Editor: Tô Mộc Y
Dường như Trần Kiều đã trở thành một ngôi sao di chuyển từ từ trong ngân hà vô tận. Nàng không cảm nhận được thời gian, cũng không biết phải duy trì trạng thái như vậy trong bao lâu, chỉ cảm thấy ngân hà này giống như một dòng nước chảy róc rách, từng chút một xoa dịu hoài niệm và luyến tiếc của nàng với kiếp trước.
Ngay khi Trần Kiều cho rằng nàng sẽ tiếp tục trôi dạt như vậy, ngân hà đột nhiên rối loạn, nàng ngã xuống!
“A” một tiếng, Trần Kiều hoảng sợ khi bị rơi xuống, thét chói tai ngồi dậy.
Nha hoàn đang nằm ngủ gật trên bàn bị giật mình, tỉnh dậy thấy vẻ mặt kinh hoảng của người trên giường, nàng chạy nhanh tới, quan tâm hỏi:
“Tiểu thư sao vậy?”
Trần Kiều ngẩng đầu, trước mặt là một nha hoàn mặc váy xanh, khuôn mặt trắng trẻo, mắt to, dung mạo thanh tú.
Trần Kiều vừa muốn hỏi “Ngươi là ai” thì đầu lại đau, nàng theo bản năng chống một tay xuống giường, một tay đỡ trán.
Trần Kiều có kinh nghiệm từ lần trước, sau một lúc không khoẻ, liền bắt đầu tiếp thu số phận ở kiếp thứ hai do Bồ Tát đưa nàng tới.
Thật trùng hợp, kiếp thứ hai của Trần Kiều cũng tên là Trần Kiều, gia cảnh giàu có, cha mẹ chỉ có một hòn ngọc quý trên tay là nàng. Cha Trần có một người bạn họ Tạ, hai nhà đã sớm ước định, nếu mẹ Trần sinh con gái, hai nhà sẽ kết thông gia, cho nên lúc Trần Kiều vừa mới sinh ra đã có vị hôn phu hơn nàng hai tuổi.
Năm Trần Kiều được năm tuổi, quê nhà bùng phát dịch bệnh, cha Trần, mẹ Trần lần lượt bị nhiễm bệnh, vì không muốn lây sang con gái, phu thê họ đã phái người hầu đưa con gái sang Tạ gia, nhờ Tạ gia chăm sóc giúp. Tạ gia không thể từ chối việc nghĩa, Trần Kiều nhỏ bé ở bên ngoài, ngày nào cũng nhớ cha mẹ, tiếc rằng cha mẹ nàng không thể chịu đựng được, cả hai đều qua đời.
Trần Kiều liền trở thành trẻ mồ côi, vì Trần gia không có người thân nào khác nên Tạ gia liền nhận chăm sóc con dâu tương lai.
Trần Kiều và vị hôn phu Tạ Tấn là thanh mai trúc mã chân chính, Trần Kiều rất hay bị bệnh, là một ma ốm, người ngoài đều tiếc cho Tạ gia có một người con dâu yếu ớt như thế. Thế nhưng mẹ Tạ Tấn là Đỗ thị lại rất yêu thương Trần Kiều, thực sự coi Trần Kiều như con gái ruột, mỗi lần Trần Kiều bị bệnh, Đỗ thị đều lau mồ hôi, đút thuốc cho nàng.
Tạ Tấn cũng rất quan tâm Trần Kiều, nhưng loại quan tâm này càng giống huynh trưởng đối với muội muội hơn.
Vài năm sau, cha Tạ Tấn ra ngoài làm ăn, gặp phải kẻ xấu, không những bị cướp hàng mà còn mất mạng. Chủ gia đình đã mất, Đỗ thị phải một mình chăm sóc con trai đang tuổi ăn học và con dâu tương lai hay bệnh tật. Của cải dần cạn kiệt, cuộc sống của ba người ngày càng tệ, Đỗ thị không thể không nhận chút việc may vá, ngày đêm mệt nhọc khiến nàng mới hơn ba mươi tuổi mà người lại tiều tụy, tang thương như phụ nữ bốn mươi.
Ngày tháng trôi qua thật khó khăn, ông trời còn không thương tiếc, một cơn mưa bão ập tới, nơi Tạ gia ở bị ngập lụt, không có nhà để về, rốt cuộc Đỗ thị cũng nhớ tới người chồng đã chết còn có một cô nhỏ được gả tới Dương Châu, nghe nói rất giàu có, vì thế Đỗ thị liền mang theo con trai và con dâu tương lai trèo đèo lội suối tới Dương Châu.
Người cô của Tạ gia Tạ thị này, không thể không nói vận mệnh thực sự rất tốt, lúc đầu chỉ gả cho một người buôn bánh nhỏ họ Ngu - thương nhân miệng lưỡi trơn tru, quen xu nịnh, chọn việc bán lược, thước tốt để kinh doanh, rồi làm chưởng quầy của cửa hàng tơ lụa. Hắn làm chưởng quầy được mấy năm, rồi tự mình mở cửa hàng tơ lụa, việc buôn bán ngày càng thịnh vượng.
Công việc kinh doanh của chồng rất tốt, bụng Tạ thị cũng không chịu thua kém, sinh được đứa con đầu lòng là con trai, sau đó liên tục sinh ra hai cô con gái, cứ cho rằng lớn tuổi rồi thì không sinh được, sau vài năm nghỉ ngơi lại sinh được hai chị em sinh đôi.
Trong nhà âm thịnh dương suy, Ngu lão gia coi con trai trưởng Ngu Phú Quý như bảo bối. Năm tiểu Phú Quý được năm tuổi, Ngu lão gia mời một lão đạo sĩ đoán mệnh cho con trai, lão đạo sĩ sờ đầu, sờ tay chân tiểu Phú Quý, rồi nói với Ngu lão gia:
“Lệnh công tử tài vận suôn sẻ, có thể khiến Ngu gia trở thành nhà giàu nhất Dương Châu, chỉ là công tử không nên tảo hôn. Nếu thành thân sớm thì tài vận sẽ bị chặt đứt, phải chờ đến sinh nhật năm hai mươi lăm tuổi rồi mới bàn tới chuyện kết hôn.”
Ngu lão gia và Tạ thị tin là thật.
Lão đạo sĩ lại sửa lại tên cho tiểu Phú Quý, gọi là Ngu Kính Nghiêu, vì người có mệnh phú quý không nên đặt tên là Phú Quý.
Ngu lão gia, Tạ thị vô cùng vui vẻ đáp lễ bằng số tiền lớn.
Kể từ đó, Đại công tử Ngu gia được gọi là Ngu Kính Nghiêu.
Ngu Kính Nghiêu thông minh nhạy bén, lại học được thủ đoạn kinh doanh của cha mình, khi còn nhỏ tuổi hắn đã học được hư dữ ủy xà* của thương nhân, ngươi lừa ta gạt, trong nhà cần phải nịnh bợ quan gia, khách quý, hắn còn nịnh hót hơn cả cha, giúp đỡ cha tiếp nhận không ít chuyện buôn bán lớn, có người mua tới cửa hàng làm loạn, Ngu Kính Nghiêu liền từ tiếu diện hổ biến thành quỷ kiến sầu, chỉnh khổ chủ đến mức không nói nên lời, xám xịt rời đi.
*hư dữ ủy xà: hư tình giả ý, ứng xử qua loa, có lệ với người khác.
Khi Ngu Kính Nghiêu mười tám tuổi, Ngu lão gia bị bệnh rồi mất, mấy nhà bán tơ lụa khác ở Dương Châu nhân cơ hội này lên kế hoạch cùng nhau nuốt trọn công việc kinh doanh của Ngu gia, không ngờ Ngu Kính Nghiêu nhìn như đang mặc áo tang một lòng hiếu thảo với cha thật ra đã sớm phòng bị, không những không trúng kế, ngược lại còn tương kế tựu kế đánh bại ba kẻ địch mạnh nhất, kể từ đó Ngu gia trở thành nhà bán tơ lụa lớn nhất ở Dương Châu, ngày ngày hốt bạc.
Con trai buôn bán có lời, Tạ thị rất vui mừng, nhưng nàng càng muốn bế cháu hơn, bởi vậy khi Ngu Kính Nghiêu vừa tròn hai mươi lăm tuổi, Tạ thị liền khua chiêng gõ mõ thu xếp hôn sự cho con trai, sau đó tự mình chọn một người con dâu có gia thế không tồi, dung mạo đoan trang, dáng người đầy dặn. Vừa thấy đã biết là cô nương có thể sinh nở tốt.
Ngu Kính Nghiêu một lòng muốn kinh doanh, việc kết hôn đều nghe theo sự sắp xếp của mẹ, hắn chỉ cần lộ diện khi tới thăm cha vợ tương lai thôi. Năm thứ hai, hôn lễ chuẩn bị diễn ra, không ngờ khi cô nương kia đang chơi đánh đu thì dây thừng đột nhiên bị chặt đứt, hơn nữa lúc đu tới chỗ cao nhất mới xảy ra chuyện, vị thiên kim tiểu thư này mới ngã xuống, mất mạng ngay tại chỗ.
Tạ thị lén lút phàn nàn về sự đen đủi này với con trai.
Ngu Kính Nghiêu nghĩ thầm, ngày nào mẹ cũng nhắc tới vị hôn thê này mông to dễ đẻ, nhưng không phải là to quá nên dây thừng mới không chịu nổi sức nặng mà đứt sao?
Mặc kệ vì nguyên nhân gì, hai vị muội muội lớn tuổi đều đã lấy chồng sinh con, thật vất vả mới đợi được đến chuyện kết hôn của Ngu Kính Nghiêu nhưng lại thất bại.
Có người nói Ngu Kính Nghiêu có mệnh khắc vợ, Ngu Kính Nghiêu không tin, Tạ thị không tin, những người ham tiền của Ngu gia cũng không tin.
Khi Ngu Kính Nghiêu hai mươi sáu tuổi, tri phủ Dương Châu Hạ đại nhân chủ động mai mối, gả con gái vợ lẽ của ông ta cho hắn.
Lúc nhắc tới đề tài này trên bàn cơm, Ngu Kính Nghiêu cũng chưa từng gặp vị tiểu thư con vợ lẽ kia, không biết đẹp hay xấu, nhưng dù có đẹp xấu thế nào cũng không quan trọng, Hạ đại nhân cũng chỉ mượn tiền tài quyền thế của hắn để giúp cho con đường làm quan của ông ta, Ngu Kính Nghiêu cũng muốn dựa lưng quan phủ khiến việc làm ăn của nhà mình thuận lợi hơn.
Hắn bưng chén rượu lên, vui vẻ đáp ứng.
Kết quả vào cuối năm, vợ của Hạ đại nhân vì chồng lại nạp thêm một người thϊếp xinh đẹp vào phòng, mà ức giận đến hộc máu tắt thở. Vị hôn thê của Ngu Kính Nghiêu, Lục cô nương con vợ lẽ phải giữ đạo hiếu với mẹ cả, vì thế chuyện hai người kết hôn lại phải kéo dài thêm ba năm.
Ngu Kính Nghiêu không để bụng, nhưng Tạ thị buồn muốn chết, ba năm nữa con trai đã ba mươi tuổi rồi, làm gì có ai đến tuổi này mà vẫn chưa có con nối dõi đâu?