn cơm xong còn tranh rửa bát, đứa trẻ ngoan như vậy, sao có thể không thưởng cho được! Nào, cô thưởng cho Đậu Đậu của chúng ta hai hào!"
"Con, con cũng có ạ?"
Đậu Đậu ngơ ngác, dường như không dám tin, lấy ngón tay nhỏ chỉ vào mình.
"Đương nhiên là có rồi! Chỉ cần đóng góp cho nhà chúng ta, không phân biệt người lớn hay trẻ nhỏ, ai ai cũng có phần!"
Cậu bé vui mừng khôn xiết.
Trời tối đen như mực, để tiết kiệm điện và dầu thắp, mọi người rửa mặt xong đều về phòng riêng của mình đi ngủ.
Phòng phía đông, mẹ Từ cầm phong bì dày cộp, lục tung tủ nhưng nghĩ mãi không ra nên cất chỗ nào.
Trước kia bà toàn cuộn lại bằng dây chun, cất vào hộp sắt, nhét vào lỗ trên tường đầu giường.
Nhưng hôm nay con gái cho nhiều tiền quá, cuộn lại rồi mà hộp sắt không nhét vừa, cất trực tiếp vào lỗ tường thì lại sợ chuột cắn, thế là bà muốn tìm một cái đồ sắt nào đó thích hợp.
Vừa tìm vừa nói chuyện với chồng: "Ông à, ông xem con gái tôi hiểu chuyện chưa kìa! Nhiều tiền như vậy, nói cho tôi là cho tôi ngay. À đúng rồi, còn chia cho ông mười đồng, ông cất đâu rồi? Lấy ra đây!"
Bố Từ: "... Đó là con gái hiếu kính tôi."